Thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phương án giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với doanh nghiệp vừa và nhỏ về mức 15% hoặc 17% (thuế suất phổ thông hiện hành là 20%). Với một đất nước mà hơn 90% DN là DN vừa và nhỏ và Chính phủ đang khuyến khích các cá nhân tham gia khởi nghiệp, việc ưu đãi thuế là điều cần thiết vì bản chất, đây là những đối tượng gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương, còn cá nhân khởi nghiệp thì khả năng thành công vốn bị đánh giá là không chắc chắn. Thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm động lực đầu tư, có thêm lợi nhuận, khi đó DN cũng bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Nếu hoạt động hiệu quả, DN cũng sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Việc đề xuất giảm thuế lần này có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của giai đoạn 2016-2020, nhưng thực tế cho thấy, việc bù đắp hoàn toàn có thể đến từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân, vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. Minh chứng cho điều này là lần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN năm 2013 (Luật 32/2013/QH13).
Khi đó, để bảo vệ quan điểm giảm thuế suất TNDN (giảm từ 25% xuống còn 22%), Bộ Tài chính dẫn các số liệu cho biết, từ năm 2009 đến năm 2011, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn thách thức, thuế suất TNDN giảm từ 28% xuống còn 25%, nhưng số thu ngân sách về thuế TNDN vẫn bảo đảm tăng trưởng. Cụ thể, trong giai đoạn 2009-2012, số thu thuế TNDN (không kể thu từ dầu thô) đạt mức bình quân khoảng 90.000 tỷ đồng/năm với mức tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 25% (năm 2009 đạt 52.191 tỷ đồng, năm 2010 là 82.297 tỷ đồng, năm 2011 là 96.600 tỷ đồng và năm 2012 là 129.391 tỷ đồng). Còn xét về tổng thể, ngay trong năm đầu thực hiện Luật 32/2013/QH13 (bắt đầu từ 1-1-2014), thu ngân sách vẫn tăng hơn 80.000 tỷ đồng so với dự toán.
Cùng với việc giảm thuế, Bộ Tài chính cũng đề xuất, đối với DN khởi nghiệp mới thành lập đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế hiện hành sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo với dự án đầu tư mới của DN khởi nghiệp tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực khuyến khích đầu tư... Tuy nhiên, tại nhiều hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, ưu đãi thuế không đi kèm với các quy định minh bạch sẽ gây méo mó và dễ dẫn đến lợi dụng.
Trong một kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Công thương TP Hà Nội cho rằng, ưu đãi về thuế cần rõ ràng. Bởi nhiều khi, để được hưởng các khoản ưu đãi về thuế, DN phải vượt qua các thủ tục và điều kiện rất phức tạp cho nên khó thực thi. Do đó, hiệp hội này kiến nghị cần nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện để các biện pháp ưu đãi cho DN có thể đi vào cuộc sống. Ngoài ra, giảm thuế cũng phải đi đôi với cải cách chính sách thuế và quản lý thực thi chính sách phải bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách nhà nước. Cần thống nhất nguyên tắc chi phí được trừ vào thu nhập tính thuế TNDN, kèm theo danh mục chi phí không được trừ, nên rõ ràng, minh bạch hơn các khoản chi phí không được trừ.
Nghị quyết 19 (về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh) và Nghị quyết 35 đều có tính đến tháo gỡ khó khăn của DN, hướng tới cải cách hành chính tốt nhất cho DN và việc giảm thuế, ưu đãi thuế là những bước đi quan trọng. Tuy nhiên, chính sách dù tốt cũng phải đi kèm với những biện pháp cải cách, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để quy định đi vào cuộc sống. Song thủ tục hành chính của ngành tài chính cũng liên quan đến thủ tục hành chính của các bộ, ngành khác, cho nên phải có sự chủ động, sửa đổi thể chế và cần có thời gian để các thủ tục hành chính chuyển đổi theo, kể cả việc đào tạo lại cán bộ công chức cho phù hợp, nâng cao kỷ cương trong thi hành công vụ thông qua việc giám sát thực thi.
HÀ MY