Lấy bằng lái ô tô

Gian nan

Gian nan

Gần 5 tháng, tính từ tháng 11-2005 - thời điểm bắt đầu triển khai thi sát hạch lái ô tô thực hành chấm điểm tự động bằng hệ thống cảm biến ở TPHCM - 3 trung tâm sát hạch lái xe (TTSH) đều đã được đầu tư thêm xe, và kịp rút ra nhiều kinh nghiệm tổ chức để điều chỉnh cho phù hợp tình hình. Tuy nhiên do có đến hơn 30 trung tâm đào tạo lái xe với hàng ngàn học viên mà chỉ có 3 trung tâm sát hạch lái xe nên nhiều trung tâm đang phải chờ đợi được xếp lịch thi sát hạch cho học viên của mình

  • “5 ngày gọi một lần”

Gian nan ảnh 1

Một góc trung tâm sát hạch đạt chuẩn tại khu vực TPHCM.

Nơi đào tạo lái xe của Trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải 3 đã phải dặn dò học viên của mình: “5 ngày gọi điện thoại đến trường một lần để nắm lịch thi sát hạch, chứ trường cũng chưa nắm được, chỉ Sở GTCC TPHCM mới có quyền quyết định”.

Đây là sự phiền hà mà hàng trăm học viên học lái xe khóa B2 - K117, K118 phải chịu đựng. Lịch thi bị thay đổi đến chóng mặt, lúc thì ở TTSH Trường Trung học Giao thông - Công Chính (Nguyễn Ảnh Thủ, Q.12), lúc khác lại ở TTSH Củ Chi.

Rốt cục hiện nay… các thí sinh vẫn cứ phải “5 ngày gọi điện thoại một lần”. Nhiều học viên ở tỉnh xa lên thành phố thi đã chán nản bỏ về sau nhiều lần chờ mãi không thi được.

Thực tế thì chưa có trung tâm đào tạo lái xe (TTĐT) nào đứng ra “kêu” chuyện này vì ngại. Chi phí đào tạo vốn đã rất ít ỏi, nay cứ phải gánh cho học viên tiếp tục tập dượt, vì chưa được thi, trách nhiệm vẫn còn. Học viên rất lo âu và mệt mỏi vì chờ đợi, nhiều việc phải bỏ dở vì không dám đi xa… “Lỡ trong lúc đi mà được kêu lên thi thì… làm sao”- anh Nguyễn Văn Bồng, một học viên của Trung tâm đào tạo lái xe Củ Chi nói. Mà không thi được thì coi như phải chờ đến năm sau.

Việc học lái xe với các học viên thuộc các TTĐT suy cho cùng vẫn còn có các TTĐT lo “chạy” lịch. Chỉ khổ các bác tài bị bấm lỗ bằng lái - họ phải tự học và tự đăng ký thi. Dịch vụ ăn theo kiểu “luyện thi lấy bằng” nhờ đó đã nở rộ. Đối diện TTSH của Trường Trung học GTCC TPHCM đã xuất hiện nhiều điểm ôn luyện thi lý thuyết mà đối tượng đa phần là các bác tài bị bấm lỗ bằng lái.

Thầy Xuân, một giáo viên trợ lái của nhiều TTĐT, tranh thủ đặt 10 máy vi tính có cài đặt chương trình “300 câu hỏi lý thuyết thi lấy bằng” cho bà xã trông coi với giá thuê 10.000đ/giờ. Nếu các bác tài cần thầy hướng dẫn, thầy Xuân cũng nhận luôn với giá 10.000đ/giờ. Cửa hàng của thầy Xuân cũng có đĩa CD với 300 câu lý thuyết sãn sàng bán cho bác tài về nhà tự luyện thi.

Thầy Xuân nhận xét rằng đa số người thi lấy bằng lái xe D,E,F là dân lái xe chuyên nghiệp, sinh kế cũng nhờ lái xe, nhưng do trình độ thấp nên trượt lý thuyết nhiều, chứ lái xe B1, B2 là nhà có xe, công chức nên việc học lý thuyết với họ không gay go lắm. Theo thầy Xuân, đối tượng vào đây phần lớn là các tài xế lâu năm nhưng bị bấm hết lỗ bằng lái, Phần lớn trong số này đã lâu không đến các TTĐT và chưa từng thi lấy bằng lái theo kiểu chấm điểm tự động rất cần có sự chỉ dẫn bài bản nếu không muốn bị thi trượt.

Nhiều bác tài ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh vì cần có bằng lái xe gấp đã “khăn gói” lên thành phố thi (ở nhiều tỉnh không tổ chức thi lấy bằng lái xe thường xuyên nên muốn có bằng gấp, các bác tài phải lên TPHCM thi). Thế nhưng, các thí sinh ở TPHCM còn phải đợi thi lấy bằng, huống gì các thí sinh ở dưới tỉnh lên… Kết quả là đã có người phải chạy xe ôm kiếm tiền nuôi gia đình trong khi ôn luyện và chờ thi lại.

Kế cửa hàng của thầy Xuân, một người Hàn Quốc cũng đã nhanh chân thuê mặt bằng đặt mô hình lái ô tô tự động và cho thuê thực hành với giá 70.000đ/giờ, rẻ hơn gần ½ so với vào sân thật tập dượt. Dịch vụ nhà trọ bình dân, điện thoại công cộng cũng nhộn nhịp không kém, sẵn sàng đón tiếp người thi lấy bằng từ các tỉnh lên ôn luyện.

Theo Bộ GTVT, khi một số TTSH ở miền Tây và miền Đông Nam bộ hoàn thành thì áp lực thi sẽ không căng thẳng như hiện nay. Tuy nhiên, bao giờ hoàn thành thì chưa biết.

  • Học và thi - khác nhau “một trời, một vực”

Có một thực tế là sân bãi của các TTĐT thường cũ, nhỏ - khác rất nhiều so với sân bãi thi của các TTSH được đầu tư vài chục tỷ đồng. Nhà đầu tư của các TTĐT thường có tâm lý “làm sân tập lái cần gì tốn tiền tỷ”. Sân khác, xe tập lái cũng nhiều chủng loại nên về cơ bản đã biết lái xe nhưng khi bước vào thi với loại xe khác, nhiều thí sinh vẫn rất “ngợp”, nhiều người đã rớt oan uổng vì việc này. Nhiều thí sinh rủng rỉnh tiền bạc đã mạnh tay thuê xe có gắn cảm biến dượt trước để đi thi cho chắc ăn. Thế nhưng số người này không nhiều vì đa số các bác tài đều có cuộc sống không dư dả.

Hiện nay ngành chức năng đã bổ chỉ tiêu thi cho các TTSH nhưng dường như vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Cứ mỗi đợt thi trung bình có khoảng 1/3 thí sinh rớt, cộng với số phải thi mới làm cho tình trạng quá tải ở các TTSH ngày càng trầm trọng cho dù nhiều TTSH đã đầu tư thêm xe và phương tiện cho cuộc thi.

Lê Quân

 

Tin cùng chuyên mục