Nếu không có gì thay đổi, tại hội nghị đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật do Bộ KH-ĐT phối hợp UBND TPHCM tổ chức vào ngày 24-6, các dự án xây dựng bãi đậu xe sẽ được TPHCM đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư. Cùng với Quy chế khuyến khích đầu tư xây dựng bến bãi được UBND TPHCM ban hành năm 2004, động thái này chứng tỏ TPHCM đang rất cần có thêm các bến bãi đậu xe. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe đã gặp vô vàn khó khăn trong quá trình triển khai.
- Gian nan làm bãi đậu xe
Lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thành Hiệp Phát, nhà đầu tư xây dựng bãi đậu xe ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh- bãi xe đầu tiên được triển khai thực hiện từ chủ trương khuyến khích đầu tư xây dựng bãi đậu xe của TPHCM, đã kêu lên như vậy khi nói về hoạt động của bãi đậu xe này.
Ông Trần Ngọc Văn, Phó Giám đốc DNTN trên cho biết, ngân hàng đã có công văn thông báo sẽ siết nợ bãi đậu xe vì DN không trả được lãi vay đầu tư. Bãi đậu xe của DN này được triển khai xây dựng từ năm 2004 với công suất lưu đậu cho khoảng 500 xe các loại. DNTN Thành Hiệp Phát được các sở ngành của TP chấp thuận cho đầu tư theo cơ chế khuyến khích đầu tư của TP (TP sẽ hỗ trợ một phần lãi vay đầu tư trị giá khoảng 80 tỷ đồng cho DN). Tuy nhiên, việc xây dựng đã hoàn tất vào năm 2007, đến nay DN chưa hề nhận được sự hỗ trợ này - thậm chí việc tính toán mức hỗ trợ còn đang được xem xét lại.
Theo ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Công nghiệp thuộc Sở GTVT, hiện Sở KH-ĐT đang trình UBND TPHCM mức hỗ trợ mới, ước khoảng 50 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Văn cho biết, sự chậm trễ cùng sự thay đổi này đã đẩy Thành Hiệp Phát vào tình thế vô cùng khó khăn và nhiều khả năng DN phải chấp nhận cho ngân hàng siết nợ bãi đậu xe.
Câu chuyện đầu tư xây dựng bãi đậu xe của Thành Hiệp Phát đã được Báo SGGP đặt vấn đề nhiều lần nhưng như câu chuyện đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám, động thái hỗ trợ DN hoàn tất thủ tục đầu tư của không ít sở, ban ngành vẫn chuyển biến hết sức chậm chạp. Chủ đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm ở dưới Công viên Lê Văn Tám đã nhiều lần “hồ hởi, phấn khởi” tuyên bố sắp triển khai xây dựng dự án nhưng rồi cũng chẳng thấy đâu. “Tất cả là do thủ tục chưa xong”- một lãnh đạo của DN cho biết. Hay như việc xây dựng các bãi đậu xe ngầm khác dưới sân bóng đá Tao Đàn, dưới một phần đường Nguyễn Huệ… có không ít DN mong muốn triển khai đầu tư nhưng mọi việc cũng chỉ dừng ở bước… nghiên cứu.
Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là tất cả vấn đề. Việc triển khai xây dựng mới bãi đậu xe đã khó, việc giữ những bãi đậu xe hiện có cũng không dễ. Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM - đơn vị có hơn 1.000 xe buýt, cho biết, bãi đậu xe duy nhất của đơn vị rộng hơn 2.000m2 (được nhà nước giao quản lý) đang có nguy cơ bị biến thành chung cư theo kế hoạch của địa phương (!?).
- Đủ bãi đậu xe: Bao giờ?
Theo Quy hoạch Phát triển GTVT TPHCM đến năm 2025, diện tích đất dành cho tất cả bến bãi cho các loại xe dừng đậu, phải vào khoảng 1.141 ha. Tuy nhiên, con số này ở TPHCM hiện chưa được khoảng 1/10 so với yêu cầu. Do vậy hầu hết các xe đều phải lưu đậu trên vỉa hè hoặc chiếm một phần đường để đậu. Diện tích đường của TPHCM vốn đã quá thiếu nay lại càng thiếu thêm.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết, chính vì điều này mà trong Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật sắp tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục đưa các dự án xây dựng bãi đậu xe vào danh mục ưu tiên đầu tư. Ông Trần Ngọc Văn đã nhận xét, vấn đề không chỉ là kêu gọi đầu tư mà còn là việc đơn giản hóa các thủ tục đầu tư. Theo ông, một số cán bộ phụ trách đầu tư được thay đổi liên tục và mỗi lần như thế buộc DN gần như phải làm lại từ đầu để báo cáo cho người mới (!?).
Không chỉ có vậy, nhiều chính quyền địa phương cũng không mặn mà với việc đầu tư xây dựng bến bãi đậu xe tại địa bàn của mình. Họ e ngại bãi đậu xe sẽ làm gia tăng mật độ xe lưu thông ở địa phương và kéo theo các tệ nạn xã hội. Nhiều địa phương đã đề xuất thay đổi công năng của các bãi đậu xe hoặc di dời nơi khác. Cách đây chưa lâu, Sở GTVT đã có một thống kê về việc các địa phương tự động điều chỉnh quy hoạch xây dựng bãi đậu xe thành quy hoạch một loại hình khác. UBND TPHCM đã yêu cầu các địa phương phải chấn chỉnh tình hình này. Tuy nhiên, bao giờ TPHCM có đủ diện tích bãi đậu xe cho các phương tiện giao thông vẫn là một câu hỏi khó trả lời
NGUYỄN KHOA