
Thời gian qua, hệ thống các cảng ở TPHCM đã được tích cực thực hiện di dời ra khỏi khu vực nội đô TP theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đã qua 2 năm, công việc di dời đang đi vào bế tắc.

Hệ thống cảng TPHCM trên sông Sài Gòn. Ảnh: Quốc Hùng
Di dời cầm chừng
Theo đề án di dời các cảng ra khỏi nội đô TPHCM của Chính phủ, bao gồm Tân Cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son và khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thuộc cảng Sài Gòn. Nhưng đến nay mới chỉ có Tân Cảng đã hoàn thành việc di dời vào năm 2008 về Cát Lái (quận 2) và đã xây dựng thêm cảng mới ở sông Cái Mép - Thị Vải.
Riêng Nhà máy đóng tàu Ba Son đang xây dựng nhà máy mới ở Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô lớn gấp nhiều lần so với nhà máy hiện hữu tại Sài Gòn. Tuy nhiên, cả Nhà máy đóng tàu Ba Son và cảng Sài Gòn đều đang thiếu vốn để xây dựng cảng, nhà máy mới nên không thể di dời đúng như kế hoạch. Đến thời điểm này, cảng Sài Gòn đã tiến hành xây dựng cảng mới là cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) với diện tích 100ha, có công suất xếp dỡ 18 triệu tấn hàng hóa.
Hiện việc xây dựng cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã lắp đặt được cầu tàu số 3 (200m), 2 bến phao, 3 cẩu vạn năng, 6 gàu ngoạm, 3 phễu… nhưng đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để đưa vào vận hành khai thác. Giai đoạn 1 dự án xây dựng khoảng 54ha. Xây dựng đưa vào sử dụng trước 600m cầu tàu trong tổng số 1,7km. Theo thiết kế giai đoạn gồm 800m cầu tàu, 2 bến phao, hệ thống kho bãi container, bãi hàng tổng hợp... hiện tại chỉ mới xây dựng được ít ỏi phần việc trên. Nay dự án đã ngưng thi công toàn bộ các hạng mục vì chưa thu xếp được nguồn vốn đầu tư.
Chờ vốn
Theo ban quản lý các cảng, nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu và muốn xây dựng trên các khu đất của cảng nhưng họ yêu cầu cảng phải xác định khu đất hiện tại sẽ chuyển đổi công năng như thế nào họ mới bỏ vốn đầu tư. Trong khi đó, nhu cầu vốn xây dựng cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 1 cần đến 4.000 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng 3.000 tỷ đồng. Hiện có một số phương án đang được tính đến đối với các khu đất trên sau khi đồ án quy hoạch được duyệt: có thể đấu giá để lấy tiền xây cảng mới hoặc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp cổ phần vào dự án để cảng có tiền di dời.
Trước tình hình khó khăn về tài chính trong việc đầu tư xây dựng, cũng như chưa có đường vào cảng mới, ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cảng Sài Gòn cho biết, hiện đơn vị còn nợ các đối tác khoảng 400 tỷ đồng. Để giảm bớt gánh nặng về tài chính và tránh lãng phí vốn đầu tư, đơn vị sẽ xin ý kiến đưa vào khai thác tạm 200m cầu tàu và 2 bến phao tại cảng Sài Gòn - Hiệp Phước trong năm nay. Những bước tiếp theo cảng sẽ tìm nguồn vốn tiếp tục hoàn thiện những hạng mục còn lại.
Cụ thể, giai đoạn từ nay đến 2015 điều chuyển dần các thiết bị hiện có từ cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để khai thác 600m cầu tàu đang xây dựng. Giai đoạn đến 2020 sẽ hoàn tất toàn bộ dự án với 800m cầu, kho, bãi... đưa vào khai thác đồng bộ với đường D3. Riêng việc đầu tư tuyến đường D3, với tổng mức đầu tư 290 tỷ đồng, UBND TPHCM đã giao cho cảng Sài Gòn thực hiện từ cuối năm 2011 và sẽ hoàn vốn từ nguồn chuyển đổi công năng cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên cảng Sài Gòn đang đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho ứng vốn ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi.
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, việc chậm di dời cảng Sài Gòn ra khỏi khu vực nội đô ngày nào thì sẽ gây bất lợi cho TPHCM ngày đó. Hiện nay, hệ thống cảng trên khu vực Cái Mép - Thị Vải đang hoàn thành, một số cảng đã đi vào hoạt động và đã có nhiều tàu quốc tế cập cảng. Vì vậy nếu cảng Sài Gòn - Hiệp Phước không sớm đi vào hoạt động thì nguy cơ mất khách hàng là điều khó tránh khỏi.
| |
Lương Thiện - Quốc Hùng