Việc còn một tỷ lệ không nhỏ quỹ tồn và tỷ lệ nợ quá hạn khó có khả năng thu hồi cao khiến hiệu quả và ý nghĩa của công tác trợ vốn cho người có đất bị thu hồi chưa được trọn vẹn.
Quỹ thừa, dân thiếu
Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất (Quỹ 156) đang tồn khoảng 50 tỷ đồng (chiếm 1/4 tổng quỹ) nhưng nhiều người dân phải đi tới đi lui, chờ đợi nhiều tháng liền vẫn chưa vay được vốn.
| |
Chị Nguyễn Thị Kim Mai (45 tuổi, ngụ khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) cho biết gia đình chị hai bàn tay trắng từ quận 6 về nơi ở mới. Chị mong muốn có một chút vốn liếng để mở quán nước buôn bán kiếm đồng ra đồng vào. Để đáp ứng yêu cầu của xã, huyện là có dự án, có “cơ sở” làm ăn, chị đã phải vay nặng lãi bên ngoài số tiền 20 triệu đồng (thực lãnh có 16 triệu đồng do “bôi trơn” trung gian mất 2 triệu đồng và chủ nợ chiết lại 2 triệu đồng tiền lãi 1 tháng) để mua đồ nghề cho việc buôn bán. Chị đã làm đơn vay 30 triệu đồng từ nhiều tháng nay, đến giờ chỉ “nghe nói” được vay 20 triệu đồng.
“Mỗi khi hỏi xã, xã nói không biết và chỉ sang Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Chánh, hỏi ngân hàng, ngân hàng nói do Phòng LĐTB-XH huyện. Hỏi Phòng LĐTB-XH huyện thì phòng nói đã gửi danh sách lên Ban Chỉ đạo giảm nghèo tăng hộ khá TP… Cứ thế, lần nữa, lần nữa. Giờ chỉ mong muốn được giải ngân sớm ngày nào hay ngày đó, chứ để lâu tiền vay bên ngoài lãi mẹ đẻ lãi con ăn hết vào thu nhập của gia đình”, chị Mai lo lắng.
Đồng cảnh ngộ, anh Nguyễn Đặng Hùng (33 tuổi, cùng ngụ khu chung cư tái định cư trên) cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ 156 sau khi gửi đơn vay từ trước đó 1 năm và dự án sửa xe của anh cũng đã được thẩm định từ cách đây 2 tháng. Không có vốn liếng tự tạo việc làm, cuộc sống của gia đình anh bộn bề khó khăn, phải vay nợ tùm lum để sinh sống qua ngày.
Tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B có 5 hộ đang mỏi mòn chờ vốn như thế. Phòng LĐTB-XH huyện Bình Chánh cho biết, hồ sơ vay của các hộ dân trên đã được gửi lên Ban Chỉ đạo giảm nghèo tăng hộ khá TP từ 2 tuần nay. Về lý do chậm trễ chuyển hồ sơ vay lên TP, theo Phòng LĐTB-XH là do… lỗi chủ quan của cán bộ xã: khi lập hồ sơ vay vốn của những hộ này, một cán bộ nữ đang… mang bầu; sau đó, người này nghỉ, bàn giao cho một cán bộ mới, do hạn chế nên đã “ngâm” hồ sơ quá lâu. Quận cũng chỉ mới thẩm định dự án vay của các hộ trên từ 2 tháng nay. Nếu thuận lợi, có thể 1 tuần hoặc 10 ngày nữa là có vốn!
Hiện nhiều người dân tái định cư ở chung cư Tân Mỹ (quận 7) cũng mong muốn sớm được giải ngân cho hồ sơ tái vay vốn. Tại quận 4, nhiều doanh nghiệp có đất bị thu hồi đi nơi khác, theo quy định, cũng chỉ được vay vốn 30 triệu đồng – bằng mức vay tối đa đối với 1 hộ gia đình.
Thu hồi ít
Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát nguồn vốn Quỹ 156 hậu cho vay cũng bộc lộ nhiều sơ hở. Từ khi đi vào hoạt động (tháng 4-2007) đến nay, với tổng nguồn quỹ hơn 203 tỷ đồng, Quỹ 156 đã cho hơn 2.900 dự án vay vốn, hỗ trợ việc làm cho hơn 37.000 lao động với tổng doanh số cho vay hơn 281 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chỉ thu hồi được gần 152 tỷ đồng.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP, sở dĩ việc thu hồi vốn chưa đạt tỷ lệ cao do việc sản xuất, kinh doanh của các hộ vay vốn gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp, thậm chí không có khả năng trả nợ. Một bộ phận hộ vay bị thu hồi nơi ở cũ, song lại gặp khó khăn nơi ở mới dẫn đến tình trạng phải quay về nơi cũ hoặc sang địa phương khác, làm khó khăn cho công tác thu hồi nợ. Thu hồi thấp đồng nghĩa với nợ xấu cao.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và nợ khó thu hồi lên đến gần 35 tỷ đồng, chiếm hơn 27% dư nợ trong dân (35/129 tỷ đồng). Trong khi đó, hiện chưa có trường hợp chậm trả nào bị “xử” vì Quỹ 156 chưa có chế tài phạt các trường hợp trả trễ hạn.
Những tồn tại trên khiến hiệu quả của Quỹ 156 còn hạn chế, ít người thụ hưởng; ý nghĩa của Quỹ 156 nhằm trợ giúp khó khăn cho người có đất bị thu hồi chưa được thể hiện trọn vẹn.
ĐƯỜNG LOAN