Trong những năm gần đây, bất chấp các cơ quan chức năng nỗ lực đầu tư cải tạo hạ tầng xử lý chất thải, thay mới nhiều giải pháp quản lý để đáp ứng với yêu cầu thực tế, song vẫn còn một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vẫn chây ì không thực hiện đúng quy định bảo vệ môi trường và không ít người dân vẫn chưa quan tâm đến việc gìn giữ môi trường sống chính mình. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với chuyên gia môi trường, Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa TPHCM về vấn đề này.
° Phóng viên: Chất lượng môi trường nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo ông, thực trạng trên hiện đang diễn biến như thế nào?
° Tiến sĩ LÊ VĂN KHOA: Cá nhân tôi đánh giá, tình hình ô nhiễm môi trường tại nước ta không hề giảm và có xu hướng tăng về nồng độ và trên diện rộng, không chỉ đánh giá qua số liệu đo đạc mà có thể quan sát trực tiếp khắp các địa phương, đặc biệt là xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các khu đô thị…
° Thực trạng này đang tác động như thế nào đến sức khỏe, chất lượng sống của cộng đồng?
° Cần có các điều tra nghiên cứu chi tiết để đưa ra các đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, về logic thì ô nhiễm tăng thì sức khỏe, chất lượng sống của đối tượng phơi nhiễm phải giảm.
° Ông có thể cho biết thói quen tiêu dùng có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng môi trường sống hiện nay? Phải chăng vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay xuất phát một phần từ thói quen tiêu dùng thiếu thân thiện với môi trường?
° Thói quen tiêu dùng hiện nay chưa ảnh hưởng rõ đến chất lượng môi trường sống tại nước ta nếu so sánh với các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường như các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông, khai khoáng…
Tuy nhiên, hiện với trào lưu tiêu dùng không thân thiện môi trường (như lãng phí năng lượng, lãng phí nước, sử dụng sản phẩm 1 lần, phung phí vật chất, chạy theo mốt, phương tiện đi lại…) có góp phần làm tăng ô nhiễm môi trường (nghẹt cống do bao nylon hay tăng lượng khí thải CO2…) và đặc biệt là lãng phí tài nguyên.
° Vậy ông có nhận định như thế nào đến xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay? Và lợi ích từ xu hướng này?
° Trong những năm gần đây, tại nước ta, thuật ngữ “tiêu dùng xanh” đã xuất hiện cùng với một số ít các sản phẩm xanh (như bao bì tự hủy thân thiện môi trường, bóng đèn tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm tái chế…). Các lợi ích: Một là đề xướng người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm xanh không bị ô nhiễm hoặc có lợi đối với sức khỏe cá nhân và cộng đồng; hai là chú trọng xử lý chất thải trong quá trình tiêu dùng; ba là hướng dẫn người tiêu dùng thay đổi quan niệm tiêu dùng, bảo vệ thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng...
Mở rộng hơn, điều đó sẽ thúc đẩy ngành sản xuất thân thiện môi trường, kích thích sự phát triển và thương mại hóa các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ có mức tiêu thụ carbon thấp, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững hơn. Và đặc biệt là thông qua các hành vi tiêu dùng xanh sẽ giúp nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường chung, cộng đồng sẽ ý thức hơn, và sẽ thực hiện các hành vi bảo vệ môi trường thường xuyên và quy mô hơn. Nhìn xa, hoạt động tiêu dùng xanh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho chúng ta và các thế hệ sau, trong khi giảm thiểu những tác hại về mặt môi trường có liên quan.
° Hiện rào cản xu hướng tiêu dùng xanh tại nước ta là gì?
° Rào cản cho việc tiêu dùng xanh trong cộng đồng có thể kể: nhận thức và kiến thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng chưa cao; sự thiếu phổ biến thông tin về sản phẩm xanh và ích lợi của chúng cũng như sự hiện diện ít ỏi của các sản phẩm xanh trên thị trường; giá cả của các sản phẩm xanh thường cao hơn các sản phẩm cùng loại; thiếu vắng các công cụ từ phía chính phủ để khuyến khích tiêu dùng bền vững gồm: tiêu chuẩn, thuế, trợ cấp, chiến dịch truyền thông, giáo dục…
° Để có thể phát triển mạnh xu hướng tiêu dùng xanh trong thời gian tới, theo ông cần phải làm gì?
° Việc phát triển tiêu dùng xanh tại Việt Nam, theo tôi, đang có thuận lợi lớn về thể chế và chính sách. Đó là chúng ta đã có các chiến lược quốc gia bao hàm nội dung “tiêu dùng xanh”. Trong đó, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có định hướng nghiên cứu áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng, trợ giá các sản phẩm tái chế; hình thành và phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện môi trường. Đồng thời, vạch ra giải pháp tuyên truyền, vận động xây dựng lối sống thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, carbon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường.
Về phía nhà nước thực thi chính sách trợ giá, khuyến khích người dân tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, các sản phẩm tái chế nhằm hỗ trợ ngành kinh tế môi trường phát triển... Kế đến, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của nước ta cũng được phê duyệt. Trong đó đã xác định nhiệm vụ chiến lược thứ ba là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Và trong 17 giải pháp thực hiện, giải pháp 8 và 13 cũng nêu rõ: có chính sách ưu đãi đối với nghiên cứu khoa học - công nghệ và phát triển, sản xuất và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm xanh/sinh thái; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh.
Tuy nhiên, để xu hướng tiêu dùng xanh phát triển và đi vào thực tế hơn, cần có các văn bản pháp lý và các chương trình hành động cụ thể hóa và chi tiết hóa các nội dung trong 2 chiến lược trên. Đồng thời đẩy mạnh các nghiên cứu về xây dựng các mô hình tiêu dùng bền vững trong nước. Phát huy tài lực và tính tích cực của các thành phần trong cộng đồng trong việc phát triển tiêu dùng xanh tại Việt Nam.
ÁI VÂN