Gian nan phòng, chống tội phạm

Cảnh sát khu vực, bảo vệ dân phố, dân phòng, trưởng khu phố là lực lượng trọng yếu trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Thế nhưng, tại TPHCM hiện nay những lực lượng này không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về nghiệp vụ, khiến tình hình tội phạm ngày càng lộng hành.
Gian nan phòng, chống tội phạm

Cảnh sát khu vực, bảo vệ dân phố, dân phòng, trưởng khu phố là lực lượng trọng yếu trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Thế nhưng, tại TPHCM hiện nay những lực lượng này không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về nghiệp vụ, khiến tình hình tội phạm ngày càng lộng hành.

Dân phòng “ngán” tội phạm

Khu vực chợ tạm trên đường Tạ Quang Bửu (phường 4, quận 8) là điểm nóng về an ninh trật tự, vì nơi đây thường xuyên xảy ra các vụ cướp giật, móc túi, con nghiện xin đểu. Trước thực tế này, mới đây UBND phường 4 cho lắp đặt chốt dân phòng ở góc giao giao lộ đường Tạ Quang Bửu và đường số 13 để phòng ngừa tội phạm phát sinh và kịp thời hỗ trợ người dân can thiệp, xử lý các vụ việc do kẻ gian tấn công. Thế nhưng, hiện nay chốt dân phòng này chẳng những không phát huy hiệu quả, lại còn phản tác dụng, gây phản cảm.

Quan sát tại đây vào sáng 20-11, chúng tôi thấy chốt dân phòng như một nhà kho vì bên trong không có người trực, lại chứa các xe đẩy, tủ bán thức ăn. Thấy chúng tôi chụp hình, chị bán rau ở đối diện nói: “Chốt dân phòng đó chỉ làm cản trở giao thông thôi. Năm ba bữa, có khi cả tuần mới có người tới trực, người trực lại là một ông già! Hai ngày trước, một phụ nữ đang đứng mua rau thì bị một thanh niên dáng gầy như con nghiện đi bộ tới giật túi xách chạy về hướng đường Phạm Hùng. Người dân ai nấy truy hô nhưng “ông già dân phòng” ngồi trong chốt chỉ bước ra ngoài cầm cây ba trắc đứng ngó. Thấy người dân bức xúc, ông này đến an ủi người bị giật giỏ xách coi như của đi thay người”. Chốt bảo vệ dân phố (BVDP) của khu phố 4 (phường 7, quận 6) nằm trên đường Võ Văn Kiệt và chốt BVDP của phường 10, quận 6 nằm trên đường Vành Đai nhiều tháng nay trong tình trạng kín cửa. Trong khi đó, người dân sống ở các khu vực này cho biết cướp giật, trộm cắp xảy ra như cơm bữa.

Thiếu nhân sự, chốt dân phòng của khu phố 4, phường 7, quận 6 luôn trong tình trạng kín cửa từ nhiều tháng nay.

Lý giải việc chốt BVDP không có người trực, một cảnh sát khu vực ở phường 7 (quận 6, xin giấu tên), cho biết: Sở dĩ chốt BVDP không có người trực là do thiếu nhân sự. Địa phương chỉ bố trí người trực ở những chốt đóng ở những khu vực đặc biệt nóng về trật tự. Còn việc thiếu nhân sự là do chế độ đãi ngộ hiện nay quá thấp (1,5 triệu đồng/người/tháng) quá ít, nên hiếm có thanh niên, người trẻ dự tuyển vào làm, còn người già thì làm không hiệu quả, chỉ là trực cho có, chứ tội phạm không hề sợ. Anh cảnh sát khu vực còn cho biết, không chỉ dân phòng, BVDP mà ngay cả cảnh sát khu vực ở nhiều phường xã tại TPHCM cũng đang thiếu nghiêm trọng, có nơi 1 cảnh sát khu vực phải quản lý địa bàn rộng, số lượng dân gấp đôi, gấp ba so với quy định. Không chỉ tồn tại ở quận 6 và quận 8, thực trạng thiếu và yếu lực lượng phòng chống tội phạm tại cơ sở ở các quận huyện còn lại của TPHCM hiện nay cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Chốt dân phòng ở góc giao lộ Tạ Quang Bửu và đường số 13 (phường 4, quận 8) không phát huy được hiệu quả vì thường xuyên không có người trực.

Giải pháp tình thế

Thực tế trên đã và đang khiến tình hình an ninh trật tự tại nhiều địa phương ngày càng diễn biến phức tạp, các loại tội phạm vì thế ngày càng lộng hành. Tại quận Bình Tân, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 393 vụ phạm pháp hình sự, trung bình mỗi tháng xảy ra 35 - 36 vụ, tăng 54 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Công an quận Bình Tân cho rằng, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây thừa nhận có phần do lực lượng phòng chống tội phạm tại cơ sở còn thiếu và yếu. Hiện nay Công an quận Bình Tân phối hợp, huấn luyện lực lượng bảo vệ các khu công nghiệp trên địa bàn quận cũng hỗ trợ lực lượng công an thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Với Công an phường Tân Thuận Đông (quận 7), trong khi lực lượng phòng chống tội phạm ở cơ sở còn thiếu và yếu thì công an phường này đã tổ chức thực hiện mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thí điểm xã hội hóa công tác quản lý, giám sát về an ninh trật tự ở khu dân cư, bằng cách quyên góp, đầu tư 34 thiết bị quan sát camera lắp đặt ở các hẻm, khu vực “nóng” về tội phạm. Các thiết bị quan sát được kết nối qua bộ truyền tín hiệu internet và 1 tivi đặt tại trụ sở công an phường để theo dõi, quản lý. Từ cách làm này, địa phương đã xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc xảy ra.

Thực tế trên cho thấy, nhiều địa phương đã linh động, sáng tạo trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự khi lực lượng cảnh sát khu vực, BVDP, dân phòng còn thiếu và yếu về nghiệp vụ. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những cách làm hỗ trợ, giúp các lực lượng chính quy (công an, quân sự…) hoạt động trong một thời điểm, một khu vực nhất định. Về lâu dài, thiết nghĩ TP cần quan tâm, đẩy mạnh đào tạo hợp lý, đủ chất và lượng cho cảnh sát khu vực, BVDP, dân phòng, bởi lẽ các lực lượng này có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm tại cơ sở.

PHẠM MINH

Tin cùng chuyên mục