Gian nan xử phạt hành vi xả rác

Cần giải pháp phù hợp
Gian nan xử phạt hành vi xả rác

Mức phạt đối với hành vi vi phạm môi trường đã được nâng lên đáng kể, thậm chí có những vi phạm đã tăng mức phạt lên gấp 10 lần. Thế nhưng, tình trạng vi phạm môi trường, nhất là hành vi xả rác nơi công cộng vẫn đang tiếp diễn. Nguyên nhân xuất phát từ công tác kiểm tra và xử phạt hành vi vi phạm môi trường của các cơ quan chức năng còn đang lúng túng.

Quận, huyện nào cũng rối

Đại diện UBND quận 2 (TPHCM) chia sẻ, thời gian vừa qua, tình trạng xe ben chở bùn thải xây dựng và công nghiệp từ những khu vực khác tập kết về quận 2 rất nhiều. Đặc biệt, là tại những khu đất trống của các dự án xây dựng.

UBND quận đã thành lập tổ truy bắt quả tang, thế nhưng, việc áp dụng quy định phạt còn lúng túng do không xác định được đây là bùn thải công nghiệp hay chất thải xây dựng. Về phía Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường cũng tổ chức vây bắt đối tượng có hành vi xả bùn thải không đúng nơi quy định, đồng thời tịch thu phương tiện là xe đổ chất thải, nhưng đến nay phải xử lý phương tiện bị tịch thu này như thế nào vẫn chưa rõ ràng.

Tại khu vực quận 1, lãnh đạo UBND quận đã triển khai kiểm tra, phát hiện và xử phạt đối tượng có hành vi vi phạm môi trường khu vực công cộng. Tuy nhiên, những vướng mắc trong quá trình triển khai cũng không ít. Đơn cử như trường hợp nhiều người bán hàng rong xả rác trên đường phố, khi bị phát hiện thì mức phạt áp dụng từ 5 - 7 triệu đồng. Thế nhưng, những đối tượng này không thể có được số tiền nộp phạt trên nên đành phải áp dụng biện pháp khắc phục là cho đối tượng vi phạm dọn sạch rác mà mình đã xả. Trường hợp khác, quận cho gắn camera để ghi hình các đối tượng có hành vi vi phạm môi trường, nhưng rất nhiều trường hợp vi phạm do không thể xác định được nơi cư trú nên ngành chức năng cũng không xử phạt được.

Người dân vô tư vứt các bịch rác bên quốc lộ 50. Ảnh: CAO THĂNG

Đại diện UBND quận 12 khẳng định, quy định về thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm môi trường hiện nay cũng chưa hợp lý. Cùng một đối tượng vi phạm môi trường, quận huyện phát hiện nhưng chỉ có chức năng xử phạt vi phạm hình chính bằng hình thức phạt tiền. Còn hình thức phạt bổ sung và triển khai áp dụng hình thức phạt bổ sung như niêm phong hệ thống trang thiết bị, nhà xưởng, phương tiện vi phạm lại thuộc cơ quan chức năng khác. Như vậy, hiệu quả xử phạt sẽ không cao và về mặt pháp lý chưa thực sự thỏa đáng.

Cần giải pháp phù hợp

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, việc xử lý hành vi vi phạm môi trường khu vực công cộng không thể không gặp khó khăn. Khó khăn vì cơ sở nhân lực, vật lực phục vụ cho công tác này đang rất thiếu. Mỗi quận huyện chỉ có vài cán bộ phụ trách môi trường. Còn trang thiết bị như hệ thống camera giám sát, ghi hình những đối tượng vi phạm môi trường chỉ số ít quận đủ điều kiện trang bị. Phần lớn còn lại phải dựa vào sức người. Trong khi đó, địa bàn quản lý của các quận phải từ vài trăm ngàn hộ dân, chưa kể dân vãng lai. Vậy nếu chỉ dựa vào sức người làm sao kiểm soát xuể. Mặt khác, thực tế cho thấy, đối tượng có hành vi vi phạm môi trường khu vực công cộng thường là người buôn gánh bán bưng. Đa số họ là dân vãng lai, hoặc người có hoàn cảnh khó khăn nên rất khó để cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm và áp dụng mức phạt. Do đó, để có thể nâng cao hiệu quả xử lý hành vi vi phạm môi trường khu vực công cộng, cần phải nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, kết hợp phát huy sức mạnh của cộng đồng trong việc phát hiện và chuyển cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần đưa thêm hình thức xử phạt bổ sung là lao động công ích để xử lý đối tượng vi phạm.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết thêm, với những bất cập trong hoạt động xử lý hành vi vi phạm môi trường mà các địa phương phản ánh, sở sẽ xem xét để tham mưu UBND TPHCM ban hành những giải pháp xử lý phù hợp. Riêng với việc phân cấp thẩm quyền đã được chính phủ ban hành thì các quận, huyện cần có sự phối hợp chặt chẽ với các sở chuyên môn để tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã làm việc với lãnh đạo UBND các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 155 của Chính phủ về tăng cường xử lý hành vi vi phạm môi trường.

Theo đó, sẽ phổ biến quy định này đến từng tổ dân phố; thiết lập thông tin đối tượng có hành vi vi phạm môi trường trên hệ thống bảng tin khu phố; tăng cường nguồn nhân lực tham gia phát hiện và xử phạt từ đội quản lý trật tự đô thị. Có thể bước đầu các đơn vị chức năng triển khai thông tin, nhắc nhở và lắp đặt hệ thống bảng cảnh báo hành vi vi phạm và mức xử phạt áp dụng trên diện rộng. Kế đến là xử phạt nặng kết hợp giải pháp yêu cầu khắc phục hành vi vi phạm cho chính đối tượng vi phạm. Thiết nghĩ, về lâu dài những hình thức xử lý trên sẽ đi sâu vào cuộc sống và nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân cũng sẽ được cải thiện theo hướng tích cực hơn.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục