Giành lại lòng lề đường

Phải nói là giành lại lòng đường, lề đường để trả lại cho giao thông và mỹ quan đô thị. Những ngày gần đây, TP Hà Nội quyết liệt ra tay, lập lại trật tự lòng, lề đường. TPHCM cũng vậy, trước đây cũng đã thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, do làm chưa quyết liệt, chưa mạnh tay và thường xuyên nên tình hình chưa chuyển biến, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường lại tái diễn với mức độ nghiêm trọng hơn trước. Người mua, người bán, hàng rong vây bủa đường phố, làm nhếch nhác ở nhiều khu vực, kể cả khu vực trung tâm. Vào buổi tối, các bãi xe 2 bánh, 4 bánh trái phép ăn theo các điểm mua sắm, dịch vụ ăn uống nở rộ khắp nơi.

Để xây dựng TPHCM trở thành TP văn minh, hiện đại, vấn đề đặt ra trên hết và cần làm trước hết là lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè - một vấn đề bức bách trong chương trình mang tính đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa IX nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra. TPHCM là trung tâm đô thị lớn nhất cả nước có gần 10 triệu dân với hơn 5,3 triệu xe máy và xe hơi (chưa kể 1 triệu xe hơi, xe gắn máy và trên 60.000 xe hơi của các tỉnh, thành phố khác lưu thông ở TPHCM). Vì vậy, việc bảo đảm cho đường thông, hè thoáng không phải là chuyện đơn giản.

Thực tế hiện nay, vỉa hè ở TPHCM đang bị chiếm dụng hết sức nghiêm trọng, làm cho bộ mặt cảnh quan đô thị trở nên nhếch nhác, mất trật tự, cản trở giao thông, nguy hiểm cho người đi bộ. Thời gian qua, việc TPHCM thu phí sử dụng vỉa hè để kinh doanh là thực tế khách quan nhằm để quản lý và giám sát chặt hơn. Tuy nhiên, do các cơ quan chức năng buông lỏng và thiếu các biện pháp quản lý, kiểm soát nên tình hình trở nên lộn xộn, gây ra nhiều phức tạp. Hễ lực lượng kiểm tra dẹp chỗ này thì người dân lại dạt về chỗ khác, hoặc sau đó lại tái diễn mua bán trở lại. Nạn lạm dụng, lấn chiếm phát sinh nhiều hơn và công khai hơn. Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ sẵn sàng chấp nhận mức phạt vài trăm ngàn đồng để chiếm dụng vỉa hè, lề đường để buôn bán mất trật tự.

Để lập lại mỹ quan đô thị, công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt nạn lấn chiếm vỉa hè cần được quan tâm đúng mức, áp dụng biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý triệt để vấn nạn này. Vừa qua, chính quyền 24 quận - huyện và một số sở - ngành TPHCM ký cam kết lập lại trật tự lòng lề đường, trong đó, nêu rõ trách nhiệm của chính quyền từng địa phương, kể cả xử phạt những nơi chưa làm tốt nhiệm vụ giữ gìn trật tự vỉa hè. Đây là tín hiệu tốt để TPHCM quyết tâm lập lại trật tự lòng, lề đường. Tuy nhiên, TP cần quy định rõ hơn là sau thời hạn đã định, nơi nào vẫn còn những điểm trông giữ xe tự phát, trái phép thì người đứng đầu chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm ra sao?

Quá trình thực hiện cần tăng cường theo dõi, kiểm tra đôn đốc kịp thời để giải quyết những phát sinh và có biện pháp hỗ trợ đồng bộ từ nhiều phía. Trước mắt, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với 24 quận, huyện để rà soát, điều chỉnh việc sử dụng lòng lề đường làm điểm kinh doanh, dịch vụ. Kiên quyết xử lý, xóa bỏ tình trạng bến cóc, xe dù tại một số khu vực trọng điểm, chấm dứt tình trạng xe khách liên tỉnh đi xuyên trung tâm TP. Khuyến khích các đơn vị khi xây dựng chung cư cao tầng, khu thương mại phải xây dựng bãi giữ xe ngầm.

TP cần đẩy nhanh việc quy hoạch ngành, nghề trên từng tuyến đường, khu vực tại TPHCM; rà soát tiến độ xây dựng các bãi giữ xe ngầm (như ở công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn…) hiện đang bị ách tắc về thủ tục, về vốn; kiến nghị với Trung ương xử lý những bất cập hiện nay khi nhiều cơ sở kinh doanh không có mặt bằng giữ xe cho khách, thường xuyên lấn chiếm lòng lề đường nhưng địa phương không thể rút giấy phép kinh doanh vì thiếu hành lang pháp lý…

Giành lại lòng đường, lề đường đang chiếm dụng trái phép, trả lại trật tự mỹ quan cho tất cả người dân TPHCM cùng được hưởng lợi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của cả người dân vì mục tiêu xây dựng TP văn minh, sạch đẹp. 

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục