Từ xa xưa, cha ông ta đã có câu: “Uốn cây từ thuở còn non/Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”. Trước Cách mạng Tháng Tám, năm 1941 Bác Hồ viết bài thơ Kêu gọi thiếu nhi có câu: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan...”. Ngày nay, trên khắp các châu lục đều vang lên khẩu hiệu: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.
Có thể thấy rằng từ xưa đến nay, mọi người đều cảm nhận tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em vì lẽ đây là chủ nhân tương lai của đất nước, của nhân loại trên toàn thế giới. Mặt khác tuổi thơ như tờ giấy trắng, như nhành cây non, cần sớm có sự giáo dục về mọi mặt từ tư tưởng, tình cảm, đạo đức đến tác phong, lối sống, sở thích, thị hiếu nghệ thuật... Chúng ta đều cảm nhận rằng nếu xao nhãng trách nhiệm này, một khi cái xấu sớm đến với các em nhỏ, trở thành tính cách thường trực, khi đến tuổi trưởng thành không dễ gì gột sạch.
Một trong những việc cần làm là phải định hướng sở thích, thị hiếu nghệ thuật cho trẻ em, trong đó âm nhạc đóng vai trò khá quan trọng. Vì lẽ âm nhạc có khả năng thể hiện ngay những ý nghĩ, quan điểm trong nội dung của nó, điều đó có nghĩa là nó có thể giáo dục tư tưởng, tình cảm cho người nghe. Từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, một triết gia đã cho rằng: “Âm nhạc thấm sâu vào tâm hồn và lôi cuốn mạnh mẽ, làm cho tâm hồn trở nên cao thượng nếu như vấn đề giáo dục trong âm nhạc được đặt ra một cách đúng đắn, nếu không sẽ có tác dụng ngược lại…”.
Thời cổ đại ở phương Đông có triết gia đã nhận định rằng: “Âm nhạc thâm nhập vào lòng người rất sâu, cảm hóa người rất nhanh; nhạc mà “bình” thì dân “hòa” mà không bị dục vọng lôi cuốn, nhạc mà “nghiêm’ thì dân “tề” mà không loạn; dân “hòa” và “tề”, đất nước tất vững mạnh…”. Từ thế kỷ thứ 15, Nguyễn Trãi cũng đã cho rằng: “Hòa bình là gốc của nhạc”. Đến nay, những quan niệm này về âm nhạc vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó, rất cần cho chúng ta tham khảo.
Trong những phương tiện giáo dục trẻ em, cần chú trọng đến nghệ thuật âm nhạc. Phải tạo điều kiện cho các em tiếp xúc thường xuyên với những bài ca, bản nhạc lành mạnh, trong sáng, tiến bộ và dứt khoát tránh xa những loại ca nhạc xấu, mang tác dụng tiêu cực.
Trong thời gian vừa qua, âm nhạc dành cho tuổi thơ ở thành phố ta và trong cả nước đã có sự đầu tư nhất định. Các tỉnh thành, các quận huyện thường xuyên có những hội diễn thiếu nhi như “Hội thi Tiếng hát măng non”, “Hội diễn Hoa phượng đỏ”, “Liên hoan Búp sen hồng”, “Hội thi Sử ca”…
Trên sân khấu, màn ảnh nhỏ truyền hình, làn sóng phát thanh, trong các trường học, các nhà thiếu nhi, lời ca tiếng hát của trẻ em đã góp phần tích cực và hiệu quả trong sự nghiệp giáo dục tư tưởng tình cảm, đạo đức, lối sống cho tuổi thơ, làm cho các em thêm yêu đất nước, quê hương, anh bộ đội, mái trường, thầy cô, gia đình, cha mẹ… Thế nhưng, hiện nay âm nhạc cho thế hệ trẻ em, ở nơi này nơi nọ vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Một số cơ quan truyền thông, xuất bản, đoàn thể nghệ thuật chưa thật sự xem trọng vai trò giáo dục của âm nhạc đối với thiếu nhi.
Gần đây, thời lượng chương trình ca nhạc thiếu nhi trên truyền hình hay phát thanh phần nào bị các chương trình người lớn lấn át. Trên kệ các cửa hàng sách, có thể thấy tập nhạc và đĩa nhạc dành riêng cho thiếu nhi thật ít ỏi. Gia đình, nhà trường và xã hội cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc phổ cập âm nhạc lành mạnh, trong sáng, tiến bộ để giáo dục tuổi thơ, không để âm nhạc xấu có cơ hội len lỏi làm vẩn đục tâm hồn các em.
Một nhà sư phạm nổi tiếng trên thế giới đã phát biểu: “Mục đích chính của giáo dục âm nhạc không phải là đào tạo những nhạc sĩ mà là đào tạo những con người”. Một khi đào tạo con người, đương nhiên chúng ta phải bắt đầu từ thuở ấu thơ, mà một trong những phương tiện đào tạo đạt hiệu quả nhất chính là âm nhạc.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục