Giáo dục đại học vùng ĐBSCL: Mất cân đối trong ngành, nghề đào tạo

ĐBSCL được xem là vùng “trũng” về một số chỉ tiêu, như tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có trình độ đại học… Yếu tố bất lợi này đã tạo thành rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.
Hoạt động tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Cần Thơ năm 2023
Hoạt động tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Cần Thơ năm 2023

Lao động qua đào tạo còn thấp

Theo báo cáo kinh tế thường niên của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, tính đến tháng 6-2022, ĐBSCL có khoảng 10 triệu lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 14,9%, tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 6,8%, thấp nhất cả nước. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đại học tại vùng Đông Nam bộ là hơn 16%, vùng Đồng bằng sông Hồng là 14,5%. ĐBSCL hiện có khoảng 17,4 triệu người, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động có trình độ đại học như trên là chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.

Mặc dù trong những năm qua, trung ương đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy giáo dục vùng ĐBSCL nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển tại vùng vẫn còn nhiều hạn chế.

GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Có thể nói, ĐBSCL là vùng “trũng” nhất về tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng như lao động có trình độ đại học. Do vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2030 có tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% (theo Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) thì ĐBSCL rất cần các giải pháp và định hướng mang tính đột phá.

Mô hình “phân hiệu đại học”

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ĐBSCL có khoảng 160.650 sinh viên/hơn 1,9 triệu sinh viên của cả nước (năm 2020). Hiện toàn vùng có 17 trường đại học, quy mô đào tạo dao động từ 1.000-35.000 sinh viên đại học. Trước năm 2000, toàn vùng chỉ có duy nhất Trường Đại học Cần Thơ, đến nay 10/13 tỉnh, thành có trường đại học. Ba tỉnh còn lại là Cà Mau hiện cũng đã có Chi nhánh Đại học Bình Dương; Bến Tre có Phân hiệu Đại học Quốc gia TPHCM; Sóc Trăng đang chuẩn bị đưa vào hoạt động Phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ.

Mặc dù có sự phát triển về quy mô giáo dục đại học, nhưng ĐBSCL đang đối diện với thực trạng mất cân đối trong ngành, nghề đào tạo.

Theo GS-TS Nguyễn Thanh Phương, qua phân tích xu hướng đăng ký ngành nghề từ năm 2020, 2021 và 2022 của Trường Đại học Cần Thơ, chỉ có 19%-23% sinh viên đăng ký học các ngành kỹ thuật, công nghệ, còn lại là các lĩnh vực khác như kinh tế, luật, khoa học xã hội nhân văn. Trong khi đó, đặc điểm lao động của vùng đang dịch chuyển theo hướng giảm khu vực nông lâm, ngư nghiệp, tăng các ngành nghề về kỹ thuật, công nghệ. Do đó, việc ưu tiên chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành, nghề mà xã hội đang có nhu cầu cao cũng cần được Bộ GD-ĐT quan tâm cho vùng ĐBSCL.

GS-TS Nguyễn Thanh Phương cũng cho rằng, với việc các trường đại học trong vùng đang giải quyết khoảng 80% số người học, thì việc đầu tư hay mở rộng số trường đại học trong vùng cần tính toán cẩn trọng. ĐBSCL có thể tham khảo mô hình trường đại học (hay đại học) gắn với các phân hiệu. Mô hình này sẽ tạo điều kiện để các trường đại học mạnh thành lập các phân hiệu, nhằm đào tạo một số ngành hay lĩnh vực mà địa phương có nhu cầu, thay vì phải lập trường đại học mới. Mô hình này còn có điểm hay là khai thác tối ưu nguồn lực giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của trường chính, giúp cho hoạt động đào tạo diễn ra thuận lợi.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Việc hình thành phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại Sóc Trăng có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết vấn đề nguồn nhân lực của địa phương. Với phân hiệu này, địa phương có thể “đặt hàng” đào tạo các ngành hay lĩnh vực mà địa phương có nhu cầu.

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, thông tin: Hiện đơn vị đang có hơn 28.000 sinh viên đến từ 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (chiếm hơn 28% quy mô đào tạo). Các địa phương cần có trách nhiệm với trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương mình. Trên thực tế, trường thuộc địa phương thì địa phương có cơ chế chi ngân sách, trong khi trường không thuộc địa phương nhưng vẫn phải đào tạo nhân lực cho các tỉnh, thành thì lại không được hỗ trợ ngân sách.

Tin cùng chuyên mục