Giáo dục nghề nghiệp: Định vị trọng tâm để bứt phá

Dù có nhiều nỗ lực trong thời gian qua nhưng nhìn chung hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vẫn còn chồng chéo trong việc quản lý, thiếu kinh phí, tuyển sinh kém hiệu quả... dẫn đến nhiền cơ sở “chết lâm sàng”. Thực trạng này đã được Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung thẳng thắn nhìn nhận tại kỳ họp Quốc hội vừa qua và khẳng định sẽ quyết liệt tái cấu trúc hệ thống, tránh trùng lặp để mang lại hiệu quả.

Ngắc ngoải tồn tại

Vùng Đông Nam bộ có khoảng 400 cơ sở GDNN, quy mô đào tạo nghề bình quân mỗi năm đạt trên 250.000 người. Riêng tại TPHCM, hiện có 376 cơ sở GDNN (chiếm 12,51% cơ sở GDNN của cả nước), bình quân hàng năm có hơn 195.000 người học tốt nghiệp các trình độ GDNN và tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, quá trình hoạt động vẫn còn nhiều vướng mắc phát sinh, nổi cộm là công tác giao đất, cho thuê đất cho các cơ sở GDNN chưa được thực hiện hiệu quả, một số cơ sở xuống cấp...

Trải qua gần 35 năm hình thành và phát triển, Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương hiện là một trong những đơn vị tốp đầu đào tạo nghề tiêu biểu của TPHCM và khu vực phía Nam khi hàng năm có gần 1.000 học sinh tốt nghiệp và hàng chục học sinh đoạt giải cao các kỳ thi kỹ năng nghề cấp thành phố, quốc gia và quốc tế…

Tuy nhiên, Th.S Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, tâm tư: “Mặc dù là trường mũi nhọn trong đào tạo nghề hệ trung cấp với 7 nghề trọng điểm quốc gia và bám sát 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM, nhưng do cơ sở vật chất xuống cấp, chưa đầu tư xứng tầm nên điều kiện học tập của học sinh còn nhiều hạn chế”.

Năm 2016, dự án cải tạo, xây mới khu B-C-D của trường đã được HĐND TPHCM thông qua với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng nhưng do gặp vướng mắc, chưa biết khi nào mới khởi động lại.

Tương tự, Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TPHCM (trước đây là cái nôi đào tạo nghề nông nghiệp của thành phố), do không được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dẫn tới từ con số 4.500 học viên/năm, nay rơi rụng còn chưa tới 300 người học. Khu đất rộng hàng chục hécta thuộc cơ sở 2 của nhà trường (số 52 đường 400, KP3, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) hơn 10 năm qua chưa được triển khai xây dựng.

Tại phía Bắc, nhất là ở Hà Nội, cũng có hàng chục cơ sở GDNN với cơ sở vật chất sử dụng từ 30-50 năm, đã cũ kỹ, xuống cấp… trông ngóng được sửa chữa hoặc xây mới, nhưng hiện vẫn “đóng băng”.

o4c-1506.jpg
Thầy và trò Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: QUANG HUY

Tiêu biểu như Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội được UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án xây mới với diện tích 9ha, kinh phí khoảng 894 tỷ đồng từ năm 2018, nhưng đến nay dự án vẫn còn trên giấy.

Còn tại khu vực miền Trung, 5 năm trở lại đây, nhiều trường cao đẳng, trung cấp ở TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam ngày một ngắc ngoải, đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển sinh được, giáo viên đối mặt với thất nghiệp. Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Đà Nẵng Lê Văn Minh cho biết, Đà Nẵng hiện có 61 cơ sở GDNN, trong đó có 17 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN và 26 cơ sở hoạt động GDNN. Tuy nhiên, một số trường trung cấp, cao đẳng đã ngưng hoạt động hoặc trong tình trạng “chết lâm sàng” vì không tuyển sinh được.

Sắp xếp, quy hoạch lại

Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, mặc dù mạng lưới cơ sở GDNN đã phát triển nhưng chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Tổng cục GDNN đã và đang quyết liệt quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN cả nước theo Quyết định 73/QĐ-TTg ngày 20-2-2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4-5-203 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng đồng bộ, hiện đại; hợp lý về ngành, nghề đào tạo, vùng miền; khắc phục chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và đào tạo ngành, nghề.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, ngoài việc cần đẩy nhanh việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới GDNN, công tác xã hội hóa lĩnh vực này đang nảy sinh nhiều bất cập. Nhiều tỉnh thành chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đối với giai đoạn sau năm 2020; chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở thực hiện xã hội hóa.

Mặt khác, có tình trạng địa phương thiếu sót trong công tác quản lý, như cho thuê đất đầu tư dự án khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng; giao đất, cho thuê đất đối với cơ sở dạy nghề khi chưa quy hoạch quỹ đất dành cho hoạt động xã hội hóa, không phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tại địa phương…

Trước thực trạng nêu trên, ông Tạ Văn Hạ kiến nghị, Bộ LĐTB-XH cần “trở bộ” nhanh hơn; tiếp tục nghiên cứu, tập trung làm tốt các nội dung như nâng cao năng lực, chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; đẩy mạnh triển khai các chương trình dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch đề ra; sắp xếp mạng lưới theo hướng mở, linh hoạt.

Đồng thời tham mưu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia tích cực vào GDNN; tăng cường hợp tác quốc tế, công tác dự báo, định hướng, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đào tạo của GDNN; rà soát lại cơ chế chính sách pháp luật về GDNN, khắc phục bất cập trước mắt, nhằm thúc đẩy GDNN phát triển xứng tầm.

* Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH LÊ TẤN DŨNG:

Kiến nghị tháo gỡ những nút thắt

Với mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 1.700 cơ sở GDNN; tổng số sinh viên, học viên 2,7 triệu người học/năm; hình thành phát triển 6 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; 12 trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao... Bộ LĐTB-XH kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét ban hành nghị quyết mới bảo đảm với yêu cầu đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới.

Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện các văn bản dưới luật, cơ chế, chính sách về GDNN, cải thiện chính sách tiền lương, chính sách công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; bảo đảm việc tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo, có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia…

Các bộ ngành, địa phương chủ động đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, GDNN trực thuộc, tổ chức đào tạo và hỗ trợ người học. Bộ GD-ĐT sớm có quy định bổ sung, công văn hướng dẫn về điều kiện để các cơ sở GDNN, cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật triển khai thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại trường; hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông khi cho phép cơ sở GDNN và cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật tổ chức dạy văn hóa tại trường. Bên cạnh đó, phân cấp cho sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp sở LĐTB-XH ở địa phương thẩm định hồ sơ của các trường đảm bảo theo quy định và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

* Phó Chủ tịch UBND TPHCM DƯƠNG ANH ĐỨC:

TPHCM đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao

Đến năm 2025, TPHCM sẽ sáp nhập ít nhất 50% trường trung cấp vào trường cao đẳng, sáp nhập trường cao đẳng hoạt động không hiệu quả vào trường hoạt động hiệu quả. Năm 2030, sáp nhập ít nhất 80% trường trung cấp vào trường cao đẳng; khuyến khích, ưu đãi trong thực hiện chính sách xã hội hóa GDNN. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc và đến năm 2030 đạt tỷ lệ 89%...

Mỗi cơ sở GDNN cần rà soát, đánh giá thực trạng một cách thực chất, trung thực nhất. Qua đó, đề ra chiến lược, kế hoạch, lộ trình khắc phục triệt để các thiếu sót, hạn chế. Xác định các lĩnh vực trọng điểm tập trung đào tạo, tránh đào tạo đa ngành, thiếu định hướng nhằm đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và thành phố. Việc đào tạo phải được gắn kết chặt chẽ với đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với các ngành trọng yếu là: công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch...

Theo Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đã vượt mốc 100 triệu người; tỷ lệ lực lượng lao động của Việt Nam đứng thứ 3 trong Cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, lực lượng lao động Việt Nam đang còn có nhiều bất cập, số lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 26,8%.

Tin cùng chuyên mục