Giáo dục STEM theo hướng nhẹ nhàng

Hơn 200 cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM vừa tham gia chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục STEM (chương trình giảng dạy các kiến thức và kỹ năng liên quan các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) nhằm tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn khi triển khai hoạt động này tại các trường học.

Theo TS Nguyễn Thành Hải, chuyên gia về giáo dục STEM tại Mỹ, STEM không phải một môn học mà là cách tiếp cận, triển khai dạy học theo hướng liên ngành nhằm giải quyết một vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Do đó, STEM không phải một phương pháp giảng dạy mà là sự kết hợp của nhiều hình thức hoạt động khác nhau, như thực hành làm sản phẩm thủ công, khảo sát tại nhà, hoạt động trải nghiệm ngoài giờ học, ngoại khóa...

Thêm vào đó, nhiều giáo viên nghĩ rằng dạy học STEM tốn nhiều tiền vì phải mua sắm trang thiết bị hiện đại, nhưng thực tế hoạt động này có thể triển khai bằng các thiết bị đơn giản, vật dụng tái chế như giấy, bìa carton, thùng xốp… Qua quá trình tham gia tập huấn giáo viên ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam, TS Nguyễn Thành Hải nhìn nhận, sự chuyển đổi phương pháp tiếp cận nào cũng khó khăn và gây bỡ ngỡ cho giáo viên, không thể đạt hiệu quả trong một sớm một chiều.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý giáo dục tại TPHCM, cho rằng, các trường nên triển khai giáo dục STEM theo hướng nhẹ nhàng, đừng biến dạy học STEM thành thước đo để thi đua, đánh giá, gây căng thẳng và thêm áp lực cho giáo viên. Không nên có cách hiểu cứng nhắc là một bài dạy STEM phải đủ 4 thành tố Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán (Math) mà có thể chỉ cần 2 lĩnh vực trở lên với xuất phát điểm là một vấn đề đặt ra trong cuộc sống, triển khai với hình thức truy vấn, giúp học sinh đặt câu hỏi và tìm câu trả lời cho câu hỏi đó. Với cách hiểu này, STEM hoàn toàn có thể triển khai trong các môn khoa học xã hội, nghệ thuật, giáo dục thể chất... chứ không chỉ ở các môn khoa học tự nhiên.

Hiện nay, tại các quốc gia phát triển, trung bình 5 năm các môn học được hiệu chỉnh một lần để phù hợp với bối cảnh xã hội. Tại Việt Nam, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã bước vào năm thứ tư triển khai. Theo các chuyên gia cho biết, sau năm học 2024-2025, Bộ GD-ĐT cần đánh giá toàn diện hiệu quả triển khai chương trình, trong đó có đổi mới giáo dục theo định hướng STEM nhằm nâng cao chất lượng đổi mới giáo dục.

Tin cùng chuyên mục