Giáo dục trẻ bằng trách nhiệm và lòng yêu thương

Tăng cường giáo dục kỹ năng sống
Giáo dục trẻ bằng trách nhiệm và lòng yêu thương

Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em, học trò đánh nhau liên tiếp xảy ra khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa. Câu hỏi làm thế nào để chống bạo hành và bạo lực học đường đã được các chuyên gia tư vấn tâm lý, quản lý giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em trả lời trong buổi giao lưu trực tuyến “Chống bạo hành trẻ em và bạo lực học đường” do Báo SGGP tổ chức ngày 6-12.

Hình ảnh trong video clip vụ bạo hành học đường xảy ra tại một trường THPT ở Hà Nội đầu năm 2010. Ảnh: T.L.

Hình ảnh trong video clip vụ bạo hành học đường xảy ra tại một trường THPT ở Hà Nội đầu năm 2010. Ảnh: T.L.

Tăng cường giáo dục kỹ năng sống

Bạn đọc Nguyễn Văn Hai, quận 5 đặt vấn đề: “Hiện nay áp lực học của học sinh (HS) quá căng thẳng nhưng giờ ngoại khóa, học về kỹ năng sống với bạn bè quá ít. Vì thế, chỉ cần thấy bạn bè… nhìn thấy ghét, nhìn đểu liền xông vào đánh nhau”. Ông Trần Khắc Huy (Trưởng phòng Công tác Học sinh, sinh viên Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: Chúng tôi rất đau lòng trước thực trạng HS sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Nếu nhà trường có cách giáo dục phù hợp, có sự phối hợp tốt với cha mẹ HS, giáo viên nắm bắt được tâm sinh lý của HS để có biện pháp ngăn chặn kịp thời mâu thuẫn, chúng ta sẽ ngăn chặn có hiệu quả bạo lực học đường. Sở đã phối hợp với các đơn vị khác tạo nhiều sân chơi nhằm giúp các em thư giãn như tham gia hoạt động phong trào, chương trình ngoại khóa.

Việc tư vấn tâm lý học đường hiện nay ở các trường cũng được bạn đọc ở địa chỉ lamnguyen5678@yahoo.com băn khoăn: “Ở một số trường, không có phòng tư vấn học đường nên tổ trưởng giám thị kiêm luôn nhiệm vụ này. Có học sinh cho rằng: Giám thị ở trường “dữ như bà chằn - làm sao tụi con dám thổ lộ tâm sự?”. Ông Huy nói: “Đây cũng là mặt hạn chế dẫn đến bạo lực học đường do những mâu thuẫn, xích mích của các em chưa được tư vấn đúng lúc, kịp thời để giải tỏa những ức chế trong suy nghĩ của các em. Sở yêu cầu trong thời gian tới, tất cả trường học trên địa bàn TP phải xây dựng phòng tư vấn học đường và có cán bộ chuyên môn phụ trách nhằm lắng nghe và giải đáp những tâm sự, băn khoăn của HS”.

Nhiều bạn đọc chất vấn: “Hệ thống tư vấn học đường ở các trường vừa yếu vừa thiếu giáo viên tâm lý, ai giúp các em giải tỏa những vấn đề bức xúc này?”. Th.S Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt cũng nhìn nhận thực tế công tác tư vấn tâm lý học đường chưa được quan tâm, thiếu chuyên gia tư vấn tâm lý chuyên nghiệp. Th.S Tâm nói: “Đây là vấn đề “nóng” cần được nhà trường và cả hệ thống giáo dục quan tâm đầu tư. Trong tình hình như vậy, những chia sẻ, lắng nghe và định hướng từ cha mẹ là điều quan trọng. Hiện nay cũng có nhiều trung tâm tư vấn tâm lý được thiết kế chuyên nghiệp. Khi phụ huynh thấy con em mình có vấn đề về tâm lý, hãy mạnh dạn đưa các em đến tìm sự hỗ trợ từ các nhà tâm lý”.

Cô giáo mầm non cũng cần được tư vấn

Tình trạng bạo hành trẻ em ở lứa tuổi mầm non đặc biệt được nhiều bạn đọc quan tâm và bức xúc. Bạn đọc ở địa chỉ trucnguyen@lbm.com.vn đặt vấn đề: “Có quá nhiều vụ hành hạ dã man trẻ em ở các nhà trẻ tự phát. Chẳng lẽ xã hội không có biện pháp nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này?”.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT cho biết: “Ngành Giáo dục chỉ quản lý những cơ sở, trường, lớp nhóm mầm non tư thục đã được UBND quận huyện và phường - xã cấp phép. Các cơ sở nuôi trẻ tự phát hoạt động chui phải do lãnh đạo các phường - xã phát hiện, kiểm tra và xử lý. Chúng tôi chỉ hỗ trợ các cơ sở có đủ điều kiện nuôi dạy trẻ và thiện chí với trẻ em, hoàn chỉnh các thiếu sót của họ để có thể thẩm định cấp phép. Chỉ khi đó, chúng tôi mới có quyền hạn và trách nhiệm giúp đỡ về chuyên môn hoặc tiến hành thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. Ngược lại, nếu cơ sở không đủ điều kiện nuôi dạy trẻ an toàn, phải giải thể ngay các cơ sở không phép”.

Giáo dục trẻ bằng lòng yêu thương ngay từ khi các em còn bé

Giáo dục trẻ bằng lòng yêu thương ngay từ khi các em còn bé

Ở một số trường công, do sĩ số đông, điều kiện làm việc chưa được cải thiện tốt hoặc thiếu giáo viên có thể là những áp lực khách quan dẫn tới các hành vi bạo lực thiếu kiềm chế ở một số giáo viên. Bạn đọc ở địa chỉ ngocnga@gmail.com cho rằng cần thiết phải tư vấn tâm lý học đường cho các cô giáo mầm non để giải quyết những căng thẳng do công việc. Bà Thanh trả lời: “Chúng tôi cũng đã suy nghĩ tới vấn đề này. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý hiện chưa đủ để cung cấp cho tất cả các trường cùng một lúc nên chúng tôi sẽ gợi ý cho các trường có sĩ số đông ký hợp đồng theo giờ với các nhà tâm lý để tư vấn cho phụ huynh và giáo viên”.

Giáo dục trẻ bắt đầu từ người lớn

“Làm thế nào để phát hiện sớm trẻ em bị bạo hành?” là câu hỏi được nhiều bạn đọc đặt ra với bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM. Bà Minh cho biết: “Để phát hiện sớm trẻ em bị bạo hành phải dựa trên các yếu tố như có dấu bầm trên mặt, tay, chân, lưng, mông; vết rách, chảy máu, sưng, tụ máu... Về tinh thần, trẻ có những rối loạn về giấc ngủ (ngủ mớ, khóc đêm, đái dầm, hốt hoảng lo âu,  học hành sa sút, không thích đi học, sợ đi học, biếng ăn, nói dối…) hoặc có những hành vi gây hấn khi va chạm với bạn bè…”.

“Nếu nạn bạo hành và bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều, e rằng mai này chẳng ai còn quan tâm đến chuyện vượt đèn đỏ, leo vỉa hè của người đi đường nữa?”, bạn đọc ở địa chỉ Dungnguyen18@yahoo.com đặt vấn đề. Th.S Nguyễn Thị Tâm nhìn nhận: Khi một xã hội mà cái ác, cái xấu, bạo lực diễn ra thường xuyên, việc ảnh hưởng đến lối sống nhân cách của cả một thế hệ là điều tất yếu. Vì vậy, muốn giáo dục tốt cho các em, trước hết phải bắt đầu từ người lớn. Cha mẹ phải luôn sống và kiểm soát lối sống của mình sao cho luôn là tấm gương sáng cho con mình soi vào. Ở nhà trường, thầy cô luôn là chuẩn mực trong giáo dục nhân cách, luôn yêu thương nâng đỡ các em. Ngoài xã hội, người lớn cư xử với nhau sao cho trẻ nhỏ nhìn thấy mà học hỏi cũng như tự nhận thức trong hành động của mình.

Lê Linh

>> Nội dung buổi giao lưu trực tuyến: Chống bạo hành trẻ em và bạo lực học đường

Tin cùng chuyên mục