Giáo dục về cái chết

Một bé gái 6 tuổi sau khi xem xong một bộ phim quay sang hỏi mẹ: “Mẹ, con sẽ chết ư?”. Người mẹ ngay tức khắc trả lời giận dữ: “Im ngay. Trẻ con không nên nói về chết chóc. Xui xẻo lắm!”.

Yuan Ailing, một chuyên gia giáo dục mầm non tại Trường Đại học South China Normal nhận định, trong trường hợp này, “người mẹ đã đánh mất một cơ hội quan trọng để giải thích cho đứa con hiểu ý nghĩa của cuộc sống và cái chết, mà có thể cũng sẽ trở thành một bài học về sự an toàn cho cuộc sống sau này”.

Người mẹ trên, cũng giống bao bậc cha mẹ khác ở Trung Quốc, đều không nhận thấy rằng đó là một câu hỏi thích hợp với một đứa trẻ. Họ cho rằng vấn đề “to tát và khủng khiếp” đó có thể ức chế đến sự phát triển lành mạnh các quan điểm của trẻ về cuộc sống.

Tuy nhiên, theo ông Yuan, giáo dục về cái chết sẽ không gây những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ nếu chúng được “giảng dạy về hiện tượng tự nhiên của cái chết mà không gợi lên những nỗi đau về cái chết hoặc những chuyện ma đang sợ”.

Giáo dục sự chết của con người nên bắt đầu từ độ tuổi nào là vấn đề được báo chí Trung Quốc đặt ra trong những ngày nước này bước vào tiết Thanh minh. Theo truyền thống, vào những ngày này, người sống ra mộ người chết để bày tỏ lòng kính trọng, tưởng nhớ những người thân đã khuất. Truyền thống này thực sự rất tốt để giúp cho người ta có những suy nghĩ nghiêm túc về cái chết, để có cơ hội cân bằng những mất mát về tâm lý. Đó cũng là một hoạt động giúp tinh thần giảm bớt nỗi sợ hãi về cái chết.

Trả lời phỏng vấn của tờ China Daily, Giáo sư Zou Yuhua tại Trường Đại học Y Dược Quảng Đông cho rằng, giáo dục những vấn đề liên quan đến cái chết là để nói với mọi người về ý nghĩa của cuộc sống, để hối thúc họ chủ động sống một đời sống có ý nghĩa hơn trong thời đại mà những rủi ro dẫn đến mất mạng luôn chực chờ xung quanh, từng phút. Ông Zou là người ủng hộ giáo dục cái chết cho mọi độ tuổi vì cho rằng tỷ lệ tự tử cao ở Trung Quốc là hậu quả của sự bế tắc.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Ngăn ngừa nạn tự tử Bắc Kinh, mỗi năm có gần 300.000 người tự kết liễu cuộc đời mình ở Trung Quốc. Tự tử là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết của những người trong độ tuổi từ 15 - 34.

Trong văn hóa Trung Quốc, nói từ “chết” là điều cấm kỵ. Người ta dùng từ “ra đi” hay “đi xa mãi”. Nhưng sự thật là người ta chết. Như một cái đồng hồ, cái chết nhắc nhở mọi người thời gian đang trôi qua. Giáo dục về cái chết không những giúp trang bị một tinh thần mạnh mẽ hơn cho người đang sống, giúp họ giữ bình tĩnh khi chứng kiến cuộc sống tan biến mà còn giúp người sắp chết giảm bớt lo sợ, đau đớn, để nói lời tạm biệt nhẹ nhàng với người thân. Nó giúp người ta hiểu được chết là một hiện tượng thực tế tự nhiên và xử lý nó một cách dễ dàng.

Ông Xueluan, một nhà xã hội học nổi tiếng Trung Quốc cũng cho rằng giáo dục về sự chết là hoàn toàn cần thiết ở Trung Quốc. Nhưng chỉ nên giáo dục đề tài này cho người đã trưởng thành, đặc biệt là sinh viên đại học để dạy các em trân trọng cuộc sống và không lầm tưởng rằng chết là lối thoát dễ dàng. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục