Giao lưu thơ ca Việt - Mỹ

Cùng với sự hợp tác hiệu quả về kinh tế - thương mại, những năm gần đây giao lưu đối thoại về văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, đặc biệt là văn học, được đẩy mạnh hơn. Đoàn nhà văn của Trung tâm viết văn quốc tế thuộc Trường Đại học Iowa của Hoa Kỳ vừa sang thăm và làm việc tại Việt Nam, giúp giới văn học hai nước thấu hiểu nhau hơn.

Cùng với sự hợp tác hiệu quả về kinh tế - thương mại, những năm gần đây giao lưu đối thoại về văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, đặc biệt là văn học, được đẩy mạnh hơn. Đoàn nhà văn của Trung tâm viết văn quốc tế thuộc Trường Đại học Iowa của Hoa Kỳ vừa sang thăm và làm việc tại Việt Nam, giúp giới văn học hai nước thấu hiểu nhau hơn.

Tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội đã diễn ra Bàn tròn văn học. Điều hành buổi tọa đàm về thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nêu lên những mối quan tâm hiện nay về thơ đương đại Việt Nam, đồng thời đặt vấn đề: “Chúng tôi muốn biết điều gì đang xảy ra với thơ ca đương đại Mỹ?”.

Đáp lại, nhà thơ Jane Mead nói rằng: “Thơ ca đương đại Mỹ rất phức tạp và chúng ta cần hiểu về thơ ca đương đại Mỹ thế nào khi đặt nó vào khuôn khổ. Nếu xét đến thơ ca Mỹ thông qua các bản dịch phải nói đến giá trị kích thích của nó”.

Nhà thơ có dòng máu Việt Amy Quan Barry thổ lộ, cho dù ở Mỹ có những áp lực về giới tính, tôn giáo, độc giả, thị trường… thì nhà thơ vẫn phải viết về những điều thôi thúc từ bên trong mình, về những hoài bão của chính bản thân mình. Và chị đặt câu hỏi với các nhà văn Việt Nam về những áp lực như: nếu nhà thơ là phụ nữ, là người lính thì phải đối mặt với những vấn đề gì? Đáp lại, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từ tốn: “Đối với tôi, chưa có một áp lực nào trong sáng tác, kể cả đó là người chồng, là… người kiểm duyệt xuất bản hay bất kỳ điều gì. Tôi chỉ viết ra những gì khiến mình xúc động, như người thân, người yêu, sự mất mát hay là ngay cả khi… thất tình”!

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, quan điểm sáng tạo hiện nay đang được bàn đến rất rộng. Ở Việt Nam trong vài năm qua có những cuộc trao đổi nóng bỏng về những cuốn sách viết về đề tài lịch sử…

Còn theo nhà thơ Christopher Merrill: Có quan niệm cho rằng người Mỹ không có cảm quan về lịch sử, luôn hướng về phía trước mà không ngoảnh lại phía sau. Thế nhưng trong lịch sử văn học Mỹ, các nhà thơ, nhà văn Mỹ luôn lấy cảm hứng từ quá khứ để sáng tạo. Cụ thể là tác phẩm Chữ A màu đỏ, cuốn sách viết về thời kỳ tiền cách mạng Mỹ.
 
Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan đặt vấn đề: Thuật ngữ “thơ lịch sử” có trở thành trường phái không? Hiện còn tồn tại không? Sử dụng tư liệu lịch sử để sáng tác thì nhà thơ nhận được phản ứng như thế nào từ phía các nhà lịch sử?... Nhà thơ Amy Quan Barry tỏ bày: “Thơ mang tính lịch sử chính là thơ có tính đương đại. Tôi vẫn viết thành bài thơ từ một mẩu tin nghe trên đài phát thanh hay xem tivi. Dù là thơ tư liệu hay thơ chính trị thì nhà thơ vẫn luôn phải là người có trách nhiệm và khơi gợi được điều gì từ những câu chuyện thực tế”.

Các cuộc tọa đàm rất sôi nổi với sự trao đổi của nhiều nhà thơ Việt Nam. Và nhiều người đã tỏ ra bất ngờ thú vị trước phát biểu của nhà thơ Eleni Sikelianos: “Các nhà thơ hãy tự tìm ra chính mình. Điều này không dễ dàng, nhất là khi biến những tư liệu lịch sử thành thơ”.

Phan Hoàng

Tin cùng chuyên mục