Giao lưu trực tuyến về an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Giao lưu trực tuyến về an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trước thực trạng người dân lo ngại về thực phẩm bẩn vào dịp cuối năm và những băn khoăn đối với quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, 8g 30 sáng nay 24-12, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức giao lưu trực tuyến với bạn đọc về quy trình phản ánh khi phát hiện thực phẩm bẩn, kém chất lượng; pháp luật quy định về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước nạn thực phẩm bẩn, kém chất lượng…

Giao lưu trực tuyến về an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ảnh 1

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến (thứ ba từ phải sang) tặng hoa các đại biểu tham gia trả lời giao lưu trực tuyến

Tham gia giao lưu có Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM; luật sư Trần Hải Đức, Phó Chủ tịch Hội Chất lượng TPHCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Á Châu; luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty Luật An Luật.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai

Luật sư Trần Hải Đức

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như

         - Tôi mua nước giải khát bị lợn cợn, tôi phải tiến hành các bước như thế nào để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng là tôi và các người khác? Người tiêu dùng có buộc phải chứng minh sản phẩm bị lỗi hay không? ( Lê Văn Bình - Nam 40 tuổi - binhlevan2009@gmail.com - Quận 9, TPHCM)

- Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như:

Đối với thắc mắc của bạn, tôi xin trả lời:

1. Các bước cần tiến hành:

Khi phát hiện sản phẩm mình mua không đảm bảo an toàn thì bạn cần thông báo sớm cho nhà sản xuất để họ có biện pháp giải quyết kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Trong trường hợp đã thông báo sự việc đến nhà sản xuất nhưng họ không hợp tác và hành vi của họ gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì có thể tự mình hoặc đề nghị tổ chức xã hội yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết theo căn cứ tại Điều 25 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 về việc Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong trường hợp đã gửi văn bản tới cơ quan có thẩm quyền nhưng không được giải quyết thì theo quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, người tiêu dùng có quyền khởi kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ra tòa án để đề nghị tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Quyền khởi kiện của người tiêu dùng được quy định tại Khoản 7, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, người tiêu dùng có thể sử dụng một trong 4 hình thức giải quyết tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, như: thương lượng; hòa giải; trọng tài; tòa án.

2. Người tiêu dùng có buộc phải chứng minh

 Theo quy định tại Điều 42 LBVQLNTD 2010 về nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

 Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

Như vậy trong trường hợp này Người tiêu dùng có nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự khi tranh chấp về sản phẩm lỗi. 

- Phải làm gì khi mua phải sản phẩm kém chất lượng? (Trần Thị Thu Sương - Nữ 36 tuổi - thusuongbt67@gmail.com - Quận 2, TPCHM)

- Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như:

Đây là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm hiện nay. Tôi xin có ý kiến các bước cần tiến hành như sau:

Khi phát hiện sản phẩm mình mua không đảm bảo an toàn thì bạn cần thông báo sớm cho nhà sản xuất để họ có biện pháp giải quyết kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi hợp pháp của mình.

Trong trường hợp đã thông báo sự việc đến nhà sản xuất nhưng họ không hợp tác thì có thể tự mình khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi.

Và để tránh tình trạng như vụ việc vừa qua với Tân Hiệp Phát, bạn lưu ý việc thông báo và trao đổi với Nhà sản xuất không bao gồm nội dung đe doạ, uy hiếp.

- Trong dịp tết này, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM sẽ chú trọng mặt hàng nào và có biện pháp nào để cải thiện tình trạng thực phẩm bẩn ? (Dương Thị Ngọc Thủy - 44 tuổi - duongthuy1971@gmail.com - Quận 9, TPHCM)

- Ths Bs Nguyễn Thị Huỳnh Mai:

 Hiện nay Ban Chỉ đạo liên ngành thành phố đã ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm cho Tết Nguyên đán Bính Thân và lễ hội mùa xuân 2016, tập trung thanh tra các mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết nguyên đán như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu...

Các mặt hàng thịt được chú ý kiểm tra ATVSTP

Công tác thanh tra kiểm tra được thực hiện đồng bộ trên 3 cấp. Cấp Thành phố gồm Đoàn kiểm tra liên ngành TP; các Sở chuyên ngành thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành; 24 quận, huyện thành lập 24 đoàn kiểm tra liên ngành và 319 phường xã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện thanh kiểm tra theo phân cấp quản lý. Theo kế hoạch, các đoàn đã bắt đầu tiến hành từ đầu tháng 12-2015 và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 2-2016.

- Tôi thấy hiện nay thực phẩm kém chất lượng, chứa hóa chất bán đầy chợ. Tôi mua tôm sống nhưng bị bơm hóa chất nên đem về vài giờ đã mục rữa, trường hợp như vậy tôi phải kiện ở đâu, chứng minh thế nào? Chi cục ATVSTP có giám định hàm lượng hóa chất trong sản phẩm để bảo vệ người tiêu dùng hay không? (Hoa Sen Huỳnh - Nữ 40 tuổi - huynh_hoasen@yahoo.com - Thủ Đức)

- Ths Bs Nguyễn Thị Huỳnh Mai:

Chị có thể khiếu nại về chất lượng đến các cơ quan quản lý của địa phương như: UBND phường, xã hoặc Quận, huyện nơi gần nhất để được giải quyết. Lưu ý cần thông tin đầy đủ về ô, vựa, quầy, sạp nơi chị đã mua để cơ quan chức năng có thể thanh - kiểm tra để xử lý đối vơi các cơ sở kinh doanh thực phẩm không an toàn, đồng thời truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không an toàn này.

Việc giám định đối với sản phẩm này hiện nay chị có thể đến các đơn vị phòng kiểm nghiệm như: Viện Y tế công cộng (159 Hưng Phú, Q.8); Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Chất lượng KV3 (39 Hàn Thuyên, Q1); Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm (01, Nguyễn Văn Thủ, Q1); Trung tâm Sắc khí Hải Đăng Eurofin (79 Trương Định, Q.1) hay Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM (699 Trần Hưng Đạo, Q.5).

- Quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tại Phòng bảo vệ người tiêu dùng khi tiếp nhận phán ánh thực phẩm kém chất lượng hoặc có vấn đề? (Minh Hải - Nữ 27 tuổi - vothiminhhai@gmail.com - Đồng Nai)

- Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như :

Đối với thắc mắc của bạn, tôi trả lời như sau:

Khi phát hiện thực phẩm kém chất lượng, bạn tiến hành các bước:

1. Có yêu cầu bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng (bằng văn bản hoặc trực tiếp). Nội dung yêu cầu gồm:

a) Thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm;

b) Thông tin về tổ chức xã hội hoặc người tiêu dùng yêu cầu;

c) Nội dung vụ việc;

d) Yêu cầu cụ thể của người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

đ) Tài liệu, chứng cứ kèm theo.

2. Giai đoạn tiếp nhận yêu cầu:

- Trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được lập bằng văn bản, cán bộ phụ trách tiếp nhận có trách nhiệm xem xét và tiếp nhận yêu cầu.

Trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được trình bày trực tiếp, cán bộ phụ trách tiếp nhận phải lập thành văn bản và yêu cầu người tiêu dùng hoặc người đại diện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản đó.

- Trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thiếu các nội dung quy định tại Điều 20 Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bổ sung. Việc bổ sung phải được thực hiện trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Giải quyết yêu cầu:

- Sau khi tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết yêu cầu. Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu các bên giải trình, cung cấp thêm thông tin, tài liệu phục vụ cho việc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trường hợp vụ việc phức tạp, thời hạn trả lời có thể được gia hạn nhưng không quá mười lăm (15) ngày làm việc.

- Trong quá trình giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác thì chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan đó giải quyết và nêu rõ trong văn bản trả lời người tiêu dùng.

- Quyền khởi kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay được quy định như thế nào? (Trần Thị Hồng Liên - Nữ 30 tuổi - tranhonglien2013@gmail.com - Quận 6, TPHCM)

- Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như:

Tại Khoản 1 Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã quy định quyền khởi kiện trực tiếp của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Luật cũng quy định chi tiết nghĩa vụ thông báo thông tin về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện, cụ thể là:

“…Nội dung thông báo quy định bao gồm:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị khởi kiện;

2. Tổ chức, xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện;

3. Nội dung khởi kiện;

4. Thủ tục và thời hạn đăng ký tham gia vụ án”

- Pháp luật có quy định trách nhiệm của người kinh doanh phải có trách nhiệm gì trong bảo vệ thông tin của người tiêu dùng không? (Trần Quốc Định - Nam 45 tuổi - quocdinhdt@gmail.com - TP Thủ Dầu Một, Bình Dương)

- Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như:


Nghĩa vụ bảo vệ thông tin của Người tiêu dùng được quy định tại Điều 6 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể như sau:

1. Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu"

2. Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm:

a) Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng;

b) Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;

c) Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng;

d) Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;

đ) Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối, lo ngại hiện nay, ảnh hưởng tới sức khỏe mọi thế hệ người dân. Đi chợ không an tâm với tất cả các loại thực phẩm... Xin hỏi tại sao các cấp đã triển khai nhiều biện pháp xử lý, phạt ... nhưng hàng ngày luôn luôn phát hiện nhiều vụ liên quan VSATTP? 

 Phải chăng về các biện pháp: Chính quyền các cấp triển khai chưa quyết liệt, chưa phối hợp tốt giữa các cơ quan liên quan ?  Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe (lẽ ra phải đưa vào khung tội giết người vì các hành vi liên quan VSATTP giết người một cách từ từ , thầm lặng). Tại sao thấy mấy vị đại biểu quốc hội bàn hoài vấn đề này mà vẫn không quyết được vấn đề quan trọng vậy?  Tại sao chợ Kim Biên (và các sạp xung quanh ) ở Q.5 TPHCM chuyên bán các hóa chất tẩm ướp độc hại tồn tại từ rất lâu, dân phản ánh nhiều lần, ai cũng biết sao chính quyền TPHCM không dẹp cứ để ngang nhiên tồn tại gieo rắc bệnh tật, các chết cho nhiều người? (Trương Hoài Quang - Nam - t.hoai...@yahoo.com.vn - Q.3, TPHCM)

- ThS. BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai:

Tiếp thu ý kiến của ông. Hiện nay các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng ATVSTP tại TPHCM. Chúng tôi đã triển khai các đề án đảm bảo ATVSTP cho người dân TP như: Đề án mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP; đề án quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn, ngoài ra còn tổ chức những hội nghị ký kết đảm bảo an toàn thực phẩm giữa TPHCM và các tỉnh thành; triển khai hệ thống các cửa hàng kinh doanh sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap/LGlobal Gap; tăng cường các biện pháp thông tin truyền thông; thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm và thông tin kết quả xử lý cho người dân biết; xử lý dứt điểm các trường hợp thực phẩm không an toàn được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP trên địa bàn.


Kết quả thực hiện công tác đảm bảo ATVSTP năm 2015 TP đã xây dựng các chợ điểm đảm bảo ATVSTP như: Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, chợ truyền thống Bến Thành, cấp 62 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện tham gia thực phẩm an toàn với tổng sản lượng 35776 tấn/năm bao gồm các sản phẩm: thịt, rau-củ-quả, trứng...


Triển khai hệ thống bán các sản phẩm sạch đạt VietGap/ LGbalGap cho hệ thống chuỗi siêu thị Co.opmart, Vinmart, Maximark, BigC... nhằm đưa càng nhiều sản phẩm đảm bảo ATVSTP đến cho người dân.

Trong năm 2015, TP đã lấy trên 10.000 mẫu để giám sát chất lượng VSATTP. Kết quả các mẫu sản phẩm đạt trên 75%. Thực hiện thanh, kiểm tra trên 30.000 lượt cơ sở. Xử lý phạt tiền trên 8.000 vụ với số tiền phạt trên 21 tỷ đồng và tiêu huỷ gần 300 tấn thực phẩm không đảm bảo an toàn ngăn không đến tay người tiêu dùng.

Công tác đảm bảo ATVSTP của TP sẽ không thành công nếu thiếu sự đóng góp của người dân trong việc tố giác, phản ánh những trường hợp vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời thanh, kiểm tra và xử lý.

- Trong giao dịch mua bán thường ngày, người tiêu dùng thường giao dịch với những cá nhân hoạt động thương mại độc lập, những người buôn bán nhỏ ở các chợ, người bán hàng rong... mà những người này thường không có giấy phép kinh doanh. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này như thế nào? (Trần Ngô Bích Ngân - Nữ 39 tuổi - tranbichngan56@gmail.com - Quận Bình Thạnh, TPHCM)

- Luật sư Trần Hải Đức:

 - Câu hỏi này rất hay. Trong lĩnh vực phân phối hàng hóa hiện nay có rất nhiều kênh như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống... Tuy nhiên vẫn còn một thành phần không thể thiếu là những người mua, bán nhỏ tại các chợ, hàng rong. Đây là các "Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh"được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, trong các hoạt động giao dịch giữa người tiêu dùng với các cá nhân nói trên, nếu có hành vi gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng thì vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật được quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Trong một số trường hợp tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức được giải quyết bằng thương lượng thì thời gian như thế nào? Người tiêu dùng có thể làm gì khi thời hạn đã hết mà kết quả thương lượng không đạt hoặc không được như người tiêu dùng mong muốn? (Nguyễn Hữu Đạt - Nam 48 tuổi - nguyendat38@gmail.com - Đồng Nai)

- Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như:

Về thắc mắc của bạn, tôi có ý kiến như sau:

1. Thương lượng trong giải quyết tranh chấp giữa Người tiêu dùng và tổ chức (Điều 31 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng):

Khi phát hiện hàng hóa kém chất  lượng, Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

2. Trong trường hợp sau khi có ý kiến yêu cầu giải quyết mà tổ chức kinh doanh hàng hóa không trả lời trong vòng 7 ngày làm việc như quy định hoặc có tiếp nhận nhưng không thống nhất trong giai đoạn thương lượng thì có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc trực tiếp khởi kiện.

- Xin cho biết vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, những nguy cơ nào thường đe dọa tới việc bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm? (Nguyễn Thanh Nam - Nam 37 tuổi - namnguyen120@gmail.com - Gia Lâm – Hà Nội)

- ThS.BS Nguyền Thị Huỳnh Mai:

Vào dịp cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đây cũng là dịp cơ sở thực phẩm đẩy mạnh đa dạng hoá các mặt hàng thực phẩm ra thị trường trong đó có một bộ phận không nhỏ sản xuất kinh doanh không phép tham gia.

 Do đó, để đảm bảo ATVSTP cho bản thân và gia đình. Ông cùng bà con nên chọn mua thực phẩm tại những nơi mà cơ quan nhà nước đã kiểm soát như cửa hàng, quầy sạp trong chợ, siêu thị... tránh mua thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, sản phẩm có nhãn nhưng thông tin trên nhãn thiếu nhãn phụ bằng tiếng Việt hoặc nhãn hàng hoá ghi thiếu thông tin bắt buộc như: tên, địa chỉ, nhà sản xuất, thành phần, phụ gia, ngày sản xuất, hạn sử dụng...

- Xin cho biết khi phát hiện sản phẩm nước giải khát, nước uống đóng chai có dấu hiệu bất thường về chất lượng. Người tiêu dùng nên làm gì và cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý như thế nào? (Hà Phi Thủy - Nữ 26 tuổi - thuyphi129@gmail.com - Trần Hưng Đạo, Quận 5, TPHCM)

- Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như:

Khi phát hiện hàng hóa, sản phẩm mình mua kém chất lượng, bạn tiến hành các bước:

1. Có thông báo đến Nhà sản xuất về sản phẩm kém chất lượng

2. Tự mình hoặc yêu cầu Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiến hành bảo vệ quyền lợi

3. Trong trường hợp các bên không thống nhất được cách giải quyết đối với những thiệt hại do hàng hóa kém chất lượng thì có quyền khởi kiện Nhà sản xuất.

- Liên tiếp trong thời gian gần đây, số vụ vận chuyển, kinh doanh và sản xuất thực phẩm bẩn bị phát hiện ngày càng nhiều, khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an. Xin cho biết ý kiến và phản ứng của cơ quan quản ly về vấn đề này? (Vũ Hồng - Nữ 34 tuổi - hongvubt23@gmail.com - Bình Trị Đông, Bình Tân, TPHCM)

- ThS.BS Nguyền Thị Huỳnh Mai:

Hiện nay, các cơ quan thú y trên địa bàn TP phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra tại các cửa ngõ của TP để phát hiện và xử lý kịp thời các sản phẩm thực phẩm gian/lậu, thực phẩm không đảm bảo được vận chuyển để đưa vào TP tiêu thụ.

Để đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch 7029 ngày 16/11/2015 về Triển khai đợt cao điểm hành động năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó đã chỉ đạo các sở ngành, hội, đoàn UBND 24 quận huyện tăng cường công tác tuyên truyền kiểm tra ngăn chặn và giải quyết dứt điểm việc lưu thông buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản, ATVSTP trong các dịch vụ ăn uống.

Ban chỉ đạo liên ngành TP đã ban hành kế hoạch triển khai công tác ATVSTP Tết nguyên đán Bính Thân và Lễ hội mùa xuân 2016 trên địa bàn TPHCM.

Do vậy, bà cần lưu ý lựa chọn thực phẩm an toàn để sử dụng; tốt nhất là tìm mua thực phẩm tại cửa hàng, đơn vị đã được các cơ quan quản lý được nhà nước kiểm kiểm soát, tránh mua thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

- Vào dịp Tết nhu cầu sử dụng rượu bia gia tăng rất nhiều. Vậy xin cho biết các biện pháp để người tiêu dùng có thể nhận biết được rượu có hóa chất hay chứa Methanol quá nhiều. Cũng như việc phòng tránh ngộ độc rượu bia? (Hoàng Hạ An - Nam 42 tuổi - hoangan77@gmail.com - Quận 2, TPHCM)

- ThS.BS Nguyền Thị Huỳnh Mai:

Đối với mặt hàng rượu bia và nước giải khát, để đảm bảo an toàn khi sử dụng, đề nghị ông mua tại các đại lý, của hàng đã được cơ quan nhà nước kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, ATTP. Tránh tuyệt đối không mua những sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thiếu bao bì và nhãn hiệu theo quy định, tránh mua những sản phẩm tự pha chế, ngâm các lá, củ, rễ khi chưa biết có đảm bảo an toàn hay chưa.

- Vào dịp Tết, người dân Việt Nam có thói quen tiêu dùng những thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, lạp xường, xúc xích... trong khi đó những thực phẩm này chứa chất hàn the, chất bảo quản rất cao. Vậy xin hỏi, nếu ăn phải những thực phẩm chứa chất hàn the cao thì người tiêu dùng bị ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào? Và dấu hiệu gì để nhận biết những loại thực phẩm này chứa chất hàn the? (Vũ Thị Thơm - Nữ 38 tuổi - vuthompn@gmail.com - Quận Ninh Kiều, Cần Thơ)

- ThS.BS Nguyền Thị Huỳnh Mai:

Đối với những sản phẩm chế biến rau củ quả ngâm trước đây người ta hay sử dụng hàn the để cho sản phẩm thêm dai, giòn. Tuy nhiên hiện nay qua giám sát ATVSTP nhiều năm, chúng tôi ghi nhận tình trạng này đã giảm đi rất nhiều.

Cách nhận biết những sản phẩm có chứa hàn the là sản phẩm dai, giòn quá mức, những sản phẩm thường có thể lạm dụng hàn the là: các loại chả (giò, quế, mọc), bánh xu xuê, mì sợi tươi. Do vậy đề nghị chị chọn mua các sản phẩm nêu trên tại các cửa hàng, siêu thị, sạp trong chợ đã được kiểm soát sản phẩm của các công ty, đơn vị uy tín đã được cơ quan hội, đoàn công nhận. Tránh mua sản phẩm trôi nổi không nguồn gốc, không bao bì nhãn mác, vừa không đảm bảo an toàn về vi sinh và vừa không đảm bảo ATVSTP. Hàn the là chất không có trong danh mục cho phép sử dụng vì độc tính của nó, như tích luỹ tại các cơ quan gan, thận, ruột gây nên các bệnh lý mãn tính, thậm chí ung thư và ảnh hưởng gây dị tật bào thai.

- Tại Cần Thơ khi có một người tiêu dùng mang 1 chai nước ngọt có lợn cợn đến hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để khiếu nại thì được yêu cầu là phải giao ra được hóa đơn, chứng từ mua chai nước ngọt thì họ mới tiếp nhận vụ việc. Đối với Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM thì nếu người tiêu dùng nghi ngờ sản phẩm nào đó, chẳng hạn như trái cây có hóa chất, chai nước có ruồi hay là hộp sữa bị hư nhưng do mua lẻ ngoài chợ không có hóa đơn chứng từ thì có được tiếp nhận giải quyết không? (Bạn đọc qua đường dây nóng - Nam - )

- Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như:

Theo quy định tại Điều 20 Nghị Định 99/2011/NĐ - CP thì các nội dung cần phải có khi yêu cầu Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng bảo vệ gồm có:

a) Thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm;

b) Thông tin về tổ chức xã hội hoặc người tiêu dùng yêu cầu;

c) Nội dung vụ việc;

d) Yêu cầu cụ thể của người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

đ) Tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc phải có hóa đơn. Tuy nhiên, chúng ta phải có tài liệu chứng cứ chứng minh để làm rõ yêu cầu của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu người tiêu dùng không cung cấp được bằng chứng (hóa đơn) thì Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm yêu cầu các bên giải trình hoặc tự xác minh mà không được quyền từ chối tiếp nhận.

Tôi không có ý kiến về việc Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM có tiếp nhận giải quyết không. Tôi có ý kiến về mặt pháp lý là phải tiếp nhận trong trường hợp này mà không vịn vào việc không có hóa đơn.

- Hiện nay có câu khẩu hiệu “Hãy làm người tiêu dùng thông minh” nhưng không hề có thông tin cụ thể từ các cơ quan chức năng để hướng dẫn người tiêu dùng. Nên chăng thay đổi câu khẩu hiệu này hoặc là phải có chương trình cụ thể để hướng dẫn người tiêu dùng làm người thông minh? (Bạn đọc qua đường dây nóng - Nữ - )

- Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như:


Tôi rất đồng ý với bạn về ý kiến này. Tuy nhiên, đây không phải là quy định pháp luật nên câu hỏi này sẽ được chuyển đến các cơ quan liên quan để định hướng Người tiêu dùng trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và trở thành "Người tiêu dùng thông minh".

- Xin có thể tư vấn người tiêu dùng cách chọn thực phẩm tươi sống đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo về mặt sức khỏe? (Nguyễn Thị Thanh Tuyền - Nam 46 tuổi - thanhtuyen.nguyen125@gmail.com - xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh)

- ThS.BS Nguyền Thị Huỳnh Mai:

Trước tiên cần mua thực phẩm tươi sống tại các nơi có đủ điều kiện để bảo quản như: Tủ bảo ôn đổi với sản phẩm thịt, rau củ quả được bày bán trên các quầy, sạp.

Thịt heo, bò, gà, trứng cần phải xem đã qua kiểm dịch thú y chưa? Sản phẩm thịt heo phải có màu hồng nhạt, lát cắt khô không rỉ nhiều dịch nước, lớp mỡ tương đối dày và được bày bán đảm bảo vệ sinh thú ý và được treo tại các quầy.

Cá, thuỷ sản các loại phải có đá phủ đảm bảo, tôm thì đầu không rụng xuống, cá thì mang phải đỏ, khi nhấn có độ đàn hồi, mắt cá không được lòi...

Đối với rau, tìm chọn những sản phẩm không quá to, xanh, không có quá nhiều đọt vì nguy cơ sử dụng quá nhiều phân và thuốc tăng trưởng; lá củ quả to vừa phải, màu sắc tự nhiên của sản phẩm và được bày bán tại các cửa hàng, đơn vị đã được kiểm soát.

Người tiêu dùng nên ưu tiên tìm chọn những sản phẩm VietGAP hoặc GLobalGAP.

Quầy bán thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình, quận 5

- Gần đây báo chí thông tin về thịt bẩn, thịt có chất tạo nạc rộ lên rất nhiều. Cụ thể là nguồn thịt ở Đồng Nai, Long An và có cả ở Củ Chi. Thịt vào siêu thị chủ yếu là của Vissan thì nguồn heo của Vissan có thu gom từ các địa phương này hay không? Và nguồn thịt vào siêu thị có bảo đảm là thịt sạch không? (Bạn đọc qua đường dây nóng - Nam -)

- ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai:

Ngành nông nghiệp đã tăng cường kiểm gtra, giám sát các cơ sở giết mổ thịt và sản phẩm thịt trên địa bàn TPHCM. Do vậy đã giảm thiểu các rủi ro vè việc các đơn vị đưa sản phẩm không đảm bảo an toàn ra thị trường.

Vissan là một thương hiệu của công ty uy tín trên địa bàn TP đảm bảo được nguồn động vật đưa vào giết mổ để đưa ra thị trường đáp ứng được nhu cầu của người dân TP kể cả về chất lượng và số lượng. Cơ quan Thú Y đã đặt một trụ sở tại đơn vị công ty này để kiểm soát thực phẩm để nhập xuất 24/24. Do vậy, chúng ta có thể yên tâm về chất lượng về sản phẩm của đơn vị này.

- Để duy trì và phát triển các mô hình sản xuất rau sạch nên chăng các cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuyên truyền, giới thiệu quảng bá rộng rãi ra thị trường, có cơ chế trợ giúp các hộ nông dân sản xuất rau sạch để có giá thành giảm xuống? Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần có những giải pháp như thế nào để có thể bảo đảm được sức khỏe bản thân và gia đình? (Văn Thy Hoàng - Nam - - Trường THCS Phan Bội Châu, Hội An, Quảng Nam)

- Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như:

"Người tiêu dùng thông minh" đang là khẩu hiệu nhiều người hay nhắc tới. Theo tôi, bên cạnh trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất, thì bản thân người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, mua tại những điểm phân phối uy tín, thương hiệu được kiểm chứng và loại trừ những sản phẩm không có lòng tin trong lòng người tiêu dùng.  

- Tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có được giải quyết tại tòa án không? Khi nào thì vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản? (Nguyễn Cảnh Toàn - Nam 41 tuổi - toannguyen845@gmail.com - Quận Tân Phú, TPHCM)

- Luật sư Trần Hải Đức:

Cảm ơn anh Toàn đã đặt câu hỏi rất thú vị. Trong quan hệ giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khi quyền và lợi ích hợp pháp của một trong các bên bị xâm phạm sẽ phát sinh tranh chấp. Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định các phương thức giải quyết tranh chấp như sau:
"1. Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua:
a) Thương lượng;
b) Hòa giải;
c) Trọng tài;
d) Tòa án."
Trong đó Tòa án là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp.
Để giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án, người tiêu dùng cần phải thực hiện việc khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tòa án chỉ giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn khi có các điều kiện cần và đủ như sau:
"a) Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện;
b) Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
c) Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng."
Khi khởi kiện tại tòa án người tiêu dùng cần phải lưu ý có  nghĩa vụ chứng minh như sau:
"Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ."
Người tiêu dùng cũng lưu ý khi thực hiện việc khởi kiện là  "không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án" .

Do đó, người tiêu dùng nên có thói quen trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ là yêu cầu người cung cấp phải thực hiện ký kết hợp đồng, có ghi rõ quyền và nghĩa vụ các bên, hoặc yêu cầu cung cấp chứng từ như hóa đơn, biên nhận...để làm chứng cứ bảo vệ mình khi xảy ra tranh chấp (nếu có).

Quốc Anh - Võ Thắm - Thanh Sơn ( tổng hợp) - Ảnh: Cao Thăng
 

Tin cùng chuyên mục