Giao lưu trực tuyến về sụp lún tại TPHCM: Phải giải tỏa nỗi lo của dân

Mặc dù tình trạng này đã xảy ra nhiều tháng nay, nhưng buổi giao lưu trực tuyến của Báo SGGP diễn ra sáng qua 3-11 về nạn sụp lún tại TPHCM vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Tham gia buổi giao lưu có ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc; ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xây dựng TPHCM; ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Giao thông và ông Đặng Phú Thành, Trưởng phòng Cấp thoát nước thuộc Sở GTVT TPHCM.
Giao lưu trực tuyến về sụp lún tại TPHCM: Phải giải tỏa nỗi lo của dân

Mặc dù tình trạng này đã xảy ra nhiều tháng nay, nhưng buổi giao lưu trực tuyến của Báo SGGP diễn ra sáng qua 3-11 về nạn sụp lún tại TPHCM vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Tham gia buổi giao lưu có ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc; ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xây dựng TPHCM; ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Giao thông và ông Đặng Phú Thành, Trưởng phòng Cấp thoát nước thuộc Sở GTVT TPHCM.

  • Làm sao ngăn chặn “hố tử thần”?

Đó là một trong những vấn đề được hỏi nhiều nhất trong buổi giao lưu. Tuy nhiên, câu hỏi này không có câu trả lời vì theo ông Phan Phùng Sanh, “rất khó phát hiện có hố rỗng dưới mặt đường cho tới khi… có một lực tác động mạnh, mặt đường vỡ ra thì mới biết được”. Từ góc độ quản lý nhà nước về vấn đề này, ông Đậu An Phúc cũng chỉ đề nghị: “Khi gặp sự cố, người dân hãy gọi điện thoại về số điện thoại nóng của Sở Giao thông Vận tải: 08.38.222.777. Sở sẽ cử cán bộ xuống xử lý ngay”.

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến (trái) và Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM Nguyễn Đình Hưng trả lời giao lưu trực tuyến. Ảnh: CAO THĂNG

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến (trái) và Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM Nguyễn Đình Hưng trả lời giao lưu trực tuyến. Ảnh: CAO THĂNG

“Không tránh được, vậy khi lỡ bị nạn, chúng tôi biết bắt đền ai, ở đâu?”, một bạn đọc ở hộp thư Trungkiengmc@gmail.com đặt vấn đề. Câu hỏi này có câu trả lời: UBND TP đã chỉ đạo các chủ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật cũng như các đơn vị chủ quản của các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu (cấp nước, thoát nước, cáp viễn thông, điện lực...) phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng công trình, phát hiện, xử lý kịp thời và triệt để các sự cố công trình ngầm gây sụp lún mặt đường nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Như vậy, nếu để xảy ra sự cố lún sụp mặt đường, chậm trễ xử lý, để xảy ra tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản, các đơn vị nêu trên cũng như các đơn vị liên quan phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy nhiên bạn đọc trên cho rằng như thế khó cho người dân, vì có quá nhiều chủ đầu tư, nhiều cơ quan quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật (người dân không thể biết hết). Nên chăng, Sở GTVT cử cán bộ tiếp nhận các thông tin, khiếu nại của người dân và phối hợp với các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước khác, giải quyết các kiến nghị này?

Cũng liên quan đến chuyện khó phát hiện trước các sự cố sụp lún, một bạn đọc ở hộp thư bombroker@yahoo.com đặt vấn đề: “Hình như việc tái lập mặt đường… chẳng bao giờ tốt, bởi tôi thấy sau khi đào đường, mặt đường bao giờ cũng bị gồ ghề hoặc trũng, lõm hơn so với trước dù chủ đầu tư, đơn vị thi công là ai đi chăng nữa. Phải chăng từ nhiều năm nay chúng ta chấp nhận tình trạng này như một điều hiển nhiên nên… Bây giờ mới phát sinh hậu quả?”.

Kỹ sư Phan Phùng Sanh trả lời, nhưng cũng như để chia sẻ với bạn đọc: “Hiện nay, tại một số công trình, việc tái lập mặt đường sau thi công không những không làm cho con đường tốt hơn mà còn kém hơn trước. Vấn đề này là do đơn vị thi công, giám sát chưa làm đúng trách nhiệm. Để khắc phục, theo tôi khi thi công qua địa bàn của phường nào, phường đó phải có trách nhiệm giám sát thi công, vì đây mới là “người chủ” thật sự của đoạn đường đó”.

  • Không nên thụ động xử lý

Động thái nhanh chóng xử lý sự cố sụp lún trong thời gian qua của UBND TPHCM và các sở, ngành chức năng được bạn đọc Báo SGGP ghi nhận. Tuy nhiên, theo bạn đọc ở hộp thư dnhsph@gmail.com thì điều này vẫn chưa là cách giải quyết hay nhất, “cách hay nhất là phòng chống, đừng để sự cố hoặc hạn chế đến mức tối đa sự cố xảy ra”. Bạn đọc này gợi ý “chỉ nên xây dựng và phát triển đô thị ở những vùng đất cứng”.

Xe tải sụp hố tại ngã tư Tô Ký - Nguyễn Ảnh Thủ, phường Tân Chánh Hiệp quận 12, TPHCM

Xe tải sụp hố tại ngã tư Tô Ký - Nguyễn Ảnh Thủ, phường Tân Chánh Hiệp quận 12, TPHCM

Chia sẻ với đề xuất, ông Nguyễn Đình Hưng cho biết: “TPHCM đang có kế hoạch lập hệ thống bản đồ địa chất thủy văn để làm cơ sở nghiên cứu, thiết kế quy hoạch đô thị, trong đó có tính đến khả năng phát triển hệ thống không gian, hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị một cách ổn định và bền vững. Trong các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị cũng sẽ đặt ra yêu cầu đánh giá về hiện trạng, khả năng chịu lực của quỹ đất xây dựng. Việc này trong thời gian tới phải được đặc biệt chú trọng để phát triển không gian đô thị một cách hiệu quả nhất”.

Bạn đọc Hoàng Nhan Khang ở hộp thư khangnhan@yahoo.com góp ý bằng cách hỏi khá lắt léo: “Thành phố đặt hệ thống cống mới để thoát nước ra sông, nhưng nếu trời mưa to và triều cường lên nước thoát đi đâu? Vậy đào nát tất cả con đường đặt hệ thống cống để làm chi trong khi hệ lụy của nó thì nhãn tiền: đường bị sụp lún?”.

Giao lưu trực tuyến về sụp lún tại TPHCM: Phải giải tỏa nỗi lo của dân ảnh 3

Taxi sụp hố trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3) ngày 14-9

Ông Nguyễn Đình Hưng trả lời: Để khắc phục tình trạng ngập sâu do mưa và triều cường xảy ra cùng một lúc, TPHCM đã có quy hoạch thủy lợi chống ngập với một nội dung rất quan trọng là kiểm soát được triều trên sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, với biên độ đỉnh triều trong các kênh rạch nội đồng được kiểm soát tối đa cao độ là 1m. Hệ thống cống được đầu tư hiện nay có chức năng chính thoát nước ra các kênh rạch đã kiểm soát được đỉnh triều. Khi quy hoạch thủy lợi nêu trên cùng với các quy hoạch chống ngập khác do mưa gây ra được hoàn tất và phát huy hiệu quả sẽ giải quyết cơ bản vấn đề ngập lụt tại thành phố do mưa và triều cường. Ngập lụt không còn cũng có nghĩa là một nguyên nhân gây sụp lún sẽ được loại bỏ (đường bị ngập nước sẽ rất dễ bị hư).

Sự cố sụp lún, bước đầu đã được xác định là do nhiều nguyên nhân và ngành chức năng đã khẳng định không thể “một sớm một chiều” chấm dứt. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn cho người dân cần có các giải pháp ngăn ngừa, khắc phục tình trạng này. Đó là yêu cầu chính đáng và các sở, ngành chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ để hạn chế thấp nhất sự cố xảy ra, giải tỏa nỗi lo của người dân

NGUYỄN KHOA

>> Mời bạn xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu

Tin cùng chuyên mục