
Thưa quý bạn đọc!

Hơn cả tháng qua, thời tiết nóng, kéo theo những chuyện “nóng” khá thời sự khác: điện cũng “nóng”, giá nhiên liệu cũng “nóng”… Giá điện tăng, tình hình thiếu điện sinh hoạt trong mùa khô đang là sự kiện đáng quan tâm nhất của người dân.
Thấu hiểu được bức xúc của bạn đọc cả nước về vấn đề này, Báo điện tử SGGP Online đã mời ông Trần Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cùng một số cán bộ EVN:
ông Đặng Hoàng An - Trưởng Ban kỹ thuật lưới điện
ông Đỗ Mộng Hùng - Trưởng Ban kỹ thuật nguồn điện
ông Trịnh Ngọc Khánh - Phó Ban kinh doanh dịch vụ điện nông thôn
ông Đặng Huy Cường - Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia
đến trụ sở Văn phòng đại diện Báo SGGP tại Hà Nội để trực tiếp giao lưu cùng bạn đọc cả nước qua website báo điện tử SGGP Online : http://www.sggp.org.vn chung quanh các vấn đề liên quan.
Nội dung buổi giao lưu sẽ tập trung vào việc làm rõ một số vấn đề như: Tình trạng sử dụng điện trong cả nước hiện nay; tình hình hoạt động của các nhà máy điện trong nước; các phương án bảo đảm cung cấp đủ điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của EVN; những giải pháp sử dụng điện hợp lý trong sản xuất, sinh hoạt...
Mời quý bạn đọc đặt câu hỏi giao lưu!
kieuly - Nữ 18 tuổi - TP Hồ chí Minh
- Năm nào đến mùa này cũng thiếu điện, trong khi đó, tôi đọc báo đuợc biết ngành điện vẫn mua thêm điện của nuớc ngoaì, tại sao vậy, thưa ông?
Ông Trần Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc công ty Điện lực Việt Nam
- Việt Nam có 2 mùa: 6 tháng mưa, 6 tháng nắng. Hiện nay, sản lượng của thuỷ điện ở nước ta chiếm 36%. Đến mùa nóng, nước kiệt, sản lượng điện giảm. Bên cạnh đó, vào mùa nóng nhu cầu sử dụng điện tăng. Năm 2004, và 2005 lại có nắng hạn lớn, thuỷ điện càng cạn kiệt. Trong khi đó, nguồn điện và lưới điện phụ tải nước ta mất cân đối, nên việc thiếu điện là bình thường. Hiện tại EVN phải mua điện của Trung Quốc, và mua của các nhà máy trong nước ngoài EVN.
Cẩm Tú - Nữ - Hà Nội
- Trong trường hợp thiếu điện, theo quy định hiện nay, đối tượng và khu vực nào sẽ bị cắt điện đầu tiên? Việc cắt điện sẽ dựa vào các cơ sở, tiêu chí nào? Bao giờ chúng ta cơ bản chấm dứt được tình trạng cắt điện vì lý do thiếu điện?
Ông Trần Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam
- Hiện nay đã qua thời kỳ khó khăn nhất về vấn đề cung cấp điện. Chúng tôi chưa bao giờ cắt điện phụ tải của khách hàng và vấn đề thiếu điện chưa diễn ra. EVN cố gắng để điều phối điện bảo đảm cung cấp cho nhân dân. Tuy nhiên, giữa phụ tải và nguồn phụ tải đã có những lúc ngang nhau, không có nguồn dự phòng, nên sự cố điện xảy ra là tất nhiên. EVN chỉ cắt điện khi có sự cố. Sự cố hệ thống điện có hai dạng nguồn điện và lưới điện, nhưng đáng để ý nhất là lưới điện. 98% lưới điện vi phạm hành lang bảo vệ như nhà làm gần đường dây, trồng cây cao sát lưới điện, an ten, thả diều sẽ gây sự cố. Mặc dù EVN đã cố gắng nhưng chưa làm giảm sự cố này, nên việc gián đoạn cung cấp điện thường xảy ra là điều dễ hiểu
Trần Minh Phi - Nam - HCM
- Những ngày gần đây thời tiết có thay đổi ở một số địa phương. Như vậy có khả năng nhu cầu về điện hiện nay đã bớt cấp bách, vậy kế hoạch mau điện của nuớc ngoài liệu có thay đổi gì không ? Có quá phí phạm không khi 1 số thủy điện đã có nuớc ?
Ông Đặng Huy Cường – Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia
- Hiện nay, nắng nóng đang trở lại, phụ tải điện ca nên nhu cầu điện vẫn rất cấp bách, chứ không phải là không cấp bách.... Bên cạnh đó, nước vẫn chưa về trên tất cả các hồ, vì vậy EVN có kế hoạch mua tối đa nguồn điện ngoài EVN. Những năm tiếp theo, nhu cầu điện vẫn sẽ tăng lên do phụ tải tăng liên tục. Dự kiến, cả năm 2005 chúng tôi sẽ mua thêm 20% sản lượng điện ngoài EVN; năm 2006 mua thêm sản lượng điện 22,8%; năm 2007 là 23,6% để phục vụ nhu cầu điện cho nền kinh tế quốc dân.
Bích Ngân - Nữ 35 tuổi - TP Hồ Chí Minh
- Nhiều nơi đèn cao áp thắp cả vào ban ngày sao Tổng công ty không có ý kiến, lại định cắt điện của chúng tôi? Báo chí nói khi nối điện 500 kV từ Đà Nẵng ra Hà Tĩnh, chúng tôi sẽ bị cắt điện ít nhất 3 ngày. Chuyện đó có đúng không? Đấu nối có gì phức tạp mà phải cắt điện dài vậy? Có phải ngành điện lợi dụng cơ hội này để cắt điện? .
Ông Trần Quốc Anh– Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam
- Thực hiện yêu cầu tiết kiệm điện, EVN đã có kiến nghị và Thủ tướng, Bộ công nghiệp đã có văn bản chỉ đạo. Khuyến cáo đầu tiên là yêu cầu đèn thắp sáng đường phố bật muộn, tắt sớm; đồng thời giảm tối đa mức độ cần thiết của đèn đường. Việc quản lý đèn đường là thuộc Công ty chiếu sáng đô thị trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố; không thuộc EVN. Trong khuyến cáo tiết kiệm điện, chúng tôi đã đề cập vấn đề này.
Về đường dây 500KV ở Hà Tĩnh, đường dây mạch 1 đã quá tải, phải làm mạch 2. Nhưng nếu cắt ngay lúc này thì phía Bắc sẽ thiếu điện. Dự kiến, bao giờ có lũ tiểu mãn chúng tôi mới đấu nối đường dây này. Việc cắt điện 3 ngày là quá ít cho việc đấu nối. Xin độc giả tưởng tượng: để dựng mới 5 cột, và dỡ 6 cột cũ (mỗi cột cao 38m, nặng xấp xỉ 10 tấn) thì cần bao nhiêu thời gian?
Nguyễn Cảnh - Nam - Hà Tây
- Nếu công trình thủy điện tiếp tục thiếu nước như hiện nay, Tổng công ty Điện lực có xả nước để chúng tôi đủ nước sản xuất nông nghiệp không?
Ông Trần Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam
- Cuối năm 2004 đầu 2005 hạn hán diễn ra rất gay gắt. Mặc dù thiếu nước phục vụ cho phát điện nhưng do hạn hán nghiêm trọng, các tỉnh bị đe dọa mất mùa nên theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT, EVN vẫn xả nước để tưới. (bắt đầu từ tháng 1-2005, xả nước từ các hồ Hoà Bình, Thác Bà, Yaly). Đến nay việc xả nước đã đáp ứng yêu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp ... Tổng lượng xả ra đều cao hơn dòng tự nhiên từ 2- 10 lần. Việc xả nước không chỉ phục vụ cho nông nghiệp mà còn là vấn đề môi sinh, sinh hoạt và giao thông thủy. Như vậy, thì dù hạn đến đâu việc xả nước vẫn phải làm. Chỉ có vấn đề là làm như thế nào để có kinh tế nhất.
Đức Tuấn - Nam - TPHCM
- Xin ông cho biết sắp tới chúng tôi có bị cắt điện như kế hoạch ở một số địa phương miền Bắc không ?
Ông Trần Quốc Anh– Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam
- Về vấn đề cắt điện, chúng tôi đã trả lời ở trên.
Tran Manh Tri - Nam 52 tuổi - 52 Quan Thanh
- Vừa qua bắc bộ đã xuất hiện một số cơn mưa lớn, liệu có thể đảm bảo cho các nhà máy thủy điện hoạt động bình thường không?
Ông Đặng Huy Cường – Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia
-Vừa qua, Bắc Bộ có một số cơn mưa, nhưng không làm tăng lưu lượng nước của các nhà máy thuỷ điện (Hoà Bình và Thác Bà). Tuy nhiên, EVN vẫn bảo đảm các nhà máy hoạt động bình thường theo kế hoạch.
Thu Thuỷ - Nữ - Cần Thơ
- Chúng tôi càng sử dụng nhiều điện, càng có lợi cho ngành điện, sao lại hạn chế, khuyến khích chúng tôi bớt dùng điện?
Ông Trần Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam
- Chúng ta biết năng lượng sơ cấp để phát điện gồm có 2 dạng: năng lượng tái tạo, đó là thuỷ điện gió và mặt trời; thứ hai là năng lượng hóa thạch. Hiện tại dạng năng lượng hóa thạch trong điện Việt nam dùng rất lớn. Dạng thứ nhất chỉ chiếm 36%, và còn quá đắt.
Còn lại chúng ta đang dùng than, dầu và khí để phát điện. Dạng dầu, than và khí đốt đều là dạng năng lượng hoá thạch, phải mất hàng triệu năm mới có. Khi đốt dạng năng lượng này lại gây ô nhiễm môi trường. Do đó, khi sử dụng dạng năng lượng này là mất dần tài nguyên của đất nước.
Vì vậy, không chỉ ở VN, mà ở một số nước khác đều có tình trạng này. Tức là dùng điện càng nhiều thì giá càng lũy tiến lên.
levanphuong - Nam 28 tuổi - Tong cong ty cong nghiep tau thuy Viet nam
- Xin chào Ông Trần Quốc Anh.Tôi có một số câu hỏi như sau mong Ông trả lời:
1- Ông đã từng nói tiết kiệm điện để hạn chế sử dụng tài nguyên như: Than, khí... thế nhưng so với việc dùng tài nguyên này dể sản xuất điện với việc khai thác rồi xuất khẩu thô thì bên nào có lợi hơn?.
2- Hiện nay sản lượng điện của doanh nghiệp ngoaì EVN là bao nhiêu? cơ cấu nguồn điện của doanh nghiệp ngoaì EVN trong năm tới ra sao?.
3- Công trình thủy điện Ta Niết với vốn đầu tư 70 tỷ . Công suất 3600 kw ở Mộc châu Sơn La đã được bàn giao 433.000m2 mặt bằng. Công trình khởi công tháng 10 năm 2003 . Đến nay đã hoàn thành được phần móng . Trong khi đó theo tiến độ phải hoàn thanh trong 18 tháng . Vây tôi muốn hỏi là Công trình này có tiếp tục không? và bao giờ người dân vùng cao mới có điện ?
Không khí buổi giao lưu tại Hà Nội
Ông Trần Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam
Dùng than, khí để phát điện hay là xuất dầu thô đều là những giải pháp tình thế, do trong quá trình phát triển chúng ta chưa hoá dầu được. Nếu hoá được, chúng ta sẽ chế tạo được các sản phẩm khác cho tiêu dùng. Do đó, theo tôi dù dùng than, khí, dầu để phát điện hay xuất khẩu thô thì đều không có lợi cả.
Hiện nay, sản lượng điện của DN ngoài EVN trong 1 ngày chúng tôi phải mua 40 triệu KWh, chiếm 1/4 sản lượng 1 ngày của toàn bộ hệ thống điện. Cơ cấu nguồn điện ngoài EVN trong những năm tới vẫn tiếp tục tăng. Đây là sự khuyến khích việc đầu tư của các DN ngoài EVN, thu hút vốn cho việc đầu tư nguồn điện. Nhưng theo đúng Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn V, những nguồn điện ngoài EVN sẽ chiếm khoảng 20-30%.
Công trình thuỷ điện Tà Niết của Công ty đầu tư phát triển điện Đông Sơn - 1 công ty tư nhân, do nhà nước khuyến khích đầu tư. Công trình này không thuộc EVN, do vậy chúng tôi xin không trả lời.
Văn Hà - Nam 27 tuổi - Cầu Giấy - Hà Nội
- Trên thực tế có nhiều hộ dân chậm nộp tiền điện là bị cắt điện ngay, vậy đó có phải là chủ trương của EVN?
Ông Trịnh Ngọc Khánh – Phó Ban kinh doanh và điện nông thôn EVN
- Đây không phải là chủ trương của EVN, mà là quy định của Nhà nước, và cũng không phải là cứ chậm tiền điện là cắt điện ngay. Theo quy định, ngành điện có giấy báo tiền điện đến khách hàng, sau lần thứ 3, nếu khách hàng không nộp thì mới cắt điện.
Nguyễn Thanh Huyền - Nữ 35 tuổi - Hà Nội
- Xin hỏi 4 câu:
1- ngành điện được coi là ngành đi trước trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, song cho đến nay việc đầu tư trong lĩnh vực này còn quá chậm và trong tình trạng "nước đến chân mới nhảy", không đúng với tổng sơ đồ phát triển điện, thậm chí phải mua điện của các nước khác. Như vậy, ngành điện đã đảm bảo vai trò "đi trước một bước" hay chưa? trách nhiệm của việc đầu tư chậm trễ là do vốn hay cơ chế và năng lực điều hành?.
2- Điện cũng là một loại hàng hoá, vậy thì tại sao lại có tình trạng dùng càng nhiều điện thì phí đóng càng cao, chứ không phải là càng dùng nhiều thì càng được "khuyến mại" như các loaị hàng hóa khác. Theo ông tình trạng ngược này có phải do độc quyền hay không? cách giải quyết?. .
3- Nhiều ý kiến và kinh nghiệm một số nước (như Singapore) cho thấy, mặc dù không có tiềm năng nhưng họ có thể mua điện của các nước khác và người dân vẫn được dùng điện thoải maí, theo ông thì số tiền đầu tư của ngành điện những năm qua có "xứng đáng" với số điện đã sản xuất ra hay không? Nếu số tiền này sử dụng để mua điện hoàn toàn thì có tiết kiệm hơn là tự sản xuất như hiện nay không, vì lãng phí trong đầu tư là quá nhiều?. .
4- Mới vào mùa nóng, người dân đã được ngành điện cảnh báo và khuyến khích dùng ít điện thôi, nếu không sẽ bị cắt điện, như vậy có phải là do độc quyền, ngành điện đang kiềm chế sức tiêu thụ điện cũng như các sản phẩm tiêu thụ nhiều điện? ông có thấy điều này là quá vô lý trong cơ chế thị trường hay không?.
Ông Đặng Hoàng An - Trưởng Ban kỹ thuật lưới điện
- Chúng tôi xin trả lời các câu hỏi của bạn như sau:
1. Việc đầu tư phát triển điện bao giờ cũng tuân theo các tổng sơ đồ phát triển điện, đã được chính phủ phê duyệt. Trong tổng sơ đồ đó đã được tính toán kỹ lượng tổng phụ tải, từ đó đặt ra kịch bản phát triển nguồn và lưới điện. Trong những năm qua tốc độ phát triển của ngành điện rất lớn, đạt từ 25.000 -27.000 tỷ đồng cho cả nguồn và lưới điện. Từ nay cho đến 2010, EVN sẽ đưa vào vận hành 13.600 MW nguồn điện, tăng 2.200 MW so với tổng sơ đồ phát triển giai đoạn 5. Do EVN đã đẩy sớm hơn so với tổng sơ đồ nguồn và lưới; nên dự kiến từ 2005-2010, tổng vốn đầu tư thuần của ngành điện sẽ đạt từ 11,7 tỷ USD. Việc đầu tư này nhằm bảo đảm tiến trình CNH-HĐH của đất nước và phục vụ nhu cầu của nhân dân.
2. Vấn đề giá điện chúng tôi đã trả lời ở trên.
3. Việc mua điện của các nước tùy theo điều kiện địa lý, kỹ thuật. Trong điều kiện của chúng ta, hiện nay mới kết nối được nguồn điện ở phía bắc với Trung Quốc, còn với các nước khác thì chưa tiến hành.
4.Vấn đề này chúng tôi cũng đã trả lời ở trên.
PHAMTHUYHIEN - Nữ 29 tuổi - Thanh Xuan Ha Noi
- Chính phủ đang chỉ thị về tiết kiệm xăng dầu (10%) - Vậy EVN có đề ra 1 mức tiết kiệm cụ thể nào 10% hay 20%?
Ông Trịnh Ngọc Khánh– Phó Ban kinh doanh và điện nông thôn EVN
- EVN không đề ra một mức tiết kiệm điện năng cụ thể, bởi chúng tôi không khuyến nghị khách hàng bớt sử dụng điện, mà chỉ khuyến nghị khách hàng sử dụng điện một cách hợp lý, tránh lãng phí, chỉ dùng khi có yêu cầu thật sự. Như thế, sẽ mang lại hiệu quả khi sử dụng điện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2007, sẽ cắt giảm khoảng 400 MW phụ tải vào giờ cao điểm.
Minh Công - Nam - Tiền Giang
- Trước đây, ngành điện có kế hoạch hoà mạng lưới điện với các nước ASEAN, bán điện cho Lào và Campuchia. Bây giờ Tổng công ty phải đi mua điện của Trung Quốc thì nói gì đến bán điện? Kế hoạch hoà mạng này triển khai đến đâu rồi, phải chăng đã đổ bể?
Ông Đặng Hoàng An - Trưởng Ban kỹ thuật lưới điện
- Việc liên kết lưới điện VN với mạng luới điện các nước Asean là một kế hoạch lâu dài. Trong những năm vừa qua, EVN đã tiến hành hợp tác với các nước trong khu vực Asean và tiểu vùng sông Mê kông về các đề án lưới điện. Từ nay đến 2020, dự kiến VN sẽ có 11 công trình liên kết lưới điện giữa VN với các nước Asean và Trung Quốc để có thể cung cấp nguồn điện áp từ cấp điện áp 110 KV đến 500 KV.
Hiện tại VN mua điện của Trung Quốc là do từ nay đến 2007, chúng ta liên kết với lưới điện của miền nam Trung Quốc để tranh thủ nguồn điện của lưới điện này.
Lê Bảo trúc - Nam 47 tuổi - Kiên Giang
- Xây đường dây 500 kV đã rất tốn kém, tại sao lại xây thêm một đường dây như vậy nữa? Nhà tôi bị nhiễm từ do đường dây điện gây nên, cán bộ địa phương hứa là chúng tôi sẽ được hỗ trợ. Tôi đợi đã lâu vẫn chưa được hỗ trợ gì. Ai là người hỗ trợ cho tôi? .
Ông Trần Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
- VN là một nước hẹp nhưng dài, do đó để tải điện đi xa phải dùng cấp điện áp 500KV. Việc quy định hành lang lưới điện 500 KV là tính từ phao ngoài cùng ra mỗi bên là 7m; mặt khác từ phao ngoài cùng ra mỗi bên là 100 m nếu những vật kim loại nằm trong khu vực này đều phải tiếp đất.
Cường độ điện trường theo tiêu chuẩn của VN, ngoài hành lang lưới điện là nhỏ hơn 5kv/1m. Qua đo các đường đây 500 KV đã xây dựng đều đạt theo tiêu chuẩn này và có không có đền bù gì về vấn đề nhiễm trường do đường dây điện gây ra.
HUỲNH MINH HẢI - Cty TBĐ AN PHÚ - Nam 34 tuổi - 18 ĐIỆN BIÊN PHỦ - P.ĐAKAO-Q.I
- Tiết kiệm điện có nghĩa là: "tìm mọi cách sử dụng hợp lý, hiệu quả điện năng nhằm đảm bảo thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt và sản xuất" chứ không phải TKĐ là cắt giảm hoặc không sử dụng điện. Chúng tôi là một đơn vị tư nhân có tham gia chương trình tiết kiệm điện nhiều năm qua và dự định sẽ có chương trình phổ cập nội dung tiết kiệm điện đến các hộ dùng điện và các công ty sản xuất. Nhưng dự án này đối với chúng tôi là quá lớn, vậy đứng về phía EVN sẽ có những chương trình hỗ trợ gì? và sẽ liên hệ với cơ quan, cá nhân nào tại TP.HCM? để sớm hiện thực hóa kế hoạch của chúng tôi.
Ông Trịnh Ngọc Khánh– Phó Ban kinh doanh và điện nông thôn EVN
- EVN luôn uôn ủng hộ và sẵn sàng phối hợp với các đơn vị, cá nhân tham gia vào chương trình phổ biến, tuyên truyền tiết kiệm điện. Nếu công ty của bạn có chương trình, và muốn phối hợp triển khai thì bạn có thể liên hệ với Ban kinh doanh và điện nông thôn của EVN, 18 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội. ĐT: 04.8.254.598 Fax: 04.8.259.219
Trên cơ sở chương trình của công ty bạn, chúng tôi sẽ xem xét và có cách phối hợp, hỗ trợ cụ thể.
Thu Trang - Nữ 31 tuổi - Phan Thiết
- Nước ta có nhiều nhà máy thuỷ điện lớn như Trị An, Hoà Bình, Thác Bà... đang đóng góp đáng kể cho nguồn điện. Tuy nhiên, những năm gần đây năm nào chúng tôi cũng thấy báo chí nói tới chuyện thiếu nước và có thể phải ngừng chạy máy. Xin ông cho biết, có phải do chúng ta đã không tính toán đúng dung lượng nước- nhất là mùa khô - khi xây dựng các nhà máy thuỷ điện này?
Ông Đỗ Mộng Hùng- Trưởng Ban kỹ thuật nguồn điện
- Một trong dữ liệu quan trọng khi xây dựng các công trình thuỷ điện là phải thống kê, điều tra, quan trắc, đo đạc để thiết lập chuỗi thuỷ văn dài hạn nhiều năm, phục vụ cho các tính toán kỹ thuật, kinh tế của công trình. Nhưng do bản chất của dòng chảy đi các sông là quá trình ngẫu nhiên, phụ thuộc vào khí hậu và thời tiết, nên trong quá trình vận hành công trình sẽ có những năm nhiều và ít nước. Điều này là không thể tránh khỏi và bản chất gắn liền với công trình thuỷ điện.
Trịnh Vân Lâu - Nam 57 tuổi - Thừa Thiên- Huế
- Tại sao lại thiếu nhiều điện trong giờ cao điểm như vậy? Tổng công ty đã làm gì để khắc phục?
Ông Đặng Huy Cường – Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia
- Cho tôi xin được hỏi lại độc giả là tại sao lại có thông tin thiếu nhiều điện trong giờ cao điểm cũng như trong các giờ khác, vì hiện nay chúng tôi vẫn đáp ứng đủ điện trong tất cả các giờ. Trong giờ cao điểm, EVN liên tục bảo đảm các thiết bị về nguồn, lưới điện để phục vụ. Khi có sự cố, chúng tôi cố gắng khắc phục tình trạng gián đoạn điện nhanh nhất.
Võ Hồng Thanh - Nam 54 tuổi - Tỉnh Bình Dương
- Là một nguời tiêu dùng, là người quản lý cơ sở hạ tầng của tỉnh Bình Dương, tôi hỏi ông phó Tổng Giám đốc EVN: Tôi có cảm giác rằng ngành điện lực VN chưa hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình bởi 3 điểm:.
1/ Nguồn điện thiếu hụt gây lo lắng cho nguời tiêu dùng và phát triển sản xuất..
2/ Vì sao ngành điện chưa xóa được đồng hồ tổng của nhiều khu vực..
3/ Giá điện đi nguợc với qui luật của kinh tế thị trường "mua nhiều bán đắt". Vậy mà tại sao ngành điện không tập trung nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng của mình để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nuớc giao phó mà lại bỏ vốn vào đầu tư vào lĩnh vực điện thọai (để xẻ miếng bánh của VNPT)?
Ông TRẦN QUỐC ANH – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam
Khi phê duyệt Tổng sơ đồ điện V, Chính phủ đã tính đến và điều chỉnh để phù hợp với tốc độ tăng khá nhanh của phụ tải. Tuy nhiên, trên thực tế, thì phụ tải điện năm 2004 - 2005 tăng quá lớn, có thể nói là đột biến. Về nguồn điện thiếu hụt gây lo lắng cho người tiêu dùng và sản xuất, chúng tôi thấy rằng không có nơi nào trên thế giới, lại có tỷ lệ tăng phụ tải điện lớn như ở Bình Dương. Năm 2004, tăng 40%; nửa đầu năm 2005, tăng 30%.
Tăng lớn như vậy, nhưng khi làm Tổng sơ đồ điện V, chưa ai đăng ký với ngành điện là phụ tải ở Bình Dương lại như vậy. Phải chăng Sở Công nghiệp Bình Dương cũng không dự đoán được có 1 KCN lớn như vậy.
Phần 2, 3 trong câu hỏi của ông, tôi đã trả lời ở trên.
PHAMTHUYHIEN - Nữ 29 tuổi - Thanh Xuan Ha Noi
- Tôi đọc báo thấy nhiều nơi việc sửa chữa khắc phục sự cố điện rất chậm? EVN có quy định về thời gian để khắc phục sự cố đó? Với sự cố khắc phục chậm thì EVN có biện pháp gì, hay chỉ dừng ở mức họp và kiểm điểm nội bộ?
Ông Đặng Hoàng An - Trưởng Ban kỹ thuật lưới điện
- Trong quá trình vận hành, lưới điện có thể có rất nhiều dạng sự cố khác nhau xảy ra như cây đổ, vỡ sứ cách điện... Vì vậy thời gian khắc phục tuỳ thuộc vào dạng sự cố. EVN luôn cố gắng tái lập điện trong thời gian nhanh nhất.
Theo quy định tại Nghị định 45 của Chính phủ, trong vòng 2 giờ khi sự cố xảy ra ngành điện phải tập trung lực lượng khắc phục sự cố.
Hải Trần - Nữ 36 tuổi - Thanh Hóa
- Năm nào cũng xảy ra tình trạng nguồn nước của các NM thủy điện bị thiếu hụt, ngành điện có kế hoạch gì không hay chỉ "cầu trời mưa" ?
Ông ĐỖ MỘNG HÙNG - Trưởng Ban kỹ thuật nguồn điện EVN
Để giải quyết vấn đề này, trong các quy hoạch dài hạn về phát triển hệ thống điện VN sẽ tăng dần tỷ lệ các nhà máy phát điện từ các nguồn năng lựợng khác, bảo đảm cân đối tỷ trọng giữa các loại năng lượng sơ cấp sử đụng để làm nguồn phát điện ở VN.
Hải Trần - Nữ 36 tuổi - Thanh Hóa
- Một số công trình (cầu, đường) đang thi công hiện đang trong tình trạng chậm tiến độ, nguyên nhân là do ngành điện chậm trong công tác giải phóng mặt bằng (di dời các thiết bị điện) dẫn đến tình trạng trên, ngành điện nghĩ sao nếu như mọi nguời nói đó là biểu hiện của cơ chế độc quyền ?
ĐẶNG HOÀNG AN - Trưởng Ban kỹ thuật lưới điện
- Về vấn đề bạn hỏi cần phải có dẫn chứng cụ thể những công trình nào chậm tiến độ do ngành điện chậm di dời thiết bị điện. Cần phải thấy, việc di dời các công trình điện sẽ ảnh huởng đến việc cung cấp điện cho phụ tải và khách hàng khu vực, và cũng phải tuân theo những quy trình nghiêm ngặt. Tôi nghĩ rằng không có chuyện vì độc quyền mà ngành điện từ chối không di dời.
Bùi Minh Long - Nam 32 tuổi - Triều Khúc - Thanh Trì - Hà Nội
- Hiện nay nhiều nhà máy điện đang thiếu nước mà vẫn phải chạy để đảm bảo cung cấp đủ điện, và làm như vậy sẽ làm hư hỏng thiết bị. Trách nhiệm của EVN như thế nào nếu các máy móc đó bị hư hỏng?
Ông Đỗ Mộng Hùng - Trưởng Ban kỹ thuật nguồn điện
- Mặc dù hiện nay các NM thuỷ điện đang ở tình trạng thiếu nước, nhưng trong quá trình vận hành luôn tuân thủ các quy định về quy trình vận hành của thiết bị và công trình. Các NM điện cũng sẽ điều chỉnh công suất và sản lượng phát, để bảo đảm thiết bị và công trình an toàn, không dẫn đến hư hỏng của thiết bị và công trình.
Hồ Hảo Hai - Nam 34 tuổi - Hà Nội
- Nhân chuyện nguồn nước, chúng tôi được biết nhà máy thuỷ điện Hoà Bình còn phải vận hành khoảng 50-70 năm nữa. Vậy xin ông cho biết trong tương lai, liệu có cách gì khắc phục tình trạng thiếu nước này? Nhà máy Hoà Bình đã thiếu nước khi mùa khô đến, liệu khi xây thêm nhà máy thuỷ điện Sơn La tình trạng thiếu nước và thiếu điện có được cải thiện hơn?.
Quang cảnh buổi giao lưu ở VP Báo SGGP tại Hà Nội
Ông Đỗ Mộng Hùng - Trưởng Ban kỹ thuật nguồn điện
- Để góp phần bảo đảm nguồn nước cho các nhà máy thuỷ điện thì ngoài các lý do khách quan phụ thuộc vào khí hậu tự nhiên, thì việc bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, phủ xanh đất trống đồi trọc trong diện tích các lưu vực sông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc xây dựng thêm nhà máy thuỷ điện Sơn La là bậc thang phía trên của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà với dung tích hồ chứa là 9,26 tỷ met khối nước với công suất lắp máy 2.400 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm 9,429 tỷ KWh sẽ góp phần quan trọng trong việc chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước vào mùa kiệt cho ĐB Bắc Bộ, cải thiện tình trạng thiếu nước và thiếu điện hiện nay.
Trịnh Bảo Trung - Nam 26 tuổi - Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT VN
- Mỗi lần tăng giá điện, lãnh đạo TCty Điện lực VN (EVN) lại đưa ra lý do là giá điện ở trong nước vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, so với nước nghèo nhất trong số các nước được so sánh là Philippine cũng có GDP bình quân đầu người gấp đôi của nước ta. Cho nên, giá điện trong nước có thấp là điều hợp lý. Phải chăng lãnh đạo EVN không hiểu điều đó, hoặc không có lý do nào thuyết phục hơn, biện minh cho việc tăng giá điện. Ngoài ra, mặt bằng giá cả tuyệt đại đa số các hàng hoá, dịch vụ trong nước đều rẻ hơn so với các nước, chỉ trừ các lĩnh vực độc quyền như viễn thông, dầu khí, điện. Phải chăng, độc quyền chính là nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá của điện như hiện nay?
Ông Trịnh Ngọc Khánh - Phó Ban kinh doanh và điện nông thôn EVN
- Trước hết, tôi xin khẳng định rằng, giá điện của chúng ta hiện nay thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Trong khi toàn bộ thiết bị, nhiên liệu cho sản xuất điện chúng ta đều phải nhập từ nước ngoài, và phải chịu sự tăng giá theo cơ chế thị trường. Theo tôi, độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực cung cấp điện hiện nay không phải dẫn đến sự tăng giá điện như bạn hiểu. Vì giá điện hiện nay - được áp dụng từ năm 2002 - không hề tăng, trong khi các yếu tố chi phí để sản xuất điện đã tăng rất nhiều từ năm 2002 đến nay. Nhiều mặt hàng khác cũng đã tăng giá. Như vậy, chính sự độc quyền có điều tiết của Nhà nước đã giúp giữ được giá điện không thay đổi, và chính khách hàng dùng điện đã được hưởng lợi từ sự độc quyền có điều tiết của Nhà nước này.
Từ Tòa soạn SGGP Online ở TP Hồ Chí Minh, các biên tập viên, phóng viên báo đang tác nghiệp để bắc cầu nối cho buổi giao lưu.
Hoang Nguyen Hung - Nam 36 tuổi - Hà Tây
- Thưa Ông Trần Quốc Anh, theo tôi được biết, miền Bắc đang thiếu điện nhưng lượng công suất dư thừa ở miền Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc. Tuy nhiên, do việc chậm trễ đóng điện đuờng dây 500kV Bắc- Nam (mạch 2) nên hiện nay vẫn chưa thể chuyển tải lượng công suất dư thừa ở miền Nam ra miền Bắc. Xin Ông cho biết các đơn vị liên quan sẽ chịu trách nhiệm như thế nào trong việc này?
Ông Trần Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam
- Về tiến độ đóng điện đuờng dây 500kV Bắc- Nam (mạch 2), chúng tôi đã trả lời ở trên.
Đỗ Hồng Vân - Nữ 22 tuổi - Thành Công - Ba Đình - Hà Nội
- Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần xây dựng lại các nhà máy điện nguyên tử nhằm đảm bảo điện năng. Vậy ông có thể cho biết quan điểm của EVN về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam
- Các nguồn sơ cấp để phát điện như than, khí , dầu và thuỷ điện nếu khai thác rồi cũng hết. Về dạng năng lượng nguyên tử VN cũng có nhiều mỏ urannium. Điện nguyên tử cũng là dạng năng lượng rẻ và sạch. Tuy nhiên, điện nguyên tử yêu cầu phải có người hiểu biết thành thạo về nó. Nhà máy điện nguyên tử cũng đã được Bộ Công nghiệp đề cập trong giao đoạn tới. Tuy nhiên muốn có nhà máy điện nguyên tử phải có một đội ngũ kỹ sư và công nhân vận hành lành nghề và có kỷ luật, cho nên ngay từ bây giờ phải lựa chọn công nghệ và đào tạo đội ngũ quản lý thì phải từ 15-20 năm sau mới có thể vận hành được nhà máy điện nguyên tử.
Ông Đặng Huy Cường – Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia
Trần Minh Phi - Nam - HCM
- Ngày thu tiền thì bữa sớm bữa trễ, đóng trễ thì cắt điện, muốn có lại thì phải nộp tiền. Điện lực, nước, điện thoại vẫn còn đang tình trạng độc quyền, phải chăng vì lý do này mà cung cách phục vụ của ngành điện lực từ trước đến giờ vẫn vậy ?
Ông Trịnh Ngọc Khánh - Phó Ban kinh doanh dịch vụ điện nông thôn
- Công tác thu tiền điện là một trong những hoạt động nhằm đảm bảo kết quả kinh doanh của EVN. Tuy nhiên, khi nhân viên của chúng tôi đi thu tiền thì nhất thiết phải chọn lúc chủ nhà ở nhà thì mới thu được tiền điện. Vì thế, phải tranh thủ không kể sớm tối. Còn việc cắt điện do chậm đóng tiền điện là quy định của Nhà nước. Chúng tôi cũng công nhận rằng, công tác phục vụ của nhân viên ngành điện chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, và chúng tôi luôn luôn mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của khách hàng để cải tiến chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.
Đại diện VP Báo SGGP tại Hà Nội tặng hoa ông Trần Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam
Thưa quý bạn đọc,
Trong 3 ngày qua và suốt buổi chiều nay, SGGP online đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gởi tới giao lưu cùng ông Trần Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cùng một số cán bộ EVN qua địa chỉ e-mail của SGGP online và gởi trực tiếp trong thời gian giao lưu. Vì thời gian có hạn nên còn nhiều câu hỏi của bạn đọc chưa được trả lời. Rất mong bạn đọc thông cảm!
Xin cảm ơn Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cùng các chuyên gia đã nhận lời tham gia buổi giao lưu này.
Xin chào tạm biệt. Hẹn gặp lại các bạn trong lần giao lưu sau!
SGGP online