Giao thông ách tắc vì… rào chắn

Trước khi triển khai các dự án cải tạo nâng cấp đường, cống thoát nước trên địa bàn TPHCM, chủ đầu tư “cam kết” thi công cuốn chiếu nhằm hạn chế cản trở giao thông. Trên thực tế, các đơn vị thi công khi triển khai đã dựng rào chắn bít gần hết lối đi, người tham gia lưu thông phải luồn lách tìm kẻ hở “thoát thân”.
Giao thông ách tắc vì… rào chắn

Trước khi triển khai các dự án cải tạo nâng cấp đường, cống thoát nước trên địa bàn TPHCM, chủ đầu tư “cam kết” thi công cuốn chiếu nhằm hạn chế cản trở giao thông. Trên thực tế, các đơn vị thi công khi triển khai đã dựng rào chắn bít gần hết lối đi, người tham gia lưu thông phải luồn lách tìm kẻ hở “thoát thân”.

Khoanh vùng để đó!

Thời điểm gần cuối năm, tình trạng đào đường vẫn diễn ra tràn lan trên nhiều tuyến phố. Các công trình dựng rào chắn, chiếm dụng lòng đường gây khó khăn cho người đi lại. Khi rào chắn vừa dọn đi, mặt đường sau khi tái lập tạm nham nhở, đá dăm vươn vãi, là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.

Đơn cử như tại khu vực thi công gói thầu K, thuộc dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM làm chủ đầu tư. Từ trước Tết Nguyên đán năm 2015, đơn vị thi công cho rào chắn hàng loạt tuyến đường thuộc địa bàn các quận 5, 6, 11 để triển khai gói thầu này. Gần 1 năm trôi qua, số rào chắn đó vẫn án ngữ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân hai bên đường. Nghiêm trọng nhất là đoạn đường Mai Xuân Thưởng (quận 6) dài chưa đến 1km nhưng có đến 2 rào chắn của cùng dự án trên; đơn vị thi công dựng rào chắn chiếm hết phần lòng đường, thậm chí trưng dụng cả lề đường của người đi bộ. Các tuyến đường Tạ Uyên, Vạn Tường, Tân Khai, Phú Hữu, Hồng Bàng… (quận 5) cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Ông Nguyễn Thanh Tài, chủ doanh nghiệp trên đường Mai Xuân Thưởng, bức xúc: “Người dân ở khu vực này ngán ngẩm lắm rồi. Có một đoạn ngắn mà thi công cả năm nay vẫn còn ngổn ngang, không biết khi nào xong. Công ty tôi phải đi thuê mặt bằng để chứa hàng, mỗi tháng tốn hơn 70 triệu đồng, cả năm nay gần cả tỷ bạc”. Anh Tài nêu thực tế, đơn vị thi công rào chắn bít hết lối đi, kể cả vỉa hè, người dân muốn vào nhà phải luồn lách qua vách tôn rào chắn. Còn người tham gia giao thông phải leo lên lề đường để di chuyển.

Anh Lưu Công Tưởng, ngụ đường Tạ Uyên, quận 11, cho biết, mỗi khi mưa xuống, ngay tại khu vực lô cốt, nước đọng thành vũng ở các rãnh tạo thành những cái bẫy khiến không ít người bị té ngã. Hàng loạt rào chắn dựng lên theo kiểu khoanh vùng để đó, như tại đường Đỗ Ngọc Thạnh (quận 5), Ngô Nhân Tịnh (quận 6), Hồng Bàng (hướng từ Kinh Dương Vương về quận 5) dưới chân cầu vượt Cây Gõ, Lương Định Của (quận 2)...

Công trình đào đường Đỗ Ngọc Thạnh ngày 23-12-2016

Sẽ đình chỉ thi công

Qua tìm hiểu, trước ngày khởi công dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, để hạn chế ùn tắc giao thông, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM đã yêu cầu đơn vị thi công phải thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, tức là trên một tuyến đường chỉ được phép rào chắn một đoạn khoảng 70m, thi công hoàn chỉnh mới triển khai rào chắn thi công tiếp đoạn tiếp theo. Đồng thời, chủ đầu tư cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công, tư vấn giám sát và chính quyền địa phương giải quyết nhanh các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn trả mặt đường. Theo kế hoạch, dự án thi công từ ngày 1-11-2015 đến 10-4-2016 phải hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay (tháng 12-2016), tình hình thi công vẫn còn ngổn ngang. Trong cuộc họp về giải quyết ùn tắc giao thông mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã chỉ đạo tập trung xử lý quyết liệt đối với hệ thống rào chắn hiện hữu có vi phạm, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư xử lý nghiêm 2 đơn vị thi công trên đường Mai Xuân Thưởng (quận 6) và đường Lương Định Của (quận 2).

UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo Sở GTVT phải có kế hoạch theo dõi chi tiết từng rào chắn đang thi công trên các tuyến đường. Tại các tuyến đường nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, phân công cán bộ phụ trách từng rào chắn cụ thể. Trong vòng 24 giờ sau khi tháo dỡ rào chắn, đơn vị thi công không tái lập mặt đường và sau 3 lần bị lập biên bản xử phạt đối với một gói thầu, đơn vị thi công vẫn không chấp hành, Thanh tra Sở GTVT phải đình chỉ toàn bộ gói thầu thi công của nhà thầu.

Đối với các hư hỏng phía ngoài hàng rào chắn do quá trình thi công gây ra, các khu quản lý giao thông đô thị phải sử dụng nguồn vốn duy tu hàng năm để sửa chữa, khắc phục ngay trong vòng 24 giờ. Để nâng cao trách nhiệm đối với dự án đang thi công, TP yêu cầu chủ đầu tư khi xin phép đào đường lắp đặt công trình ngầm phải ký quỹ một khoản tiền bằng với số kinh phí dành cho việc tái lập.

Khi chính quyền TPHCM đã có những động thái quyết liệt, hy vọng các cơ quan quản lý, UBND các quận, huyện kiên quyết thực thi để sớm trả lại sự thông thoáng cho các mặt đường, để người dân TPHCM đón tết an toàn, thuận lợi hơn.

Thanh tra Sở GTVT TPHCM cho biết, tính đến thời điểm này, TP có 87 vị trí rào chắn trên 41 tuyến đường phục vụ thi công các công trình. Trong đó, chủ yếu là các công trình có vốn ODA như hệ thống thoát nước, metro và các dự án giao thông… tập trung ở các quận 1, 4, 5, 6, 8, 9, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp; tăng 30 vị trí rào chắn so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, từ ngày 28-11 đến ngày 11-12, đã có 56 đơn vị thi công vi phạm tập trung chủ yếu các lỗi về rào chắn, không đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục