| |
Cuối tháng 2 năm nay, Hà Nội bắt đầu thực hiện việc xóa hơn 260 điểm trông giữ xe, một giải pháp tiếp theo quy định về đổi giờ học, giờ làm và những “liệu pháp” khác như phân làn, mở đường, chấn chỉnh hoạt động vận chuyển hành khách trong nội đô… Dù có khắt khe, nhưng phải công nhận là những giải pháp đó bước đầu có hiệu quả. Người tham gia giao thông bắt buộc phải có ý thức hơn, ít nhất là e dè hơn khi cho xe lăn bánh trên đường phố hay tìm chỗ đậu xe... Như thế đã đủ cho giao thông ở một thành phố - thủ đô - hơn 6 triệu dân, gần 400.000 ô tô, chừng 3,8 triệu xe máy và diện tích dành cho giao thông nội thành mới ở mức 5% quỹ đất?
Thói quen cũ và liệu pháp tình thế
Cho đến đầu tháng 3, tình hình giao thông ở Hà Nội đã được cải thiện phần nào nhờ một loạt giải pháp được thực hiện liên tiếp trong thời gian ngắn. Điều đó không thể phủ nhận. Tuy nhiên, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực còn xa mới tiệm cận tiêu chí cần có đối với một thủ đô đang hướng tới mục tiêu văn minh, hiện đại bởi sự ùn tắc vẫn còn đó, có thể ở bất cứ đâu và không chỉ vào giờ cao điểm. Những mục tiêu cơ bản chưa thể đạt tới ngay bởi nhiều nguyên nhân quan trọng, đặc biệt là do ý thức tham gia giao thông còn rất kém.
Giờ đây, khi ra phố, ngay cả khi lực lượng cảnh sát giao thông đã làm chặt hơn trước rất nhiều, người ta vẫn có thể thấy sự lộn xộn chưa được cải thiện một cách căn bản. Vẫn phổ biến tình trạng đi trái làn đường quy định, sử dụng còi hơi trong nội đô, vượt đèn đỏ, chuyển hướng mà không dùng đèn báo hiệu...
Có vẻ như dòng chuyển dịch tuân theo “nguyên tắc” do người tham gia giao thông tự định ra, ngay ngắn ở gần giao lộ, nơi thường có cảnh sát giao thông, rồi nhanh chóng bung ra ở đoạn giữa phố, không còn ra hàng lối nữa. Những chiếc xe máy len lỏi trong làn đường dành cho ô tô ngay cả khi người điều khiển nó không hề có ý định chuyển hướng, và ngược lại, ô tô rú còi vượt phải len lên. Ai cũng vội, ai cũng muốn nhanh hơn một chút, bất chấp thực tế là sự ùn tắc khiến họ bị chậm lại rất nhiều.
Khi câu chuyện “dê qua cầu” không còn gây hiệu quả giáo dục đáng kể, có nhiều ý kiến đã được đưa ra, không loại trừ những lời chỉ trích thẳng thắn đánh vào niềm kiêu hãnh của người Hà Nội “chẳng thơm cũng thể hoa nhài”. Đầu năm nay, khi thủ đô bắt đầu thực hiện đổi giờ học và giờ làm đã có ý kiến vội vã cho rằng đó là phương án không hiệu quả. Có người nhận định đó chỉ là một trong số giải pháp đồng bộ mà Hà Nội phải tiến hành, mà quan trọng là thúc đẩy tiến độ và chất lượng các công trình hạ tầng, dành thêm quỹ đất cho giao thông, nâng cao năng lực vận tải công cộng, hiện đại hóa hệ thống đèn tín hiệu….
Nhưng cũng có người lục lại chuyện cũ, xem sự lộn xộn có đúng là do ý thức kém mà ra. Như thể là người Hà Nội, kể từ khi xe gắn máy trở nên thông dụng, mấy ai quan tâm xem chiếc xe của mình có đủ 2 gương chiếu hậu hay không, đa số quan niệm có một chiếc bên trái là được. Chỉ đến một ngày, cách nay gần 10 năm, khi cảnh sát giao thông tăng cường “sờ gáy” những người đi xe máy thiếu gương, người ta mới đổ xô đi mua đủ 2 gương chiếu hậu cho chiếc xe của mình…
Thế rồi, bẵng đi một thời gian, khi cảnh sát giao thông “bận” việc khác, để mắt nhiều hơn đến việc người đi xe có đội nón bảo hiểm hay không thì chiếc gương xe máy không còn là trung tâm của sự chú ý nữa và nó không cánh mà bay. Số xe gắn máy thiếu hoặc không có gương chiếu hậu nhiều hẳn lên và người ta không còn cần lùng sục mua lại gương mỗi khi bị kẻ gian lấy trộm.
Rõ ràng là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị nhằm cải thiện chất lượng giao thông tại Hà Nội có thể không đạt hiệu quả như kỳ vọng nếu thủ đô còn nhiều người vẫn giữ thói quen không phù hợp với hướng phát triển văn minh, hiện đại.
Con người văn minh = thành phố văn minh
Theo đánh giá của Chính phủ, Hà Nội đã có sự chuyển biến về trật tự, an toàn giao thông, nhưng chưa rõ tính bền vững. Trong những ngày đầu tháng 3, thủ đô tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp quản lý, xác định ưu tiên thực hiện một số dự án giao thông đô thị quan trọng; tiếp tục khảo sát mở rộng tuyến phố cấm đậu xe, sắp xếp một số điểm trông giữ xe tại trường học, bệnh viện; tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, xử lý hành vi chiếm dụng lòng, lề đường.
Trong tương lai, còn có thêm những giải pháp quan trọng nhằm giảm tải cho nội đô, có thể dẫn tới sự thay đổi mang tính bản lề như di dời một số trụ sở cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện lớn và cơ sở sản xuất công nghiệp… Tuy nhiên, trong điều kiện quỹ đất dành cho giao thông chỉ bằng 1/5 tiêu chuẩn quốc tế trong khi dòng người - phương tiện không ngừng đổ về thủ đô và những khu đô thị mới vẫn tiếp tục hình thành, hẳn nhiên là bài toán giao thông Hà Nội vẫn còn phức tạp trong nhiều năm tới.
Trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa thể mở mang lập tức, những tuyến buýt nhanh và thậm chí là tàu điện ngầm còn là câu chuyện tương lai, điều có thể làm ngay lúc này là tạo dựng nền tảng để hình thành văn hóa giao thông, kiên quyết dọn sạch lòng, lề đường và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định hiện hành. Phải hướng mục tiêu vào con người, hình thành ý thức tuân thủ luật pháp.
Những điều nói trên liên quan đến lề lối ứng xử của người Hà Nội. Sự tuyên truyền, vận động đã được thực hiện trong khoảng thời gian dài, giờ là cần đẩy mạnh cùng lúc nhiều biện pháp hành chính. Những ý tưởng, đề xuất tăng nặng mức phạt, tạm giữ phương tiện, thông báo sự vụ về nơi làm việc của người vi phạm... là việc đáng được ủng hộ. Vấn đề cần phải làm nữa là phải có thêm biện pháp kiên quyết hơn với những trường hợp tái phạm.
Với thủ đô, mục tiêu phát triển hướng tới văn minh, hiện đại rất khó thực hiện nếu người Hà Nội không tạo dựng lề lối ứng xử văn minh dựa trên sự tôn trọng luật pháp. Bởi vậy, để giải bài toán giao thông Hà Nội, cần tiến hành các nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó cần xác định rõ: Xây dựng ý thức của con người giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Lê Huy Anh (Báo Hà Nội mới)
Hà Nội: Khẩn trương xây dựng các bãi đậu xe trong năm 2012
UBND TP Hà Nội vừa cho biết, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi vừa chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai xây dựng một số dự án bãi đậu xe trên địa bàn.
Cụ thể, Công ty Khai thác điểm đậu xe Hà Nội cần phê duyệt xong dự án xây dựng bãi đậu xe lắp ghép cao tầng tại các phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Nguyễn Công Hoan, dự án xây dựng giàn đậu xe cao tầng tại hè phố Nguyễn Đình Chiểu và Công viên Thống Nhất trong tháng 4-2012, thực hiện, hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 9-2012. Tổng công ty Vận tải Hà Nội cần hoàn thành 2 bãi xe trước cổng.
Đối với dự án bãi đậu xe cao tầng tại khu đất trống phố Nguyễn Công Trứ phải triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng trong quý 3-2012. UBND TP cũng giao các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng khẩn trương triển khai xây dựng hàng loạt điểm đậu xe mới trên địa bàn ngay trong năm 2012 để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân.
TP Hà Nội đã giao Sở KH-ĐT đề xuất cơ chế chính sách, theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện theo phương thức xã hội hóa, báo cáo UBND TP trước ngày 20-3. Các sở ngành, chủ đầu tư, nhà đầu tư phải đẩy mạnh tiến độ chuẩn bị đầu tư theo hướng cải cách hành chính, rút ngắn thời gian xử lý công việc để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, thỏa thuận tổng mặt bằng, thiết kế... để sớm thi công xây dựng công trình.
UBND TP cũng giao Sở QH-KT thống nhất với Sở GTVT danh mục điểm, bãi đậu xe ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2012-2015, báo cáo UBND TP trong tháng 3-2012.
B.Quyên