
Đến nay huyện Củ Chi đã hoàn tất việc bê tông, nhựa hóa cho 215 cây số đường giao thông nông thôn (GTNT) ở 21 xã, thị trấn. Song song đó, UBND huyện Củ Chi tiếp tục cho ra đời thêm hàng loạt những tuyến xe buýt nội huyện và liên huyện. Điều này càng làm cho khoảng cách vùng sâu – vùng xa – vùng trung tâm huyện gần hơn. Điều đáng nói là tiềm năng kinh tế địa phương cũng được đánh thức…
Nhựa hóa đường GTNT: chiếc đòn bẩy phát triển kinh tế

Xe buýt trở thành phương tiện lưu thông không thể thiếu của học sinh và tiểu thương ở Củ Chi.
Đến khi tiếp xúc với cán bộ chuyên trách về chương trình đường GTNT tôi mới hiểu ra được tầm nhìn của huyện trước cơn lốc tốc độ đô thị hóa ở Củ Chi. “Khi đất ở đây còn là đất ở, đất nông nghiệp thì chúng tôi bắt tay ngay vào làm hệ thống đường, cống thoát nước chạy qua các khu dân cư, cánh đồng.
Khi đất chưa cao giá, dân đồng tình chung lưng cùng chính quyền làm ra những con đường – đó là một thuận lợi không phải tốn những khoản tiền đền bù, giải tỏa. Khi những con đường đất “nắng bụi mưa lầy” được thay áo mới bằng những con đường nhựa, tạo được một lực hút cho nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp vừa và nhỏ kéo nhau về đầu tư. Kéo theo một lực lượng lao động nông thôn được giải quyết nghề và việc làm một cách hiệu quả căn cơ.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Minh Tấn cho chúng tôi biết như vậy. Thật vậy, qua tìm hiểu tại các xã Trung An, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây… trước đây các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay giờ con số đã lên đến hàng trăm doanh nghiệp đóng trên các địa bàn này.
Một hiệu quả từ đường giao thông mang lại rõ rệt nhất hiện nay phải kể đến là nó đã góp phần phát triển tìm năng của các vùng kinh tế của địa phương bằng các làng nghề, các vùng chuyên canh cây ăn trái với du lịch sinh thái. Điều này không ai cảm nhận được giá trị đích thực của hệ thống đường GTNT mang lại bằng hàng ngàn hộ dân của xã Trung An, Bình Mỹ, Phú Mỹ Hưng…
Ông Hà Văn Thêm, một cố cựu trên dãy đất cù lao Bốn Phú nhìn nhận: “Từ hồi đường GTNT về xứ cù lao này xóa đi hàng chục cây cầu ván đóng đinh, cầu khỉ chênh vênh… thì mọi khát khao đổi đời của người dân đều được thực hiện. Từ việc bấp bênh trong việc tìm nơi tiêu thụ trái cây thì giờ cứ đến mùa thì không đủ để bán. Khách thập phương đến vui chơi thưởng ngoại phong cảnh hữu tình của miền quê sông nước đã giúp cho người dân trên dãi đất cù lao này là Bốn Phú và An Hòa trút đi những gánh nặng về một thị trường tiêu thụ”.
Năm vừa qua, UBND xã Trung An đã chính thức khai trương làng du lịch sinh thái tại đây, dù chưa đúng sát với ý nghĩa của nó nhưng điều này cũng là một bước ngoặt quan trọng của sự cố gắng chung sức của chính quyền địa phương và nhân dân cùng sát cánh vực dậy tiềm năng kinh tế của xã. Chị Lê Thị Ngờ, ấp An Hòa không giấu giếm: “Năm ngoái vào thời gian này chỉ tại khu vườn của nhà tui đã đón trên 2.000 lượt khách.
Với khu vườn cây ăn trái rộng chưa đầy 1ha này, số lượng khách đến đông như vậy thì giờ tui cũng không còn lo ngại gì đến đầu ra cho trái cây ở đây nữa…”. Chính vì vậy mà lợi nhuận của người dân trồng cây ăn trái ở đây từ vài chục đến trăm triệu đồng/ha/năm là điều trong tầm tay của họ trong năm nay.
Xe buýt - Nhịp cầu nối vùng sâu vùng xa
Kể từ khi mạng lưới đường sá tươm tất thì huyện Củ Chi tiếp tục cho ra đời hàng loạt những tuyến xe buýt nội huyện. Từ một xã vùng sâu như Bình Mỹ chỉ cần bỏ ra vài ngàn đồng là người dân nơi đây có thể đến với một xã vùng xa tận cùng của Củ Chi là Phú Mỹ Hưng. Anh Sáu Lê, ấp 6 xã Bình Mỹ phấn khích cho biết: “Dân ở đây trước giờ chỉ biết xe đạp, rồi sau đó xe Honda giờ thì đi xe buýt lên huyện làm giấy làm tờ được mà chỉ mất vài ngàn đồng và chỉ đi một buổi là xong. Xe buýt chạy liên tục, chỉ cần ra đường ngồi hút chưa tàn điếu thuốc là có xe buýt đi rồi, sướng thật…”.
Không chỉ có vậy mà nhiều gia đình mang tiếng sống ở Củ Chi mà từ hàng chục năm nay chưa hề biết địa đạo Bến Đình, Bến Dược vì không có phương tiện để đi. Giờ cả nhà cứ lên xe buýt, vừa thoải mái ngắm cảnh, vừa an toàn mà cũng đến được những khu du lịch này, thuận tiện nhiều nhưng tốn kém cũng không là bao.
Ông Ba Lăng, ở ấp 10, xã Tân Thạnh Đông kể: “Nhà có bảy, tám đứa cháu mà chỉ có mỗi chiếc xe máy. Hè về chúng cứ đòi đi Bến Dược nhưng làm sao chở chúng đi hết cho được, chở đứa này thì đứa kia phân bì. May mà có tuyến xe buýt mới chạy ngang qua, thế là cho tất cả đi chơi một lượt, vừa không tốn bao nhiêu tiền, thoải mái lại vừa khỏi phải lo lắng đường sá, xe cộ…”.
Nhưng phấn khởi nhất vẫn là giới tiểu thương, vì có những tuyến xe buýt mới thì họ không phải thức khuya dậy sớm để lên bến xe thị trấn Củ Chi rồi đi thành phố lấy hàng. Giờ có chuyến xe từ Phú Hòa Đông – Chợ rau củ quả Tân Xuân (Hóc Môn) đi một mạch là tới nơi, về sớm trong buổi.
Chị Nguyễn Thị Đuốc ở ấp 1, Tân Thạnh Tây, chuyên nghề thu mua rau củ quả và bán trái cây, tâm sự: “Kể từ đầu năm, có tuyến xe buýt này tui khỏe ru đưa hàng đi và lấy hàng về trong buổi. Khỏi phải mất nhiều thời gian và nhọc nhằn lên xuống hàng hóa nhiều bận”.
Ở Củ Chi ngoài những tuyến xe buýt đi nội thành trước đây như Củ Chi – Bến Thành, Củ Chi – Chợ Lớn, giờ còn có thêm những tuyến liên quận huyện mới như Củ Chi – Tân Xuân, Hóc Môn, Củ Chi - quận 12, Củ Chi – Chợ Thủ, Bình Dương… thật sự đã góp phần giải quyết việc đi lại, buôn bán, vận chuyển hàng hóa một cách hữu hiệu cho người dân nông thôn. Tạo thói quen đi lại bằng xe buýt cho người dân trước khi tốc độ đô thị hóa đang diễn ra tại nơi đây thật cần thiết.
QUANG ĐẠT