TPHCM có một hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, len lỏi đến rất nhiều khu dân cư của thành phố. Tận dụng ưu thế này, phát triển giao thông thủy, chia tải một phần cho đường bộ, tạo thêm sản phẩm cho ngành du lịch đã được lãnh đạo TPHCM quan tâm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông thủy, tất cả còn phải đợi thời gian nữa.
Nhà đầu tư đến… rồi đi
Công ty TNHH Thường Nhật là một trong những nhà đầu tư có sự quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư phát triển giao thông thủy tại TPHCM. Được sự chấp thuận của ngành chức năng, Công ty TNHH Thường Nhật đã lập một phương án khá chi tiết cho dự án đầu tư phát triển vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sông tại thành phố. Theo phương án này, Công ty TNHH Thường Nhật sẽ có hai giai đoạn để thực hiện kế hoạch của mình.
Giai đoạn một, đơn vị thí điểm hai tuyến: Tuyến 1 có chiều dài khoảng 25km, bắt đầu từ An Lộc, An Hòa - Bình Lợi, Thanh Đa – sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đĩa - rạch Rơi - sông Phú Xuân. Lộ trình của tuyến được chia ra thành 3 đoạn. Mỗi đoạn dự kiến có 6 trạm dừng đón khách. Tuyến 2 sẽ đi từ Bến Nghé đến Tàu Hủ với tổng chiều dài khoảng 12km. Toàn tuyến có 6 trạm dừng đón khách với tổng thời gian hành trình khoảng 30 phút. Công ty TNHH Thường Nhật đã tính đến khả năng dùng nhiều loại tàu có kích cỡ khác nhau để phù hợp với tĩnh không thấp của một số cầu trên tuyến. Như ở tuyến số 2, đơn vị dự định sẽ sử dụng tàu lớn vì tĩnh không của cầu trên hành trình tàu đi qua khá cao. Công ty TNHH Thường Nhật còn dự định đề nghị Sở Giao thông Vận tải, UBND TPHCM cho phép kinh doanh thêm các dịch vụ thương mại tại các bến đưa đón khách để có thêm thu nhập cho doanh nghiệp và có điều kiện giảm giá vé cho hành khách đi tàu… Thế nhưng, bao nhiêu kế hoạch to lớn ấy cho đến thời điểm này… chỉ là kế hoạch.
Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc chuyên trách lĩnh vực giao thông vận tải thủy của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, từ giữa năm 2012 đến nay không hiểu sao không thấy Công ty TNHH Thường Nhật xúc tiến công tác đầu tư. Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản “hỏi thăm” nhưng không thấy Thường Nhật trả lời.
Bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp, TPHCM cũng chủ động mời gọi doanh nghiệp, thậm chí giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp Nhà nước nghiên cứu đầu tư phát triển giao thông thủy cho thành phố. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thấy tín hiệu gì cho thấy các đơn vị này quan tâm đến giao thông thủy. “Sở Giao thông Vận tải TPHCM chào đón tất cả các nhà đầu tư. Họ cần bất cứ hồ sơ, chứng từ, tài liệu nào, trong khả năng được cho phép của mình, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đều cung cấp đầy đủ” - ông Trần Thế Kỷ khẳng định. Thế nhưng, dường như giao thông thủy tại TPHCM vẫn chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Quá nhiều cản ngại
Cách nay hơn một năm, phát biểu trước báo giới, ông Nguyễn Kim Toản, giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, còn chia sẻ, sở dĩ công ty muốn tham gia vào công việc vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sông vì bản thân ông thấy rõ được tiềm năng của phương thức này. Đó là giải pháp lâu dài giúp giảm tải cho đường bộ. Hơn nữa, khi hình thành, tàu buýt trên sông còn góp phần không nhỏ vào việc tạo giá trị gia tăng cho hoạt động du lịch và các sinh hoạt cộng đồng khác ở TPHCM. Không rõ lý do vì sao Công ty TNHH Thường Nhật không tiếp tục xúc tiến đầu tư vào vận tải thủy song có một thực tế: đầu tư vào lĩnh vực này không đơn giản. Như chính ông Trần Thế Kỷ cho biết, phát triển vận tải đường thủy không chỉ là sắm tàu mà đòi hỏi hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi theo phải đồng bộ. Trước hết là tuyến luồng…
Với việc nạo vét thường xuyên một số tuyến sông kênh có khả năng phát triển giao thông thủy… đây là vấn đề không phải lo nhiều nữa song chế độ bán nhật triều với mức nước lúc thủy triều lên và mức nước lúc thủy triều xuống có khi cách nhau tới 3 - 4m, đòi hỏi hệ thống cầu cảng tương đối lớn và dài. Đầu tư với quy mô như vậy, cần có kỹ thuật cao và nguồn vốn lớn, một yêu cầu mà không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng. Có bến thì phải có giao thông đường bộ kết nối với bến để hành khách đi lại được thuận tiện. Hiện nay, dọc hai bên bờ nhiều sông, kênh đã dày đặc người dân sinh sống. Muốn mở đường bộ kết nối với bến của đường thủy trước hết phải tiến hành giải tỏa…
Kinh phí cho công tác này là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Tĩnh không thấp của một số cây cầu là một cản ngại khác nữa cho việc phát triển giao thông thủy tại TPHCM. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ở những tuyến kênh, rạch cấp 6 (nhỏ nhất) thì những cây cầu bắc qua cũng phải có độ tĩnh không thấp nhất 2,5m (độ cao tĩnh không cầu được tính khi thủy triều đang ở mức cao nhất). Thế nhưng, thực tế hiện tại có rất nhiều cây cầu có độ tĩnh không khoảng 1m. Cầu Lê Văn Sỹ bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện độ cao tĩnh không là 1m, không thể khai thác tuyến buýt đường sông. “Chỉ tính riêng trên tuyến kênh nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện có khoảng 20 cây cầu không đạt tiêu chuẩn về tĩnh không theo Quyết định 66 của UBND thành phố về quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến đến năm 2020”, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho hay.
“Do vậy, muốn phát triển giao thông thủy tại TPHCM… phải đợi một thời gian nữa”, ông Trần Thế Kỷ nhận định như vậy.
NGUYỄN KHOA