
(SGGP-12G).- Chiều chiều ra bến Bạch Đằng chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng chục phương tiện tàu, bè lớn nhỏ phóng phom phom dưới sông. Nhưng mấy ai biết được dưới dòng sông phẳng lặng kia lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Luồng tuyến đường thủy ở TPHCM đan xen lẫn nhau và người ngoài cuộc “không biết đường nào mà lần”! Chưa kể còn nhiều vấn đề đặt ra như khi có sự cố xảy ra thì ai sẽ xử lý, xử lý đến đâu, ra sao… Hàng loạt câu hỏi vẫn tiếp tục bỏ ngỏ!
Dòng sông “đen”!
Xin nói ngay, dòng sông “đen” ở đây không phải nói về chuyện bị ô nhiễm mà là con sông nguy hiểm với hàng loạt vụ TNGT đường thủy vừa xảy ra trên địa bàn thành phố. Hàng chục năm qua, Tắc sông Trà (con sông ngắn nối sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu, giáp bến phà Bình Khánh) trở thành mối lo của cơ quan chức năng.
Theo đúng lộ trình, các phương tiện phải đi vòng theo hướng sông Soài Rạp ra đến cửa sông Nhà Bè nhưng vì Tắc sông Trà là đường tắt, rút ngắn gấp 4 lần lộ trình nên các phương tiện từ đồng bằng sông Cửu Long về thành phố đều chọn hướng này.
Cũng cần nói thêm Tắc sông Trà là đoạn sông khá quanh co, có nhiều góc khuất và luồng chảy thay đổi theo con nước. Chính vì những trở ngại nêu trên nên không ít TNGT đường thủy đã xảy ra tại khúc sông này.
Nguy hiểm hơn, khi rời khỏi Tắc sông Trà, các phương tiện thủy đến ngay bến phà Bình Khánh, đoạn ngã ba sông. Lòng sông Nhà Bè đoạn này khá rộng, lại là luồng hàng hải nên tất cả các phương tiện tàu biển, tàu cánh ngầm, phà, sà lan chở cát, ghe xuồng… đều lưu thông “trộn dòng” ngày đêm tại ngã ba này. Chính vì vậy, TNGT liên tục xảy ra.

Trục vớt tàu Hoàng Đạt bị tai nạn trên sông Sài Gòn
Chiều ngày 11-4, chiếc sà lan chở cát đang lưu thông trên đoạn sông Nhà Bè gần khu vực ngã ba sông đã bị một tàu hàng hải đâm lật úp. 4 người trên sà lan, trong đó có một phụ nữ, nhảy xuống sông và may mắn được những tàu ghe gần đó cứu. Chiếc sà lan bị nạn là loại tải trọng 500 tấn, tự vận hành do ông Nguyễn Văn Hải (43 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) làm chủ.
Theo tường trình của ông Hải, lúc bị nạn, tàu chở khoảng 350m3 cát chạy hướng từ huyện Nhà Bè về TPHCM. Khi đến khu vực ngã ba sông Nhà Bè đã bị tàu Viễn Đông 3 đi ngược chiều đâm trực diện.
Trước đó, cũng tại ngã ba sông này 2 tàu vận chuyển hàng hóa từ miền Tây lên thành phố đã đâm vào nhau. Cả 2 tàu đều chìm, 2 người trên tàu tử vong. Cách đây không lâu, trên tuyến sông Sài Gòn - luồng hàng hải do Cảng vụ Hàng hải quản lý - đã xảy ra sự cố hai tàu biển va quẹt nhau, hậu quả là một tàu bị chìm khiến gần 10 người thiệt mạng.
Lái tàu kiểu “cha truyền con nối”

Đội cứu hộ - Sở Cảnh sát PCCC TPHCM - đang bàn bạc phương án lặn mò xác nạn nhân một vụ chìm tàu trên sông Sài Gòn
Toàn hệ thống giao thông đường thủy nội địa tại TPHCM có tổng chiều dài là 1.021km, đi qua 22/24 quận, huyện. Trên các tuyến sông đó có hơn 30 cảng biển, 435 bến thủy nội địa với lượng phương tiện lưu thông thủy, từ tàu biển, sà lan đến phương tiện thủy nhỏ, thô sơ vận chuyển hàng hóa qua lại rất tấp nập.
Chính mật độ lưu thông dày đặc đã khiến tình hình giao thông đường thủy trên địa bàn TPHCM tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Nếu xem tuyến sông nội địa như những tuyến đường giao thông bình thường trên bộ và luồng hàng hải như tuyến cao tốc thì chúng ta dễ dàng hình dung sự lộn xộn trong giao thông thủy trong thời gian vừa qua.
Trên bờ có quy định luồng, tuyến, tốc độ, tín hiệu giao thông… nhưng dưới sông thì hoàn toàn khác, các phương tiện thủy nội địa (sà lan, tàu gỗ vận chuyển hàng hóa loại nhỏ) đi chung luồng với tàu cánh ngầm, tàu biển hàng vạn tấn…
Ngồi trên con phà qua bến Bình Khánh, chúng ta dễ dàng cảm nhận được những đợt sóng ngầm do các con tàu biển, tàu cánh ngầm tạo ra. Con phà nặng cả trăm tấn tròng trành dữ dội thì các phương tiện vận tải nhỏ, sà lan chở cát sẽ ra sao khi qua đoạn sông này?

Đội cứu hộ - Sở Cảnh sát PCCC TPHCM - đang chuyển khí tài, thiết bị để lặn mò xác nạn nhân một vụ chìm tàu trên sông Sài Gòn. Ảnh: Đ.H.
Luồng, tuyến lẫn lộn trong khi công tác quản lý nhà nước thời gian qua cũng rất chồng chéo. Các phương tiện thủy nội địa đi chung trong luồng hàng hải nhưng lái tàu chỉ học Luật Giao thông đường thủy mà chưa được cập nhật Luật Hàng hải.
Trên thực tế, lực lượng có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo luật định thì năng lực cưỡng chế lại hạn chế dẫn đến hành vi vi phạm của các chủ phương tiện chưa được ngăn chặn kịp thời, xử lý triệt để. Trong khi đó, việc tuyên truyền còn rất hạn chế, chưa đi vào đời sống, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy.
Qua đợt kiểm tra mới đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện một thực tế, đó là phần đông những người lái phương tiện thủy nội địa đều theo kiểu “cha truyền, con nối” và không biết gì về các biển báo, đèn tín hiệu.
Sự chồng chéo trong quản lý giữa tuyến thủy nội địa (do CSGT đường thủy quản lý) và luồng hàng hải (do Cảng vụ Hàng hải quản lý) còn gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm. Nghị định 71/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải quy định, CSGT đường thủy không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi tại Điểm 1 và 2, Khoản 1, Mục I, Thông tư 18 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định 09/2005/NĐ-CP lại quy định lực lượng CSGT đường thủy được quyền xử phạt vi phạm xảy ra trên các luồng.
Với thực trạng nêu trên, vừa qua Phòng CSGT đường thủy đã chọn Tắc sông Trà để thực hiện “Tuyến sông an toàn”. Hàng loạt biển báo, đèn tín hiệu… sẽ được cắm thêm trên tuyến sông này cũng như sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát.
ĐOÀN HIỆP