Giao thông TPHCM: Cấp thiết quy hoạch hạ tầng

TPHCM năng động, đang trên đà phát triển nên nhu cầu di chuyển của dân cư sẽ tăng lên gấp bội, xe cộ nhiều thêm. vì Thế nghệ thuật quản lý giao thông là làm sao kiểm soát số lượng phương tiện giao thông đông đúc người không gây ra cảnh chen chúc. TPHCM đang trên đà trở thành một đô thị cực lớn, nếu không được tính toán, quy hoạch cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng “đại tượng vô hình” (cảnh lớn không có hình dạng). ĐTTC trích đăng ý kiến của GS. PHAN VĂN TRƯỜNG (Trường Đại học Kiến trúc TPHCM).
Giao thông TPHCM: Cấp thiết quy hoạch hạ tầng

(SGGP-ĐTTC).- TPHCM năng động, đang trên đà phát triển nên nhu cầu di chuyển của dân cư sẽ tăng lên gấp bội, xe cộ nhiều thêm. vì Thế nghệ thuật quản lý giao thông là làm sao kiểm soát số lượng phương tiện giao thông đông đúc người không gây ra cảnh chen chúc. TPHCM đang trên đà trở thành một đô thị cực lớn, nếu không được tính toán, quy hoạch cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng “đại tượng vô hình” (cảnh lớn không có hình dạng). ĐTTC trích đăng ý kiến của GS. PHAN VĂN TRƯỜNG (Trường Đại học Kiến trúc TPHCM).

Phải hình thành phố đi bộ

Theo tôi hiện nay cần sớm tìm ra những biện pháp điều chỉnh giao thông đô thị trong ngắn hạn và dài hạn. Chẳng hạn có thể tạo ra diện mạo giao thông hài hòa cho TPHCM theo một số hướng như: Hình thành đô thị đi bộ, chỉ có xe công cộng, với giá vé rẻ hoặc miễn phí; xây dựng đô thị “giãn dân” (mô hình đô thị trung tâm kết nối với các đô thị vệ tinh) với những cư dân sống không xa công sở, trường học, chợ, bệnh viện… Những đô thị này có nhiều ở các nước phát triển.

Mấy năm trước đây, để giải quyết nạn kẹt xe, TPHCM đã lập đề án xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi… để chống ùn tắc khu vực trung tâm, đồng thời tạo ra một môi trường trong lành cho thành phố. Tuy nhiên, việc quy hoạch khu phố đi bộ vẫn còn trên giấy. Vấn đề hiện nay là nhất thiết phải hình thành và phát triển loại hình đô thị đi bộ tại các khu trung tâm, tối thiểu vài giờ trong một ngày. Nếu chúng ta muốn công dân nào cũng gần nơi làm việc, trường, chợ thì đương nhiên phải tổ chức lại chức năng đô thị.

Việc này không thể thực hiện được trong một sớm một chiều, bởi chính quyền chỉ có thể khuyến khích chứ không ép buộc. Thay vì để người dân có thu nhập thấp phải sống chen chúc trong những khu nhà tồi tàn bên cạnh những cao ốc ở khu trung tâm, việc cần làm là khuyến khích họ đến những khu đô thị mới có điều kiện sinh hoạt thuận lợi với những chính sách ưu đãi về thuế và phúc lợi xã hội, cho người dân thấy ưu điểm khi chuyển chỗ ở. 

Vấn đề giao thông không thể cải thiện trong thời gian ngắn. Do vậy, nếu hy vọng vào kết quả tốt đẹp của hệ thống metro hay những hệ thống riêng lẻ, thiếu hài hòa trong tổng thể hệ thống hoàn chỉnh sẽ sai lầm. Riêng với metro, chỉ khi nào TPHCM có hẳn một hệ thống metro ít nhất 100 trạm, lúc đó mới có thể nghĩ tới sự cải thiện đáng kể của giao thông công cộng.

Trong khi đó, tuyến metro số 1 phải đợi đến tháng 6-2015 mới đưa vào sử dụng. Đó là chưa kể giá vé metro phải cực kỳ cạnh tranh mới mong giảm được lượng người sử dụng xe 2 bánh. Nếu có chính sách phát triển hợp lý, mero có thể giúp ích cho việc quy hoạch đô thị. Lộ trình metro đi qua sẽ thúc đẩy phát triển những khu vực còn thưa dân cư. Có nghĩa chính sách phát triển địa ốc cũng phải đổi hướng, thay vì xây cao ốc ở những nơi đông dân cư thì đầu tư ra vùng ngoại ô, vừa cân đối mặt bằng dân cư vừa góp phần phát triển bền vững giao thông thành phố.

Quá tải phương tiện khiến giao thông TPHCM luôn ùn tắc. Ảnh: LÃ ANH

Quá tải phương tiện khiến giao thông TPHCM luôn ùn tắc. Ảnh: LÃ ANH

Cần gói quy hoạch đồng bộ

Hiện nay, do thiếu hạ tầng - công cụ cấu trúc không gian - nên không gian của đô thị TPHCM thiếu tổ chức. Chỉ khi nào hạ tầng hùng mạnh, việc giãn dân mới được thực hiện một cách mềm dẻo và hữu hiệu. Điều này cho thấy TPHCM cần có một gói quy hoạch đồng bộ, trong đó hạ tầng cơ sở đóng vai trò quan trọng. TPHCM đang có trên 3.500 con đường với chiều dài trên 3.600km.

Trong khi mạng lưới xe buýt hiện hữu khá khiêm tốn (có 152 tuyến, 3.200 xe, vận chuyển khoảng 5% khối lượng hành khách), thì mạng lưới xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) và metro đang quy hoạch vẫn chưa hình thành. Chính mạng lưới đường sá và phương tiện vận tải công cộng chưa đồng đều, rộng khắp, bất tiện, nên người dân sẵn sàng chen chúc trong một đô thị mà sự tiện lợi cao hơn ngoại thành là chuyện dễ hiểu.

Theo quy hoạch TPHCM đến năm 2025, đô thị trung tâm là khu vực nội thành hiện hữu, đô thị mới là những khu đô thị vệ tinh, bao gồm: Khu đô thị đại học (Củ Chi, Hóc Môn), Khu đô thị khoa học - công nghệ (Thủ Đức, quận 9), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu đô thị Nam Sài Gòn (quận 7), Khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Khu đô thị mới huyện Bình Chánh… Những khu đô thị này vừa góp phần phát triển kinh tế vùng vừa kéo giãn cư dân ở các quận trung tâm (quận 1, quận 3), giảm áp lực đáng kể cho khu vực nội thành. Đây là tầm nhìn đúng đắn, nhưng nếu không có hệ thống hạ tầng giao thông tốt sẽ không dễ đạt mục tiêu.

Phần lớn các đô thị của chúng ta đều thiếu quy củ trong quy hoạch. Cả trong thời gian trước mắt và lâu dài, để giải quyết vấn đề giao thông cho TPHCM, cần có sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp. Trước hết, doanh nghiệp có thể “đỡ” một tay cùng chính quyền lập lại trật tự đô thị về mặt tài chính hay kỹ thuật. Thí dụ, doanh nghiệp có thể hỗ trợ chỗ ở gần công ty, xí nghiệp, nhà máy… cho người lao động. Việc này không chỉ giúp họ tiết kiệm chi phí di chuyển đến nơi làm việc, thời gian, mà còn góp phần giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.

Trong khi chờ đợi những dự án BRT hay metro, cải thiện diện tích mặt đường… để “cứu” giao thông thành phố, theo tôi giải pháp ngắn hạn và hiệu quả là hạn chế nhập cư, giảm lao động thừa và nhàn rỗi trong thành phố, cần đưa đề án khu phố đi bộ sớm đi vào hiện thực. Bên cạnh đó, cần kêu gọi người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân vào giờ cao điểm. Người dân cũng tập quen dần với thói quen và văn hóa đi bộ để tạo nên bản sắc của một thành phố đặc trưng - đông dân nhưng giao thông không hỗn loạn.

Minh Tuấn

Tin cùng chuyên mục