Nội dung cuộc giao lưu trực tuyến

Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2007

Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2007
Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2007 ảnh 1

Bạn đọc thân mến!

Từ trung tuần tháng 3- 2007, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 đã bắt đầu khởi động. Thí sinh và các bậc phụ huynh chắc chắn có nhiều câu hỏi, thắc mắc liên quan đến những điểm mới của kỳ thi năm nay: hướng dẫn khai hồ sơ đăng ký dự thi, chọn khối, chọn trường, chọn ngành sao cho phù hợp với năng lực và dễ trúng tuyển...

Đáp ứng yêu cầu của đông đảo bạn đọc, báo SGGP đã mời Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Đại học và sau Đại học và ông Đỗ Thành Duy, Chuyên viên chính Vụ Đại học và sau Đại học, Bộ Gíao dục- Đào tạo  tham gia buổi giao lưu trực tuyến và giải đáp các câu hỏi của bạn đọc.

PGS, TS Ngô Kim Khôi:  Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2007 đã bắt đầu khởi động, thay mặt cho thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học cao đẳng của Bộ GD - ĐT, tôi xin gửi lời chào tới tất cả các em thí sinh, bậc phụ huynh, xin gửi lời cảm ơn tới báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức giao lưu trực tuyến đề đưa những thông tin mới nhất cụ thể nhất và chính xác nhất để các em thí sinh nắm được. Chúng tôi sẽ cố  gắng giải đáp tất cả những câu hỏi của các em qua SGGP online hoặc SGGP Nhật báo. Xin chúc các em thành công trong kỳ thi ĐH - CĐ năm 2007.

Minh - Nam - - Q.1. TPHCM

- Năm nào cũng có nhiều trường hợp thí sinh khai sai hoặc nhầm lẫn các mục trong hồ sơ đăng ký dự thi. Ông có lưu ý đặc biệt nào đối với thí sinh không?.

- PGS, TS Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Đại học và sau Đại học, Bộ GD-ĐT: Về cơ bản, Phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) năm nay không có thay đổi để giữ ổn định tâm lý cho thí sinh. Tất cả những nội dung trên phiếu vẫn như năm trước với 16 mục nhỏ. Trong đó, thí sinh cần lưu ý khai đúng, khai đủ mục 2 và mục 3. Mục 3 là mục dành cho những thí sinh có nguyện vọng (NV1) học tại các trường ĐH, CĐ hoặc hệ CĐ của các trường ĐH không tổ chức thi.

Trong trường hợp này thí sinh phải khai vào mục 3 trường có NV học, sau đó khai thêm mục 2 trường đăng ký thi "nhờ" để lấy kết quả xét tuyển. Đối với những thí sinh ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi chỉ cần khai mục 2. Thí sinh vẫn có 3 NV. Một vào trường có tổ chức thi; NV 2,3 để xét tuyển nếu không đúng trúng tuyển NV trước. Thời gian xét tuyển các đợt vẫn ấn định như năm trước.

Huỳnh Tuyết Mai - Nữ 18 tuổi - - Quảng Nam
- Vì sao năm nay, cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh lại phát hành muộn hơn thời điểm thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi? Như vậy thí sinh sẽ bị lỗ hết gần cả tuần. Xin hỏi thời gian chính xác sách được phát hành ?

TS Ngô Kim Khôi: Năm nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới phương thức trong tuyển sinh, Bộ GD - DDT ban hành tiêu chí các trường với Bộ chủ quản hoặc UBND tỉnh trực thuộc tp Trung ương, sau đó thông báo với Bộ GD - ĐT. Bộ GD - ĐT xác nhận chỉ tiếu chuyển mới năm 2007 của các trường.

Do quá trình đề xuất chỉ tiêu theo tiêu chỉ và quá trình tổng hợp chỉ tiêu của các địa phương có chậm so với kế hoạch, trong khi, cuốn những điều cần biết về tuyển sinh năm 2007 đăng chi tiết chỉ tiêu tuyển mới cuả từng trường, kể cả của từng ngành trong mỗi trường. Vì vậy, sau khi tổng hợp xong chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường thì Bộ GD - ĐT mới biên tập xong cuốn những điều cần biết.

Chúng tôi xin thông báo, cuốn những điều cần biết sẽ được phát hành đồng loạt trên toàn quốc vào ngày 16 - 3 - 2007. Vì thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh năm 2007 còn rất dài đến hết ngày 10 - 4 - 2007 theo tuyến của Sở GD - ĐT và đến hết ngày 17 - 4-2007 theo tuyến của các trường đại học và cao đẳng, nên các em cứ bình tĩnh.

Sau khi có cuốn những điều cần biết, các em nghiên cứu đầy đủ thông tin để khai hồ sơ đăng ký dự thi đảm bảo chính xác, đúng nguyện vọng và dự thi.

Vừng A Dính - Nam 19 tuổi - interpol_1a@yahoo.com - Cao Bằng
- Em là học sinh dân tộc Tày, em muốn đăng ký dự thi vào trường ĐHSP Tây Bắc. Vậy em có được ưu tiên điểm khu vực không? Một số bạn học của em chuyển từ vùng xuôi lên đây học chỉ 1 năm trở lại đây nhưng vẫn được làm hồ sơ KV 1. Như vậy có công bằng không thưa TS?

PGS-TS Ngô Kim Khôi (giữa) và Chuyên viên chính Bộ GD-ĐT Đỗ Thành Duy (bên trái) đang trả lời giao lưu trực tuyến
 

Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2007 ảnh 2

Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH-SĐH): Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, em là người dân tộc thì được hưởng chính sách ưu tiên 1. Vì em không nói rõ em ở khu vực nào, nên không thể trả lời em được hưởng ưu tiên ở khu vực nào. Theo quy chế tuyển sinh, em học THPT ở đâu, thì sẽ được hưởng ưu tiên ở đó. Nếu trong 3 năm học THPT, mỗi năm học 1 nơi thì lấy năm cuối cùng là thời gian được hưởng ưu tiên khu vực. Nếu 1 nửa thời gian học THPT ở khu vực này, và một nửa ở khu vực khác, thì khu vực được hưởng ưu tiên là theo nửa thời gian học sau.

Trần Tiến Minh - Nam 17 tuổi - - Nha Trang
- Em nghe nói năm nay có sự điều chỉnh quy định nộp lệ phí xét tuyển và dự thi. Lệ phí đăng ký dự thi và dự thi thì nộp cùng nhau nhưng lệ phí xét tuyển sẽ được gửi kèm hồ sơ qua đường bưu điện như thế nào?

TS Ngô Kim Khôi: Từ thực tiễn công tác tuyển sinh ĐH-CĐ những năm qua, và trên cơ sở ý kếin đóng góp của các Sở GD-DT và các trường trong cả nước. Trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, dự kiến thí sinh nộp lệ phí đăng ký dự thi (40.000 đồng/hồ sơ), và lệ phí dự thi (20.000 đồng/hồ sơ). Đồng thời với việc nộp hồ sơ đăng lý dự thi, lệ phí xét tuyển (15.000 đồng/hồ sơ), nộp cùng với hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Thanh Tâm - Nữ 17 tuổi - - Phú Yên
- Năm nay, hồ sơ đăng ký dự thi được giao về cho các Sở in và phát hành. Vậy học sinh của tỉnh này có được dùng hồ sơ của tỉnh khác phát hành hay không, thưa ông?

Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH-SĐH): Hồ sơ đăng ký dự thi năm nay Bộ GD-ĐT đã giao cho các trường in và phát hành theo mẫu chung. Vì vậy, nếu hồ sơ đăng ký dự thi hợp lệ thì có thể nộp được.

Linh Trang - Nữ - - Tp.HCM
- Bao giờ Bộ công bố danh sách các trường không tổ chức thi để thí sinh khai mục 2, 3 trong hồ sơ đăng ký dự thi đầy đủ, chính xác nhất?

- Tiến sỹ Ngô Kim Khôi: Trong cuốn những điều cấn biết về tuyển sinh Đ H - C Đ năm 2007 có đăng đầy đủ danh sách 71 trường  Đ H - C Đ  không tổ chức thi tuyển sinh mà dựa vào kết quả thi đại học với đề thi chung để xét tuyển. Ngày mai (16-3), sẽ phát hành đồng loạt cuốn những  điều cần biết về tuyển sinh năm 2007. Các em tham khảo trong cuốn sách này về danh sách các trường không tổ chức thi.

Trịnh Khôi - Nam - - TPHCM
- Năm nay, Bộ giao quyền tuyển thẳng HS giỏi quốc gia cho các trường ĐH, CĐ. Vậy Bộ đã có hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề này để tránh tiêu cực xảy ra hay không?

Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH-SĐH): Theo quy chế tuyển sinh được sửa đổi bổ sung năm 2007, việc tuyển thẳng vào ĐH chỉ đối với những thí sinh đội tuyển Olympic. Còn với những thí sinh đoạt giải Quốc gia, thì phải dự thi ĐH, và đạt điểm sàn quy định trở lên, và không có môn nào bị điểm 0, sẽ được các trường ưu tiên xét tuyển. Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn các trường theo tiêu chí xét tuyển của từng trường.

Huỳnh - Nam - - Hà Tây

- Tôi nghe nói tuyển sinh vào các trường công an năm nay có thay đổi so với trước. Xin ông cho biết cụ thể hơn?

Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH-SĐH): Chi tiết tuyển sinh vào các trường của ngành công an, em hãy liên hệ trực tiếp với công an các quận, huyện để được hướng dẫn chi tiết.

Quốc Toàn - Nam - - Đà Nẳng

- Mùa tuyển sinh năm 2006 vẫn có tình trạng trường ĐH, CĐ không tổ chức thi đã xét gộp NV của thí sinh dẫn đến không công bằng giữa thí sinh có NV1 và các NV 2, NV 3. Năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết tình trạng này như thế nào?

- TS Ngô Kim Khôi: Kỳ thi tuyển sinh Đ H - CĐ 2007 vẫn có 3 đợt xét tuyển: Đợt 1 xét tuyển các thí sinh có nguyện vọng 1 học các trường đại học có tổ chức thi hoặc không tổ chức thi hoặc hệ cao đẳng của các trường Đ H, thời hạn trước 20 - 8. Đợt 2 xét tuyển nguyện vọng 2 đối với các thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng có kết quả thi từ đỉêm sàn trở lên trong thời hạn từ 25 -8 đến 7-9. Đợt 3 xét tuyển các thí sinh không trúng tuyển đợt 1 và đợt 2 trong thời hạn từ 15-9 đến 30-9. Các trường thực hiện 3 đợt xét tuyển theo đúng lịch công tác tuyển sinh ghi trên.

Tú Phuơng - Nữ - - Quảng Ngãi

- Hiện tượng thí sinh thi hộ, thi kèm vẫn xảy ra trong các kỳ thi tuyển. Bộ có giải pháp mạnh tay nào để chống những tiêu cực này và tạo ra một kỳ thi công bằng cho các thí sinh?

Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2007 ảnh 3

TS Ngô Kim Khôi: Trong các kỳ thi tuyển sinh vừa qua, cũng còn một số thí sinh thi hộ, thi kèm và trúng tuyển vào ĐH-CĐ. Nhưng sau đó, đã bị phát hiện, và các trường đã buộc thôi học. Theo quy chế, những thí sinh này bị cấm thi 2 năm liên tiếp. Năm nay, chương trình máy tính tuyển sinh tiếp tục được nâng cấp để phù hợp với những điểm mới của kỳ thi, và những sửa đổi bổ sung của quy chế. Đặc biệt, chương trình này có tích hợp 3 chức năng phát hiện: chống thi kèm, chống thi hộ, chống dùng giấy chứng nhận kết quả thi giả.

Hoàng Cư - Nam - - Hà Nội
- Kỳ thi tuyển sinh năm trước, học sinh làm cả hai phần thi tự chọn dành cho HS phân ban và không phân ban trong đề thi trắc nghiệm ngoại ngữ. Năm nay lại có thêm 3 môn thi trắc nghiệm, làm thế nào để thí sinh không bị nhầm lẫn khi làm bài? 
 
TS Ngô Kim Khôi: Trong kỳ thi năm nay có thêm 3 môn thi trắc nghiệm là Vật lý, Hóa học, và Sinh học. Cấu trúc đề thi các môn trắc nghiệm cũng như các môn tự luận có 2 phần:

- Phần bắt buộc đối với tất các thí sinh

- Phần tự chọn cho thí sinh học chương trình trung học phân ban thí điểm, và THPT không phân ban. Thí sinh chỉ được chọn một trong 2 phần của phần tự chọn để làm bài. Thí sinh nào làm cả 2 phần của phần tự chọn (dù làm hết hay không hết, đúng hay không đúng) đều bị coi là phạm quy, và bị xử lý theo quy chế.

Đinh Thế Hiển - Nam 18 tuổi - ngkanh161@yahoo.com - 284 Hoàng Diệu - Đà Nẵng

- Em đạt giải 3 môn Sinh kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2006-2007 tổ chức ngày 8/2/2007. Nếu em dự thi vào một truờng đaị học tuyển sinh khối B, đạt đuợc điểm sàn thì em có chắc chắn được trường này tuyển thẳng không?

Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH-SĐH): Theo chỉ đạo của Bộ, sắp tới các trường sẽ công bố tiêu chí xét tuyển thẳng các thí sinh đã đoạt giải Quốc gia, và đạt điểm sàn qua kỳ thi ĐH. Việc em có chắc chắn được tuyển hay không còn phụ thuộc vào tiêu chí của từng trường.

Bùi nhân - Nam - - Huế

- Tuyển sinh theo chương trình đào tạo tiên tiến của 9 trường đại học có gì mới không, thưa ông?

Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH-SĐH): Không có gì mới, vẫn thực hiện như năm 2006.

Quang Nhân - Nam - - TPHCM
- Năm nay, nhiều trường ĐH mở thêm rất nhiều ngành mới. Ông có lời khuyên nào đối với các thí sinh khi đăng ký các ngành mới này không, đặc biệt là những ngành đang có sức hấp dẫn như: tài chính, ngân hàng, tin học… Các ngành mới mở có những ưu thế nào?

TS Ngô Kim Khôi: Năm nay, các trường Đ H và C Đ vẫn đăng ký tuyển sinh và đào tạo những ngành nghề truyền thống và thế mạnh của từng trường. Tuy nhiên, Việt Nam đã trở thành thành  viên chính thức của WTO, chúng ta hội nhập ngày càng sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới. Điều này đã  tác động đến việc định hướng mở các ngành nghề đào tạo mới ở các trường Đ H và C Đ, chẳng hạn như: thị trường chứng khoán, kinh doanh quốc tế... Tuy nhiên các em thí sinh cũng cần phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của bản thân về năng lực, sở trường, về điều kiện kinh tế của gia đình, về khả năng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp để chọn trường thi, khối thi, ngành học... cho phù hợp và đặc biệt là có khả năng trúng tuyển cao.

MS DUNG - Nữ - dothanhplastic@hcm.fpt.vn -
- Cháu có năng khiếu về giao tiếp, xin hướng dẫn cháu nên theo học ngành nào. Nếu muốn học về quản lý nhân sự, cháu sẽ thi vào trường nào? Khoa nào? Xin cảm ơn.

Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH-SĐH): Cháu có năng khiếu về giao tiếp, có thể theo học các ngành về du lịch. Nếu muốn học về quản lý nhân sự, cháu có thể tham khảo ở một số trường như Kinh tế Quốc dân, hoặc tham khảo tại cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2007.

Kim Tuyến - Nữ - - Bình Thuận

- Em nghe nói, trường càng có tỷ lệ "chọi" cao thì càng khó đậu, có đúng không? Chọn trường như thế nào để nâng cao tỷ lệ đậu?

- TS Ngô Kim Khôi:  Tỷ lệ "chọi" chỉ là một trong những yếu tố quyết định sự trúng tuyển của em. Điều quan trọng nhất là năng lực thực sự của em. Tuy nhiên, ngoài ra còn có các yếu tố khác như: đề thi, chỉ tiêu tuyển sinh của trường hoặc ngành, số thí sinh dự thi vào trường hoặc ngành đó...

Nguyễn Hiệp - Nam - - Đà Nẵng
- Năm nay, Bộ yêu cầu thí sinh phải nộp cả lệ phí đăng ký và lệ phí dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ cùng một lúc. Trong trường hợp thí sinh rớt tốt nghiệp THPT thì có được trả lại lệ phí dự thi tuyển sinh không, thưa ông?

Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH-SĐH): Hiện nay, việc thu lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi đang dự kiến gộp làm một (như trả lời của TS Khôi). Lệ phí này được sử dụng cho công tác tổ chức thi ngay từ khi các em nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Vì vậy, dù em thi hay không thi, thì tiền lệ phí đó đã được sử dụng. Vì thế, lệ phí này không thể trả lại được.

Bùi Tá Huy - Nữ - - TPHCM
- Em thấy quy định xét tuyển 3 NV của Bộ vẫn có điểm chưa ổn: đó là nhiều trường ĐH chỉ lấy 1 nguyện vọng, trong khi nhiều thí sinh điểm cao khác có đủ điểm vào trường đó nhưng vì không đăng ký NV1 ngay từ đầu nên không còn cơ hội. Xin đề nghị Bộ điều chỉnh lại việc xét tuyển NV1 để tạo cho những thí sinh điểm cao có cơ hội trúng tuyển?

- TS Ngô Kim Khôi: Việc quy định 3 nguyện vọng xét tuyển thí sinh ở 3 đợt tạo điều kiện cho các em thí sinh có thêm các cơ hội được trúng tuyển. Điều quan trọng là các em thí sinh biết lượng sức mình để đăng ký trường thi, đăng ký trường xét tuyển cho phù hợp với kết quả thi của mình để có khả năng trúng tuyển cao.

Bộ GD - ĐT cũng quy định các trường xác định điểm trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng để bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng, nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào. Điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng trước.  

Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2007 ảnh 4

Mai Thảo - Nam - thao_lê@yahoo.com -
- Có một thực tế là nhiều trường ĐH thuộc top trên, tuy không xét tuyển NV 2 nhưng sau đó lại xin thêm chỉ tiêu ngoài ngân sách để tuyển nốt những thí sinh không đạt điểm chuẩn. Bằng cách làm như vậy, phải chăng việc xét tuyển NV2 cơ bản không còn ý nghĩa nữa. Năm nay, Bộ có mở rộng danh sách các trường ĐH được bổ sung chỉ tiêu ngoài ngân sách không, thưa ông?

TS Ngô Kim Khôi: Trong thực tế 2 năm vừa qua, Bộ GD-ĐT đã quyết định giao bổ sung chỉ tiêu cho một số trường trên cơ sở đề xuất của các trường về việc cam kết các điều kiện đảm bảo chất lượng, và không vượt quá 10% so với chỉ tiêu đề ra để tuyển những thí sinh có kết quả thi cao nhưng không trúng tuyển NV1, có nguyện vọng học chính các trường các em đã thi. Trong kỳ thi năm nay, tôi chưa thể trả lời em được vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.

Thúy Huờng - Nữ - - Phú Thọ

- Việc ưu tiên xét tuyển vào đại học đối với các học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2006-2007 cụ thể như thế nào, vào các trường cao đẳng như thế nào? Học sinh chỉ đạt giải khuyến khích quốc gia có được ưu tiên tuyển thẳng ĐH, CĐ không ?

- Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH - SĐH): Việc ưu tiên xét tuyển vào đại học đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc  gia đã được trả lời ở trên. Nếu em đã đạt giải và dự thi đại học đạt điểm sàn trở lên, không có môn nào bị điểm 0 thì sẽ được các trường ưu tiên xét tuyển.

Toàn - Nam - - Hà Nội
- Em ở Hà Tĩnh nhưng hiện đang ôn thi ở Hà Nội. Em muốn được dự thi ở Hà Nội có được không? Nếu được thì em phải nộp hồ sở ở đâu và làm hồ sơ như thế nào?

- Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH - SĐH): Nếu em đã tốt nghiệp THPT em sẽ được nộp hồ sơ thi ở Hà Nội. Hồ sơ có thể nộp tại các điểm của sở GD - Đ T quy định hoặc tại các trường em đăng ký dự thi theo thời gian quy định

Nguyễn Dạ Thảo - Nữ - - Nha Trang
- Em thấy băn khoăn vì trên báo chí thông tin về rất nhiều ngành học mới của khối A và D. Bộ GD-ĐT có kiểm tra, thẩm định ký trước khi cho phép các trường mở ngành mới hay không? Vì thực tế em thấy ở một số trường, tên các ngành học rất hay nhưng thực chất chương trình đào tạo tương đối giống nhau?
-

TS Ngô Kim Khôi: Các trường ĐH-CĐ để mở một ngành học mới cần phải có hồ sơ, đề án mở ngành đào tạo. Trong đó, phải thuyết minh rõ về chương trình đào tạo, mục tiêu, thời gian, trình độ đào tạo; các điều kiện bảo đảm chất lượng về việc mở ngành như đội ngũ giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng, cơ sở vật chất, thiết bị; giáo trình, tài liệu, thư viện... Hơn nữa, việc mở ngành của các trường phải dựa vào chương trình khung mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký ban hành. Trên cơ sở đó, Bộ tổ chức thẩm định các điều kiện mở ngành của trường. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện, thì Bộ trưởng mới ký quyết định giao cho trường mở ngành đào tạo đó. Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện, thì các trường phải chuẩn bị thêm.

Cẩm Loan - Nữ - - TPHCM
- Em ở TP.HCM và đã học xong THCN và muốn học liên thông.Vậy em có thể nộp hồ sơ ở những trường nào? Hồ sơ gồm những gì, có thể học liên thông thẳng bậc đại học được không?

Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH-SĐH): Việc liên thông giữa TCCN lên ĐH đã được một số trường thực hiện. Chi tiết em nên tham khảo trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2007.

Nguyễn Thu Trâm - Nữ 17 tuổi - - Quảng Ngãi
- Nếu sức học của em đạt mức trung bình của cả hai khối A và D thì em có nên thi cả hai khối cho chắc ăn không, thưa thầy?
- TS Ngô Kim Khôi: Hai khối A và D thi vào hai đợt. Đợt 1 ngày 4 và 5-7, thi khối A. Đợt 2 ngày 9 và 10-7, thi khối B, C, D.

Về mặt lý thuyết em hoàn toàn có thể nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường và ngành có tổ chức thi 2 khối vào 2 đợt. Tuy nhiên, nếu sức học của em chỉ ở mức trung bình thì em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký dự thi. Có thể với sức học trung bình chỉ nên đăng ký dự thi cao đẳng sau đó, học liên thông lên ĐH. Vì vào ĐH không phải là con đường duy nhất.

Minh Khôi - Nam - khoi_88@yahoo.com - Pháp
- Em hiện đang chuẩn bị tốt nghiệp chương trình phổ thông ở Pháp. Nhưng em muốn về Việt Nam thi đại học có được không? Em phải làm những thủ tục gì?

Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH-SĐH): Em cần liên hệ với Vụ Trung học phổ thông Bộ GD-ĐT để xem bằng tốt nghiệp của em ở Pháp có phù hợp với chương trình đào tạo ở VN hay không. Nếu phù hợp, em vẫn được dự thi bình thường.

Lê Thanh Hùng - Nam 18 tuổi - - Đaklak
- Năm ngoái các truờng CĐ tổ chức thi nhiều đợt, thuận lợi cho TS chọn truờng. Các truờng CĐ năm nay tổ chức thi như thế naò? Em nghe nói thi vào CĐ năm nay bị giới hạn hơn so với truớc. Xin cám ơn TS.

- TS Ngô Kim Khôi: Trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, các trường CĐ có tổ chức thi, thì thi vào đợt thứ 3 trong 2 ngày 15 và 16-7 với 4 môn thi trắc nghiệm: ngoại ngữ, vật lý, hoá học và sinh học, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mối thí sinh chỉ được đăng ký và dự thi ở một trường C Đ mà thôi. Kết quả thi của các em cũng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường em đã dự thi. Vì thế, em cần cân nhắc thật kỹ trước khi khai và nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào một trường CĐ nào đó để có khả năng trúng tuyển cao nhất.

Thào A Pháo - Nam 19 tuổi - phaodungdoang@yahoo.com - Lạng Sơn
- Em nghe nói trong vài năm tới sẽ chính thức bỏ kỳ thi tuyển sinh vào ĐH và chỉ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. TS có thể cho biết cụ thể lộ trình này không và Bộ GD - ĐT có đảm bảo xét tuyển sẽ công bằng không?

- TS Ngô Kim Khôi: Thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội về việc cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ hiệu quả và thiết thực. Bộ GD - ĐT đang dự thảo đề án cải tiến thi tuyển sinh theo hướng tiến tới 1  kỳ thi chung nhiều môn với 2 mục đích. Thứ nhất là xét tốt nghiệp THPT, thứ 2 là xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ và Trung học chuyên nghiệp. Em cứ yên tâm, các kỳ thi tới đây vẫn tiếp tục bảo đảm nghiêm túc, công bằng.

Thào A Pháo - Nam 19 tuổi - phaodungdoang@yahoo.com - Lạng Sơn
- Năm tuyển sinh 2006 đã có sự nhầm lẫn trong phiếu báo điểm gây hoang mang và thất vọng cho thí sinh và phụ huynh. Các truờng đó không nhận lỗi và cũng không có thông báo cho TS. Năm nay liệu tình trạng đó có tiếp diễn không và Bộ có giám sát được?

Ông Đỗ Thành Duy (chuyên viên chính Vụ ĐH-SĐH): Sau kỳ thi tuyển sinh, các trường ĐH-CĐ có trách nhiệm chuyển kết quả thi cho từng thí sinh. Nếu có sự nhầm lẫn, em có thể kiến nghị trực tiếp về trường mà mình đăng ký dự thi.

Huỳnh Hoa - Nữ - - TPHCM
- Em hiện đang là sinh viên năm 2 của một trường đại học dân lập, nhưng em muốn học thêm trường đại học khác có được không? Cần những thủ tục gì?

- TS Ngô Kim Khôi: Câu hỏi của em không thật rõ lắm, nhưng thầy hiểu thế này:

- Nếu em có nguyện vọng học ngành thứ 2 để được cấp 2 văn bằng thì em tìm hiểu quy chế về đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy ban hành theo quyết định số 25/2006/QĐ-BGD-ĐT ngày 26-6-2006 của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT.

- Nếu em có nguyện vọng dự thi lại ĐH -CĐ thì em phải báo cáo với hiệu trưởng trường em đang học. Nếu được Hiệu Trưởng đồng ý, thì em làm hồ sơ đăng ký dự thi và dự thi như một thí sinh tự do.

Nguyễn Kim Chi - Nữ 50 tuổi - - quận Đống Đa, Hà Nội
- Tôi đã dự thi ĐH vào những năm 1970. Khi đó các kỳ thi ĐH theo các khối A, B, C, và được tổ chức ở các quận huyện; các thí sinh có lẽ đi xa nhất chỉ 20 – 30 km là đến nơi thi (có thể ở các tỉnh miền núi thì xa hơn). Nay thì các kỳ thi tổ chức theo khu vực, không ít thí sinh cùng bố mẹ phải đi hàng trăm km mới tới chỗ thi; nhiều gia đình nông dân mất cả bò, cả lợn mới đủ tiền cho con đi thi, mà đã chắc gì đỗ.. Thưa ông Khôi, có cách gì giảm chi phí cho các gia đình có con đi thi, nhất là các gia đình ở nông thôn, miền núi?

TS Ngô Kim Khôi: Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay, cơ bản đã có các trường ĐH và CĐ. Vì vậy, nếu thí sinh không có điều kiện về dự thi tại các trường ĐH-CĐ tại các thành phố lớn, thì các em hoàn toàn có quyền dự thi vào các trường ĐH-CĐ ở các địa phương nơi mình cư trú.

Anh Tuấn - Nam - - Quảng Trị
- Bố của em là chiến sĩ thành cổ Quảng Trị, bị nhiễm chất độc da cam, mất sức lao động dưới 61% và được hưởng chế độ chính sách như thương binh. Vậy trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2007 em có được hưởng chế độ ưu tiên không và cụ thể như thế nào? Xin cám ơn.

TS Ngô Kim Khôi: Nếu bố em có giấy chứng nhận người được hưởng chế độ chính sách như thương binh mất sức lao động dưới 81% thì em thuộc đối tượng 06, nhóm ưu tiên 2.

Điểm trúng tuyển của em thấp hơn điểm trúng tuyển của học sinh phổ thông khu vực 3 là 1 điểm.

Ngô Như Ý - Nữ - - Quảng Trị
- Bài làm thi ĐH, CĐ của thí sinh có được làm tròn điểm không? Cụ thể làm tròn như thế nào?.

TS Ngô Kim Khôi: Theo quy chế, thì cán bộ chấm thi không quy tròn đỉêm của bài thi. Việc quy tròn điểm của bài thi do máy tính tự động thực hiện trên nguyên tắc nếu tổng điểm của 3 môn có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5. Nếu tổng điểm của 3 môn có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1 thì quy tròn thành 1 điểm.

Đào Duy Khoa - Nam - khoadao@hotmail.com -
- Em đang định đăng ký dự thi vào ĐH Công nghiệp Hà Nội. Em nghe nói nếu thi hệ ĐH của trường này không đậu thì có cơ hội trúng tuyển hệ cao đẳng. Vậy, trúng tuyển vào hệ cao đẳng là trường tuyển trực tiếp hay phải đăng ký xét tuyển NV2?.

TS Ngô Kim Khôi:  Trường Đ H CN Hà Nội có đào tạo hệ ĐH và CĐ. Hệ CĐ không tổ chức thi mà dựa vào kết quả thi đại học với đề thi chung để xét tuyển. Nếu em có nguyện vọng học hệ cao đẳng của trường này thì trong hồ sơ đăng ký dự thi của em phải khai rõ ở mục 3, tên trường em có nguyện vọng học. Đó là Trường ĐH CN Hà Nội, ký hiệu trường của Trường ĐH CN Hà Nội, khối thi và mã ngành đào tạo. Sau khi khai xong mục 3, em phải khai thêm mục 2. Cụ thể là tên trường em sẽ dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào CĐ, ký hiệu trường em sẽ dự thi và khối thi (em không được khai mã ngành ở mục 2).

Phuơng Trang - Nữ - - TPHCM
- Em đang sống ở miền Nam nhưng em muốn ra Bắc thi ĐH (ĐH Công nghệ). Vậy em phải nộp hồ sơ như thế nào và em sẽ dự thi ở đâu?.

TS Ngô Kim Khôi: Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐHQG Hà Nội là trường có tổ chức thi. Em có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc TW ở miền Nam, nếu có nguyện vọng dự thi và học tại trường này thì em phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi trực tiếp cho trường trong thời hạn 11-4 đến 17-4. Em sẽ dự thi tại trường và lấy kết quả xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ.

 
Nhà báo Chử Văn Oanh (bên phải), Trưởng Văn phòng Đại diện báo SGGP tại Hà Nội, tặng hoa PGS-TS Ngô Kim Khôi

Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2007 ảnh 5

Cùng các bạn đọc!

Trong 100 phút qua, cuộc giao lưu trực tuyến do Báo SGGP thực hiện với PGS. TS. Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Đại học và sau Đại học và ông Đỗ Thành Duy, chuyên viên chính Vụ Vụ ĐH - SĐH, Bộ GD-ĐT xung quanh các vấn để nóng hổi của kỳ tuyển sinh ĐH -CĐ 2007 đã nhận được sự quan tâm theo dõi và tham gia của đông đảo bạn đọc.

Đã có  gần 150 câu hỏi của bạn đọc gửi về Tòa soạn. Vì thời gian giao lưu có hạn,  35 câu hỏi đã được các ông Ngô Kim Khôi và Đỗ Thành Duy chọn trả lời, hy vọng đã đáp ứng được mối quan tâm của bạn đọc. Ông Ngô Kim Khôi và Đỗ Thành Duy cho biết, nội dung trả lời các câu hỏi còn lại nằm trong cuốn "Những điều cấn biết về tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2007".

Cuộc giao lưu trực tuyến xin được dừng tại đây. Ban biên tập báo SGGP chân thành cảm ơn các bạn đọc gần xa  đã gửi câu hỏi cho cuộc giao lưu và đã quan tâm theo dõi cuộc giao lưu này. Chúng tôi cũng xin cảm ơn các ông Ngô Kim Khôi và Đỗ Thành Duy đã tham gia cuộc giao lưu.

SGGP

Tin cùng chuyên mục