Giấy phép lái xe giả - Chưa có thuốc đặc trị

Không phải chuyện quá mới mẻ lần đầu được phát hiện, thế nhưng vấn đề giấy phép lái xe (GPLX) giả luôn là một thực trạng nóng hổi, bức xúc.
Giấy phép lái xe giả - Chưa có thuốc đặc trị

Không phải chuyện quá mới mẻ lần đầu được phát hiện, thế nhưng vấn đề giấy phép lái xe (GPLX) giả luôn là một thực trạng nóng hổi, bức xúc.

  • Thói tật khó chừa

Số liệu thống kê sơ bộ từ Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (QLSH-CPLX) thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho thấy, từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử lý hàng trăm bằng lái xe giả mạo dưới mọi hình thức. Ngót nghét 10% trong số này là do lực lượng Thanh tra giao thông TPHCM phát hiện.

Giấy phép lái xe giả - Chưa có thuốc đặc trị ảnh 1

Thi bằng lái trên máy tính (Ảnh minh họa).Ảnh: Đức Thành

Hình thức giả mạo GPLX có thể nói rất “phong phú, đa dạng”, cỡ nào cũng có, từ giả hoàn toàn cho tới cạo sửa chỉnh trang từng phần trên bằng lái thật. Đó có thể là một trong những khả năng như: con dấu và chữ ký trên bằng lái là thật nhưng hạng bằng lái đã được làm ảo thuật để “lên đời”; chỉ thay đổi ảnh và họ tên trên bằng thật, nghĩa là thay đổi chủ sở hữu bằng lái; hình trên GPLX không có dấu dập nổi do đã bị đánh tráo. Đa phần bằng lái xe giả mạo là loại bằng điều khiển xe tải nặng - bằng C, bằng lái xe khách dưới 30 chỗ ngồi - bằng D và bằng lái xe khách trên 30 chỗ ngồi - bằng E. Bằng lái xe giả đối với hạng A1 - tức mô tô - cũng có nhưng không nhiều.

Một chi tiết đáng chú ý không kém: phần lớn GPLX giả bị phát hiện trong thời gian qua là do công an các tỉnh hoặc sở GTVT các tỉnh gửi về TPHCM để nhờ xác minh, trong đó hầu như có đủ mặt các địa phương bao quanh TPHCM như Long An, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều bằng lái xe giả bị phát hiện thời gian qua lại rơi vào bằng lái xe khách. Đi sâu tìm hiểu mới biết là do luật quy định để được dự thi lấy bằng lái D hoặc E, người dự thi buộc phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (hết lớp 9), riêng đối với bằng E còn có thêm điều kiện tuổi đời phải từ 27 trở lên trong khi thực tế đa phần người muốn học lấy loại bằng lái xe chở khách đều có học vấn thấp.

Tương tự, điều kiện về thâm niên khi muốn nâng hạng bằng lái hiện được Bộ GTVT sửa đổi chặt chẽ hơn khi buộc phải có bằng lái trước đó 5 năm, thay vì chỉ 3 năm như trước kia. Thời gian chờ đủ thâm niên khá dài, trong khi nhu cầu mưu sinh thúc bách, thế nên bằng lái giả còn… đất sống!

  • Xử phạt chưa đủ “đô”

Một cán bộ của Phòng QLSH-CPLX nhận xét rằng tình trạng xử phạt chế tài không đủ tính răn đe chính là một trong những nguồn cơn khiến cho vấn nạn GPLX giả trở thành chuyện dài nhiều tập. Bởi vì trong thực tế, các vi phạm loại này bất quá bị quy về lỗi vi phạm hành chính, mức phạt bằng tiền chỉ vài trăm ngàn đồng. Như thế không đủ tính phòng ngừa, ngăn chặn.

Cũng có ý kiến cho rằng cơ sở hạ tầng pháp lý còn chưa đầy đủ nên cũng không buộc người dân tự giác chấp hành, tự giác không xài bằng giả, thậm chí lỏng lẻo đến mức người vi phạm không đến chấp hành xử phạt một khi bị phát hiện xài GPLX giả! Ông Trần Quang Cảnh, Đội trưởng Đội 7 Thanh tra GTVT TPHCM, cho rằng cách tốt nhất ngăn chặn tình trạng người vi phạm bỏ không thi hành xử phạt ở cơ quan chức năng đó là bên cạnh tước bằng lái giả thì cũng nên tạm giữ thêm một giấy tờ khác, như giấy tờ xe, giấy đăng kiểm xe…

Không chỉ thiếu cơ sở hạ tầng pháp lý, các chuyên gia chỉ ra rằng kẽ hở còn đến từ Thông tư 15/2011 của Bộ GTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2009 quy định về đào tạo sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ vốn có hiệu lực từ giữa năm 2011. Bởi vì quy định mới nhất tuy có ưu điểm đơn giản hóa thủ tục cho người dân như khi báo mất không cần xác nhận của công an hoặc khi đổi GPLX không phải nộp hồ sơ gốc…, nhưng sự “cởi mở” ấy cũng có thể bị lạm dụng, chẳng hạn khai mất GPLX để được cấp nhiều lần.

Một điều có lẽ cũng cần thiết không kém là kết hợp nhiều lực lượng như thanh tra GTVT, cảnh sát giao thông… để khi phát hiện bằng giả, sẽ điều tra, phanh phui nguồn gốc xuất xứ bằng lái xe giả ấy, tức là truy ra đầu mối làm giả.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang có kế hoạch sử dụng GPLX theo mẫu mới, áp dụng trên cả nước mà một trong những mục đích chính của việc thay đổi này là để chống nạn làm giả, cạo sửa từ bằng thật thành bằng dỏm.

Chính vì thế, mẫu GPLX mới được ưu tiên có tính bảo mật cao ở 3 cấp độ. Cấp độ 1, mắt thường có thể nhận biết. Cấp độ 2 phải qua công cụ, máy móc để phát hiện. Cấp độ 3 chỉ có chuyên gia mới phát hiện được.

Do tính bảo mật cao, việc cấp đổi GPLX theo mẫu mới sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng làm giả, cạo sửa bằng lái hoặc giải quyết tình trạng một người cùng lúc có nhiều GPLX. Vẫn theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mẫu GPLX sẽ dành song ngữ Anh - Việt.

Được biết, hiện nay các bộ thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác in GPLX theo mẫu mới đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chuyển giao cho tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước, mỗi địa phương một bộ thiết bị, riêng 2 đô thị lớn Hà Nội và TPHCM được giao mỗi nơi 2 bộ. Các bộ thiết bị này có khả năng in 120 GPLX/giờ.

Theo lộ trình phác thảo, việc thay mẫu GPLX mới chỉ bắt đầu với các hồ sơ thi mới, cấp mới hoặc cấp lại các GPLX đã hết hạn sử dụng. Đối với người dân đang sử dụng GPLX theo mẫu hiện hành, tức mẫu cũ, có thể tự nguyện đến cơ quan chức năng để chuyển sang mẫu mới mà không bắt buộc, tức là trước mắt sẽ sử dụng song song hai mẫu GPLX cho đến khi điều kiện chín mùi để thay đổi bắt buộc đồng loạt. Tuy nhiên, hiện nay đề án này vẫn chưa xác định thời điểm cụ thể chính thức áp dụng.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục