Giếng vua

Căn nhà ven hòn, tựa lưng vô vách núi, khuất sau ba hòn đá lớn. Trước mặt là rặng dừa cao ngất, tiếp nối bãi cát lan dài ra biển ngút ngàn sóng vỗ. Chếch về bên phải, không xa lắm, từ trong nhà có thể nhìn thấy, giếng nước cẩn đá xanh kiên cố, nước trong vắt gợn sóng lăn tăn, sát cạnh biển nhưng nước ngọt mát quanh năm.

Trời chiều, mặt trời sà thấp đỏ lựng trên mặt biển. Bà già hơn trăm tuổi ngồi kể chuyện ở hàng hiên. Đứa cháu trai năm tuổi ngồi vọc cát trước mặt, đời chút chít thứ mấy bà quên mất. Đứa nhỏ đắp núi non thành quách gì đó, thỉnh thoảng ngẩng lên hỏi câu vu vơ, rồi ngó ra con chim nhảy choi choi trên bãi cát. Đứa nhỏ lắng nghe hay không bà không cần, cuộc sống phía trước của nó, không phải của bà.

“Giếng nước kìa con!”, bà chỉ giếng nước, nói. “Con nhìn đi! Con thấy hàng ngày rồi nhưng phải cứ nhìn. Đó là giếng nước ông cụ kỵ con để lại cho bà. Giờ nó là của các con, của đảo, không của riêng ai”.

Bà là cô thôn nữ ở Cà Mau, bà kể. Mười lăm tuổi, chỉ biết cấy hái. Ông là vị vua đang bôn tẩu. Ông đi ngang nhìn thấy bà khen đẹp, kêu làm tỳ thiếp. Vậy là xong, không có chuyện chịu hay không. Bà có một đêm chia tay với gia đình. Buồn vui lẫn lộn. Phải xa nhà, ra đi không hẹn ngày về. Nhưng được làm vợ vua. Hôm sau bà được đưa xuống ghe, vô nằm trong khoang rèm che kín. Cả nhà khóc ròng như đưa tang. Bà cũng khóc, kỳ cho hết nước mắt thì thôi. Ghe đi trên sông rạch rồi ra biển lớn, bà đoán vậy. Chỉ nghe tiếng mái chèo khua nước, sóng nhỏ rập rình rồi sóng lớn ầm ả. Cứ thế tiếp nối, những ngày biển lặng rồi những ngày biển động. Có những lúc sóng lớn chiếc ghe nhồi lắc dữ dội, bà say sóng nằm dật dựa không biết ngày đêm, trời tối sáng như thế nào.

Một đêm giữa khuya, bà chợt nghe tiếng ông sát cạnh bên. Biển lặng, ghe ông cặp sát ghe bà. Nhưng ông không sang. Ông đang quát tháo chuyện gì đó phía trước. “Giết hết chúng đi!”, tiếng ông quát. Bà đoán có chiếc ghe câu nào đó cản đường ông. Ông đang bôn tẩu, cần phải giữ bí mật. Hoặc ông cần ghe, cần lương thực. Hoặc đơn giản chỉ cần trút giận lên ai đó. Bà ngồi chúi mình trong khoang ghe lắng nghe cuộc tàn sát bên ngoài. Từng thân người bị chặt ngang, bị bổ đôi, những mũi gươm xốc lên xác người quăng thảy xuống biển. Máu chảy ngập tràn.

Ngôi vua cần phải đẫm máu như vậy sao?

Nhưng sáng hôm sau trời yên biển lặng, mặt biển sáng loáng như gương. Nước biển rửa sạch tất cả.

Ghe ghé bờ, đêm tối đen. Bà đoán một đảo nào đó, nghe sóng vỗ khắp bốn bên. Ông nói bà phải ở lại đây, ông ở với bà vài ngày rồi ra đi. Ông cất cho bà căn nhà, đào cái giếng, vùng đảo hiếm nước ngọt. Ông để lại cho bà toán lính, cô gái nhỏ làm tỳ nữ, ít vòng vàng, không nhiều nhưng đủ để bà sinh sống. Có khi bà phải sanh con. Hãy nhớ đó là dòng máu của ông, bậc vua chúa. Ông hẹn bà ba năm, thắng bại gì ông cũng trở lại.

Ông nói: “Ta phải đi. Đúng ra là trốn chạy. Nguy cấp lắm rồi! Ghe thuyền hư bể nhiều, quân lính hao hụt, phải để nàng ở lại đây thôi. Nhiều nàng khác cũng vậy. Thế trận khi vầy khi khác, đừng vì chuyện thắng bại đánh giá ta. Nàng là vợ ta, ở trên đất của ta. Cái giếng cẩn đá xanh kia là của ta, chỗ ta cắm mốc. Đất nước bắt đầu từ đây. Ta hẹn nàng ba năm, ta không trở lại nàng cứ đi lấy chồng”.

Rồi ông ra đi, một chiều biển động, mặt trời đậu xuống đỏ ối trên mặt nước. Bà đếm từng ngày mong ông trở lại nhưng không thấy đâu. Đổi lại, bà nghe mầm sống nảy sinh trong người. Bà tính bề sống lâu dài ở đảo. Toán lính thật tháo vát, đón ghe thuyền qua lại mua gạo mắm, cá khô, hột giống, câu lưới, vải vóc cho bà sinh con. Hòn đảo không còn hoang hóa, rau cải xanh tươi, cây trái xòe tán rộng. Hàng dừa cao ngất ngày đêm oằn mình dưới gió. Rái cá nhiều vô số kể, nằm phơi nắng trên các bãi cát, tung mình xuống biển lặn bắt cá, nằm ngửa bụng đập ăn con cầu gai, dập dềnh trên sóng nước.

Tuần lễ vài lần bà kêu toán lính dẫn đi quanh đảo, coi có ai không, có dấu vết đâm chém gì không. Bà bị ám ảnh cuộc tàn sát đêm ấy trên biển. Không có ai cả, không dấu vết đâm chém. Bà trở về nhìn xuống giếng nước. Máu có thể thấm xuống lòng đất. Giếng nước trong vắt. Ngàn đời, trên đất nước chiến tranh liên miên này, xương cốt chồng chất, các giếng nước bao giờ cũng trong.

Bà vẫn đợi ông, nhưng lo cho cuộc sống của mình nhiều hơn. Đôn đốc toán lính liên hệ với ghe thuyền qua lại, buôn bán đổi chác, tìm đàn bà con gái cưới làm vợ. Bà sẽ lo gả chồng cho con nhỏ tỳ nữ này. Đảo cần có thêm người. Một hòn đảo nhỏ nhoi vẫn là một hòn đảo, cũng là đất nổi trên mặt nước.

Bà tính gần tới ngày sinh, kêu toán lính đón ghe qua lại tìm người đỡ đẻ. Họ tìm được một bà mụ ghe, chuyên đỡ đẻ ghe thuyền trên biển. Bản thân bà mụ ghe cũng mười lần sanh con, tự tay cắt rún thả nhau xuống biển. Năn nỉ lắm bà mụ ghe mới chịu lên đảo, nói không quen ở trên đất, say sóng lắm. Đám con cháu nội ngoại chạy túa lên lùng sục đuổi bắt kỳ đà rắn mối, đối với chúng là những giống vật kỳ khu cổ quái. Bà mụ ghe không thắc mắc tại sao bà ở một mình, ai là cha đứa nhỏ, nghề mụ không được tò mò. Bà sanh con trong một đêm sóng lặng, trời trong. Con trai, hoàng tử. Bà mụ ghe cắt rún bằng một miếng vỏ sò, chôn nhau dưới chân một trong ba tảng đá. Đứa nhỏ lớn mau như thổi, biết bò rồi biết đi. Thửa ruộng sau nhà có vụ mùa đầu tiên, nồi cơm thơm lừng cả đảo.

Một đêm giông bão, sáng ra trời quang tạnh, thấy có chiếc ghe câu bị sóng đánh giạt vô bãi cát. Trên ghe có người đàn ông nằm chết giấc, thở thoi thóp, mình mẩy bầm giập, quần áo rách tơi tả. Đúng là ghe câu, có cả câu lưới nhưng người đàn ông giống tráng sĩ hơn ngư dân. Mặt vuông, tóc dài, vai ngang, tay chân nổi những bắp thịt rắn chắc.

Bà không màng người đàn ông là người như thế nào, kêu đám lính đưa ra sau cứu chữa, không được hỏi han. Tông tích bà cũng phải được giấu kín.

Người ngư dân - tráng sĩ có sức khỏe phi thường, hôm sau đã ngồi dậy ăn được chén cháo, nói lấp vấp vài tiếng rồi ăn thêm chén nữa. Hôm sau nữa ăn được cơm, bắt đầu chuyện vãn. Không nói gì về mình, chỉ hỏi vùng đảo có bao nhiêu hòn, có nước ngọt không, dân tình sống thế nào, ghe câu qua lại có hay ghé không? Đám lính kể vùng đảo có hăm mốt hòn. Đây là hòn Sơn Rái, có hồ nước ngọt trên đỉnh nhưng họ không dùng tới, đào giếng ở đây nước cũng ngọt như nước mưa. Kế tiếp là hòn Củ Tron, hòn Ngang, hòn Mấu. Cách xa một quãng là hòn Nồm, hòn Tre, hòn Đụng, hòn Dầu, hòn Khô… Có hòn có nước ngọt, có hòn không. Ghe câu thường ghé lấy nước ngọt rồi đi, không ở lại làm chi. Người ngư dân - tráng sĩ lại hỏi sao bà chủ ở một mình, chồng đâu, không chồng sao có con? Đám lính nhớ lời bà chủ dặn, nói bà chủ ở một mình nhưng là vợ chúa đảo Hải Tặc, đầu đảng băng cướp khét tiếng, đang đi “làm ăn” xa, ai đụng tới coi như đem thân cho cá rỉa. Người ngư dân - tráng sĩ không muốn đem thân cho cá rỉa, thôi không hỏi nữa. Nói chỉ muốn gặp bà ngỏ lời cám ơn, trời yên biển lặng sẽ ra đi. Đám lính vào bẩm báo lại, bà nhắn ra nói muốn gặp bà làm chi, có chuyện gì? Cứu người là chuyện thường tình, người ở đảo xa càng phải cưu mang nhau. Chàng cứ ở đây dưỡng bịnh, khỏe rồi đi đâu thì đi. Bà ở lại đây nuôi con đợi chồng, người đàn bà đất Việt muôn đời vẫn vậy.

Hai người nói qua lại như vậy, không hề gặp mặt. Rồi chàng ra đi, hẹn năm sau có dịp đi ngang ghé thăm.

Năm sau chàng trở lại, không có giông bão. Trời quang mây tạnh, sóng biển gợn nhẹ. Buổi sáng đi ra thấy chiếc ghe đậu trên bãi cát, không thấy chàng đâu. Là do bà chưa cho gặp mặt nên chàng đi ra sau với đám lính. Bà đứng ngó quanh rồi vào nhà với đứa con. Thằng con đã hơn tuổi, đi lẫm đẫm, nói đỏ đẻ. Nó hỏi “ong e âu”? (ông ghe đâu). Nó đòi coi chiếc ghe. Bà dẫn nó trở ra đỡ nó leo lên chiếc ghe. Đó là chiếc ghe đi biển đúng nghĩa, cong như trái vông đồng, không lớn nhưng chắc khỏe, đầy đủ câu lưới, tả tơi hơn năm trước, chắc rong ruổi nhiều lắm. Đứa con đi tới lui lùng nhùng trên đống lá buồm, trên mấy tay lưới rách nát. Bà dẫn con vô nhà, được tin nhắn chàng muốn gặp mặt. Bà nói không được. Họa chăng là năm sau, đúng hẹn ba năm như lời ông dặn.

Năm sau. Bà thường thức dậy sớm đi tới lui trên bãi biển. Bà không quên ông nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Bà phải sống cho mình, cho đứa con. Chàng đến, đi thẳng vào gặp bà.

- Ta trở lại gặp nàng như đã hẹn, chàng nói.

- Thiếp biết, bà đáp.

- Nàng biết gì?

- Thiếp biết lòng thiếp.

- Ta ở lại đây luôn được không?

- Chưa. Một năm nữa đi.

- Nàng còn hẹn với ai nữa hả?

- Không. Thiếp hẹn với lòng mình thôi.

Được, chàng đáp. Bắt bà nói một lời hứa. Bà hứa. Chàng ra đi và không trở lại. Không biết hỏi tin đâu, coi như mất chàng, chưa hề gặp mặt.

Bà nghe tin vị vua bôn tẩu phản công trở lại, đánh thắng mấy trận, đang trên đường chiếm lại ngôi vua. Nhiều chuyện trả thù lạnh lùng của lịch sử diễn ra. Bà không biết những chuyện đó. Bà chỉ là cô thôn nữ ở Cà Mau. Ông gặp bà trên đường đi, hai người ở với nhau mấy đêm ngoài đảo hoang. Nhưng bà phải đi gặp ông để hỏi chuyện, sao ông không trở lại, má con bà rồi sẽ như thế nào.

Sẽ là một chuyến đi dài trên biển, suốt dọc chiều dài đất nước, chống chọi với sóng to gió lớn. Đứa con phải để lại nhà, dòng giống vua chúa phải được gìn giữ. Bà không trở về, đứa tỳ nữ sẽ là mẹ nó. Vòng vàng chia đôi, toán lính cũng phân một nửa. Trước tiên đóng chiếc ghe, tìm thợ lành nghề, bên ngoài là ghe câu, bên trong là ghe chiến. Bà là nữ tướng.

Ghe đóng xong nằm phơi mình trên bãi cát. Có chiếc ghe câu đi ngang nhìn thấy ghé vào, đám bạn ghe lội vô coi chiếc ghe, săm soi từ đầu đến cuối. Khen chiếc ghe đẹp nhưng có điều không được. Đám lính hỏi điều gì không được. Đám bạn ghe nói là cái cột buồm. Đó là chỗ tựa vững chắc, như bắp cày hoặc ách trâu của người nông phu. Cả vùng biển này, không cột buồm nào có thể sánh được cột buồm của ông chủ họ, đang ở ngoài ghe. Đám lính vào bẩm báo, bà kêu hỏi mua ngay. Những năm ở biển bà học được tính nhanh nhạy dứt khoát, có những quyết định không chậm trễ. Mấy ngày sau cột buồm được đem đến, đủ một bộ ba cây, một chính hai phụ. Ông chủ vẫn ở ngoài ghe, nhắn vào nói không bán, tặng bà chủ để giao hảo. Nay mai gặp lúc sa cơ ông chủ có thể nhờ bà chủ cho chỗ trú thân. Hoặc giả hùn nhau trồng cây làm cột buồm, đất đai hòn đảo này coi vẻ tươi tốt.

Chiếc ghe câu ra đi bà cũng ra đi, vào giữa khuya, tranh thủ lúc đứa nhỏ còn ngủ yên. Bà không muốn kể chuyện về chuyến đi này chút nào. Quá sức chịu đựng của một con người. Không rèm che trướng phủ như hồi nào đi ghe vua, giờ đây chỉ có chiếc mui tròn tấm sạp tre ngày đêm che mưa nắng. Toán lính phơi mình bên ngoài, tốp chèo tốp ôm ghì dây buồm, thay phiên nhau trùm vải bố ngủ dật dựa. Trời sáng rồi trời tối. Chiếc ghe lướt sóng, đâm chéo vào biển Cà Mau, trời trong nhìn thấy hòn Đá Bạc, hòn Chuối, hòn Bương. Rồi biển động sóng nhồi cuồn cuộn, chiếc ghe khi biến mất dưới đáy nước tối đen, khi treo đứng trên ngọn sóng, chơ vơ giữa trời nước. Mui ghe bị bẹp dúm, be ghe bị giập bể, duy cột buồm vẫn còn nguyên. Thật là những chiếc cột buồm rắn chắc chưa từng thấy.

Ghe trực chỉ hướng Bắc, những lúc biển lặng đi gần bờ nhìn thấy làng xóm, hàng dừa rủ bóng, đám trẻ chạy chơi trên bãi cát. Nhiều ghe qua lại chào nhau í ới, hỏi thăm nhau tin tức các luồng cá, các ghe buôn ghe hải tặc, mua bán đổi chác ít lương thực thuốc men.

Đến Thuận An, bà tìm cách vào nội cung để gặp vua. May mắn tình cờ trên đường bôn ba ra kinh đô, bà gặp bà mụ ghe và được bà mụ ghe giới thiệu, bà làm quen với vợ người lính canh trong cung, mang bụng chửa. Nhờ người này bà tỏ tường công việc trong cung, đã dẫn bà đi đây đó cho quen đường, đến cấm thành ngó vào trong coi chỗ này cung vua chỗ kia dãy nhà cung phi mỹ nữ. Người lính ban ngày đi làm, tối về báo đã liên hệ được với chỗ này chỗ kia, lấy thêm tiền chung chi vòng ngoài vòng trong. Ở đâu có pháp luật, ở đó có kẽ hở. Nhờ tiền bạc bà trám được hết để đi chỗ này chỗ nọ. Dặn bà đi ra ngoài lấy lọ bếp bôi mặt, con gái đẹp làm mồi ngon cho bọn lính tráng phu phen. Vợ người lính bụng đưa ra phía trước dẫn bà đi qua nhiều con đường có nhiều toán lính giải những người tù, bị trói tay xích chân, bị nhốt trong cũi, mình mẩy bầm giập, quần áo rách nát. Bà nhìn những người tù, mơ hồ cảm thấy có gì đó bứt rứt không yên, đi qua rồi vẫn quay lại nhìn.

Kế hoạch đưa bà vào trong cung là như thế này: bà sẽ cải trang làm một cung phi, chờ có dịp cung phi nào đó bên trong đi ra ngoài, bà đi vào thế chỗ đó, chỉ trong một ngày. Việc bên trong là của bà. Vợ người lính tiếp tục dẫn bà đi, đến những ngã tư, bà ngồi giấu mặt trong chiếc nón lá, nhìn những người tù bị xích, bị trói, bị nhốt trong cũi giải đi qua. Bà tìm kiếm cái gì? Bà có người quen bị bắt hay sao? Đó là những người chống đối bị dẫn ra pháp trường, vợ người lính giải thích. Lễ Hiến Phù, cũng là những buổi hành quyết. Vị vua mới lên ngôi đang trong công cuộc trả thù, những người chống đối không ai còn sống, bị chặt đầu mổ bụng, voi dày ngựa xé, tay chân bứt tung, ruột gan bầy nhầy. Cả nhà bị giết, con gái mười lăm tuổi cũng bị thiêu sống. Cả mấy tháng trời kinh thành ngập máu, dân tình không ai dám uống nước giếng.

Đã tới ngày đưa bà vào cung. Bà trang điểm từ khuya. Hai lần trong đời bà trang điểm làm cung phi, lần trước đi lấy chồng, lần này đi thăm chồng. Vợ người lính dẫn bà đi, trời còn tờ mờ đã thấy có những người tù bị trói bị xích, bị nhốt trong cũi bị áp giải đi hàng dài trên đường. Bà cúi gằm, kéo vạt khăn che giấu gương mặt cung phi của mình, vẫn cố nhìn về phía những người tù. Từng người, từng người, những bước chân kéo lê sợi xích kêu loảng xoảng…

Bỗng bà đứng sựng lại, chết cứng. Rồi từ từ khuỵu xuống, ôm mặt khóc nấc lên. Vợ người lính vội chạy tới cúi xuống ôm lấy bà:

- Gì vậy em? Gặp người quen hả? Chị biết rồi mà. Ôi trời ơi!

Bà vẫn khóc, gật đầu, chỉ tay về phía trước. Vợ người lính nhìn theo, thấy trong màn mưa người tù bị nhốt trong cũi mình mẩy bầm giập, gần như nát bét, quần áo là mớ giẻ rách quấn quanh người. Nhưng chỉ chút sau bà trở lại tỉnh táo, mắt sáng quắc, hỏi thường người tù bị giải đi bao lâu sau thì bị hành quyết. Vợ người lính nói thường mười bữa nửa tháng, không hơn. Chồng chị nói vậy và hỏi bà vì sao hỏi vậy?

Bà đáp để còn kịp trở về. Bà không vô cung nữa, vua không còn là chồng bà nữa. Bà phải về mau trước khi chàng tráng sĩ bị giết, hình ảnh chàng còn sống sẽ động viên bà trên đường trở về. Bà phải về mau để chạy ra nhìn giếng nước, tuy biết nó vẫn trong vắt. Không còn là giếng vua, đó là giếng của bà, của đảo. Triều đình ngoài kia với các triều đại vua chúa rồi sẽ qua đi. Hòn đảo, giếng nước, cuộc sống của má con bà, của đám lính, cô tỳ nữ… sẽ sinh sôi, trường tồn mãi mãi…

Truyện ngắn của Lê Văn Thảo

Tin cùng chuyên mục