Chung tay xây dựng văn minh đô thị

Gieo hạt mầm văn hóa

“Điệp viên” bảo vệ môi trường
Gieo hạt mầm văn hóa

Xây dựng một TP văn minh sạch đẹp, những đường phố không rác không phải là chuyện một sớm một chiều. Để làm được điều này, TPHCM đã chọn cách “gieo mầm” văn hóa từ những tổ dân phố, khu phố để từ đó làm cơ sở nhân rộng mô hình này trên toàn TP.

Đoàn viên, thanh niên phường Tân Quy quận 7 tham gia dọn dẹp vệ sinh trong ngày Chủ nhật xanh. Ảnh: L.T.HÂN

Đoàn viên, thanh niên phường Tân Quy quận 7 tham gia dọn dẹp vệ sinh trong ngày Chủ nhật xanh. Ảnh: L.T.HÂN

“Điệp viên” bảo vệ môi trường

Một dạo, người dân phường Tân Quy, quận 7 hết sức ngạc nhiên khi ngày nào cũng thấy có hai người chở nhau trên xe gắn máy ngó nghiêng khắp các tuyến đường, sục sạo khắp các con hẻm. Chưa hết, những nhân vật “khả nghi” này còn thủ theo máy quay phim, máy chụp hình rồi quay quay, chụp chụp các kiểu, đưa ra tại cuộc họp giao ban an ninh trật tự, nếp sống văn minh đô thị của phường. Tại đây, những bức ảnh, đoạn phim quay lại những địa điểm còn nhiều rác; những hành vi kém văn minh được mang ra… triển lãm và công chiếu. Khu phố nào còn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, tổ dân phố nào còn nhiều rác, hộ nào xả nước thải ra đường, người nào dắt chó phóng uế bậy… lần lượt xuất hiện. Từ những bằng chứng này, lãnh đạo phường chỉ đạo cụ thể từng khu phố phải kiên quyết xử lý và báo lại kết quả tại buổi họp sau. Kết quả khắc phục cũng phải được thể hiện trực quan sinh động - nghĩa là cũng phải có hình ảnh minh chứng.

Mô hình cử cán bộ văn hóa - thông tin và cán bộ phụ trách môi trường đi săn lùng và chụp hình những điểm vi phạm môi trường là một sáng kiến của phường Tân Quy. Ngoài lực lượng “điệp viên” bảo vệ môi trường nêu trên, phường còn xây dựng được mô hình đội tình nguyện bảo vệ môi trường cấp phường và tổ bảo vệ môi trường cấp khu phố. Vào hai ngày chủ nhật trong tháng, lực lượng này ra quân ngày Chủ nhật xanh cùng với lực lượng thanh tra xây dựng, dân quân thường trực, đoàn viên thanh niên để vận động người dân không xả rác, dọn dẹp vệ sinh môi trường và xử lý những điểm phát sinh rác.

Nhờ cách chỉ đạo và thực hiện cụ thể, chặt chẽ, đến nay tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn phường đã chuyển biến rõ nét, gần như không còn điểm phát sinh rác. Năm 2009, khu phố 3 của phường được công nhận là khu phố không rác.

Vận dụng sức dân

Đột xuất đến khu phố 3, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 vào một buổi chiều muộn, chúng tôi muốn tận mắt chứng kiến bộ mặt của khu phố không rác này vào thời điểm cuối ngày - khi mà mọi sự màu mè, chuẩn bị thường xao nhãng nhường chỗ cho những hành vi thiên về thói quen. Ông Nguyễn Xuân Tiêu, Trưởng ban điều hành khu phố, nhiệt tình đưa chúng tôi đi tham quan gần như toàn bộ những tuyến đường hẻm, thậm chí cả khu vực bên trong Khu công nghiệp Cát Lái - phần thuộc địa bàn khu phố 3. Đã vào cuối ngày nhưng các con hẻm vẫn giữ được sạch sẽ. Nhiều người dân còn mang chổi ra gom rác trước nhà. Chỉ tay vào những khu đất còn trống và những ao, đầm ven đường, ông Tiêu nói: “Trước đây, mấy chỗ này ngập rác, ruồi nhặng bu đầy, ai đi vô cũng thấy sợ. Đi qua đi lại thấy không có ai là người dân vô tư quăng rác. Tuyên truyền, thuyết phục dữ lắm, giờ mới được vậy!”.

Ban đầu, ban điều hành khu phố vận động bà con đóng góp để bê tông hóa 100% tuyến đường trong khu phố. Xong đâu đấy, ban điều hành tiếp tục soạn thảo một bản cam kết về môi trường, trong đó đề ra những quy định bảo vệ môi trường trong khu dân cư như không phóng uế bừa bãi, không xả nước thải ra đường, phân loại rác tại nguồn… Bản cam kết này được gửi đến cho từng hộ ký tên. Hàng tháng, trong cuộc họp tổ dân phố, ban điều hành khu phố và tổ trưởng sẽ kiểm điểm việc thực hiện cam kết của từng nhà, thông qua việc đánh giá chéo giữa các hộ dân. Nhà nào còn vi phạm sẽ bị phê bình trước tập thể và yêu cầu khắc phục. Bảo vệ môi trường còn được xem là tiêu chí để đánh giá gia đình văn hóa. Không ai muốn nhà mình bị xem là gia đình… thiếu văn hóa nên đều nghiêm túc thực hiện.

Phương thức vận dụng sức dân để giữ gìn vệ sinh môi trường cũng được áp dụng thành công tại một số tuyến đường của phường 15, quận 11. Trên đường Ba Tháng Hai, có khu đất trống ở số 586 bị biến thành nơi tập kết rác điện tử. Do việc đổ rác chỉ diễn ra vào ban đêm, các lực lượng chức năng khó chốt chặn để bắt giữ nên lãnh đạo phường đã nhờ đơn vị quản lý khu đất hỗ trợ giữ gìn vệ sinh ở trước và xung quanh khu đất. Với những ụ rác dụng cụ gia đình trên đường Lê Đại Hành, phường cũng nhờ những đơn vị, cơ sở “đóng quân” trên tuyến đường như CLB võ thuật, Trường đua Phú Thọ, quán ăn Thanh Mã… cùng tham gia giải tỏa ụ rác. Bằng cách làm sáng tạo trên, phường 15 đã được công nhân danh hiệu phường không rác…

Để xây dựng thành công khu phố không rác, khu phố 2, phường Thảo Điền còn giao khoán từng con đường, tuyến hẻm cho từng đoàn thể phụ trách. Chẳng hạn như đường Lê Văn Miến được giao cho Hội Chữ thập đỏ, đường Nguyễn Bá Lân giao cho Hội Phụ nữ, đường Xuân Thủy giao cho Hội Cựu chiến binh. Bà Chu Thị Trọng, Phó ban điều hành khu phố 2, cho biết: “Để khuyến khích những gia đình làm tốt, chúng tôi tổ chức tuyên dương, khen thưởng định kỳ. Phần thưởng tuy nhỏ nhưng có tác dụng động viên rất lớn”.

Từ những việc tuy nhỏ nhưng cụ thể như vậy ở cơ sở, những hạt mầm văn hóa đang được gieo một cách nhẹ nhàng trong quần chúng nhân dân…

Ái Chân - Mai Hương

Chung tay xây dựng văn minh đô thị

- Xanh hóa vỉa hè

Tin cùng chuyên mục