Gieo hạt mầm văn học

Tận tụy với học trò
Gieo hạt mầm văn học

Cô giáo Lê Kim Mai, Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Võ Thị Sáu

Bình dị trong cách nói và luôn thổi vào bài giảng chất liệu mới, cô giáo Lê Kim Mai đã dẫn dắt học sinh vượt qua “nỗi sợ” học môn Văn và “dụ dỗ” nhiều em vào đội tuyển giỏi văn của trường. Không những thế, cô Kim Mai cùng với nhiều giáo viên khác đã gầy dựng khu vườn học văn nghị luận xã hội Trường THPT Võ Thị Sáu để sẻ chia kinh nghiệm, vun đắp tình yêu văn học, bồi đắp kỹ năng sống, hướng học sinh đến những giá trị sống tốt đẹp, trải nghiệm làm người từ thực tế.

Cô Lê Kim Mai, giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu trong giờ dạy môn Văn cho học sinh lớp 10A8. Ảnh: MAI HẢI

Cô Lê Kim Mai, giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu trong giờ dạy môn Văn cho học sinh lớp 10A8. Ảnh: MAI HẢI

Tận tụy với học trò

“Dạy môn Văn không đơn thuần là dạy kiến thức mà qua từng sự kiện, nhân vật sẽ định hướng cho học sinh cảm thụ cái hay, cái đẹp trong cuộc sống. Từ đó giúp các em định hình lối sống, lý tưởng sống phù hợp, tránh xa cái xấu, cái ác. Vì thế, ngoài nội dung sách giáo khoa, giáo viên phải hướng các em đến những giá trị nhân văn, mục tiêu sống tốt hơn, có ích hơn cho gia đình và xã hội…” - Đó là bộc bạch về chữ tâm, cái nghiệp khi đứng trên bục giảng của cô giáo Lê Kim Mai. 22 năm gắn bó với nghề dạy chữ, cô luôn tâm niệm “những gì học sinh cần thì mình cố gắng làm”. Và như con ong chăm chỉ, cô Kim Mai cứ thấy điều gì hay, điều gì học sinh cần thì phải “tha” về bài giảng, truyền thụ kiến thức phong phú cho các em. Khi thấy nhiều học sinh lớp 10 có định kiến, thậm chí “ngán” học môn này, cô Kim Mai trăn trở, tìm cách thay đổi phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Để học trò hứng thú học Văn, cô không ngại ngần trau chuốt từng chủ đề, tìm tòi thêm nhiều nguồn tư liệu, chất liệu từ cuộc sống để làm mới bài giảng. Hơn nữa, để học trò cảm thụ sâu sắc dòng chảy đa chiều, đa sắc màu của văn học, cô giáo Kim Mai luôn hướng dẫn các em tìm kiếm, khám phá kho tư liệu, học nhóm để ghi nhớ kiến thức, thoát khỏi sự đóng khung của sách giáo khoa. Từ những điều bức thiết cần phải làm cho học trò như thế, cô giáo Mai đã lay động tâm hồn các em, chuyển từ chán học sang thích học môn Văn. Không những thế, cô giáo Mai còn “dụ” nhiều em vào đội tuyển giỏi văn của trường để bồi dưỡng, phát triển năng khiếu. Nhờ được truyền lửa đam mê, hàng chục học sinh của đội tuyển học sinh giỏi của trường đã vinh quang đoạt giải tại các kỳ thi kỳ thi giỏi Văn cấp TP, Olympic 30-4.

Điều gì đã thấm vào tim, lay động tâm hồn học trò? Qua từng câu chuyện cổ tích trong văn học dân gian, cô giáo Kim Mai đã bắc cầu, giúp các em mở rộng tầm nhìn, hóa thân vào từng nhân vật để hiểu rõ hơn về cái thiện cái ác, luật nhân quả ở đời. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật từ trang sách được cô giáo Mai hóa giải, dẫn dắt vào đời thường, rồi cô đọng lại thành bài học giáo dục sâu sắc, giàu tính nhân văn. Đối với những đề văn nghị luận xã hội, cô luôn lồng ghép nội dung bài giảng vào thực tế để các em liên hệ với cuộc sống, rút ra bài học sâu sắc về làm người, đối nhân xử thế sao cho phù hợp. Và sau mỗi chủ đề hay tác phẩm văn học, cô đã gieo mầm yêu thương, mầm nhân ái - hướng học sinh đến mục tiêu hoàn thiện nhân cách, phẩm chất để làm người tốt, có ích cho xã hội.

“Trả nghĩa cho đời”

Bên cạnh việc khởi xướng nhiều sáng kiến để nâng cao chất lượng dạy môn Văn, là tổ trưởng chuyên môn - hội đồng bộ môn Văn, cô giáo Kim Mai luôn lắng nghe ý kiến đồng nghiệp, tập hợp ý tưởng hay đưa vào thực tiễn giảng dạy. Chính sự khiêm tốn, cộng với tinh thần trách nhiệm cao của cô giáo Mai đã được đồng nghiệp tín nhiệm, học sinh tin yêu. Nhắc đến Trường THPT Võ Thị Sáu phải nói đến sự lan tỏa của sân chơi văn học, nơi chia sẻ những bài văn nghị luận xã hội của giáo viên, học sinh trong trường. Ý tưởng dạy học này dựa theo dự án của Intel “ Sống… chia sẻ… tỏa sáng”. Từ sáng kiến của cô giáo Kim Mai, cộng với sự góp sức của các giáo viên dạy Văn, vườn ươm văn học - nghị luận xã hội của Trường THPT Võ Thị Sáu đã thu hút không chỉ học sinh trong trường mà còn lôi cuốn nhiều “fan” mê học văn của trường khác.

Ai cũng có kỷ niệm khó quên và khi nhắc đến việc chọn nghề “lái đò đưa học sinh sang sông”, cô giáo Kim Mai kể rằng nếu thời đó không được mẹ ủng hộ có lẽ mình cũng do dự… Khi làm hồ sơ thi đại học, biết Kim Mai chọn nghề sư phạm, lại là môn Văn, nhiều người phản đối, trong đó cũng có thầy cô khuyên học trò nên chọn ngành kinh tế - tương lai rộng mở hơn. Lúc đó, Kim Mai học khá đều các môn nên có thể thi vào ngành khác… “Nhưng trái tim mách bảo tôi chọn nghề giáo, dạy môn Văn…” - cô giáo Kim Mai cười và khẳng định cái nghiệp mình đã chọn.

Những năm tháng học ở Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã nhen nhóm, bồi đắp lòng yêu nghề ở cô sinh viên ham học. Nhìn thầy cô ở trường bám nghề và hết lòng chỉ bảo, dạy dỗ sinh viên thành danh, Kim Mai càng nung nấu ước nguyện sẽ đền đáp công ơn thầy cô, nối tiếp sự nghiệp “trồng người” cao cả. Theo Kim Mai, thời đó, đời sống khó khăn, vất vả hơn bây giờ rất nhiều nhưng các giảng viên luôn dành trọn tâm huyết, truyền kiến thức và lửa nghề cho sinh viên. Lẽ nào sinh viên sư phạm không noi theo gương thầy cô? Và nhờ hành trang đó, cô giáo Lê Kim Mai đã trả nghĩa, tri ân thầy cô đã giúp mình thành nhân, nối tiếp nghề “trồng người”, gieo quả ngọt cho đời.

KHÁNH BÌNH

- Thầy giáo Phạm Thế Vinh, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình: Chấp cánh gương hiếu học

Tin cùng chuyên mục