Gió tháng Chạp

Tôi muốn nói về những cơn gió chướng già mùa vào tháng Chạp hàng năm ở miền Tây; mà gọi cho đúng tên của nó, phải là gió mùa Đông Bắc. 
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối với vùng ven biển, thường nuôi trồng thủy hải sản cũng như những vùng sản xuất nông nghiệp ở Nam bộ nói chung và riêng ở miền Tây, không phải là thời điểm thích hợp cho việc nuôi trồng và canh tác. Vì khi gió chướng thổi về, có thể làm độ mặn tăng lên một cách đột biến, các loại cây - con nói trên, chưa thể thích nghi một cách nhanh chóng được. Đó là điểm rõ nhất cho thấy sự tác động của thời tiết, của gió mùa ảnh hưởng đến việc ruộng nương, đồng áng.

Khi gió tháng Chạp thổi về, khí trời se lạnh, trong nếp nghĩ của tôi, luôn hiện về hình ảnh những người bà, người mẹ ở quê đầm sương sớm trên những cánh đồng trĩu vàng bông lúa chín. Lúc này, tất cả động thái, cử chỉ đều thể hiện sự rộn ràng, gấp gáp cho mùa xuân đang sắp bước vào gõ cửa. Không giống như cái chớm lạnh của cơn bấc non, thường đi kèm theo đó là triều cường liếm mép chân đê, nước ngấp nghé mé lộ.

Thời điểm bấc non vừa dềnh lên, là lúc so đũa bông trắng và đậu rồng bắt đầu ra hoa, đậu quả. Chỗ so đũa này, tôi phải nói rõ là so đũa bông trắng truyền thống mới trổ bông vào mùa gió chướng, vì hiện nay, bà con quê mình đã và đang trồng so đũa giống Thái, có bông quanh năm suốt tháng, màu đỏ quạch. Bây giờ, khi gió tháng Chạp về, tức là bấc già, tiết trời cũng khác, se sắt hơn, lạnh hơn và rộn ràng hơn, bởi mùa xuân đã huýt gió bên bậu cửa.

Hồi tôi còn nhỏ ở quê, cứ gió tháng Chạp vừa về, là cha mẹ tôi lại cuống cuồng hẳn lên, như thể ngày mai đã là tết. Cha tôi, ngoài việc chăm ruộng lúa mùa đã qua thời kỳ ngậm sữa, đang cong trái me, thời gian còn lại, ông thường dành cho việc chọn họng ao, họng đìa nào “ngon” một chút để làm hầm bắt cá, chủ yếu là để ăn tết. Cha tôi tỉ mỉ đặt từng cái khạp ngay mỗi họng ao, họng đìa, mà theo ông, đó những nơi rất nhạy.

Mỗi đêm, cá thường trườn từ họng ao, họng đìa ra con mương sâu hơn, chạy dài ra tận ruộng để kiếm ăn. Ngoài ra, cha tôi còn gieo cấy những loại rau cải ngắn ngày, để kịp dùng ngay trong dịp xuân về, vì cha tôi luôn quan niệm, cứ cây nhà lá vườn, vừa dân dã, vừa ngon, vừa đong vị quê, vừa ngọt tình quê… Bây giờ, dù cha tôi đã ngơi chân bên vạt cỏ, nhưng mỗi khi gợi lại những ký ức về ông, trong tôi luôn bùi ngùi một tình thương chưa bao giờ cũ. 

Bên cạnh hình ảnh dãi nắng của cha, là hình ảnh mẹ tôi dầm sương với những bông vạn thọ, bông mười giờ, bông móng tay, bông mào gà… như trong một vườn ươm buổi sớm. Bên ngoài, mẹ tôi khoác chiếc áo dài tay đã cũ, dù trời đang phong phanh cơn bấc già, mẹ tôi vẫn đon đả nói cười với từng mầm non vừa nhú, kiểu như thể nào “chúng bây” cũng kịp ra hoa đón tết, cũng kịp có mặt trong mâm cơm tất niên của gia đình vào ngày ba mươi tháng Chạp.

Mỗi năm, khi gió tháng Chạp về, là ở thôn quê như bắt đầu trở mình bừng lên một sắc màu tươi mới. Nhà nhà đều nhộn nhịp, cùng chung một không khí tất cả cho ngày tết. Cái thời nhà nhà quết bánh phồng đã lui vào dĩ vãng.

Tôi luôn sống cho hoài niệm, nên tôi tiếc nuối nghĩ rằng, một mai khi trẻ con ở quê lớn lên, tôi kể về những nhịp chày quết bột, những cái ống to tròn và nặng, dùng để cán bánh. Biết đâu chúng sẽ tròn mắt và ngơ ngác hỏi: Có thật là hồi đó bà/cô/dì biết quết bột, cán bánh phồng thiệt hả? Mà, nếu về sau, khung cảnh đó diễn ra thật, chắc tôi sẽ khóc hết cả mùa xuân mất.

Rồi thì trang hoàng lại nhà cửa. Mấy bà, mấy mẹ, mấy chị thì khoe sự khéo léo từ những đôi bàn tay của mình: Nào là mắm tép, dưa cải tùa xại, dưa rau muống… đến bánh bông lan, bánh bột đậu, mứt dừa, mứt bí… Cánh đàn ông thì chụp đìa, tát đìa, thu hoạch cá cho vào những ao nhỏ gần nhà để nướng trui chấm mắm tép.

Bên cạnh đó, việc làm cỏ, sơn phết lại mộ ông bà, cha mẹ, người quá cố cũng là việc thường được làm trong tháng Chạp, bởi chim có tổ, người có tông, tri ân những thế hệ đi trước là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt bao đời nay rồi.

Những ngày cuối cùng trong tháng Chạp là các công đoạn chuẩn bị cho việc mấy nhà cận kề hùn nhau làm thịt con heo cỏ, hùn nhau nấu nồi bánh tét. Thậm chí, nhà nào lúa mùa chín sớm, thì cùng “vần công” gặt hết, “cộ” vào sân, chờ sau tết máy suốt vào suốt luôn một thể, tránh để những bông lúa vàng ươm, no căng rụng hết ngoài ruộng, nhìn xót mắt.

Đời nông dân, ruộng rẫy, khi gió tháng Chạp về, có viết tràn kín mấy trang giấy, cũng không kể hết nỗi nhọc nhằn, lam lũ nhưng đầy tình quê, nghĩa quê. Gió tháng Chạp, chỉ là tiết trời đơn cử cho những ngày chớm xuân mà thôi, chứ mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng vốn có của “Quê nhà tôi ơi!”!

Rưng rưng niềm thương, nỗi nhớ là lúc gió tháng Chạp se lạnh ùa về, tràn kín từng ngõ nhỏ ở làng quê. Gió tháng Chạp đặc biệt hơn những cơn gió ở các tháng khác trong năm, là bởi chúng “gối đầu” cho ngày tết. Vùng quê cứ ngời lên một sắc màu tươi mới. Trong những cơn gió tháng Chạp se lạnh ấy, nếu lắng tai một chút, bạn sẽ nghe tiếng mùa xuân đang rót lộc nõn xuống bậc thềm.

Tin cùng chuyên mục