Trong thời kỳ đất nước hội nhập, giỏi nghề là yêu cầu đòi hỏi cấp thiết đối với mỗi người lao động. Nhiều đơn vị đã tạo điều kiện cho công nhân thi nâng cao tay nghề, nâng bậc thợ.
Nâng bậc để nâng lương
Đã nhiều lần tham gia thi nâng bậc, nhưng lần này anh Lê Phước Long (Công ty cổ phần In số 4) tỏ ra khá hồi hộp, vì đây là lần thi nâng bậc cuối cùng của anh, bậc 7/7. Anh Long là một trong 181 công nhân tham gia lớp thi nâng bậc ngành in do Công đoàn Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn (VHSG) và Trường Cao đẳng Công nghiệp in Hà Nội vừa tổ chức.
Người lao động tham gia Hội thi phục vụ bàn giỏi do LĐLĐ quận 1 TPHCM tổ chức
Anh Long có hơn 20 năm làm việc tại công ty với bậc thợ 6/7. Năm nay, anh quyết định tham gia ôn luyện và thi để đạt bậc thợ 7/7. “Bậc thợ là minh chứng rõ nhất cho tay nghề của một người công nhân. Dù đã nhiều lần tham gia thi nâng bậc thợ nhưng đây là lần thi quyết định và là lần cuối cùng đối với người 20 năm làm thợ in như tôi, nên tôi phải cố gắng nắm bắt kiến thức để làm bài thật tốt”, anh Long bộc bạch.
Vấn đề tay nghề của người lao động được Công đoàn VHSG đặt lên hàng đầu nên hàng năm, Công đoàn VHSG đều tổ chức lớp ôn luyện thi nâng bậc cho công nhân. Chương trình này được các doanh nghiệp đồng tình, tạo điều kiện về thời gian cũng như hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho công nhân đi học. Ông Phạm Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Công đoàn VHSG, cho biết: “Vì công nhân tham gia lớp học ở nhiều bậc thợ, nhiều nghề khác nhau nên việc tổ chức lớp rất phức tạp. Sau khi học và thi đạt phần lý thuyết, các thí sinh sẽ thi thực hành về công việc đang làm hàng ngày tại doanh nghiệp. Thời gian bắt đầu tổ chức hội thi nâng bậc và kết thúc trong vòng 3 tháng”. Vì hội thi được thực hiện nghiêm túc, chất lượng nên không chỉ thu hút các đơn vị trực thuộc VHSG mà còn có cả các doanh nghiệp bên ngoài tham gia. Đặc biệt, năm nay, một doanh nghiệp ở Đắk Lắk cũng gửi công nhân tham gia học và thi cùng công nhân VHSG.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Chủ tịch Công đoàn VHSG, cho biết: “Qua 11 lần tổ chức, chương trình đã đào tạo và công nhận bậc thợ cho hơn 1.000 lượt công nhân. Sau khi có chứng chỉ bậc thợ, các công nhân này sẽ được doanh nghiệp nâng lương. Quan trọng hơn, khi có những chứng chỉ này, nếu công nhân đến nơi khác làm việc thì vẫn được công nhận và trả lương theo đúng bậc thợ của họ”.
Cơ hội khi hội nhập
Tùy vào điều kiện thực tế, nhiều công đoàn cấp trên cơ sở đã tổ chức những hội thi tay nghề phù hợp. Với điều kiện có nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn nên hàng năm, Liên đoàn Lao động quận 1 (TPHCM) tổ chức các hội thi tay nghề liên quan đến các ngành dịch vụ: phục vụ bàn giỏi, nhân viên pha chế giỏi, nhân viên bảo vệ giỏi nghiệp vụ... Chị Phạm Ngọc Hồng An (khách sạn Kumho Asian Plaza), một thí sinh trong hội thi nhân viên phục vụ bàn giỏi do LĐLĐ quận 1 tổ chức, cho biết: “Phục vụ bàn là công việc hàng ngày vẫn làm, tuy nhiên khi tham gia hội thi tôi học hỏi được rất nhiều điều, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các tình huống khó để khách hàng không phiền lòng và vẫn đảm bảo danh tiếng cho nhà hàng”.
Với lợi thế có nhiều trung tâm dạy nghề trên địa bàn, LĐLĐ quận 5 hàng năm đều kết hợp với các đơn vị tổ chức từ 1 đến 2 hội thi tay nghề cấp quận, như: kết hợp với Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Hùng Vương tổ chức thi tay nghề điện công nghiệp, điện - điện tử, tin học văn phòng, kế toán viên giỏi; kết hợp với Trung tâm Kelly Pang tổ chức hội thi chăm sóc móng; cùng với Bệnh viện Quận 5 tổ chức hội thi điều dưỡng viên giỏi... Bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ quận 5, cho biết: “Với các hội thi tay nghề hàng năm, LĐLĐ quận đã giúp cho người lao động ôn luyện kiến thức, cập nhật những kiến thức mới phục vụ cho nghề nghiệp. Và trong thời kỳ hội nhập, giỏi nghề là một yêu cầu cấp bách để người lao động có thể tồn tại được trước sự cạnh tranh gay gắt với lao động trong khối ASEAN”.
| |
HỒNG HẢI