Giới thiệu Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học

Gần 900 loài động thực vật hoang dã bị đe dọa

* Gần 900 loài động thực vật hoang dã bị đe dọa

(SGGPO).- Sáng 24-9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo “Giới thiệu Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và góp ý dự thảo quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học chính là văn bản định hướng tổng thể và toàn diện về bảo vệ đa dạng sinh học để các ngành, các cấp xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ các hệ sinh thái trong tự nhiên, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh bền vững của đất nước.

Mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2020, nâng cao chất lượng và tăng cường diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ. Diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 9% diện tích lãnh thổ, diện tích các khu bảo tồn biển đạt 0,24%, độ che phủ rừng đạt 45%, rừng nguyên sinh được giữ ở mức 0,57 triệu ha và có kế hoạch bảo vệ hiệu quả… Bên cạnh đó, diện tích rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô cần được duy trì ở mức hiện có; 15% diện tích hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái được phục hồi; số lượng các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được quốc tế công nhận đạt 10 khu Ramsar, 10 khu dự trữ sinh quyển, 10 vườn di sản ASEAN. Đến năm 2030, dự kiến 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái được phục hồi; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo Sách Đỏ Việt Nam 2007, tổng số các loài động, thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị đe dọa hiện nay là 882 loài (418 loài động vật, 464 loài thực vật), tăng 161 loài so với thời điểm năm 1992. Hiện có tới 9 loài động vật và thực vật được xem là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam như tê giác 2 sừng, heo vòi, cầy rái cá, bò xám, hươu sao, cá chép gốc, cá chình Nhật, lan hài Việt Nam... Trong khi đó, VN là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, do đó, đa dạng sinh học đang bị đe dọa suy thoái với tốc độ nhanh.


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục