Đội tình nguyện

Giữ bông đá cho biển

Giữ bông đá cho biển

“Ninh Thuận là nơi có rặng san hô được coi là đẹp nhất Đông Nam Á. Muốn có những rặng san hô như ở đây, thông thường phải đợi đến… 1 triệu năm! Bởi mỗi năm, san hô chỉ lớn được 1cm” - đó là nhận định của WWF - Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên. Do quý hiếm, san hô bị rình mò, hái trộm. Và 6 ngư dân trong Đội tình nguyện (ĐTN) bảo vệ san hô Nhơn Hải (Vườn quốc gia Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận) đã “xung trận” bằng chính chiếc ghe bắt cá của mình để giữ “lá phổi” của biển cả.

Đánh cá kiêm... kiểm ngư

Giữ bông đá cho biển ảnh 1

Ghe đánh cá của hai anh em Trần Văn Mọn và Trần Văn Nhơn vừa đánh cá vừa canh giữ san hô.

Sáng 15-7, chúng tôi rong ruổi trên vịnh Vĩnh Hy (cách TP Phan Rang - Tháp Chàm 35km) cùng anh Phạm Văn Xiêm, Trưởng phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, người phụ trách nghiên cứu về biển của Vườn quốc gia Núi Chúa. Chiếc thuyền từ từ lướt trên từng khóm bông đá rung rinh dưới làn nước xanh thẳm. Anh Xiêm nói như thét trong tiếng gió: “San hô được ví như lá phổi của biển bởi nó “tiêu thụ” hết 20% khí CO2 trên trái đất. Ở Đông Nam Á có đến 80% các rặng san hô đã bị tàn phá, nhưng ở đây thì vẫn còn trong tình trạng khá tốt. Vùng biển này rộng 15ha, từ hòn Mũi Đỏ đến Cửa Lạch, toàn rặng san hô với 350 loài, trong đó có 46 loài đặc hữu”.

Cách đây chục năm, thương lái nghe tiếng san hô hòn Đỏ (Mũi Đỏ) thường đến gạ gẫm người dân lấy san hô cho họ. Vậy là bà con thường lặn xuống biển lấy san hô “bán sỉ” cho họ và “bán lẻ” cho khách ở các trạm nghỉ hai bên quốc lộ 1A. Đến tháng 8-2003, ĐTN bảo vệ san hô Nhơn Hải được thành lập với 6 người đều là ngư dân của thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Trụ sở là 2 gian nhà cấp 4 nằm trên ghềnh đá Mũi Đỏ. Ban đầu, một số người trong đội tham gia làm bảo vệ bờ biển cho Vườn quốc gia Núi Chúa. Không những tuần tra bảo vệ, ĐTN còn tham gia tuyên truyền để ngư dân bỏ thói quen hái san hô và kết hợp với các trường học giáo dục học sinh ý thức bảo vệ san hô và môi trường biển. Tình yêu với san hô ngày càng sâu nặng đến nỗi các thành viên của ĐTN còn lặn xuống biển gỡ từng con sao biển gai dài bằng cả cánh tay ra khỏi các cánh san hô.

Đội trưởng Diệp Nghĩa Hùng (45 tuổi) cho biết, đội chia thành nhóm 2 người thay nhau đi tuần hàng ngày bằng chính ghe đánh cá của mình. “Nhưng làm sao để phân biệt được ghe đánh cá và ghe đến trộm san hô?” - tôi hỏi. Anh Hùng mách nước, ghe đánh cá thường đi chầm chậm một lượt buông lưới, lát sau lại quay lại kéo lưới. Còn ghe lấy trộm san hô thường đứng lâu ở một chỗ, người trên bờ cầm cuộn dây thòng xuống biển - ống thở oxy cho người lặn xuống dưới biển lấy san hô.

Những hôm biển lừa (sóng to, gió lớn, nước biển đục) thì không có người đến trộm san hô. Cực nhất là khi nước triều rút, biển lặng, từng rặng san hô lồ lộ rập rờn như cô gái mười tám đùa giỡn trước mặt mọi người. Lúc đó, anh em phải “tăng ca” lên 4 người một nhóm trực. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn, tình nguyện viên dùng cờ hiệu và đèn lệnh ra lệnh cấm vào neo đậu. Có khi anh em phải bơi ghe ra tận nơi nhắc nhở, giải thích rõ đây là vùng san hô đã quy hoạch để bảo tồn, không được khai thác. Đối tượng phản kháng, không chấp hành thì phải báo với công an xã, Đội Biên phòng 408 và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh để xử lý.

“...như giữ lá phổi của mình”

Giữ bông đá cho biển ảnh 2

Anh Diệp Nghĩa Hùng phát tài liệu cho các em học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (Thanh Hải, Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) tìm hiểu về san hô.

“Cuộc chiến” bảo vệ san hô không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. “Ban đầu, nhiều người dân đã “mặt nặng mày nhẹ” với ĐTN vì liên can đến miếng cơm manh áo của họ. Khổ nỗi, người lấy san hô cũng không ai xa lạ, đều là người trong làng, nhưng cũng nhờ gần gũi nên dần dần bà con cũng hiểu” - ông Đua, người cao tuổi nhất đội kể. Cái khó nữa là ĐTN gần như không được trang bị gì. Tuần tra bằng ghe đánh cá của cá nhân, nhiều khi phát hiện ra đối tượng nhưng không thể đuổi kịp do ghe của mình có mã lực kém hơn. Hoặc gặp trường hợp không chấp hành, ĐTN phải báo với lực lượng liên ngành nhưng có khi báo xong, cán bộ đến thì họ đã cao chạy xa bay rồi. Ví như trường hợp hai anh em Trần Văn Mọn (47 tuổi) và Trần Văn Nhơn (46 tuổi), vào tháng 8-2006, hai anh gặp một ghe đang lấy trộm hơn 1 tấn san hô. Nhắc nhở không được, anh Nhơn chạy về trạm gọi điện báo cho lực lượng liên ngành. Anh Mọn ở lại canh giữ thì kẻ lấy trộm đã phi tang san hô xuống biển, biên bản cũng không thể lập được.

Vừa chài lưới, lại “ôm” thêm nhiệm vụ bảo vệ san hô nên thời gian lênh đênh trên biển của anh em tình nguyện nhiều hơn ở nhà với gia đình. Số tiền trợ cấp cũng chỉ 200 ngàn đồng/người/tháng nhưng gần 1 năm nay, số tiền ít ỏi trên cũng bị “treo” do trước kia ĐTN đặt dưới dự quản lý của Sở Khoa học công nghệ - Môi trường Ninh Thuận. Nay, lại thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa, mà quyết định lại chưa dứt khoát. Anh em trong đội đã xác định là làm tình nguyện chứ nếu câu nệ tiền bạc thì không làm nổi. Ông Đua tâm sự: “Chúng tôi may mắn được cán bộ chỉ cho biết ích lợi của san hô. Tôi cao tuổi rồi nhưng sẽ tham gia đến khi nào không còn sức nữa thì thôi, phụ cấp có hay không cũng không quan trọng”. Với ông, bông đá không chỉ đẹp mà còn là nơi cá tôm trú ngụ. Cứ lấy mãi thì có lúc cũng chả còn tôm cá mà đánh bắt. Vì thế, giữ gìn “lá phổi” cho biển cũng chính là giữ gìn cho mình thôi…”.

Được biết, nhờ bảo vệ tốt rặng san hô, ngư dân đã khai thác được nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Riêng năm 2006, thôn Mỹ Hiệp đã đánh bắt được 1 triệu con tôm hùm giống (giá từ 150-200 ngàn đồng/con). Số tiền này tính ra hơn gấp 100 lần tiền bán san hô-nếu khai thác. Còn cả tỉnh Ninh Thuận, có đến 20% sản lượng hải sản được khai thác từ rặng san hô. 

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục