Giữ gìn nền tảng văn hóa

Giữ gìn nền tảng văn hóa

Tôi đã từng hỏi rất nhiều người: Người Việt Nam là ai? Không mấy ai trả lời được đầy đủ. Nhiều nhà dân tộc học hay các nhà sử học vẫn có cái nhìn thiên lệch, méo mó về nguồn gốc của người Việt. Có người đã trả lời tôi về nguồn gốc ra đời của người Việt Mường, nhưng cái gì là cốt lõi, thần thái của nó là gì… thì chưa ai trả lời được.

Lịch sử đã cho chúng ta thấy có những vấn đề cần cảnh báo. Chừng nào giới trí thức Việt Nam hay những người được mệnh danh là có học thức chê bai văn hóa dân tộc mà hướng ra ngoài sẽ làm cho đất nước bị loạn. Chừng nào con người bình thường không giữ được truyền thống của mình thì cũng góp phần vào cái loạn ấy để dẫn đến hiện tượng dễ bị xâm lược.

Giáo dục truyền thống yêu nước cho thiếu niên, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giáo dục truyền thống yêu nước cho thiếu niên, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong guồng quay của nền kinh tế thị trường, nếu quên mất văn hóa của tổ tiên thì sẽ không lường được hậu quả. Những người nghiên cứu văn hóa vô cùng tán thành và vui mừng với Nghị quyết 5 của Hội nghị Trung ương khóa 8 về đề cao bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng tiếc thay, để hiểu thấu đáo và tạo ra sự hưởng ứng thực sự mạnh mẽ thì chưa đạt được. Chính vì thế, những người yêu nước một cách thiết tha không chấp nhận việc con cháu mình ăn mặc, sinh hoạt theo kiểu bắt chước văn hóa nước ngoài một cách vô lối. Điều đó không có nghĩa phải quay lại thời kỳ mặc áo dài, đội khăn xếp, nhưng phải có cái gì đó để chứng tỏ rằng ta là ta hay văn hóa của ta là văn hóa của Việt Nam, của 54 tộc người chứ không phải là cái đuôi bất kể một dân tộc nào khác.

Việt Nam có thể tiếp nhận tất cả những gì văn minh tốt đẹp nhất của loài người, nhưng không thể tiếp nhận một cách mù quáng và hình thức. Giống như thời văn hóa hippy ở châu Âu mà thanh niên Việt Nam cũng đua đòi học theo: Quần ống tuýp, ống loe, quần áo lòe loẹt, te tua… Việc học đòi bắt chước những cái mình cho là hay là đẹp cũng phải đi vào chiều sâu. Muốn được như vậy thì phải được dạy dỗ. Qua sóng thần, động đất ở Nhật Bản mới thấy bản sắc Nhật Bản sâu sắc như thế nào! Người Việt trước kia không xa lạ với những điều tốt đẹp ấy, còn bây giờ thì sao? Không giữ được bản sắc của một dân tộc sẽ làm tha hóa dân tộc. Điều quan trọng nhất là “dạy con từ thuở còn thơ”, nếu không biết yêu cha, yêu mẹ, ông bà thì làm sao mà biết yêu người khác, mở rộng ra là yêu nước một cách thiết tha? Nếu không quan tâm đến giáo dục thì đừng có mà bàn đến chuyện giữ gìn bản sắc dân tộc. Cái gì cũng phải có đào tạo, cái gì cũng phải có giáo dục, nếu không thì mọi sự chỉ là bắt ép…

Cùng một hành động, nhưng suy nghĩ khác nhau sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Nếu có hiểu biết nhưng đi chệch đường thì cũng rất nguy hiểm. Hiện nay, người ta đua nhau đến chỗ được gọi là “linh thiêng” một cách bon chen, ồn ào. Như thế chỉ vô ích. Thường người ta đến đó không để sám hối cho tội lỗi dù là vô tình hay hữu ý của mình mà chỉ là cầu xin bổng lộc cho chính mình về những sự việc cụ thể nào đó.

Người Việt Nam là cư dân có trí tuệ và bao giờ cũng hướng đến những điều tốt lành. Văn hóa Việt Nam đang nằm trong tiến trình phát triển, tất yếu. Song những người cầm cân nảy mực phải tỉnh táo mới dẫn văn hóa Việt Nam đi lên - dù không thể tránh khỏi những đợt khủng hoảng. Và tôi tin rằng người Việt Nam sẽ vượt qua được khủng hoảng để phát triển.

GS Trần Lâm Biền
(Nhà nghiên cứu văn hóa)

Tin cùng chuyên mục