Giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở TPHCM: Quận, huyện… thờ ơ

Giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở TPHCM: Quận, huyện… thờ ơ

Ngay sau khi chúng tôi đăng bài “Giữ gìn trật tự an toàn giao thông-Chủ trương chưa rõ ràng, biện pháp chưa quyết liệt” nhiều bạn đọc đã gọi lại báo góp ý: như vậy vẫn chưa đủ. Hãy đi đến các điểm nóng về giao thông xem “người ta” đang đối xử với vấn nạn ấy như thế nào. Dẫu rằng vẫn thường xuyên “rảo” một vòng quanh thành phố nhưng chúng tôi cũng “khăn gói lên đường” theo chỉ dẫn của bạn đọc.

  • Điện thoại, radio... “second hand” xuống đường
Giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở TPHCM: Quận, huyện… thờ ơ ảnh 1

Buôn bán dưới lòng đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận. (Ảnh chụp lúc 17 giờ 26-3). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Địa chỉ đầu tiên mà bạn đọc muốn chúng tôi đến là khu vực ngã tư Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) kéo dài theo trục đường Nguyễn Kiệm đến gần nút giao Nguyễn Kiệm-Nguyễn Thái Sơn-một trong những điểm nóng về giao thông của thành phố.

Thoạt đầu chúng tôi “giãy nảy” lên phản đối: quận Phú Nhuận đã từng được chọn làm thí điểm xử lý vi phạm hành chính, lực lượng quản lý đô thị quận đã từng kiểm tra từng con đường nhắc nhở người dân không được đậu xe chiếm lề đường… Lẽ nào? Thế nhưng trước vẻ tự tin của người chỉ đường, chúng tôi đã đến Phú Nhuận vào khoảng 17 giờ ngày 26-3-2007.

Thật không thể tin được… đoạn đường từ ngã tư Phú Nhuận đến gần ngã ba Nguyễn Kiệm-Thích Quảng Đức tương đối trật tự nhưng từ đây cho đến gần nút giao Nguyễn Kiệm-Nguyễn Thái Sơn thật sự như một cái… chợ kim khí điện máy cũ. Máy điện thoại cầm tay, radio… bày bán la liệt trên những tấm ni lông trải rộng, choáng hết vỉa hè và người bán cùng người mua vô tư trả giá ngay dưới lòng đường. Chúng tôi đã thử nhấn còi và gào lên “cho qua đi” nhưng chẳng ai thèm để ý đến tiếng kêu ấy. Phải mất gần 15 phút chúng tôi mới qua được đoạn đường chỉ dài hơn 100m này. Thật khủng khiếp.

Điểm kế tiếp mà bạn đọc muốn chúng tôi đến là ngã ba Phạm Ngọc Thạch với Võ Thị Sáu (quận 3). Nơi đây gần như chưa bao giờ xảy ra kẹt xe và khi chúng tôi đến cũng vậy. Thế nhưng nhìn dãy xe gắn máy 2 bánh nằm kín vỉa hè lúc 9 giờ ngày 27-3-2007 thì quả là… điều ấy sẽ chẳng còn xa nữa.

Cũng tại quận 3, đường Lê Quý Đôn - một con đường đã từng “vắng tanh” người cách nay vài năm, như lời bác Nguyễn Thị Tình bán bánh mì gần đó, nhưng nay cứ vào khoảng 7giờ 30 đến 8 giờ và 16 giờ 30 đến 17 giờ là lại xảy ra ùn ứ giao thông. Ở ngay cổng Trường Quốc tế Việt Úc. Đường Lê Quý Đôn không rộng nên việc các xe hơi của những phụ huynh đến đưa, đón con đi học đã gây ứ giao thông tại đây. Vào những lúc mà dòng xe hơi trên đường Điện Biên Phủ nằm gần đó  ứ lại ngay giao lộ Lê Quý Đôn - Điện Biên Phủ thì tình trạng ùn ứ giao thông ở đường Lê Quý Đôn xảy ra rất nghiêm trọng. Bác Nguyễn Thị Tình cho biết  như vậy.

  • Tôm, cá cũng “ra mặt tiền”
Giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở TPHCM: Quận, huyện… thờ ơ ảnh 2

Xe mô tô đậu chiếm lề đường, xe ô tô chiếm lề đường. (Ảnh chụp lúc 9 giờ 27-3). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Quận 1 là một trong những quận thực hiện khá tốt công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông… thế nhưng không hiểu sao, khoảng 7 giờ 50 ngày 29-3-2007, trên đường Trương Định, đoạn trước cổng chùa Ấn lại xuất hiện hơn 10 người buôn bán cá, tôm vô tư bày hàng ra vệ đường mời chào khách. Người mua ghé lại không nhiều nên không biết có phải vì thế mà khoảng 9 giờ quay trở lại chúng tôi đã không còn thấy những người bán hàng này nữa.

Ở quận trung tâm còn thế, vòng ra các quận ngoại thành… đâu đâu cũng thấy chợ tự phát, nhỏ có, lớn có. Ám ảnh chúng tôi nhất là chợ tự phát trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp. Vào khoảng 18 giờ ngày 26-3-2007, giờ cao điểm đông người qua lại thế nhưng người bán, người mua vẫn “vô tư kéo” nhau ra giữa đường… trả giá mặc những tiếng càu nhàu bực bội của người qua lại.

Thế nhưng, so với chợ tự phát mọc lên xung quanh chợ Bà Chiểu thì chợ trên đường Lê Đức Thọ… vẫn chưa đáng ngán. Mỗi khi không có lực lượng trật tự là những người buôn bán quần áo ở đây lại đẩy hàng ra giữa đường. Nhác thấy bóng cảnh sát, họ nháo nhào thu dọn hàng. Đường phố đã lộn xộn còn lộn xộn hơn.

Chưa thể gọi thành chợ nhưng việc các xe đẩy hàng rong dừng lại bán hàng ngay giữa đường cũng làm cản trở giao thông. Điều lạ là việc này hầu như không thấy cảnh sát giao thông nhắc nhở ngay khi chúng diễn ra trước mắt họ.

Chia tay với chúng tôi sau cuộc khảo sát, bạn đọc nói: những điều này không mới và tất cả những người có trách nhiệm đều hiểu rằng chúng sẽ gây ra những hậu quả không lường cho giao thông. Thế nhưng không hiểu sao họ lại thờ ơ đến thế? Tất nhiên, chính những người dân chiếm đường cũng phải bị lên án song nếu luật pháp được thực thi nghiêm minh thì họ sẽ không thể làm như vậy.

NGUYỄN KHOA-LAM THUẦN

Tin cùng chuyên mục