Giúp nhau vượt qua thiên tai

Miền Trung năm nào cũng oằn mình chống chọi với thiên tai, bão dập dồn, lũ chồng lũ nên mọi người thường lạc quan bảo nhau, nước lũ ào ạt kéo về để gột rửa hết cái hanh hao, gắt gỏng của những ngày hè oi ả. Ấy vậy mà trận mưa lũ lịch sử đêm 14 rạng sáng 15-10 vừa qua tại Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế lại dị thường và quá khủng khiếp, khiến mọi người bàng hoàng, không kịp trở tay.
Lực lượng chức năng được huy động đễ hỗ trợ tìm bia mộ giúp người dân tại nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH
Lực lượng chức năng được huy động đễ hỗ trợ tìm bia mộ giúp người dân tại nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH
Cho đứa con trai đỏ hỏn nặng 3,5kg bú mớm xong, đặt con nằm sát bên cạnh, chị Nguyễn Thị Ngọc (nhà ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) rưng rưng nước mắt kể: Lúc ấy tầm 12 giờ đêm 14-10, chị Ngọc đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ. Trời thì mưa như trút, lũ thượng nguồn ập về, tứ bề nước ngập. Thấy chị Ngọc đau đớn kêu la, người anh họ bơi thuyền nhỏ về phía đầu làng, nhờ thuê xe tải đưa chị Ngọc đi sinh. Đi được một đoạn, đến Km844 QL1A, xe gặp đường ngập sâu, nguy hiểm, tài xế ngại ngần không dám tiếp tục hành trình.
“Lúc đó, mẹ con em may mắn gặp anh cảnh sát giao thông, sau này mới biết là Trung tá Hoàng Phước Tế, Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc, đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ hướng dẫn, điều tiết giao thông tại đó. Nghe tiếng kêu cứu, các anh đã dùng xe chuyên dụng đưa mẹ con em đi bệnh viện. Đến thị xã Hương Thủy, cách nhà 20km, lại gặp đoạn đường ngập sâu hơn 1,5m, anh Tế đã liên hệ khắp nơi và được hỗ trợ đưa em đến Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy… Tầm 5 giờ sáng 15-10 thì con trai em chào đời, mẹ tròn con vuông nhờ sự giúp đỡ tận tâm của mọi người”, chị Ngọc nhớ lại, tâm trạng vẫn chưa hết bàng hoàng.
Giúp nhau vượt qua thiên tai ảnh 1 Cứu trợ lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân vùng rốn lũ cuối nguồn sông Hương, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế
Đường về phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy lũ rút đến đâu, lực lượng công an và xung kích địa phương giúp dân dọn rác rưởi, bùn non tràn ngập đến đó. Đứng bên ngôi nhà ven đường vàng khè vệt nước lũ trên tường, ông Ngô Hữu Thuận, Chủ tịch UBND phường Thủy Dương, cho biết, khuya 14-10, ông đang chỉ đạo lực lượng di dời các hộ dân vùng thấp trũng lên cao thì nhận được tin ông Nguyễn Tài (nhà ở đường Dương Thiệu Tước) lên cơn đau tim. Ông Thuận vội cùng anh em dùng xe công an phường đưa ông Tài lên Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Chạy chưa tới 500m thì lũ dâng cao hơn 1m, không thể liều lĩnh đi tiếp, xe buộc phải quay đầu, đưa ông Tài đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy.
“Ông Tài được các y, bác sĩ Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy kịp thời cho thở oxy và xử lý bước đầu qua cơn nguy hiểm; đến khi lũ rút mới chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục điều trị”, ông Thuận kể. Thời điểm ấy, ông Nguyễn Văn Mãn (ở phường Hương Hồ, TP Huế) cũng lên cơn hen suyễn, phải thở oxy, được người dân địa phương cùng công an phường dùng thuyền vượt lũ sông Hương đưa đi cấp cứu, bảo toàn tính mạng.
Trong lũ dữ, vì tính mạng đồng bào, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an tại Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng bất chấp nguy hiểm, giúp người dân thoát vùng trũng thấp để đến nơi an toàn. Lũ bắt đầu rút, họ lại có mặt ở những nơi cần hỗ trợ khắc phục hậu quả. Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã huy động 3.500 cán bộ, chiến sĩ hành quân về cơ sở, tiếp tục bám sát các địa bàn để kịp thời chia sẻ một số nhu yếu phẩm cần thiết, động viên, trợ giúp bà con vượt qua hoạn nạn. 
“Mưa lũ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, nhất là ở những vùng thấp trũng. Chúng tôi đã nhanh chóng tỏa đi nhiều hướng để giúp bà con, quyết tâm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất”, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn nói. 
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng các kịch bản ứng phó, thậm chí phải tính đến phương án ngập lũ dài ngày.
“Tỉnh đang cố gắng nương theo hình thế, các điều kiện liên quan để giảm mực nước lũ trên các sông xuống. Tuy nhiên nước không thể xuống nhanh được vì triều cường đang trên 1,5m, nước đến các hồ thủy điện, thủy lợi vẫn còn tương đối và chưa phải đã ngưng mưa hoàn toàn. Lãnh đạo tỉnh sẽ căn cứ tình hình thực tế tại các địa phương để đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân và các hoạt động xã hội khác”, ông Phương thông tin.

Đến sáng 17-10, ít nhất đã có 7 người chết vì đợt lũ lịch sử (Thừa Thiên - Huế 2 người, Đà Nẵng 5 người) và nhiều người bị thương; hàng vạn ngôi nhà bị ngập sâu trong lũ, đường sá, hệ thống cơ sở hạ tầng bị hư hại hàng loạt. Trong khi đó, bão số 6 đã vào Biển Đông và dự báo đổ bộ khu vực này. Người dân hơn lúc nào hết đang cần tinh thần sẻ chia, đùm bọc từ đồng bào trong và ngoài nước để vượt qua khó khăn hoạn nạn, tiếp tục ổn định cuộc sống và vươn lên trong sản xuất.


Báo SGGP sẵn sàng làm cầu nối của bạn đọc đến với đồng bào miền Trung. Địa chỉ tiếp nhận: Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội Báo SGGP, 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, P5, Q3, TPHCM. Hoặc chuyển khoản: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 31010000231438 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh TPHCM. Nội dung: Hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua bão lũ.

Tin cùng chuyên mục