Giúp trẻ đến trường sau bão

Giúp trẻ đến trường sau bão

Sau đúng một tuần gián đoạn việc học hành, 24.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở vùng “tâm bão” số 9 (Bình Đại, Bến Tre) đã trở lại trường học. Vào lớp 53-Trường Tiểu học Đại Hòa Lộc, chúng tôi vô cùng xúc động khi thấy học sinh Tương Hữu Lợi đang cố kiễng chân phụ thầy cô gắn quạt, đèn lên vách tường. Bé Lợi sướng rơn vì được đi học lại...

Giúp trẻ đến trường sau bão ảnh 1

Học sinh Trường Tiểu học Đại Hòa Lộc vui mừng mang đèn, quạt máy về trang bị cho các phòng học. Ảnh: M.A

Đi qua các xã ven biển như Thừa Đức, Bình Thắng, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước…, vẫn thấy cây cối bị phạt ngang thân, nhà cửa đổ nát nằm chơ vơ trong nắng gió. Hơn 21.000 căn nhà của huyện này đã bị bão số 9 “đánh” tan tành, trong đó gần 1/3 là nhà của các gia đình nghèo hoặc thuộc diện chính sách. Một tuần sau bão, điện vẫn chưa về lại Đại Hòa Lộc, 372 phòng học bị hư hỏng rất nặng khiến hầu hết học sinh huyện biển này phải nghỉ ở nhà. 100% nhà giáo viên của Trường Mẫu giáo, Trường tiểu học Đại Hòa Lộc… cũng bị tốc mái.

 Trước tình hình đó, ba ngày qua, 43 đoàn viên thanh niên thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn đã chịu đựng cơn khát do thiếu nước và nỗi nhọc nhằn nóng bức vì không có điện để khắc phục các trường học bị hư hỏng.

Gặp kỹ sư Phan Đình Quốc đang cùng đồng đội cắt những mảnh tole cuối cùng, anh nheo mắt cười: “Tính ra, tại Bình Đại, chúng tôi đã lợp trên 2200 m2 tole cho các trường bị tốc mái hoàn toàn. Tổng Công ty đã chỉ đạo Cty CP Địa ốc 7, Cty Phát triển nhà Bình Thạnh (và các đơn vị thành viên) đưa quân và vật liệu xây dựng xuống “tâm bão” mấy ngày nay. Ở Bình Đại, nhà ai cũng bị hư hỏng, tìm đỏ mắt không có lao động nên các đoàn viên thanh niên phải xung kích thôi. Thấy các em học sinh không có chỗ học hành, tụi mình cầm lòng không đậu!”

Đưa mảnh tole sáng lóe cuối cùng lên xà gồ, kỹ sư Phan Đình Huỳnh và công nhân Nguyễn Văn Chung hì hụi dùng búa, kềm, chìa khóa vặn thật cứng những chiếc đinh dù vào mái nhà. Cười rất tươi trong cái nóng ran người xứ biển, chàng đoàn viên Nguyễn Văn Chung kể: “Giá tole tăng từ 45.000 lên 75.000đ/m, giá đinh dù tăng từ 10.000 lên 24.000đ/m, xà gồ, gỗ, xi măng… giá cũng tăng như diều gặp gió. Việc chúng tôi đưa vật liệu (trị giá 450 triệu đồng) xuống là hết sức cần thiết vì ở “tâm bão” này không thể kiếm đâu ra tole, đinh giá rẻ cả”.

Cuối ngày, cả ba điểm trường học (và một nhà tình nghĩa) đã được lợp lại mái. Các em học sinh áo trắng, khăn quàng đỏ ùa vào phụ các anh, các thầy khiêng quạt, đèn về gắn lên phòng học.

Cảm động hơn là sau khi nghe thông tin từ Tuần San SGGP Thứ Bảy rằng huyện Giồng Trôm, huyện Mỏ Cày (Bến Tre) còn thiệt hại khá nhiều do bão, Phó TGĐ Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn Nguyễn Thị Thúy Hằng đã trao đổi nhanh với Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn TNCS của công ty này để đi đến quyết định: Không rút quân về TPHCM ngay mà tiếp tục hành quân sang huyện Giồng Trôm để khắc phục thêm 8 phòng học cấp III bị sụp đổ hoàn toàn, tạo điều kiện cho các học sinh lớp 12 của huyện này có nơi thi cuối năm. Riêng Đoàn TN  của Tổng Công ty sẽ phối hợp Đoàn TN Báo SGGP tổ chức một chuyến đến với đồng bào vùng bão huyện Mỏ Cày. 

Ngày 16-12, gần 50 Đoàn viên thanh niên của Báo SGGP, CLB Y tế tình nguyện TPHCM, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn tiếp tục tổ chức khám bệnh-phát thuốc miễn phí-tặng quà cho 1000 đồng bào nghèo bị thiệt hại trong cơn bão số 9. Tổng kinh phí của chuyến công tác này là trên 50 triệu đồng. 

Dương Minh

Tin cùng chuyên mục