Gỡ khó cho giáo dục vùng Tây Nguyên - Bài 2: Nỗi lo thiếu giáo viên

Dạy học ở vùng núi, giáo viên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong khi thu nhập lại không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Do vậy, nhiều giáo viên phải từ bỏ công việc cao quý để làm các công việc khác có thu nhập cao hơn.
Giáo viên Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi băng rừng để lên lớp. Ảnh: MAI CƯỜNG
Giáo viên Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi băng rừng để lên lớp. Ảnh: MAI CƯỜNG

Lương không đủ sống

Trường Tiểu học xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum là một trong những trường nằm ở vùng khó khăn của tỉnh. Trường có 40 giáo viên và 669 học sinh. Hầu hết giáo viên giảng dạy nơi đây đều đến từ các huyện trong tỉnh, nhiều người hộ khẩu ở Bình Định, Gia Lai... Như cô Nguyễn Thị Mỹ Liên (trú huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nhà cách trường khoảng 200km. Từ thứ hai đến thứ sáu, cô Mỹ Liên dạy ở trường, cuối tuần về với con nhỏ. Nhiều lúc con đau ốm, muốn chạy ngay về với con mà không về được. Lúc ấy, mình chỉ biết khóc và nhìn con qua điện thoại. Cũng vì dạy xa, chi phí tốn kém nhiều nên đồng lương chẳng còn bao nhiêu. Trước mắt, mình sẽ cố bám trụ với nghề”, cô Mỹ Liên nói.

Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắk Hà, cho biết, giáo viên của trường không có thu nhập gì khác ngoài đồng lương, mà mức lương thì thấp, không đủ chi tiêu cho gia đình. Việc này khiến nhiều giáo viên có tâm lý chán nản, muốn bỏ nghề. Thời gian qua, tại trường đã xảy ra tình trạng giáo viên xin chuyển, nghỉ việc. Từ tháng 1 đến nay, theo chỉ tiêu biên chế giao, trường đang thiếu 9 giáo viên. Để đảm bảo chương trình cho học sinh, các thầy cô phải ôm thêm việc nên vất vả hơn, sức khỏe không đảm bảo.

Tại Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), cô Hoàng Thị Hiền, Hiệu trưởng, cho biết: “Hiện trường đang thiếu 4 giáo viên và phải hợp đồng với các giáo viên bên ngoài. Nhưng do kinh phí hạn hẹp, mức lương trả cho các giáo viên rất thấp nên việc tìm giáo viên hợp đồng cũng khó. Không chỉ thiếu giáo viên, nhiều năm nay trường khuyết hiệu phó, một mình tôi phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ, rất vất vả”.

Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra hầu hết tại các địa phương vùng khó khăn ở Tây Nguyên. Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cho rằng, khó khăn là chế độ chính sách làm thêm giờ của giáo viên còn bất cập. Như giáo viên mầm non phải đi làm sớm hơn, trưa phải trực học sinh, chiều về muộn, thời gian làm việc vượt quá 8 giờ/ngày nhưng lại chưa có chính sách hỗ trợ thêm.

Cũng theo ông Cường, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn có 20 giáo viên xin nghỉ việc. Phòng GD-ĐT đã tổ chức gặp gỡ để nắm tâm tư, nguyện vọng, qua đó động viên giáo viên ở lại, tuy nhiên chỉ có khoảng 5 người trở lại làm việc, 15 người vẫn quyết định nghỉ với lý do nhà xa, bố mẹ già, con nhỏ, lương thấp. Giáo viên nghỉ nhưng việc tuyển mới gặp khó. Trong các đợt tuyển dụng, Phòng GD-ĐT đã gửi thư ngỏ tới các trường đào tạo, sở giáo dục ở các tỉnh lân cận để mời gọi nhưng vẫn không tuyển được.

Khó tuyển mới

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết, ngành giáo dục của tỉnh đang thiếu 606 giáo viên và 421 nhân viên. Trong khi đó, năm học 2022-2023, tỉnh Đắk Nông chỉ được giao 115 biên chế giáo viên, điều này đã gây khó khăn trong công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cũng cho biết, toàn tỉnh cũng đang thiếu 973 giáo viên, trong đó 446 giáo viên mầm non, 385 giáo viên cấp tiểu học và 142 giáo viên cấp THCS.

“Dù đang thiếu giáo viên trầm trọng nhưng việc tuyển mới giáo viên ở các huyện vùng sâu, vùng xa không hề dễ. Như huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) vừa qua tuyển 200 giáo viên nhưng chỉ có gần 30 hồ sơ dự tuyển. Thậm chí, có những giáo viên khi trúng tuyển công tác được một thời gian thì xin về vùng khác, hoặc nghỉ việc vì đãi ngộ thấp”, bà Y Ngọc chia sẻ thêm.

Trong khi đó, nhiều đơn vị đào tạo ngành sư phạm hiện không còn thu hút sinh viên như trước. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, cho biết, giai đoạn 2014-2015, trường thu hút được hơn 3.000 sinh viên với 60 lớp học. Đến năm 2018, trường không còn đào tạo hệ tiểu học thì sinh viên giảm mạnh.

Đến thời điểm hiện nay, trường chỉ còn khoảng 400 sinh viên. Những năm gần đây, việc tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn. Trong năm học 2021-2022, chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao tuyển sinh là 300 nhưng trường chỉ tuyển được hơn 180 sinh viên. Năm học 2022-2023, trường cũng chỉ tuyển sinh được 79 sinh viên, thấp hơn chỉ tiêu đề ra.

Tại Trường Đại học Tây Nguyên, ông Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho biết, những năm gần đây, trường chỉ tuyển sinh được khoảng 90% chỉ tiêu do Bộ GD-ĐT giao.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, năm học vừa qua, có 116 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục nghỉ việc. Nguyên nhân là do một số giáo viên lớn tuổi, sức khỏe và trình độ, năng lực không đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Một số giáo viên, nhân viên xin nghỉ việc theo nguyện vọng để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Tin cùng chuyên mục