Gỡ khó cho giáo dục Tây Nguyên - Bài 1: Gian nan “trồng người”

LTS: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, trong đó công tác giáo dục rất được chú trọng. Nhờ đó, khoảng cách chênh lệch giáo dục giữa các dân tộc, vùng dân cư dần được thu hẹp, mặt bằng dân trí được nâng cao. Tuy nhiên, do đặc thù vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao nên việc triển khai công tác giáo dục còn nhiều bất cập.
Do nhà cách nơi dạy hơn 60km nên cô H’Tuyết (giáo viên Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cùng con gái phải trú tạm trong căn phòng cũ phía sau trường. Ảnh: Mai Cường
Do nhà cách nơi dạy hơn 60km nên cô H’Tuyết (giáo viên Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cùng con gái phải trú tạm trong căn phòng cũ phía sau trường. Ảnh: Mai Cường

Dạy chữ ở vùng cao, giáo viên phải đi xa, nhiều lúc phải “cắm bản”, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trăm bề. Cùng với đó, lương thấp, áp lực công việc cao, phải gánh thêm trọng trách của phụ huynh… là những điều mà giáo viên ở vùng sâu, vùng xa đang đối mặt.

“Gieo chữ” giữa rừng

Điểm trường thôn 4 của Trường Tiểu học Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên. Nơi đây, chủ yếu là đồng bào S’Tiêng, Mạ sinh sống. Chúng tôi mất nhiều giờ vật lộn với cung đường lầy lội, băng qua những ngọn đồi cao hiểm trở để vào điểm trường này. Do đường sá đi lại khó khăn, giáo viên phải “cắm bản”. Mỗi năm, 2 giáo viên đứng lớp, dạy cho 5 khối tiểu học.

Vì học sinh ít, thầy Nguyễn Văn Ngạn, giáo viên Trường Tiểu học Phước Cát 2 phải ghép học sinh lớp 1, 2, 3 lại dạy chung trong một phòng. Đồng nghiệp của thầy Ngạn là thầy Dương Văn Hiền cũng ghép học sinh lớp 4, 5 dạy chung.

“Do cả 5 khối chỉ có hơn 20 học sinh. Nhiều lớp cùng học trong một phòng nên giáo viên phải chia bảng cho mỗi lớp học. Cách dạy này sẽ vất vả hơn nên khi dạy chúng tôi phải vận dụng nhiều cách dạy khác nhau để phát huy hiệu quả bài giảng, học sinh giữa các lớp không bị ảnh hưởng nhiều”, thầy Hiền chia sẻ.

Cũng theo thầy Hiền, khó khăn hơn nữa là do học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều em vẫn chưa thông thạo tiếng Kinh nên tiếp thu bài rất chậm. Vì vậy, các giáo viên phải tự học thêm tiếng dân tộc bản địa để diễn đạt cho các em hiểu.

Tương tự, điểm trường buôn H’Mông của Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi cũng nằm trong lõi rừng buôn Ja Wằm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk). Ở đây, đa phần là đồng bào dân tộc H’Mông di cư đến ở từ những năm 1990. Gần 20 năm qua, trường phải cắt cử giáo viên vào rừng để dạy chữ cho học sinh.

“Dạy ở điểm trường buôn H’Mông, sợ nhất là xe hỏng giữa rừng, không biết gọi ai giúp đỡ. Những ngày mưa bão thì càng sợ hơn, nước suối lớn, giáo viên dạy xong không ra được khỏi rừng, phải xin ở lại nhà người dân ngủ”, cô H’Tuyết A đrơng, giáo viên lớp 3C, điểm trường buôn H’Mông, tâm sự.

Thiếu thốn trăm bề

Dạy học ở vùng sâu, vùng xa, những người đảm nhiệm công việc “trồng người” phải “cắm bản”. Như thầy Ngạn, nhà ở cách điểm trường hơn 45km, nên sáng thứ hai đầu tuần, hành trang trên chiếc xe máy của thầy lỉnh kỉnh lương thực để phục vụ sinh hoạt đến hết tuần. Nhà thầy Hiền cũng cách trường rất xa, việc đi lại rất khó khăn nên thầy phải ở lại trong căn phòng tạm phía sau trường để dạy học cho đến hết tuần.

“Lo nhất là mùa mưa bão, cả vùng bị biệt lập, chúng tôi vào nhà người dân mượn tạm thực phẩm rồi trả sau. Mới đây, khu vực này mới được phủ sóng điện thoại, còn như trước đây, vào đến điểm trường coi như cắt liên lạc với bên ngoài”, thầy Ngạn kể.

Do điều kiện ít học sinh nên tại điểm trường thôn 4, Trường Tiểu học xã Phước Cát 2 bố trí các lớp chung một phòng học. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Do điều kiện ít học sinh nên tại điểm trường thôn 4, Trường Tiểu học xã Phước Cát 2

bố trí các lớp chung một phòng học. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Còn nhà cô H’Tuyết cách điểm trường buôn H’Mông hơn 60km, do đó cô trú tạm trong căn phòng gỗ dựng sơ sài phía sau trường, đến cuối tuần mới về với gia đình. Do phòng lâu năm, cột, ván mục, xiêu vẹo nên việc sinh hoạt của cô rất bất tiện. “Những hôm mưa lớn, nước tạt tứ bề, căn phòng gỗ bị gió thổi lung lay không biết sập lúc nào nên tôi phải vào lớp học ngủ”, cô Tuyết kể.

Cô Hoàng Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi, cho biết, vì điểm trường buôn H’Mông không có điện, không có sóng điện thoại nên việc sử dụng các thiết bị giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh rất khó. “Khó nhất là bộ môn tin học, giáo viên chỉ dạy “chay” nên học sinh khó tiếp thu bài”, cô Hiền chia sẻ. Một thực tế đáng buồn nữa là ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì cuộc sống nghèo khổ nên phụ huynh ít chăm lo việc học hành của con cái, khiến trách nhiệm của giáo viên thêm phần gánh nặng.

“Hiện trường có 23 học sinh thường xuyên nghỉ học. Những học sinh này đều là người đồng bào Xơ Đăng, nhà xa trường. Trường luôn quán triệt với các giáo viên chủ nhiệm là học sinh nào nghỉ, phải tổ chức đi vận động đến lớp, tránh để nghỉ học lâu sẽ mất kiến thức. Mỗi lần đi, giáo viên phải bỏ tiền túi đổ xăng, chưa kể có lúc phải bỏ thêm tiền mua bánh kẹo làm quà động viên các em đến lớp. Dù vất vả, tốn kém cho giáo viên, nhưng chúng tôi buộc phải làm với mong muốn các em đến trường chuyên cần”, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) chia sẻ.

Để động viên học sinh đến trường và đỡ vất vả cho các em đi lại xa xôi, 3 năm qua, nhà trường còn tổ chức nấu ăn trưa miễn phí cho học sinh. Chi phí nấu ăn do giáo viên đóng góp và sự hỗ trợ của mạnh thường quân. Việc nấu ăn trưa khiến giáo viên không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng dù vất vả mà thấy các em không bỏ trường, bỏ lớp, các thầy cô giáo vẫn vui. Đối với vùng sâu vùng xa, để mang được con chữ đến với học sinh, chuyện giáo viên “cắm bản” không còn xa lạ.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, từ năm học 2018 đến học kỳ 1 năm học 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có 9.793 em học sinh bỏ học. Cụ thể, ở bậc tiểu học có 1.327 em; cấp THCS là 5.136 em và cấp THPT là 3.330 em. Còn theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng, năm học 2021-2022 có tổng số 2.221 học sinh bỏ, tạm ngưng hoặc dừng học. Tình trạng học sinh bỏ học đa số ở các trường thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin cùng chuyên mục