Gỡ khó cho giáo dục vùng Tây Nguyên - Bài 3: Thêm chính sách để đảm bảo công tác dạy và học

Công tác trong điều kiện khắc nghiệt, chế độ đãi ngộ thấp, dẫn đến tình trạng giáo viên bỏ việc... ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Hiện nay, ngành chức năng các tỉnh và Bộ GD-ĐT đang tháo gỡ vướng mắc, từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên.

* Bộ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN KIM SƠN:

Phải đủ giáo viên cả về lượng và chất

Để tháo gỡ những bất cập cho ngành giáo dục ở Tây Nguyên, mới đây, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trao đổi với PV bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, một trong những nguyên tắc đó là ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên để đảm bảo quyền lợi học tập cho các em. Chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm số người hưởng lương từ nguồn ngân sách đó là chủ trương lớn trong việc cải cách bộ máy hành chính.

Tuy nhiên, mỗi địa phương cần cân nhắc, tính toán phù hợp về chỉ tiêu cho bộ máy để kiến nghị Chính phủ tháo gỡ. “Riêng Bộ GD-ĐT ủng hộ chủ trương phải đủ giáo viên, đủ cả về số lượng, cơ cấu chất lượng để đảm bảo công tác giáo dục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Trong mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, các địa phương trong vùng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng. Xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và TP Đà Lạt (Lâm Đồng), mở rộng quy mô các trường ĐH, CĐ, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Đà Lạt; tăng cường liên kết, hợp tác để đào tạo nhân lực trình độ cao, các ngành nghề đáp ứng yêu cầu phát triển vùng.

Lớp học ở điểm trường buôn H’Mông, Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk

Lớp học ở điểm trường buôn H’Mông, Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk

* Bà TÔN THỊ NGỌC HẠNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông:

Bổ sung biên chế cho ngành giáo dục

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của tỉnh là số người làm việc trong cơ sở giáo dục công lập đang thiếu nhiều so với định mức quy định (toàn ngành giáo dục của tỉnh thiếu hơn 1.000 người); cơ sở vật chất chưa đáp ứng được quy định, phương tiện dạy và học còn thiếu, chưa đáp ứng được chương trình, đề án giáo dục mới...

Do đó, tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị các cấp, ngành bổ sung chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục của tỉnh. Đồng thời, đề nghị Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành trung ương tiếp tục đầu tư chương trình kiên cố hóa trường lớp để tỉnh Đắk Nông sớm đủ điều kiện về cơ sở vật chất hoàn thành Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 và Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 3-4 tuổi.

* Bà Y NGỌC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum:

Chính sách đặc thù để yên tâm công tác

UBND tỉnh Kon Tum đã đề nghị Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, trong đó có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số an tâm công tác như: chính sách thu hút, chính sách tiền lương... Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề xuất Bộ Nội vụ không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo theo lộ trình.

* TS MAI MINH NHẬT, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt:

Hỗ trợ sinh viên ngành sư phạm

Hiện Trường ĐH Đà Lạt đang đào tạo 12.000 sinh viên với 41 ngành khác nhau. Bên cạnh đó, trường còn đào tạo 10 ngành thạc sĩ, 6 ngành tiến sĩ đáp ứng lượng nhân lực trình độ cao cho khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khác. Riêng về các ngành đào tạo sư phạm, Trường ĐH Đà Lạt đang có 9 ngành, đáp ứng được những ngành học cơ bản.

Hiện nay, sinh viên sư phạm đang được hưởng nhiều chế độ ưu đãi như Nghị định 116/2020/NĐ-CP hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng/sinh viên để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Với mức hỗ trợ này, sinh viên ngành sư phạm có thể yên tâm theo học.

Đối với đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số (DTTS), hiện nay, sinh viên là người đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và thuộc nhóm 16 DTTS đặc biệt ít người đang được trợ cấp 120.000 đồng/tháng/sinh viên. Việc trợ cấp này phần nào giúp sinh viên người DTTS hoàn cảnh khó khăn giảm bớt áp lực về kinh tế.

Trong giai đoạn 2016-2021, Trường ĐH Đà Lạt đã kêu gọi, vận động nguồn lực từ bên ngoài được 24 tỷ đồng để trao học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là sinh viên là người DTTS. Hay trong các năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhà trường đã miễn giảm học phí cho sinh viên, giúp các em yên tâm học tập trong bối cảnh khó khăn.

Tin cùng chuyên mục