Để có thể giảm thiểu ô nhiễm khí thải, cần thiết phải có hệ thống hạ tầng phục vụ cho hoạt động kiểm soát chất lượng khí thải. Kế đó, phải có chiến lược hành động nhất quán, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng liên quan. Đó là những chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
Một trạm quan trắc không khí bên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
- PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết thực trạng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động kiểm soát chất lượng không khí tại TPHCM hiện có những bất cập như thế nào?
>> Ông NGUYỄN ĐINH TUẤN: Có thể chia làm 2 giai đoạn để đánh giá hiện trạng hạ tầng kiểm soát chất lượng không khí của thành phố. Giai đoạn 2000-2010, thời điểm đầy đủ nhất thành phố có 9 trạm quan trắc tự động, 6 trạm quan trắc bán tự động và 8 trạm quan trắc BTX (Benzene - Toluene - Xylene). Còn từ giai đoạn 2010 đến nay, lúc đầy đủ nhất chỉ có 15 trạm quan trắc bán tự động. Nhìn vào những con số trên đủ cho thấy hạ tầng kiểm soát chất lượng không khí đang kém hơn trước đây. Đặc biệt, việc không có trạm đo đạc không khí tự động sẽ không thể nào cho ra những kết quả chất lượng không khí đúng với hiện trạng khí thải đang phát sinh tại khu vực TPHCM.
- Với hiện trạng hạ tầng như trên thì liệu những thông số liên quan vấn đề ô nhiễm khí thải hiện nay có đáng tin cậy?
Đáng tin cậy nhưng không thể bao quát cho toàn bộ lượng khí thải phát sinh đang lưu chuyển trên địa bàn thành phố. Kết quả quan trắc bán tự động chỉ có thể đo đạc diễn biến khí thải tại điểm đo và thời điểm đo. Tuy nhiên, nếu lấy tất cả những điểm đo đại diện và thông số đo đạc bán tự động cộng lại rồi áp cho chất lượng không khí trên quy mô toàn thành phố thì không chính xác. Đó là chưa kể, chỉ có 15 trạm quan trắc bán tự động là quá ít so với tổng diện tích lên đến 2.093km2 của thành phố. Thậm chí, nếu tăng số lượng trạm quan trắc bán tự động lên hàng trăm điểm cũng không thể kết luận chính xác chất lượng không khí của thành phố. Phải tính được toàn bộ những diễn biến chất lượng khí thải, xu hướng của diễn biến chất lượng khí thải, từ đó mới đưa ra những dự báo về chất lượng không khí của thành phố. Đáng tiếc là cho đến nay, thành phố không có bất kỳ trạm quan trắc tự động nào.
- Nhưng như ông nói, thành phố đã từng có 9 trạm quan trắc tự động. Vậy tại sao không sử dụng để thực hiện đo đạc chất lượng khí thải?
Đúng là thành phố đã từng có 9 trạm quan trắc tự động. Tuy nhiên, cho đến nay những trạm này đã hư hỏng hoàn toàn và không còn hoạt động.
- Liệu đây có phải là một sự lãng phí trong đầu tư?
Không hẳn vậy! Trước đây, 9 trạm quan trắc tự động do Chính phủ Đan Mạch và Na Uy tài trợ. Những trang thiết bị tại các trạm quan trắc đều có tuổi thọ nhất định. Hết tuổi thọ thì phải thay mới. Tuy nhiên, thành phố không xây dựng kinh phí thay mới mà chỉ có kinh phí bảo trì định kỳ nên đến nay không thể sử dụng được nữa. Cũng có ý kiến cho rằng nên cải tạo lại những trạm quan trắc này để tái sử dụng. Tuy nhiên, theo tôi, chi phí đầu tư cải tạo lại những trạm này sẽ đắt hơn chi phí đầu tư mới. Do đó, nên chọn hướng đầu tư mới sẽ hiệu quả hơn.
Không thể đưa ra những thông số chứng thực mức độ ô nhiễm khí thải tại TPHCM cũng như những tác động của nó đến sức khỏe người dân. Thế nhưng, là một người có nhiều nghiên cứu và theo dõi chất lượng ô nhiễm không khí tại thành phố lâu năm, ông nhận định như thế nào về chất lượng không khí tại thành phố?
- Không có những thông số đo đạc lượng khí thải trong những năm gần đây. Tuy nhiên, dựa trên kết quả chất lượng khí thải đo được từ các trạm quan trắc tự động trước khi ngưng hoạt động cho thấy mức độ ô nhiễm không khí ngày càng tăng lên. Chỉ tính riêng số lượng nguồn thải từ hoạt động giao thông, tính đến hết năm 2015, thành phố có hơn 8,5 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô, tăng gấp đôi so với năm 2011. Hơn nữa, gần như 100% xe máy chưa được kiểm soát chất lượng nguồn thải. Chưa kể, có khoảng 20% - 30% nguồn khí thải công nghiệp chưa được xử lý.
Việc quản lý chất lượng không khí trong những năm qua cũng còn nhiều bất cập và hạn chế. Cụ thể, Ban chỉ đạo Chương trình giảm thiểu ô nhiễm khí thải đã có nhưng cho đến nay chưa có chương trình hành động thống nhất và cụ thể. Các hoạt động của các cơ quan chức năng liên quan thiếu đồng bộ và hầu hết mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm khí thải trong thời gian qua đều không đạt.
- Vậy để có thể cải thiện chất lượng không khí của thành phố, theo ông cần phải làm gì?
Theo tôi, việc đầu tiên là phải hoàn thiện hạ tầng đo đạc, kiểm soát diễn biến chất lượng không khí. Kế đến, cần có sự hợp nhất, đồng bộ trong chương trình hành động giảm thiểu ô nhiễm khí thải giữa những cơ quan chức năng có liên quan đến nguồn phát thải khí thải ô nhiễm. Đơn cử như Sở Khoa học - Công nghệ sẽ hỗ trợ thẩm định đầu tư công nghệ là trạm đo đạc khí thải tự động; Sở Giao thông Vận tải xây dựng những chương trình nhằm giảm thiểu phương tiện tham gia giao thông, kiểm soát phát thải từ phương tiện cơ giới, tăng cường sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường… Sở Quy hoạch và Kiến trúc có giải pháp quy hoạch sao cho giảm thiểu tình trạng thắt nút cổ chai ở các tuyến đường giao thông, nhất là những tuyến đường liên quận; bố trí di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào những khu, cụm công nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm soát diễn biến ô nhiễm không khí và đưa ra những dự báo đối với vấn đề này… Có như vậy mới hướng tới đạt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm khí thải cho thành phố vào năm 2020.
ÁI VÂN (thực hiện)