Giải quyết úng ngập ở ngoại thành TPHCM

“Gỡ” kiểu nào cũng… vướng

“Gỡ” kiểu nào cũng… vướng

Những cơn mưa lớn liên tiếp đổ xuống TPHCM nhiều ngày qua, có khi rơi vào lúc triều cường, khiến cho tình hình ngập úng ở ngoại thành đã bức xúc càng bức xúc thêm. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TPHCM Trần Minh Dũng cho biết:

“Gỡ” kiểu nào cũng… vướng ảnh 1

Ngập nước do triều cường trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Ảnh: Đức Thiện

Đặc thù của khu vực ngoại thành từ xưa đến nay là thoát nước tự nhiên – tự thấm xuống đất hoặc tự chảy theo chiều trũng đổ ra sông, kênh, rạch. Nay, do nhu cầu phát triển, tình hình đô thị hóa dẫn tới một hệ lụy là nhiều nhà cửa xây dựng tự phát, không có cơ sở hạ tầng đầy đủ, hệ thống cống tiêu thoát nước chưa có hoặc có nhưng không đồng bộ. Ngoài ra cũng phải kể đến nguyên nhân lấn chiếm sông, kênh, rạch của một bộ phận cư dân. Tất cả những yếu tố này giải thích vì sao hễ mưa xuống là úng ngập tràn lan ở ngoại thành.

Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 đã có nhưng quy hoạch chi tiết hiện đang được các bộ phận chức năng soạn thảo, dự kiến đến cuối năm nay mới hoàn tất. Cho dù lộ trình diễn tiến đúng kế hoạch, vẫn phải cần một thời gian chuyển tiếp để thực hiện quy hoạch chi tiết, tức là trước mắt thành phố chưa thể giải quyết ngay nạn ngập úng ở ngoại thành.

Thay vào đó, hướng giải quyết tạm thời là tiến hành khảo sát, nghiên cứu xem chỗ nào làm cống thoát nước được ngay thì làm trước chứ không chờ thực hiện các dự án đường sá, mở rộng lộ giới. Chủ trương của ngành công chính là trong khi chờ đợi giải pháp tổng thể, sở sẽ cố gắng đầu tư sớm mảng cống cấp 2 (cống thoát nước chính) nhằm tạo điều kiện cho các khu dân cư tự làm cống nhánh cấp 3, cấp 4 đấu nối vào theo phương thức “nhà nước, nhân dân cùng làm”. Trong thực tế mặc dù hàng năm các khu quản lý giao thông đô thị đều có kế hoạch duy tu nạo vét sông kênh rạch, nhưng hiệu quả không cao, chỉ nạo vét được ở lòng sông kênh rạch còn hai ven bờ thì bó tay do nạn lấn chiếm sông kênh rạch.

Thế nhưng dù ngắn hạn hay dài hơi, suy cho cùng việc giải quyết căn bản nạn ngập úng ở ngoại thành nói riêng, toàn TPHCM nói chung đều… vướng.

Cốt nền tự nhiên của thành phố đặc trưng quá thấp, thấp hơn mực nước triều. Như thế muốn giải quyết được nạn ngập nước – kể cả ngập do mưa lẫn do triều cường - cần phải nâng cốt nền lên thêm cỡ 2m so với hiện nay, một điều cực kỳ khó giải quyết một khi không có sự đồng thuận của người dân. Sự không đồng tình ấy xuất phát từ khía cạnh kinh tế: người dân không muốn phải tốn kém tiền bạc nâng nền nhà (thậm chí phải làm mới lại toàn bộ căn nhà) để theo kịp cao độ mặt đường được Nhà nước nâng lên.

Nếu không chọn cách nâng cốt nền, trên lý thuyết thành phố vẫn có thể chuyển sang giải pháp làm đê bao. Phương cách này hẳn nhiên không lo gặp phản ứng gay gắt của số đông người dân nhưng sẽ lại vô cùng tốn kém kinh phí đầu tư, bởi lẽ ước tính của các chuyên viên, để làm đê bao cho toàn thành phố tối thiểu cũng phải cần 4 tỷ USD – một ngân khoản không khả thi trong thời điểm hiện nay.

Cách giải quyết thứ ba là cũng làm đê bao nhưng không làm trên toàn thành phố mà chỉ làm cục bộ, ở những khu vực thích hợp, dĩ nhiên cần ít kinh phí hơn. Cho đến nay địa bàn TPHCM đang có một đê bao cục bộ mang tính điển hình là khu đê bao ở quận Bình Thạnh. Đáng tiếc là không phải chỗ nào cũng làm đê bao cục bộ được, đặc biệt những vị trí có nhiều nhà cửa, dân cư vì gặp phải điệp khúc quen thuộc “vướng mắc đền bù giải tỏa”!

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục