(SGGPO).- Nhằm cung cấp cho bạn đọc những chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản, hưu trí, tử tuất… cũng như trả lời các câu hỏi bạn đọc về các vướng mắc, bất cập trong việc đóng và hưởng các chính sách về bảo hiểm, sáng nay, 23-12, báo SGGP tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với Ban giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM. Sau đây là nội dung của buổi giao lưu.
Ánh Hằng: Em gái tôi là có thai bảy tháng phải nhập viện tại bệnh viện Hùng Vương cấp cứu vì dọa sinh non. Sau khi nhập viện cấp cứu, em tôi được cho chuyển xuống khoa sản. Tuy nhiên, một y tá của bệnh viện hai lần hối thúc em tôi phải có giấy chuyển viện của nơi em tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu mới tiếp tục được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT). Tôi đã đến phòng khám này xin giấy chuyển viện BHYT thì phòng khám từ chối với lý do bệnh viện Hùng Vương đòi phải có giấy chuyển viện là không đúng. Vậy quy trình đúng là thế nào?
- Ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH Thành phố: Điều 28 của Luật BHYT quy định: Trong trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào (tại các cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT) và phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện.
Việc xác định sản phụ sanh thường hay sanh cấp cứu là do bác sĩ trực tiếp tiếp nhận sản phụ xác định khi sản phụ đến sanh tại cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Trường hợp cụ thể của bạn Hằng đến điều trị tại bệnh viện Hùng Vương nhưng bệnh viện chưa giải quyết chế độ BHYT theo qui định như trên, mời hai bạn mang toàn bộ hồ sơ bao gồm: Giấy ra viện, biên lai viện phí, toa thuốc, hóa đơn tài chính… và thẻ BHYT có giá trị sử dụng trong thời gian điều trị bệnh đến Bảo hiểm xã hội TPHCM số 117C Nguyễn Đình Chính - Phường 15 - Quận Phú Nhuận hoặc Bảo hiểm xã hội quận, huyện gần nơi cư trú để được hướng dẫn làm hồ sơ thanh toán theo đúng quy định. Đồng thời qua việc giám định hồ sơ chúng tôi sẽ cùng bệnh viện Hùng vương chấn chỉnh công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện.
Huy Tuấn: Tôi đã tham gia đóng BHXH tại một doanh nghiệp nhà nước nay đã được cổ phần hóa. Tháng 4/2010 tôi được quyết định tăng lương từ mức 2,34 lên mức 2,67 và hưởng lương mới từ 01/4/2011. Công ty cũ đã đóng BHXH cho tôi đến hết tháng 4/ 2009 với mức lương đóng BHXH là 2,67. Đến tháng 5/2011 tôi chuyển công tác đến một đơn vị thuộc Nhà nước và hưởng lương hợp đồng có quỹ lương với mức lương theo quyết định của đơn vị mới là 2,67. Công ty cũ đã có quyết định cho tôi thuyên chuyển công tác đến đơn vị mới và mọi chế độ được hưởng đến hết tháng 04/2009. Tôi đề nghị BHXH địa phương (nơi Cty cũ) chốt sổ BHXH cho tôi đến hết tháng 4/2009 với mức lương 2,67 nhưng BHXH địa phương không đồng ý chốt sổ cho tôi với mức lương 2,67 mà là mức 2,34. Vậy đề nghị của tôi có hợp lý không và mức lương chốt sổ BHXH của tôi là bao nhiêu? Xin cảm ơn!
- Ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH Thành phố: Câu hỏi bạn đặt ra có nhiểu điểm không rõ ràng, do vậy xin trả lời có tính chất chung như sau, căn cứ thông tư số 18/TT-BLĐTBXH ngày 16/9/2008 của Bộ LĐTBXH về quy định nâng bậc lương:
Đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành phục vụ có hệ số lương khởi điểm thấp hơn 2,34 thì thời gian giữ bậc ít nhất phải đủ hai năm; đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có hệ số mức lương khởi điểm từ 2,34 trở lên thì thời gian giữa bậc phải có ít nhất ba năm.
Nếu người sử dụng lao động nâng lương không đúng quy định trên, khi tiếp nhận hồ sơ đóng BHXH, cơ quan BHXH có quyền yêu cầu đơn vị thực hiện lại để có căn cứ thực hiện đúng chính sách BHXH
Lương thị Hương: Em có sổ bảo hiểm từ năm 2009 đến giờ nhưng công ty cũ vẫn chưa chốt cho em do công ty đó còn nợ tiền cơ quan bảo hiểm. Hiện giờ em đóng bảo hiểm ở công ty mới rồi mà sổ bảo hiểm thì công ty cũ vẫn giữ và chưa chốt sổ cho em. Vậy em phải làm gì để công ty cũ đó chốt sổ bảo hiểm cho em? Xin cảm ơn!
- Ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH Thành phố: Công ty không đóng BHXH để chốt sổ cho bạn là vi phạm nghiêm trọng pháp luật BHXH. Bạn cần liên hệ phòng Lao động - Thương binh - Xã hội quận, huyện hoặc Thanh tra lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội thành phố nhờ can thiệp, giúp đỡ giải quyết.
Sơn: Công ty tôi mới thành lập và muốn nộp bảo hiểm cho cán bộ nhân viên mà chưa biết thủ tục thế nào? Có một công nhân đã đóng bảo hiểm ở cơ quan cũ nhưng nghỉ việc ở cơ quan đó đến nay đã được một năm, bây giờ chuyển đến công ty mới tôi phải làm thế nào? Giám đốc công ty tôi đóng mức bảo hiểm theo lương cơ bản là 1 triệu đồng vậy nhân viên có thể đóng mức bảo hiểm lớn hơn không?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Bạn kê khai thủ tục đăng ký tham gia BHXH quy định tại bảng kê hồ sơ 101/…/THU (tại trang web www.bhxhtphcm.gov.vn). Người lao động đã tham gia BHXH tại đơn vị cũ cần chuyển sổ BHXH cho công ty bạn lưu giữ và tiếp tục đóng BHXH theo sổ đã có cho người lao động, khi người lao động thôi việc công ty chuyển sổ cho cơ quan BHXH xác nhận và trả sổ cho người lao động. Mức lương tham gia BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động và phải phù hợp thang, bảng lương mà đơn vị xây dựng và đăng ký với cơ quan lao động địa phương.
Võ Hà Chi: Hợp đồng giảng dạy của tôi hết hạn ngày 31/5 là lúc tôi nghỉ thai sản được 3 tháng. Quyết định công chức của tôi từ ngày 01/06 vào trường khác. Nhưng hiện tại BHXH cho biết hết tháng 6 thì mới thanh toán tiền bảo hiểm cho tôi và mới chuyển sổ bảo hiểm cho tôi. Vậy luật BHXH có bắt buộc phải nghỉ đủ 4 tháng ở đơn vị cũ này mới được chuyển công tác không? Làm thế nào tôi chuyển được sổ bảo hiểm vì quyết định đã ban ra có thay đổi được hay không? Xin cảm ơn!
- Ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH Thành phố: Theo Luật BHXH, cơ quan BHXH đã trích để lại cho doanh nghiệp sử dụng lao động 2% quỹ tiền lương đóng BHXH để chi trả kịp thời các chế độ ốm đau, thai sản… cho người lao động. Do vậy, bạn cần yêu cầu công ty thực hiện trả trợ cấp hằng tháng như trả tiền lương cho những người lao động khác.
Do quyết định chuyển công tác của bạn được thực hiện giữa lúc bạn đang nghỉ thai sản, BHXH thành phố giải quyết cho bạn theo nguyên tắc: trả toàn bộ 4 tháng trợ cấp thai sản tại đơn vị cũ, trên cơ sở đó chốt sổ để bạn chuyển sang tham gia tại đơn vị mới kể từ 01/7/2011.
Nguyễn Minh Hà - Nữ: Tôi mang thai đuợc 8 tháng, phòng khám chẩn đoán nhau thai thấp, có dấu hiệu ra huyết phải đến cơ sở y tế gần nhất. Ngay trong đêm khi bị ra huyết chồng tôi chở đến cấp cứu tại bệnh viện Hùng Vương và bệnh viện yêu cầu nhập viện nhưng yêu cầu có giấy chuyển viện hoặc chấp nhận hưởng 30% BHYT vì trái tuyến. Tôi xin hỏi, bệnh viện yêu cầu như vậy có đúng không?
- Bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc BHXH TP: Điều 28 của Luật BHYT quy định: Trong trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào (tại các cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT) và phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện.
Lê Thanh Hà: Tôi đã tham gia bảo hiểm tại một công ty TNHH với thời gian là 6 năm 6 tháng, năm 2009 tôi chuyển sang một công ty cổ phần với 51% cổ phần do nhà nước nắm giữ. Tại công ty mới này mức lương của tôi được công ty xếp với hệ số 2,96, nhưng bảo hiểm chỉ cho phép tôi tham gia bảo hiểm với hệ số 2,34.Trường hợp trên là đúng hay sai và có tài liệu nào hướng dẫn về việc thực hiện việc tham gia bảo hiểm?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Trường hợp của bạn có 6 năm 6 tháng làm việc và đơn vị mới xếp hệ số 2,96 là phù hợp với quy định. Bạn tham khảo Thông tư 19/2000/TT-BLĐTBXH ngày 7/8/2000.
Một công ty: Năm 2001 tôi xin nghỉ việc ở một công ty, tại nơi đó tôi đã làm thủ tục chuyển sổ và đóng BHXH đầy đủ cho đến khi thôi việc. Nhưng khi nghỉ tôi không làm thủ tục chuyển về công ty mới do lúc đó không rành lắm về bào hiểm, nay tôi muốn xác nhận lại quá trình đóng bảo hiểm thì phải làm cách nào, liên hệ ở đâu? Xin cảm ơn!
- Ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH Thành phố: Bạn cần trở về công ty cũ yêu cầu nhận lại sổ BHXH đã được cơ quan BHXH xác nhận quá trình tham gia, khi đã nhận được sổ bạn chuyển sổ cho công ty mới tiếp tục ghi nhận quá trình tham gia để làm cơ sở giải quyết chế độ sau này.
Én bạc: Cho tôi hỏi, người bị bệnh động kinh điều trị ngoại trú dài ngày có được hưởng các chế độ bảo hiểm không? Nếu được thì cần những giấy tờ gì?
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng chế độ BHXH: Căn cứ Thông tư số 33/TT- LB ngày 25/6/1987 của Bộ Y tế và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về “Danh mục các bệnh cần nghỉ để điều trị dài ngày” - thì bệnh động kinh là một trong những bệnh mà người lao động được nghỉ để điều trị bệnh dài ngày. Giấy tờ để thanh toán gồm: Giấy ra viện (nếu điều trị nội trú). Đối với trường hợp có thời gian không điều trị nội trú là Phiếu hội chẩn (bản sao) hoặc Biên bản hội chẩn (bản sao) của bệnh viện thể hiện điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày và thời gian phải nghỉ việc để điều trị (trường hợp Phiếu hội chẩn hoặc Biên bản hội chẩn không thể hiện thời gian nghỉ việc để điều trị thì có thêm xác nhận của cơ sở y tế đang điều trị cho người lao động về thời gian nghỉ việc để điều trị).
Huơng Quảng: Tôi xin chuyển công tác, giám đốc đơn vị cũ không đồng ý và cho rằng tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và không ký chốt sổ bảo hiểm xã hội cho tôi. Xin hỏi, ông giám đốc làm như vậy có sai luật không và cơ quan bảo hiểm có tính thời gian công tác trước đó khi tôi chuyển đến công ty mới không?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Khi bạn thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động đơn vị có trách nhiệm chuyển sổ BHXH cho cơ quan xác nhận và trả cho bạn. Trường hợp đơn vị không trả sổ BHXH cho bạn là vi phạm pháp luật BHXH. Sau khi bạn nhận sổ chuyển đơn vị mới quản lý và tiếp tục ghi nhận thời gian BHXH
Truờng: Tôi từ cơ quan cũ chuyển về cơ quan mới, nay làm thủ tục hưu trí nhưng hồ sơ chỉ còn giấy thôi trả lương, quyết định tuyển dụng ban đầu đã bị mất. Xin hỏi cách giải quyết như thế nào để tôi được hưởng chế độ hưu trí ?
- Ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH Thành phố: Khi giải quyết chế độ hưu trí nếu thời gian chuyển công tác có thể hiện trên sổ BHXH thì không phải cung cấp quyết định tuyển dụng trừ trường hợp cần xác minh làm rõ.
Nguyễn Minh Hiền: Tôi tham gia đóng BHXH ở công ty cũ được hơn một năm và tôi cắt bảo hiểm vào tháng 8/2008, sau đó tôi chuyển sang công ty mới và tháng 12/2008 tôi mới tiếp tục tham gia bảo hiểm. Tôi mang thai và đã sinh con vào ngày 30/07/2009. Xin hỏi, tôi có được hưởng tiền BHXH không?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Trường hợp bạn đã đóng được 8 tháng (12/2008-07/2009) trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con nên đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Ngọc Vinh: Tôi muốn hỏi, thời gian trả sổ bảo hiểm cho người lao động là bao nhiêu ngày kể từ ngày nộp đơn xin nghỉ việc và làm việc tại một cơ quan khác? Ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp trả sổ bảo hiểm cho người lao động? Xin cảm ơn.
- Ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH TPHCM: Theo quy định thì khi có quyết định thôi việc, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm lập thủ tục xác nhận chốt sổ để trả cho người lao động. Tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện việc xác nhận chốt sổ cho người lao động trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Hướng Dương: Em có hai vấn đề cần hỏi: Công ty em đã làm và đóng bảo hiểm đến nay đã được 6 tháng rồi. Nhưng đến thời điểm này công ty em vẫn chưa được cấp sổ bảo hiểm. Vậy cho em hỏi, theo quy định thì bao lâu được cấp sổ từ khi mình tham gia bảo hiểm. Em đã chuyển về làm ở quê, vậy thủ tục chuyển sổ về quê như thế nào? (nếu có sổ bảo hiểm). Trong trường hợp không có sổ, em có thể chuyển về nơi công tác mới được không ạ? Và thủ tục như thế nào? (công ty cũ của em tạo mọi điều kiện cho em về quê công tác nên sẽ không gây khó khăn trong việc chuyển sổ).
- Ông Trần Dũng Hà – Trưởng phòng Chế độ BHXH: Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với người tham gia BHXH bắt buộc. Sau khi nghỉ việc, cơ quan BHXH sẽ chốt sổ BHXH, trả sổ cho bạn tự quản lý thông qua đơn vị. Khi về quê, nếu tiếp tục tham gia BHXH thì bạn mang sổ BHXH nộp cho đơn vị nơi công tác để tiếp tục ghi nhận quá trình đóng BHXH vào sổ BHXH. Trường hợp vì lý do mà bạn chưa có sổ BHXH để nộp cho đơn vị nơi công tác mới, bạn vẫn có thể chuyển công tác và tham gia BHXH. Bạn chỉ cần cung cấp số sổ BHXH để đơn vị mới tham gia BHXH.
Huỳnh Anh Tuấn: Tháng 2/1984 tôi tham gia quân đội đến tháng 9/1989 xuất ngũ và năm 1990 tôi xin vào làm việc tại Công ty Rong biển Thừa Thiên Huế đến năm 1996. Do hoàn cảnh khó khăn tôi đã xin nghỉ việc và đã nhận tiền BHXH thời gian làm việc từ 1990 -1996. Đến năm 1998 tôi xin vào làm việc cho Tổ chức Phát triển Hà Lan và đã tham gia đóng BHXH từ năm 1998. Xin hỏi, hiện tại tôi muốn được tính gộp thời gian tôi làm nhiệm vụ trong quân đội vào sổ bảo hiểm xã hội của tôi có được không? Hiện nay, tôi vẫn còn giữ tất cả những giấy tờ liên quan trong thời gian tại ngũ. Nếu được, tôi phải làm gì, liên hệ ở đâu? Xin cảm ơn!
- Ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH TPHCM: Thời gian tham gia quân đội của bạn đã được tính vào thời gian công tác tại Công ty Rong biển và đã được hưởng BHXH một lần nên không được tính gộp thời gian công tác quân đội cho công ty sau.
Trần Nhứt Minh: Hiện nay tôi đã chuyển công tác tại cơ quan mới. Có nộp sổ BHXH để đóng bảo hiểm ở cơ quan mới nhưng bị trả về do chưa đồng ý với mức đóng bảo hiểm tại cơ quan cũ, mặc dù đã được cơ quan BHXH nơi cơ quan cũ đóng chốt sổ rồi. Hai cơ quan BHXH này là cùng cấp. Lý do là: Do năm 2004 hay 2005 Luật BHXH có thay đổi hệ số của bậc lương (ví dụ bậc 2, hệ số cũ là 2,34, sang mới là 2,67) nhưng cơ quan cũ vẫn đóng BHXH cho tôi theo hệ số cũ. Vì vậy, bên BHXH hiện nay không chấp nhận cho tôi đóng tiếp BHXH mức 2,67 (mà phải quay về mức lương bậc 1 hệ số 2,34). Xin hỏi, tôi phải làm sao?
- Ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH TPHCM: Câu hỏi của bạn chưa rõ, tuy nhiên nếu thời điểm tháng 10/2004 đơn vị cũ chưa chuyển xếp lương theo NĐ 205/2004/NĐ-CP thì đơn vị mới nơi tiếp nhận có trách nhiệm điều chỉnh cho bạn.
Phan Thanh Trà: Tôi là giáo viên đang hợp đồng tại một đơn vị trường. Nay tôi thi công chức và đỗ ở một trường khác. Tôi đang trong thời gian nghỉ thai sản còn một tháng nữa mới đủ 4 tháng theo tiêu chuẩn nhưng tôi đã chuyểnc ông tác. BHXH nói với tôi rằng phải đủ 4 tháng mới được thanh toán tiền, vậy đúng hay sai?.
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Theo quy định, người lao động có đóng BHXH từ đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thì được trợ cấp thai sản. Nếu đủ điều kiện thì được trợ cấp thai sản 4 hoặc 5 hoặc 6 tháng theo quy định. Thủ tục hưởng chỉ cần cung cấp bản sao giấy khai sinh.Trả lời của cơ quan BHXH mà bạn nêu là không chính xác.
Văn Yên: Vợ tôi làm việc tại một công ty TNHH tại quận 10, với mức lương 4 triệu đồng. Trong 4 tháng nghỉ thai sản vợ tôi vẫn được công ty trả lương 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi vợ tôi hỏi tiền trợ cấp thai sản (2 tháng lương cơ bản) thì phụ trách nhân sự nói trong thời gian thai sản đã hưởng 100% lương rồi thì không còn gì nữa. Cho tôi hỏi, công ty trên trả lời như vậy có đúng không? Vợ tôi phải làm gì để được hưởng quyền lợi (nếu có)?
- Ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH TPHCM: Trợ cấp thai sản do cơ quan BHXH chi trả. Ngoài trợ cấp thai sản tương ứng 4 hoặc 5 hoặc 6 tháng lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc thì còn được được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con tương ứng 2 tháng lương tối thiểu chung (từ tháng 5/2011 là 830.000 đồng). Trả lời của đơn vị là không chính xác. Đề nghị vợ ông liên hệ với cơ quan BHXH nơi đóng BHXH hoặc BHXHTP (phòng Kiểm tra) để biết tổng số tiền trợ cấp thai sản do cơ quan BHXH chi trả.
Nguyễn Kiều Lam: Tôi sinh em bé vào đầu tháng 11/2011, theo luật tôi được nghỉ 4 tháng, đến hết tháng 02/2012. Cho tôi hỏi, trong thời gian tôi nghỉ thai sản rơi vào những ngày được nghỉ Tết tây (1 ngày), nghỉ Tết Âm lịch (4 ngày). Vậy tôi có được công ty trả lương cho những ngày nghỉ này không, hoặc được cộng dồn vào ngày phép năm không?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản bao gồm cả ngày nghỉ, lễ, tết. Do đó, công ty sẽ không trả lương cho bạn những ngày này và không tính vào phép năm.
Hoàng Thiên: Vợ em làm việc ở hai nơi và đóng tiền bảo hiểm xã hội hai nơi. Khi nghỉ thai sản thì có được hưởng BHXH ở hai nơi hay là chỉ một. Khi nộp hồ sơ làm chế độ BHXH thì cần những giấy tờ gì? Em xin chân thành cảm ơn!
- Ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH TPHCM: Theo quy định: Người lao động khi ký Hợp đồng lao động với nhiều đơn vị tại một thời điểm thì chỉ đăng ký đóng BHXH, BHYT theo một Hợp đồng lao động (đối với các đơn vị còn lại, người lao động chỉ cần cung cấp giấy xác nhận đóng BHXH của cơ quan BHXH cho người sử dụng lao động và BHXH các nơi không tham gia) và khi nghỉ hưởng chế độ thai sản thì đơn vị mà người lao động chọn để đóng BHXH sẽ có trách nhiệm giải quyết trợ cấp thai sản. Vợ bạn chỉ cần nộp bản sao giấy khai sinh cho đơn vị nơi đang làm việc và đóng BHXH.
Thanh Hoa: Vợ tôi hiện đang là giáo viên của một trường trung học chuyên nghiệp. Trong thời gian vợ tôi nghỉ thai sản 4 tháng theo quy định của pháp luật thì có được hưởng lương cơ bản và các chế độ trợ cấp của ngành giáo dục hay không? Nếu được nhận thì cần những thủ tục gì và nếu trường học nơi vợ tôi công tác không thực hiện đúng quy định thì chúng tôi phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Trợ cấp thai sản là trợ cấp do quỹ BHXH trả thay lương nên về nguyên tắc trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản đơn vị không phải trả lương cho vợ ông. Đối với các chế độ trợ cấp của ngành giáo dục thì không thuộc chức năng của cơ quan BHXH nên đề nghị vợ của bạn hỏi Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố.
Vũ Hồng Phượng: Tôi nghỉ hưu từ năm 2006 nhưng do công việc của tôi chưa có người thay thế nên cơ quan vẫn tiếp tục thuê tôi làm việc. Vậy ngoài tiền lương hưu, tiền công trả hàng tháng, tôi có được hưởng số tiền bảo hiểm xã hội mà cơ quan bắt buộc phải đóng BHXH cho người lao động không? Đang hưởng chế độ lương hưu đi làm công ty khác thì có được đóng BHXH nữa không?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Người đã hưởng chế độ hưu trí thì không tham gia BHXH,BHYT, đơn vị có trách nhiệm trả phần nghĩa vụ đóng BHXH,BHYT của đơn vị vào lương cho người lao động. Quy định tại Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH.
Nguyễn Hoàng: Tôi làm việc cho một doanh nghiệp cổ phần hoạt động và tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2005. Đến 31/12/2011 doanh nghiệp thông báo giải thể. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12/2011 tôi nghỉ thai sản. Sang tháng 1/2012 tôi đã được hưởng chế độ thai sản. Tôi xin được hỏi: Từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2012 tôi nghỉ thai sản khi doanh nghiệp có thông báo giải thể gửi cơ quan BHXH từ 31/12 rồi thì tôi có được bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian BHXH đóng cho tôi từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2012 vào sổ BHXH của tôi không? Xin chân thành cảm ơn!
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Trường hợp của bạn vẫn được hưởng chế độ trợ cấp thai sản khi sinh con thời gian tháng 12/2011-12/2011 được tính là thời gian tham gia BHXH, từ 01/2012-03/2012 không tính là thời gian tham gia BHXH do lúc này không còn quan hệ lao động. Quy định tại Điều 14, NĐ 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHXH.
Huỳnh Nam: Hiện nay tôi đang làm việc cho một công ty TNHH. Mức lương thực lĩnh của cán bộ công nhân viên khoảng từ 2 - 10 triệu đồng và mức lương đóng BHXH chỉ từ 1 -1,3 triệu đồng. Vậy tôi muốn hỏi, công ty chúng tôi đóng BHXH cho cán bộ, công nhân viên như vậy là có đúng không? Và theo đúng luật thì với mức lương lĩnh như vậy thì sẽ đóng bảo hiểm với mức là bao nhiêu?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Người lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động nhưng phải phù hợp với thang, bảng lương do đơn vị xây dựng và đăng ký với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng. Như vậy, công ty bạn đã vi phạm pháp luật về ký hợp đồng lao động.
Lê Thị Thuơng: Tôi đã tham gia đóng BHXH từ năm 2002. Hiện nay tôi đang mang thai được 4 tháng. Xin vui lòng hướng dẫn cho tôi về các chế độ của BHXH dành cho phụ nữ mang thai (như khám thai, nghỉ thai sản, chế độ nghỉ dưỡng sức, vv). Ngoài ra, xin hướng dẫn chi tiết cho tôi về các chứng từ cần thiết khi đi khám thai (trong trường hợp khám theo đúng tuyến và không đúng tuyến nơi đăng ký khám chữa bệnh BHXH) và các chứng từ khi sanh con để được hưởng chế độ BHXH theo đúng luật pháp Việt Nam. Tôi muốn các chứng từ phải đầy đủ để gửi cho các cơ quan BHXH và dễ dàng trong việc thanh toán BHXH. Rất mong sự giúp đỡ của quý vị. Xin cảm ơn.
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Bạn tham khảo theo đường dẫn sau đây để biết các quyền lợi liên quan đến chế độ khám thai, sinh con, dưỡng sức http://www.bhxhtphcm.gov.vn/Page.aspx?PageId=106
Kim Chung: Công ty tôi hoạt động về lĩnh vực sản xuất may, công ty muốn làm BHXH cho công nhân và theo luật người sử dụng lao động sẽ là 17% và người lao động là 6% vì vậy công nhân không muốn làm BHXH bởi mỗi tháng họ mất một khoản là 6%. Vậy công ty tôi có thể mua Bảo hiểm nhân thọ cho công nhân không? Như vậy có phạm luật không? Những giấy tờ cần thiết khi làm chế độ khi thai sản .
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, công ty bạn bắt buộc phải tham gia BHXH cho người lao động tại đơn vị.
Đàm Thanh Hương: Tôi đi làm tại một công ty Nhà nước. Tháng 12/2007 tôi chuyển sang làm việc tại một công ty tư nhân. Tuy nhiên, do chưa chuyển được sổ BHXH nên tôi vẫn tham gia đóng bảo hiểm tại cơ quan cũ.Nay tôi chuyển sang làm việc tại một cơ quan mới khác. Tôi muốn chuyển BHXH sang cơ quan mới này. Nếu vậy, quyết định thuyên chuyển công tác của tôi phải làm từ công ty nhà nước cũ hay công ty tư nhân. Xin quý báo trả lời giúp tôi và nêu giúp văn bản trích dẫn.
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Khi chuyển công tác sang đơn vị mới, ông phải nộp sổ BHXH cho đơn vị mới để tiếp tục ghi nhận quá trình đóng BHXH trên sổ BHXH. Còn thủ tục ra quyết định chuyển công tác, nơi nào ông công tác sau cùng phải lập quyết định chuyển. Ông có thể hỏi Sở Lao động - Thương binh - Xã hội để được trả lời rõ hơn.
Ngọc Quý: Tôi là công nhân nhà máy cơ khí đã được hưởng chế độ 41 và đã bảo lưu 20 năm đóng BHXH. Nay tôi tiếp tục tham gia đóng BHXH ở một đơn vị khác, với mức lương khởi điểm. Vậy tôi có vi phạm luật lao động không?
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Nếu bạn tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với đơn vị khác từ 3 tháng trở lên thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Phạm Hữu Toàn: Tôi năm nay 53 tuổi, là Bí thư Đảng ủy xã, sống ở khu vực vùng cao có hệ số phụ cấp khu vực 0,7. Nay tôi bị đau bệnh muốn nghỉ việc. Vậy cho hỏi chế độ của tôi được tính như thế naò? Xin cảm ơn!
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Khi nghỉ việc ông sẽ hưởng chế độ trợ cấp thôi việc do đơn vị trả. Nếu ông có đóng đủ 20 năm BHXH bắt buộc (có 15 năm hưởng HS PC 0,7) thì khi đủ 55 tuổi ông sẽ được hưởng chế độ hưu trí hoặc ông giám định mất sức 61% thì sẽ được hưởng chế độ hưu trí ngay, tuy nhiên mỗi năm về trước tuổi sẽ bị trừ tỷ lệ lương hưu 1%.
Nguyễn Thị Hậu: Tôi tham gia đóng BHXH+BHYT từ lúc ký hợp đồng chính thức với nhà máy tháng 1/2008, đến nay vẫn còn làm việc. Hệ số đóng BHXH của tôi là 1,99. Hiện nay, tôi đang có thai được 8 tháng, vậy cho tôi hỏi chế độ thai sản của tôi được tính như thế nào? Tôi được nghỉ bao nhiều theo quy định hiện nay? Và nếu qua khỏi 4 tháng theo quy định thì tôi còn được nghỉ bao nhiêu tháng không lương? các thủ tục cần thiết để tôi thanh toán viện phí (sinh mổ) ngoài việc được hưởng theo chế độ BHXH (4 tháng), tôi còn được hưởng thêm gì nữa không? (nếu có thì theo điều mấy trong bộ luật) và tôi làm thế nào để trình bày với giám đốc của đơn vị mình về việc này? Sau thời gian nghỉ theo quy định của BHXH và nghỉ không hưởng lương trong trường hợp con tôi ốm đau hoặc còn quá nhỏ tôi có thể làm đơn xin nghỉ tiếp hay không?
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Trợ cấp thai sản bằng 4 tháng mức bình quân của 6 tháng liền kề đóng BHXH trước khi nghỉ việc và trợ cấp 1 lần khi sinh con bằng 2 tháng lương tối thiểu chung. Tổng tiền trợ cấp thai sản là (1,99 x 830.000 x T tháng) + (2 x 830.000) trong đó T = 4 hoặc 5 hoặc 6 tháng .
- Ngoài thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu muốn xin nghỉ thêm vì bất kỳ lý do gì thì bạn và đơn vị của bạn phải thỏa thuận với nhau. Nếu con dưới 7 tuổi bị ốm đau phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm thì được hưởng trợ cấp ốm đau.
- Vấn đề về thanh toán viện phí (sinh mổ): bạn có thể trực tiếp mang toàn bộ biên lai thu viện phí đến cơ quan BHXH tỉnh, thành phố nơi đang đóng BHXH để được xem xét, giải quyết.
Phạm Phương: Công nhân trong công ty tôi nghỉ sinh từ tháng 8/2010 nhưng bên bộ phận làm BHXH lại chậm trễ không báo giảm cho công nhân kịp thời, mãi đến tháng 4/2011 mới đi khai báo, nhưng khi khai báo đăng ký là phải báo truy giảm thì họ lại làm thành cắt giảm lao động như công nhân nghỉ việc. Vậy khi làm truy tăng và truy giảm theo luật của BHXH xong thì công nhân sẽ được hưởng tiền thai sản được tính theo mức của năm cũ theo luật BHXH hay theo mức của năm mới theo luật của BHXH mới ban ra và mức hưởng chế độ thai sản mới là bao nhiêu?
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Trợ cấp thai sản tính căn cứ vào thời điểm sinh con và mức lương đóng BHXH. Như vậy, căn cứ vào ngày sinh thể hiện trên giấy khai sinh của con để tính trợ cấp thai sản. Bạn sinh con tháng 8/2010 nên áp dụng Luật BHXH để giải quyết.
Hiếu Nghĩa: Tôi đã làm tại công ty TNHH và được ký hợp đồng lao động. Tôi đã đóng bảo hiểm được khoảng ba tháng nhưng chưa có sổ bảo hiểm. Được khoảng gần một năm kể từ khi làm tại công ty (tính cả thời gian thử việc) tôi xin nghỉ việc và làm tại nơi khác. Từ khi nghỉ việc tại công ty cũ đến nay đã hai năm hiện nay tôi được công ty mới đóng BHXH nhưng do công ty trước mới đóng được ba tháng nên có lẽ không cần chuyển BHXH, vì vậy tôi muốn hỏi: Nếu bây giờ tôi tham gia đóng BHXH từ đầu tại công ty mới có được không. BHXH ở công ty cũ của tôi không làm thủ tục gì cả nên bây giờ tôi muốn hủy sổ BHXH được không? Vì điều kiện ở xa và tính chất công việc tôi không vào công ty cũ nữa thì tôi có quyền ủy nhiệm không? Một người mà có hai sổ BHXH có sao không?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Mỗi người tham gia BHXH chỉ được cấp 1 số sổ duy nhất, bạn cần liên hệ công ty cũ để nhận sổ BHXH chuyển công ty mới tiếp tục đóng BHXH.
Hoàng Anh: Tôi chỉ mới ký hợp đồng lao động một năm nay, chưa vào biên chế nhà nước. Tôi vừa sanh non, ngoài chế độ nghỉ hậu sản, tôi muốn nghỉ không hưởng lương để nghỉ ngơi và sanh con xong mới đi làm tiếp. Tôi không biết có được không ? Xin trả lời giúp tôi.
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Hết thời gian nghỉ thai sản quy định, nếu có nhu cầu, người lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động
Ngọc Tân: Đồng nghiệp tôi đã về hưu năm 2007 và được cơ quan tín nhiệm sử dụng lại công việc cũ từ đó cho tới nay, về Luật Lao động thì có qui định nào khống chế thơi gian bao nhiêu năm là phải nghỉ không...?
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Hiện nay, không có quy định về việc quy định thời hạn ký Hợp đồng lao động hoặc thời hạn làm việc đối với người lao động là đối tượng hưu trí. Tuy nhiên, để được tư vấn kỹ hơn đề nghị ông bà liên hệ với Sở Lao động - Thương binh - Xã hội.
Kim Xuân: Tôi ký hợp đồng lao động làm việc cho công ty từ tháng 1/2011 và đóng BHXH từ tháng 4 (tháng 1 đến 3 truy thu đóng BHXH) do công ty làm thủ tục đóng BHXH quá lâu. Tôi mang thai từ tháng 02/2011 nhưng đến tháng 8 tôi phải sinh non (33 tuần ). Nếu như thế tôi có được hưởng chế độ thai sản hay không? Và phải làm những thủ tục gì?
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Trường hợp của bạn được trợ cấp thai sản. Bạn cần cung cấp bản sao giấy khai sinh cho đơn vị nơi đang làm việc để được thanh toán trợ cấp thai sản.
Phan Thị Thùy Trang: Tôi đã làm việc tính thời điểm này là được 20 năm. Nếu tôi xin nghỉ việc thì tôi sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm như thế nào?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Khi nghỉ việc bạn sẽ được bảo lưu thời gian tham gia BHXH, khi đủ 55 tuổi bạn sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Nếu bạn có đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đạt: Tôi làm công nhân đóng bảo hiểm liên tục từ năm 1985 đến năm 2000 về nghỉ chế độ thanh toán một lần, hiện nay tôi muốn đóng bảo hiểm tự nguyện tiếp có được không ? Nếu được thì phải đóng bao nhiêu năm nữa ?
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Do ông bà không nói rõ mục đích tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ gì nên không thể trả lời cụ thể được. Nếu muốn đóng BHXH để hưởng lương hưu thì phải đóng từ đủ 20 năm trở lên.
Ngọc Vinh: Tôi đang công tác tại Tân Phú và đã tham gia đóng BHXH (với thông tin cá nhân và số CMND là ở Quảng Nam), nay gia đình tôi chuyển hộ khẩu vào TPHCM và tôi làm lại chứng minh nhân dân với nội dung chỗ ở mới và số CMND hoàn toàn khác so với giấy CMND cũ mà tôi đã đăng ký tham gia BHXH trước đây. Tôi gọi điện lên BHXH TPHCM để hỏi thì họ nói là bắt buộc phải điều chỉnh lại thông tin cá nhân trong sổ để sau này chốt sổ và rút tiền mới được. Thế nhưng, khi về BHXH nơi tôi đang tham gia đóng BHXH thì họ nói: "Không cần phải điều chỉnh, sau này chốt sổ và rút tiền chỉ cần cầm sổ đến lấy là được”. Vậy xin cho tôi hỏi trường hợp của tôi thì phải làm sao?
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Tại TP.HCM các trường hợp thay đổi số CMND do cấp lại thì người lao động vẫn được giải quyết các chế độ mà không cần điều chỉnh trong sổ BHXH.
Trấn Thành: Tôi là công nhân quốc phòng tham gia BHXH bắt buộc từ 1/1/1985 đến tháng 4/994 ,vì hoàn cảnh gia đình tôi đã tự bỏ việc đến tháng 12/1995 tôi được công ty tiếp tục cho làm việc trở lại nhưng đến năm 1998 mới cho tôi đóng BHXH. Vậy thời gian đóng BHXH trước đây và thời gian tôi bị gián đoạn đó có được tính liên tục không? Mong được giải đáp giúp, xin cảm ơn.
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Thời gian từ 01/1985 đến 04/1994 bạn tự ý bỏ việc nên không tính là thời gian tham gia BHXH.
Đình Lý: Làm sao biết được tên-tuổi-số CMND-và thời gian đóng BHXH là đúng. Để khỏi rắc rối về sau, tôi muốn biết qua trang web nào mình có thể có thông tin ấy?
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Để biết thông tin tham gia BHXH thể hiện trên sổ BHXH có chính xác không thì bạn có thể đề nghị đơn vị nơi đang làm việc cho xem sổ BHXH hoặc đề nghị cơ quan BHXH nơi đơn vị đang đóng BHXH hỗ trợ.
Trần Hiếu Trung: Tôi bị bệnh lao, đã nộp giấy C65-HD để hưởng trợ cấp ốm đau nhưng bị từ chối thanh toán vì lý do không có phiếu hội chẩn. Tôi quay lại bệnh viện để xin phiếu hội chẩn thì được trả lời rằng: Bất kỳ bệnh nhân nào nếu có dấu hiệu nghi ngờ lao thì bệnh viện sẽ tiến hành kiểm tra đàm, nếu phát hiện trong đàm có vi trùng lao thì được cấp thuốc uống và theo dõi lâu dài, trường hợp nặng thì cần phải nằm viện. Khi đã xác định rõ là có vi trùng lao trong đàm thì các thầy thuốc không cần phải hội chẩn. Hội chẩn chỉ thực hiện khi chưa xác định rõ nguyên nhân bệnh. Vì vậy, trường hợp của tôi không được cấp phiếu hội chẩn và vì bệnh không nặng nên tôi không nằm viện mà chỉ theo dõi điều trị ngoại trú dài hạn mà thôi. Có một số người đồng cảnh ngộ như tôi cho đến nay vẫn chưa được hưởng trợ cấp ốm đau. Trường hợp như tôi có được hưởng trợ cấp BHXH không và phải làm sao. Xin cảm ơn
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Theo khoản 2 điều 112 Luật BHXH quy định thủ tục thanh toán trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày là phiếu hội chẩn của bệnh viện. Bệnh lao là bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày nên để thanh toán trợ cấp ốm đau phải có biên bản hội chẩn. Đây là quy định của Luật nên cơ quan BHXH không thể làm khác được, mong bạn thông cảm. Đề nghị bạn liên hệ với bệnh viện nơi điều trị để đề nghị được cấp bản sao biên bản hội chẩn.
Nguyễn Thanh:Tôi là công chức nhà nước, có quyết định tuyển dụng từ tháng 3/2004. Vậy cho tôi hỏi: 1) Nay tôi muốn xin nghỉ việc từ tháng 3/20012 thì tôi phải làm đơn xin nghỉ việc trước thời điểm tháng 3/20012 là bao nhiêu ngày (cụ thể căn cứ theo quy định, nghị định nào); 2) Chế độ trợ cấp khi thôi việc được tính như thế nào; 3) Tôi có được quyền bảo lưu BHXH để tính tiếp khi công tác ở cơ quan mới không?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: 1. Khi muốn thôi việc bạn phải báo trước 45 ngày.
2. Mỗi năm làm việc bạn sẽ nhận trợ cấp thôi việc 1/2 tháng lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ.
3. Thời gian tham gia BHXH sẽ được bảo lưu và cộng dồn khi tiếp tục đóng tại đơn vị mới.
Kim Thoa: Mẹ cháu sinh năm 1962, là công nhân đi làm được 32 năm, đóng BHXH được 32 năm, nay mẹ cháu muốn nghỉ hưu sớm thì thủ tục như thế nào? Có được hưởng quyền lợi hay chịu trách nhiệm gì không? Và làm thế nào để mẹ cháu được lợi nhất?
- Ông Cao Văn Sang - Gíam đốc BHXH TPHCM: Nếu mẹ của bạn có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm thì được giải quyết hưu khi đủ 50 tuổi.
Nếu không thuộc trường hợp trên thì phải giám định y khoa; nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ tương ứng 1% tỷ lệ lương hưu. Thủ tục và chi phí giám định y khoa của mẹ bạn do đơn vị chi trả.
Bích Vân: Ở công ty tôi có một vài sổ BHXH chuyển từ nơi khác đến để đóng tiếp vào sổ cũ. Tôi xin hỏi ,khi bảo lưu những sổ này thì bảo lưu ở đâu. Tôi có mang sổ BHXH này lên BHXH huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) thì họ trả lời là phải mang về TPHCM để bảo lưu, vì nơi đó cấp sổ BHXH cho họ. Vậy tôi xin hỏi khi chuyển về đấy để bảo lưu thì thủ tục như thế nào?
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Về nguyên tắc sau khi trả sổ BHXH cho người lao động thì cơ quan BHXH đã hoàn tất việc chốt sổ BHXH (tính thời gian đóng BHXH, mức đóng BHXH hàng tháng...). Sau khi người lao động nghỉ việc thì cơ quan BHXH nơi thu BHXH của người lao động phải chịu trách nhiệm hoàn tất sổ để trả người lao động thông qua đơn vị.
Quốc Việt: Hiện nay chú tôi nghỉ hưu mất sức (61%), tham gia công tác tại địa phương có đóng bảo hiểm từ năm 1984, do không đóng bảo hiểm hai năm 1990 và 1991 cho nên tính ngày về hưu chỉ có 17 năm. Như vậy chú tôi có được tính là đóng bảo hiểm trên 20 năm không hay phải đóng tiếp đủ 20 năm mới được hưởng tiền lương hưu. Tôi xin cảm ơn!
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Muốn hưởng lương hưu thì phải đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên. Trường hợp chú của bạn, nếu đóng BHXH thêm 3 năm nữa (có thể chọn hình thức đóng BHXH tự nguyện) thì sẽ được giải quyết hưu trí.
Kim Thoa: Mẹ cháu sinh năm 1962, là công nhân đi làm được 32 năm, đóng BHXH được 32 năm, nay mẹ cháu muốn nghỉ hưu sớm thì thủ tục như thế nào? Có được hưởng quyền lợi hay chịu trách nhiệm gì không? Và làm thế nào để mẹ cháu được lợi nhất?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Nếu mẹ bạn làm công nhân trong đó có 15 năm nặng nhọc, độc hại thì khi đủ 50 tuổi sẽ được giải quyết chế độ hưu trí.
Trường hợp không làm việc nặng nhọc, độc hại thì có thể giám định sức khỏe nếu mất sức 61% thì sẽ được giải quyết chế độ hưu trí, tuy nhiên mỗi năm nghỉ trước tuổi 55 sẽ bị trừ 1% tỷ lệ lương hưu.
Nhi Hoa: Đơn vị em có một số người lao động không muốn tham gia BHXH mà muốn được doanh nghiệp trả tiền BHXH vào lương hàng tháng để trang trải cho cuộc sống trước mắt. Đồng ý với đề nghị trên của người lao động, đơn vị em làm Hợp đồng lao động trong mục chế độ bảo hiểm ghi: Chi nhánh trả tiền BHXH vào lương hàng tháng để người lao động tự túc. Vậy cho em hỏi: Doanh nghiệp làm như vậy có được không (có vi phạm luật lao động không)? Căn cứ tại điều khoản nào của văn bản pháp luật? Rất mong nhận được sự giúp đỡ.
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Theo quy định của Luật BHXH, người lao động ký HĐLĐ từ ba tháng trở lên hoặc ký Hợp đồng lao động không xác định thời hạn thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc (quy định tại điểm a khoản 1 điều 2 Luật BHXH). Lưu ý với bạn nếu thuộc đối tượng nêu trên thì phải đóng BHXH bắt buộc, không thể thỏa thuận trả tiền BHXH vào lương cho người lao động. Mặt khác, việc tham gia BHXH sẽ có lợi cho người lao động nên đề nghị bạn thông tin cho những người lao động tại đơn vị biết.
Phạm Huy Anh: Trước đây, tôi làm việc trong một doanh nghiệp của quân đội, đã tham gia đóng BHXH được hơn 18 năm. Tôi đã xin nghỉ việc ở cơ quan cũ để xin việc ở một cơ quan mới, nhưng đến nay vẫn chưa xin được việc làm. Xin hỏi, nếu sau thời gian hơn một năm, tôi mới xin được việc làm ở cơ quan mới, tôi muốn được tiếp tục đóng BHXH để được tính thời gian liên tục, không bị gián đoạn, có được không?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Khi bạn làm việc và đóng BHXH thì sẽ được cộng dồn thời gian tham gia BHXH. Trong thời gian chờ việc bạn có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại BHXH quận, huyện nơi cư trú để tính thời gian tham gia BHXH liên tục.
Lê Thị Vân: Khái niệm cấp cứu và không cấp cứu khi đến bệnh viện tôi thấy rất mơ hồ, bác sĩ tiếp nhận chỉ đánh giá theo cảm tính. Cho tôi hỏi khi đi sinh (đã có dấu hiệu sinh: đau bụng...) trường hợp nào là cấp cứu, trường hợp nào là không?
- Bà Lưu Thị Thanh Huyền Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Để đánh giá tình trạng bệnh nhân nhập viện có trong trường hợp cấp cứu hay không, bác sĩ phải căn cứ trên các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân là mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ cơ thể, tình trạng xuất huyết... và tùy theo từng tình huống bệnh lý cụ thể. Trường hợp bạn hỏi khi đi sinh trường hợp nào là cấp cứu, chúng tôi hiện đang cùng các bệnh viện tại TP HCM giải quyết cấp cứu đối với các trường hợp sản phụ đến bệnh viện khi có dấu hiệu sinh như đau bụng, ra nhớt hồng hoặc nước ối và các trường hợp bệnh viện yêu cầu phải nhập viện để theo dõi sinh sau đó.
Quang Quý: Các anh/chị cho tôi hỏi, doanh nghiệp nợ từ bao nhiêu tháng trở lên sẽ bị kiện ra tòa? Khi doanh nghiệp nợ tiền BHXH thì người lao động mất những quyền lợi gì?
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Theo quy định của Luật BHXH, hàng tháng người sử dụng lao động trích lương của người lao động và đơn vị trích tiền để đóng BHXH cho cơ quan BHXH. Như vậy, khi đơn vị nợ tiền đóng BHXH (tức là có trích tiền của người lao động như không nộp cho cơ quan BHXH) là hình thức chiếm dụng tiền của cơ quan Nhà nước. Do đó, cứ phát sinh nợ là cơ quan BHXH có thể kiện. Khi doanh nghiệp nợ tiền thì quyền lợi về BHXH cho người lao động bị ảnh hưởng (không được thanh toán ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp ....).
Nguyễn Quốc Bảo: Theo Thông tư 03/2007/TT- BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 152/2006/NĐ - CP thì người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng thì người lao động và và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH nhưng vẫn phải đóng 3% BHYT và tháng đó không được tính là thời gian tham gia BHXH, vậy trường hợp người lao động nghỉ ốm đau dài ngày thì sao? (tôi nghỉ 180 ngày trong năm) người lao động và người sử dụng lao động có phải đóng BHXH và BHYT hay không? Thời gian nghỉ này có được tính là thời gian tham gia BHXH hay không?
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Thời gian nghỉ ốm đau dài ngày không đóng và không tính là thời gian tham gia BHXH. Trong thời gian này cơ quan BHXH vẫn giải quyết chế độ ốm đau dài ngày và cấp thẻ BHYT để bạn hưởng quyền lợi về chế độ BHYT.
Đinh Mạnh Kiên: Tôi công tác trong ngành 15 năm, có BHXH, ba năm đóng bảo hiểm thất nghiệp, 10 năm trong biên chế. Tôi muốn xin thôi việc, vậy tôi được trợ cấp những khoản tiền gì và số tiền là bao nhiêu? Trường hợp tôi tiếp tục đóng bảo hiểm tự nguyện thì phải đóng bao nhiêu tháng nữa mới được hưởng lương hưu. Xin trân trọng cảm ơn!
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Khi nghỉ việc, bạn có thể được hưởng các khoản trợ cấp sau:
a. Trợ cấp thôi việc tính đến 31/12/2008. Mỗi năm công tác được ½ tháng lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
b. Trợ cấp thất nghiệp nếu sau khi nghỉ việc, có đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố trong thời gian 7 ngày làm việc và chưa tìm được việc làm trong thời gian 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Mức hưởng mỗi tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 3 tháng.
Muốn hưởng lương hưu phải đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên.
Thùy Tuyến: Thời gian trước tôi đi làm cho doanh nghiệp nước ngoài và có tham gia BHXH. Hiện tại tôi đã nghỉ và thành lập công ty TNHH. Tôi muốn tiếp tục tham gia BHXH, BHYT thì phải làm những thủ tục gì và nộp cho cơ quan chức năng tại cơ sở tôi đang kinh doanh hay nơi đăng ký kinh doanh (Giấy đăng ký kinh doanh của tôi có trụ sở kinh doanh và địa điểm kinh doanh khác). Vậy tôi làm thủ tục xin đóng BHXH trụ sở kinh doanh hay địa điểm kinh doanh khác?
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Theo thông tin, nếu ông là chủ doanh nghiệp thì không có phát sinh quan hệ tiền công, tiền lương nên không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp. Muốn tham gia BHXH, BHYT cho bản thân thì ông có thể tham gia hình thức BHXH tự nguyện tại BHXH quận huyện nơi cư trú và tham gia BHYT tự nguyện thông qua UBND xã phường nơi cư trú.
Ngọc Hà: Người lao động nghỉ không lương một tháng có chấp thuận của cấp trên có được đóng BHXH tháng đó không? Nếu người lao động nghỉ việc không có lý do bao nhiêu ngày thì được đóng BHXH?
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Thời gian nghỉ không lương thì không đóng BHXH, trong trường hợp có ít nhất một ngày làm việc và hưởng tiền lương trong tháng thì đơn vị và người lao động có thể đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cả tháng nếu có đề nghị.
Quý Lâm: Tôi đang sống và làm việc tại TPHCM, vợ tôi sống ở quê. Vợ tôi đã nghỉ hưu và huởng trợ cấp hưu trí hàng tháng cũng như BHYT tại quê. Nay vợ tôi chuyển ra thành phố sống cùng tôi và các con (không nhập khẩu thường trú) và vợ tôi muốn chuyển đăng ký khám chữa bệnh tại thành phố theo BHYT thì phải làm những thủ tục gì và với các cơ quan liên quan nào? (chỉ muốn chuyển BHYT còn tiền lương hưu hàng tháng vẫn nhận tại quê). Rất mong trả lời giúp, tôi xin chân thành cảm ơn..
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Bạn liên hệ UBND phường/xã nơi bạn cư trú để đăng ký tạm trú cho vợ bạn. Khi đi khám chữa bệnh, vợ bạn cần xuất trình thẻ BHYT đã được cấp và sổ tạm trú để được khám chữa bệnh BHYT.
Lê Anh: Anh chị em trong tổ sản xuất của tôi đang phải lao động gánh việc cho người nghỉ chế độ thai sản.Chúng tôi được cơ quan cho hưởng phần lương gánh việc cho ngươi đó.Nay thời gian nghỉ của người đó đã hết. Họ làm đơn xin nghỉ không lương và được giám đốc đồng ý. Xin hỏi, tổ chúng tôi có được hưởng chế độ như lúc người đó nghỉ thai sản không? Trong khi chúng tôi vẫn đang phải gánh viêc cho người đó?
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Nội dung câu hỏi này không thuộc thẩm quyền trả lời của cơ quan BHXH. Đề nghị bạn hỏi Sở Lao động - Thương binh - Xã hội.
Bảo Nguyên: Tôi có người anh trước đây công tác trong Lực lượng Thanh niên Xung phong - TP.HCM suốt 4 năm (từ 1977 đến 1981), sau đó xuất ngũ về địa phương làm việc tại UBND phường từ tháng 9/1981 đến 1990. Cả hai lần đều được trợ cấp thôi việc. Vậy tôi xin hỏi anh tôi có được bảo lưu thời gian đóng BHXH không? Nếu được thì phải làm thủ tục như thế nào?
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Trường hợp đã nghỉ việc và nhận trợ cấp thôi việc trước tháng 1/1995 thì thời gian công tác không được tính là thời gian tham gia BHXH.
Trần Văn Tuấn: Tôi đã đóng bảo hiểm 22 năm, năm nay là 50 tuổi, do sức khỏe không thể tiếp tục làm việc (do sau những năm phục vụ trong quân đội) tôi đã xin nghỉ việc. Hiện tại thì có thể giám định sức khỏe để hưởng chế độ hưu trí không, hay nên giải quyết chế độ như thế nào?
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Hiện tại nếu giám định sức khỏe mất sức 61% thì bạn sẽ được giải quyết chế độ hưu trí.
Phạm Huy Anh: Thời gian đóng BHXH 20 năm là được bảo lưu đến tuổi sẽ được hưởng lương hưu. Nếu tôi muốn tiếp tục đóng BHXH thêm 5 năm nữa, có được không? Lúc đó cách tính trả lương hưu cho tôi sẽ như thế nào?
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Nếu muốn tiếp tục đóng BHXH cũng được. Cách tính lương hưu: đề nghị tham khảo tại website của BHXH/TP (www.bhxhtphcm.gov.vn)
Lương Thi: Tôi đang sống tại TPHCM vài đã tham gia đóng bảo hiểm được ba năm, nhưng tính đến tuổi 55 về hưu (nữ) thì tôi mới tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc được 9.5 năm, như vậy tôi có được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng không? Phải đóng tối thiểu bao nhiêu năm thì mới được hưởng chế độ hưu trí? Tôi có thể đóng thêm bao nhiêu năm nữa thì được hưởng hưu trí hàng tháng?
- Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM: Một trong những điều kiện để hưởng chế độ hưu trí phải đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên. Trường hợp của bạn không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chỉ được hưởng trợ cấp BHXH một lần.
Trần Hai: Công ty tôi hiện đang nợ BHXH chưa có tiền để trả, trong lúc đó có một số người đã đến tuối nghỉ hưu, như vậy, công ty có thể đóng trước cho những người này để giải quyết chế độ hưu được không?
- Ông Trần Dũng Hà - Trưởng phòng Chế độ BHXH: Theo quy định, hàng tháng phải đóng BHXH cho tất cả người lao động đang làm việc tại đơn vị có ký Hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên. Nếu nợ tiền BHXH, cơ quan không giải quyết chế độ hưu trí cho người lao động; Không có quy định nào cho phép đóng BHXH trước những người nghỉ hưu và nợ lại những trường hợp còn lại.
Hồ Thanh Ngân: Tôi tên Hồ Thanh Ngân, cư ngụ ở Q10, TPHCM. Tôi có một thắc mắc như sau: Tôi làm việc tại trường đại học từ năm 1997 và có sổ đóng BHXH từ tháng 6/98 đến tháng 2/2011 (12 năm 6 tháng). Tháng 2/2011 tôi chính thức nghỉ việc tại đây. Trong thời gian từ năm 2005 đến nay, tôi có làm thêm tại trường khác cũng ở TPHCM và cũng tham gia đóng BHXH (thời gian này tôi đóng BHXH ở hai nơi). Từ tháng 2/2001 tôi chỉ còn làm ở trường TPHCM, vậy trong trường hợp của tôi phải giải quyết như thế nào: 1/ Rút tiền sổ BHXH ở Trường đã nghỉ việc.. 2/ Dồn sổ BHXH ở trường đã nghỉ việc vào sổ BHXH ở trường đang làm việc để tích lũy thời gian đóng BHXH. 3/ Phương án nào khác...?. Rất mong được Tư vấn. Cám ơn.
- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng Phòng Thu BHXH TPHCM: Về nguyên tắc mỗi người tham gia BHXH chỉ được cấp một sổ BHXH và đóng một nơi duy nhất. Thời gian đóng trùng hai nơi phải giảm thu tại một nơi.
Quang Quý: Bạn tôi bị tai nạn giao thông, khi đưa vào bệnh viện cấp cứu bệnh viện vẫn bắt thanh toán toàn bộ tiền viện phí dù đã xuất trình thẻ BHYT hợp lệ. Tôi thắc mắc thì bệnh viện bảo phải có biên bản tai nạn giao thông mới thanh toán. Tôi xin hỏi bệnh viện làm như thế có đúng không? Tôi phải làm gì để được hưởng quyền lợi. Xin cảm ơn
- Bà Lưu Thị Thanh Huyền Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Theo điểm 3 điều 8 thông tư 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/08/2009 của Bộ Y tế- Bộ Tài chính qui định các trường hợp bị tai nạn giao thông chỉ được thanh toán khi đã xác định là không có vi phạm pháp luật về giao thông, do đó khi bạn điều trị tại bệnh viện mà chưa có xác nhận về của cấp có thẩm quyền về tai nạn giao thông của bạn không vi phạm pháp luật thì bạn vẫn phải nộp toàn bộ viện phí cho bệnh viện. Khi có xác nhận là không vi phạm pháp luật giao thông bạn sẽ được cơ quan BHXH thanh toán lại theo qui định.
Tuy nhiên kể từ ngày 26/12/2011 theo qui định tại Thông tư liên tịch số 39/2011/TTLT-BYT-BTC ngày 11/11/2011 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính thì người tham gia BHYT bị tai nạn giao thông, trong khi chưa có đủ căn cứ để xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người đó gây ra khi đi khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chế độ BHYT theo qui định. Khi có đủ căn cứ xác định là tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người bị tai nạn gây ra hoặc trường hợp bị tai nạn giao thông nhưng không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, người bị tai nạn không được hưởng chế độ BHYT và có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ các khoản chi phí khám chữa bệnh cho quỹ BHYT
truongquochoanganh: Tôi đang chạy thận tại bệnh viện 115 mà tôi sử dụng thể BHYT cận nghèo để chạy thận. Tôi có lên phường để đăng ký mua bảo hiểm cận nghèo thì họ nói tôi mua bảo hiểm gia đình. Tôi xin hỏi, tại sao không bán bảo hiểm cận nghèo cho tôi và bệnh của tôi có được sử dụng bảo hiểm cận nghèo nữa không?
- Bà Lưu Thị Thanh Huyền Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Việc xác định gia đình bà có thuộc diện cận nghèo nữa hay không là do địa phương căn cứ vào tiêu chuẩn cận nghèo của địa phương đối chiếu với thu nhập của gia đình bà. Nếu bà nhận thấy gia đình bà vẫn thuộc diện cận nghèo thì mời bà liên hệ với địa phương để được xem xét lại. Nếu không thuộc diện cận nghèo nữa, bà phải tham gia BHYT theo hộ gia đình để tiếp tục được hưởng chế độ BHYT.
Buổi giao lưu đến đây kết thúc, xin cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc. Xin cảm ơn sự tham gia của Ban giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM. Kết thúc buổi giao lưu vẫn còn nhiều câu hỏi bạn đọc chưa được trả lời vì thời gian có hạn nên những câu hỏi này sẽ được chúng tôi gửi đến Ban giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
SGGP Online
Ảnh: Trần Thanh