Gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản - Bài 2: 180 ngày chạy nước rút!

Từ nay đến thời điểm đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam (tháng 6) không còn nhiều và các địa phương đang thực hiện hàng loạt biện pháp với quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong năm nay.

Tăng cường hỗ trợ ngư dân

Những ngày này, tại các khu vực ven biển miền Trung, nhiều đoàn tàu đánh cá xa bờ tranh thủ thời tiết nắng ấm để ra khơi. Tại các cảng cá lớn như Đông Tác, Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan, Sa Kỳ, Tam Quang - Núi Thành, Thọ Quang… nhộn nhịp tàu ra vào. Ngư dân Trương Minh Hoàng (50 tuổi, ở Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - chủ tàu cá ĐNA-90679 TS - cho biết, sau 15 ngày đánh bắt ở khu vực biển Bạch Long Vĩ, ông cùng 7 bạn tàu trúng nhiều mẻ cá lớn, thu 2,5 tấn cá ngừ sọc dưa. Được hỏi về thực hiện quy định IUU, ông Hoàng nói: “Nhiều năm trước đây, chúng tôi đánh bắt vô tội vạ và tàu vi phạm lãnh hải nước ngoài. Từ khi bị “thẻ vàng”, ngư dân đã ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ nên nghiêm túc thực thi các quy định của Nhà nước. Tàu của tôi đã trang bị đầy đủ máy giám sát, máy nhắn tin, bảo hiểm, bằng cấp…”.

Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của ngư dân, nhiều địa phương đã triển khai lực lượng thực thi các quy định cũng như hỗ trợ ngư dân. Hầu hết các cảng cá đều có “vòng tròn khép kín” gồm: cán bộ cảng cá, tổ giám sát IUU, bộ đội biên phòng trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho tàu cá ra vào đánh bắt, mua bán hải sản. Tại cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) - nơi mỗi năm đón hàng ngàn tàu đánh bắt xa bờ ở khu vực Nam Trung bộ - đang duy trì gần 10 cán bộ, nhân viên để hỗ trợ ngư dân về hồ sơ xuất nhập cảng, làm thủ tục xác nhận nguồn gốc thủy sản hợp pháp. Ông Mai Phúc Điềm, Đội trưởng Đội điều độ và thu phí ở cảng cá Quy Nhơn, cho biết, để giám sát nguồn gốc hải sản và xác định các tàu vi phạm IUU, đội thiết lập vòng làm việc khép kín theo 4 bước, ngồi theo vòng tròn để cơ động xử lý công việc được nhanh gọn hơn.

Theo ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, từ năm 2019, địa phương đã có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho các tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên. Đến nay, Đà Nẵng đã hỗ trợ 560 tàu cá của 494 chủ tàu cá với 18 tỷ đồng. Hiện 567/588 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; cấp phát 2.000 sổ tay quy định hoạt động khai thác thủy sản trên biển và 1.500 tờ rơi quy định chủ tàu và ngư dân cần ghi nhớ trước khi tàu cá ra khơi và cập cảng để nâng cao nhận thức của ngư dân.

Còn tại Kiên Giang, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng bố trí đủ nhân lực tại cảng cá chỉ định để giám sát, xác nhận và truy xuất nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành), cảng cá An Thới (Phú Quốc). Theo Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang, tính đến nay, địa phương có 3.867 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp đặt VMS; trong đó đã có 3.642 tàu đã lắp, số tàu còn lại thuộc diện xóa đăng ký, nằm bờ, ngân hàng quản lý…

Gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản - Bài 2: 180 ngày chạy nước rút!  ảnh 1

Theo dõi sát sao, nêu cao trách nhiệm

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang đi đúng hướng, cải thiện tích cực nhưng vẫn chưa đạt được một số yêu cầu đề ra, nên đến nay vẫn chưa gỡ bỏ. Dự kiến, đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam vào tháng 6 để tiến hành thanh tra tình hình thực hiện IUU lần thứ 4.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTg (Quyết định 81) ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”. Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản kiêm Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT), quyết định đã nêu rõ mục tiêu và các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU để gỡ được “thẻ vàng” ngay trong năm 2023. Quyết định nêu rõ: phải xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh này hoạt động trên địa bàn tỉnh khác, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài trên 15m phải cập cảng chỉ định, thuyền trưởng phải thông báo trước 1 giờ khi cập cảng và thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác theo quy định.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho rằng, để đạt được các mục tiêu trên, từ nay đến tháng 5, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý. Đặc biệt, cơ quan chức năng phải buộc chấm dứt hoạt động với những tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý 100% trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Mới đây, tại cuộc họp triển khai Quyết định số 81, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, thực hiện các quy định về IUU là xu thế tất yếu, bởi không chỉ riêng châu Âu mà nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản hiện cũng đề cao trách nhiệm, sự minh bạch về nguồn gốc và sẽ liên thông với nhau. Bộ NN-PTNT cũng như ban chỉ đạo sẽ sát cánh cùng các bộ, ngành liên quan và các địa phương để có quyết tâm cao nhất gỡ “thẻ vàng” trong năm 2023.

"Quyết định số 81 một lần nữa khẳng định với quốc tế về quyết tâm chính trị để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” thủy sản và Việt Nam luôn là đối tác có trách nhiệm với thế giới"

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Kế hoạch tháo gỡ “thẻ vàng” và làm việc với EC Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, các nhiệm vụ sẽ triển khai để thực hiện kế hoạch 180 ngày chống khai thác IUU là: khẩn trương rà soát, cập nhật dữ liệu tàu cá lên cơ sở dữ liệu, hoàn thiện cấp phép cho các tàu cá; hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu đi khai thác; tiếp tục kiểm tra, xử phạt những tàu cá không duy trì kết nối VMS hoặc tháo lắp VMS sai quy định; giám sát 100% sản lượng thủy sản qua cảng và 100% tàu cá vào bốc dỡ sản phẩm; thúc đẩy thành lập lực lượng kiểm ngư của địa phương (8/28 tỉnh, thành phố đã thực hiện).

Tổng cục Thủy sản sẽ duy trì 35-41 tàu tại vùng giáp ranh, chồng lấn để ngăn chặn tàu vi phạm IUU; tổ chức đợt cao điểm tuần tra các vùng biển giáp ranh, chồng lấn; rà soát các hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản; triển khai mô hình hội quán, nghiệp đoàn cá ngừ ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về chống khai thác IUU; thảo luận với các cơ quan, tổ chức như FAO, EC và Hoa Kỳ… về cơ chế giám sát thủy sản nhập khẩu bằng container; bàn với các bên để rà soát bản đồ ngư trường khai thác; tổ chức cuộc họp để đánh giá tình hình thực hiện, xây dựng kịch bản làm việc với EC.

Tỉnh Bình Định hỗ trợ lắp đặt thí điểm nhật ký điện tử cho 100 tàu cá và cho phép một số doanh nghiệp liên hệ với ngư dân để lắp đặt nhật ký điện tử; thiết bị giúp cơ quan nhà nước thuận lợi trong lưu trữ, đối chiếu, xử lý thông tin đánh bắt, xác nhận nguồn gốc thủy sản cho ngư dân.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký kết quy chế phối hợp với Vùng Cảnh sát biển 3, Vùng Cảnh sát biển 4, lực lượng kiểm ngư, hải quân, biên phòng để cùng kiểm tra, giám sát hoạt động các tàu cá.

TP Đà Nẵng phối hợp UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh, kiểm tra xử lý nghiêm các tàu cá Đà Nẵng vi phạm IUU và buộc tàu cá, ngư dân vi phạm trở về địa phương để khắc phục, cam kết không vi phạm; trường hợp tiếp tục vi phạm thì trục xuất, không cho neo đậu tại cảng cá, bến cá.

Đọc nhiều nhất

Các doanh nghiệp đi xem đồ thủ công mỹ nghệ được triển lãm tại Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TPHCM 2023. Ảnh: Hoàng Hùng

Hướng đến nông nghiệp xanh, tuần hoàn

Ngày 26-5, trong khuôn khổ Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TPHCM năm 2023 đã diễn ra hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu, chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa”. Các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu nông sản đều khẳng định: xây dựng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn là tất yếu để có thể đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Thị trường

Vinamilk - Công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon

Ngày 26-5, tại Nghệ An, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động "Vinamilk Pathway to Dairy Net Zero 2050"(Vinamilk hướng đến Net Zero 2050). Đặc biệt tại sự kiện, Vinamilk cũng được xác nhận là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060. Sự kiện này đã đánh dấu cột mốc đáng nhớ trong hành trình tiên phong của Vinamilk về phát triển bền vững

Địa ốc

Đẩy nhanh tiến độ cấp “sổ hồng” tại các dự án nhà ở

Sáng 25-5, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cùng các phòng ban chuyên môn đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với 30 doanh nghiệp là chủ đầu tư của của 30 dự án nhà ở để tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất (gọi tắt là “sổ hồng”) cho người mua nhà.

Ngân hàng - Chứng khoán

Lãi suất cho vay mới bình quân khoảng 9,07%/năm

Đến nay, về cơ bản, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) ở mức khoảng 6,1%/năm, giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022. Còn lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới ở mức khoảng 9,07%/năm, giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022.

Đầu tư

T&T Group hợp tác chiến lược với tập đoàn TOP 10 của Hàn Quốc

Ngày 25-5 vừa qua, tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), đoàn công tác của Tập đoàn T&T Group do ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược của tập đoàn dẫn đầu đã tới thăm và làm việc với DB Group (một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc). Tại đây, hai bên đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược nhằm xúc tiến đầu tư kinh doanh trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm.

Thông tin kinh tế

T&T Group hợp tác chiến lược với tập đoàn TOP 10 của Hàn Quốc

T&T Group hợp tác chiến lược với tập đoàn TOP 10 của Hàn Quốc

Ngày 25-5 vừa qua, tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), đoàn công tác của Tập đoàn T&T Group do ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược của tập đoàn dẫn đầu đã tới thăm và làm việc với DB Group (một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc). Tại đây, hai bên đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược nhằm xúc tiến đầu tư kinh doanh trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm.
VELP 2023 - Chương trình giáo dục và kinh doanh ASEAN

VELP 2023 - Chương trình giáo dục và kinh doanh ASEAN

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ý trong ASEAN và Ý là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Ý quan tâm tới thị trường Việt Nam và càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh với doanh nghiệp Ý.