Cuộc thi “Văn hay chữ tốt”

Góp phần lớn vào việc dạy và học văn

Góp phần lớn vào việc dạy và học văn

Cuộc thi “Văn hay chữ tốt” năm 2005 do Báo SGGP phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM và nhà tài trợ Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential tổ chức đang bước vào vòng thi cấp quận - huyện. Cuộc thi thực sự đã trở thành một sân chơi lành mạnh, bổ ích thu hút hàng chục ngàn học sinh bậc THCS tham gia một cách hào hứng. Bên cạnh đó cuộc thi cũng đã góp phần rất lớn vào việc dạy và học văn trong nhà trường. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Ngai về một số vấn đề liên quan.

Góp phần lớn vào việc dạy và học văn ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Ngai.

- Phóng viên: Qua gần 5 năm cuộc thi được tổ chức, với tư cách là người quản lý ngành giáo dục - đào tạo TPHCM, ông đánh giá cuộc thi này như thế nào?

- Ông NGUYỄN VĂN NGAI:
Nhằm mục đích nâng cao trình độ viết văn, rèn chữ viết đồng thời góp phần xây dựng nhân cách của các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Báo SGGP đã phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM, dưới sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm Prudential đã tổ chức cuộc thi “Văn hay chữ tốt” vào đầu mỗi năm học.

Suốt 5 năm qua, quy mô cuộc thi ngày càng được mở rộng, chất lượng cũng được nâng lên một cách rõ rệt. Thời gian đầu, số lượng thí sinh tham gia khoảng 20.000, sau đó đã tăng lên từng năm. Đến năm học 2004 - 2005, số lượng thí sinh đã tăng lên 100.000 và chắc chắn cuộc thi năm 2005 số lượng thí sinh dự thi cũng sẽ tăng lên một cách đáng kể.

Khi tổ chức và tham gia cuộc thi, các thầy cô cũng như các cơ sở giáo dục rất bận rộn nhưng thầy cô cũng như các em học sinh thấy rõ lợi ích nên sẵn sàng tham gia. Chắc chắn cuộc thi là một sân chơi bổ ích và có nhiều lý thú mới thu hút một số lượng thí sinh nhiều như vậy dự thi.

- Cụ thể cuộc thi đã góp phần như thế nào trong việc dạy và học văn trong nhà trường phổ thông, thưa ông?

- Ý kiến của các thầy cô giáo từ cơ sở cũng như các bậc phụ huynh và các em học sinh dự thi đều đánh giá cao cuộc thi này. Các ý kiến cho rằng đây là một cuộc thi cần thiết, nhất là trong xu thế hiện nay môn văn là một trong những môn cơ bản trong nhà trường, nhưng tình hình giảng dạy và học tập trong thời gian qua chừng mực nào đó cũng chưa được như mong muốn. Tôi cho rằng những ý kiến như thế là hết sức xác đáng. Cuộc thi đã thực sự góp phần thúc đẩy việc dạy và học môn văn vì thế ngành giáo dục TP rất ủng hộ cuộc thi này.

- Theo ông, cuộc thi Prudential - Văn hay chữ tốt khác gì với kỳ thi học sinh giỏi môn văn?

Góp phần lớn vào việc dạy và học văn ảnh 2

Học sinh quận Bình Thạnh dự thi Prudential - Văn hay chữ tốt cấp quận năm 2005.

- Mục đích của hai cuộc thi đều nhằm thúc đẩy việc dạy và học môn văn, phát hiện và tiếp tục bồi dưỡng những em có năng khiếu về môn văn. Tuy nhiên cuộc thi “Văn hay chữ tốt” có tính chất đại trà hơn, tất cả các em học sinh bậc THCS đều có thể tham gia. Còn thi học sinh giỏi chỉ tập trung vào một số em có năng khiếu về môn văn. Và dĩ nhiên việc ra đề thi của hai kỳ thi này cũng có phần khác hơn.

Như tôi đã nói ở trên, cuộc thi đã có những đóng góp nhất định trong việc thúc đẩy việc dạy và học văn trong nhà trường. Đây là một “sân chơi” sẵn sàng đón chào các em ngay từ vòng đầu tiên, sau đó trải qua các vòng thi để loại dần.

Chủ đề cuộc thi xuyên suốt trong các năm qua là viết về tình yêu gia đình, người thân, quê hương, đất nước. Nhiều độ tuổi cùng tham gia một đề thi giúp cho chúng ta - những người lớn - hiểu hơn tình cảm tâm tư của từng em, ở từng lứa tuổi đối với gia đình, quê hương… Nội dung cuộc thi Văn hay chữ tốt có thể nói “mở” hơn những cuộc thi học sinh giỏi, vì thế tạo cho các em bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc trong bài viết hết sức tự nhiên, thoải mái…

- Từ thực tế của những năm qua, ông có đề nghị gì để cuộc thi ngày càng hấp dẫn hơn?

- Với sự hữu ích của cuộc thi như đã nói ở trên, chúng ta cần duy trì cuộc thi này hàng năm. Với quy mô ngày càng mở rộng hơn, hiện nay ngoài TPHCM cuộc thi đã mở rộng đến hầu hết các tỉnh - thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và theo ban tổ chức thì cuộc thi này trong tương lai sẽ mở rộng ra một số khu vực khác.

Ngành GD-ĐT TP luôn sẵn sàng hợp tác để cuộc thi ngày càng đạt chất lượng cao hơn và cũng sẵn sàng tạo điều kiện để các trường tham gia một cách tốt nhất. Tôi được biết nhà tài trợ cũng sẵn sàng ủng hộ việc mở rộng quy mô cuộc thi. Điều đó cho thấy xã hội đã rất quan tâm, ủng hộ cuộc thi nói riêng và việc dạy, học văn nói chung qua cuộc thi này. 

THIÊN BÚT

Một bài văn hay

Trích bài thi của thí sinh Lê Vân, học sinh lớp 6/1 Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp) đoạt giải nhất cuộc thi “Văn hay chữ tốt” lần 2 năm 2001


“-...Có những lúc ta nhớ cồn cào một giọng nói quê nhà, thèm được nghe một tiếng gà gáy sáng, thèm được thấy một buổi chiều hoàng hôn, những chú mục đồng đủng đỉnh cưỡi trâu về…

…Tàu lăn bánh, xa dần… xa dần. Sau lưng tôi là thành phố Sài Gòn – nơi mở cửa đón gia đình tôi chín năm về trước. Một ngày đêm ngồi trên tàu với bao thương nhớ, mong chờ, cuối cùng, đất Quảng cũng dần hiện ra trước mắt. Điều đầu tiên, tôi nhận thấy ngay là cái nắng chói chang, như thiêu như đốt, vẫn trút xuống mảnh đất vốn đã khô cằn này…

…Chiều hôm ấy, cô dẫn tôi đi thăm núi Thiên Ấn. Ngọn núi sừng sững giữa đồng bằng như một cái bát úp. Núi đứng uy nghi, khổng lồ… Đứng từ đây nhìn xuống, sông Trà Khúc như một dải lụa xanh khổng lồ, ôm vòng quanh núi; còn cầu Trà Khúc là sợi chỉ nhỏ mỏng manh, vắt ngang qua, làm cho dải lụa thêm phần rực rỡ. Trời về chiều, nước sông dâng lên đầy ăm ắp, những tia nắng cuối cùng đua nhau rọi xuống dòng nước trong veo. Hàng trăm cánh buồm no gió, nối tiếp nhau xuôi dòng.

Quê hương đất Quảng không những chỉ có những cảnh đẹp thơ mộng đi vào thi ca bất tận, khiến người ta đến không muốn về, mà còn có những nơi khi đến thăm, làm tim con người ta thắt lại, đau đến tận cùng của nỗi đau, đó chính là chứng tích Sơn Mỹ. Tôi nghẹn ngào và như muốn bật khóc khi được tận mắt chứng kiến những tranh ảnh, những hiện vật và lời thuyết minh về tội ác chiến tranh mà giặc Mỹ đã gây ra năm 1968 tại nơi đây. Không có một tấc đất nào ở Quảng Ngãi không là lịch sử đấu tranh được viết bằng máu. Bước từng bước ngập ngừng, tôi chợt nhận ra hết giá trị cuộc sống hòa bình ngày hôm nay. Tôi cảm thấy khâm phục và hết sức tự hào về những người dân nơi đây. Dù thiếu thốn đấy, dù khó khăn thật đấy, nhưng họ vẫn kiên cường, không chịu khuất phục trước thiên nhiên khắc nghiệt và cái nghèo vẫn đeo bám lấy họ từ ngàn đời nay.

Bây giờ, tôi chân thành cảm ơn ba mẹ vì đã cho tôi về thăm quê. Nếu không có những chuyến đi như vậy, tôi sẽ lớn lên với tâm hồn trống rỗng, vô vị biết bao. Và tôi càng thấm thía hơn tiếng lòng của nhà thơ Đỗ Trung Quân:

“Quê hương, nếu ai không nhớ,
Sẽ không lớn nổi thành người…”.

Tin cùng chuyên mục