Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” cấp quận - huyện khu vực ĐBSCL 2005

Nét mới ở vòng sơ tuyển

Nét mới ở vòng sơ tuyển

Trong 4 ngày: 6, 7 và 9, 10 tháng 10 tại các tỉnh ĐBSCL vòng thi “Văn hay chữ tốt” cấp tỉnh đã hoàn thành. Trước đó, vòng sơ tuyển cấp quận - huyện diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, trách nhiệm, chất lượng cao và có nhiều
nét mới…

  • Nhiều “mạnh thường quân” vào cuộc

Ông Tô Hiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Sách – thiết bị trường học Sóc Trăng, cho biết: “Chúng tôi đã tài trợ 30,6 triệu đồng cho 9 huyện - thị trong tỉnh (mỗi đơn vị 3-4 triệu đồng) để làm giải thưởng cho cuộc thi Prudential - văn hay chữ tốt do Báo SGGP tổ chức.

Nét mới ở vòng sơ tuyển ảnh 1

Thí sinh tỉnh Tiền Giang dự vòng thi cấp tỉnh.

Chúng tôi hiểu đây là cuộc thi hay nên muốn góp phần cho thành công của giải. Chúng tôi hy vọng sẽ được hợp tác và tài trợ cho cuộc thi này trong những năm tới”. Các địa phương khác ở ĐBSCL cũng hưởng ứng tích cực. Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau đã trích 18 triệu đồng cho giải thưởng.

Công ty cổ phần Sách - thiết bị trường học, Hội Khuyến học, Hội Phụ huynh học sinh, các cấp chính quyền nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng tài trợ cho giải.

Tuy số tiền không lớn nhưng là nguồn động viên, khích lệ cho cuộc thi sôi động hơn; thí sinh dự thi đông hơn. Tất cả tạo nên bước đột phá mới, làm tiền đề cho các cuộc thi tiếp theo và những năm sau tốt hơn.

  • Thí sinh đông, nhiều triển vọng

Cuộc thi này cũng giống như các kỳ thi học sinh giỏi khác, được tổ chức chu đáo, ấn tượng. Đề thi do ban chuyên môn gồm những thầy cô giáo giỏi của các địa phương soạn và được nhất trí cao. Việc chấm thi rất nghiêm túc và quy củ.

Thầy Trần Trọng Khiếm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP Cần Thơ, đánh giá: Đây cũng là một cuộc sát hạch học sinh giỏi; hướng học sinh đến cái đẹp của học vấn, trí tuệ và khéo léo.

Tuy là lần đầu tiên tổ chức cuộc thi Prudential - Văn hay chữ tốt ở ĐBSCL, nhưng số thí sinh dự thi vòng quận - huyện, khá đông, mỗi nơi có từ 150 đến 200 thí sinh. Số thí sinh đến từ các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc Khmer cũng chiếm một phần không nhỏ và nhiều em đạt kết quả tốt.

Một số trường có tới 2 – 3 em đoạt giải cao; lọt vào vòng thi cấp tỉnh - thành. Em Lý Minh Trân, học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Châu Văn Đơ, Vĩnh Châu, Sóc Trăng đạt điểm cao (19/20) phấn khởi khoe: “Chúng em chờ đợi cuộc thi này từ lâu. Mơ ước của chúng em đã thành hiện thực.

Cuộc thi giúp chúng em tự tin hơn cho hành trang tương lai”. Trường Trung học cơ sở Kế Sách và Phú Lộc của Sóc Trăng có 2 đến 3 em lọt vào vòng thi tỉnh và đều đạt được số điểm 17/20. Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân (Tiền Giang) có 5 em dự thi thì tất cả đều được giải cao và lọt vào vòng thi tỉnh.

Trường Trung học cơ sở Phú Hữu và Tầm Vu thuộc huyện Châu Thành và Châu Thành A có 2 em: Tô Thị Thảo Vi và Trần Ngọc Sương đạt số điểm rất cao (9,5/10 điểm). Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (Bạc Liêu) có 2 em đạt điểm cao…  

Những đoạn văn hay
(Trích những bài văn đoạt giải cuộc thi năm 2004 tại Cần Thơ)

“... Quê hương chúng mình có những cánh đồng mênh mông vàng ươm, nặng trĩu hạt vào mùa lúa chín. Con sông Hậu tươi xanh cần mẫn chở phù sa bồi đắp những cánh đồng. Những chiếc cầu tre “gập ghềnh khó đi”. Từng buổi chợ trên sông tấp nập tàu ghe, náo nức tiếng nói cười trong buổi sáng ban mai tươi đẹp, trong lành. Đó là những gì đẹp đẽ nhất của quê hương, xứ sở chúng mình, Hương có cảm nhận như thế không? Với riêng mình, những hình ảnh quê hương sắc nét, đậm tình kia sẽ khó mà phai nhòa được.

Hương còn nhớ chiếc cầu tre mộc mạc ở quê mình chứ? Chiếc cầu tre đơn giản chỉ là vài cây tre dài gác qua cái giá cắm chéo xuống lòng kinh. Cuộc sống đôi bờ đã được nối liền bởi những chiếc cầu thanh mảnh có nét chân quê và hiền lành làm sao! Ấy vậy mà bây giờ Hương ạ, chiếc cầu nhỏ ấy đã được thay bằng cầu bê-tông tráng xi-măng. Chắc Hương cũng hơi buồn và tiếc phải không? Mình thì lúc đầu cũng nghĩ như vậy, nhưng nghĩ lại rồi mới nhận ra chẳng phải ước mơ ngày xưa của chúng ta đã trở thành hiện thực sao? Quê hương chúng ta đã thật sự thay đổi bộ mặt rồi. Lúc được nhìn thấy sự thay đổi mới mẻ ấy, mình đã đứng như tê dại đi vì hạnh phúc. Mình nhắm mắt lại và cố giữ cảm xúc này mãi mãi, và nếu lúc đó có Hương để cùng chia sẻ thì hay biết mấy!”.

(Đỗ Ngô Loan Đài, lớp 8A1, Trường Trần Ngọc Quế – quận Ninh Kiều, giải ba).

“... Mình yêu những cơn mưa chợt đến rồi lại chợt đi, xóa đi cái nóng trưa hè, rửa sạch hàng cây đầy bụi. Mình yêu những vườn cây ăn trái trĩu quả mà trẻ con trong xóm vẫn thường leo trèo, rồi cười nắc nẻ dưới gốc cây. Mình yêu những dòng kênh xanh mang phù sa bồi đắp cho cánh đồng lúa trĩu hạt. Và còn rất nhiều điều khác nữa như bạn đã thấy lúc về quê mình chơi. Nhưng, từ ấy đến giờ đã năm năm rồi nhỉ? Biết bao sự đổi thay trên quê hương của mình mà bạn chưa biết.

(Lư Thùy Sơn Thụy, lớp 8A1Trường THCS Lê Bình – quận Cái Răng, giải khuyến khích).

“... Mỗi khi cây phượng đầu làng nở những đóa hoa học trò màu lửa để báo hiệu hè sang cũng là lúc lũ về trên quê mình. Những trận lũ ào ạt đổ vào làng như con thủy quái hung hãn muốn nuốt chửng cả ruộng đồng, nhà cửa. Những cánh đồng không có đê bao chống lũ và những căn nhà lá tạm bợ làm sao chống đỡ nổi sự công phá ào ạt của sức nước. Khi lũ rút sau những ngày tung hoành dữ dội, để lại trên quê hương mình một quang cảnh đổ nát, xiêu vẹo cùng với những thiệt hại to lớn về vật chất - thậm chí là con người. Ngày nay, cái cảnh “lũ nuốt người” ấy đã trở thành quá khứ”.

(Lương Bạch Thảo, lớp 9C, Trường THCS TT Thốt Nốt, giải nhất).

“... Bạn còn nhớ những kỷ niệm thân thương của hai đứa chúng mình bên dòng sông quê hương không? Còn mình, mình không sao quên được những lúc vui vẻ mà mình cùng Hà tắm sông với dòng nước mát lành như sữa mẹ. Con sông ấy đã tắm mát cho mình những hôm thời tiết nóng nực. Được đắm mình vào dòng sông, mình và bạn thấy hạnh phúc và dễ chịu lạ thường. Thỉnh thoảng trên sông lại có những bụi lục bình trôi qua, thế là bọn mình lại bơi ra hái bông tim tím ấy rồi cài lên mái tóc ướt đẫm nước sông. Mình cũng không sao quên được những lúc chúng mình cùng nhau bàn luận, học bài dưới tán lá xanh rậm của những cây trúc, hay những trò chơi dân gian quen thuộc của hai đứa chúng ta. Bạn còn nhớ không Hà?”.

(Nguyễn Trung Ngân, lớp 9A2, Trường Giai XuânHuyện Phong Điền, giải ba, giải bài văn xúc động nhất).

LÊ BÌNH

Tin cùng chuyên mục