Loài Plastic vốn là một dự án phi lợi nhuận về môi trường được triển khai từ tháng 7-2019, thu hút gần 25.000 người theo dõi với hàng trăm ngàn lượt tương tác trên mạng xã hội, cùng với chuỗi hoạt động thiết thực vì môi trường tại các cửa hàng thương hiệu Việt, các sự kiện triển lãm tại Hà Nội và TPHCM. Vào năm 2019, dự án đã được vinh danh tại hạng mục Đời Sống Giới Trẻ - Kẻ Trộm Nhựa, Giải thưởng WeChoice Awards.
Nhóm thực hiện dự án gồm các bạn trẻ là các họa sĩ, nhà văn, nhiếp ảnh gia… đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo nội dung. Từ thành công của dự án, cuốn sách Loài Plastic - Khi nhựa trỗi dậy đã ra đời với mục tiêu lan tỏa rộng hơn thông điệp “hiểu về nhựa để có cách sử dụng đúng đắn” trong cộng đồng.
Qua những hình vẽ sống động và cách tạo hình đầy sức gợi trong cuốn sách, thế giới loài Nhựa đã hiện lên vô cùng đa dạng và phong phú. “Loài Nhựa” được chia thành 7 đại gia tộc với những đặc điểm riêng biệt về độ cứng hay sự mềm dẻo, khả năng chịu nhiệt, tái chế, độ lành tính hay độc hại. 32 loài Nhựa được "tìm thấy" trong cuốn sách chính là các sản phẩm nhựa dùng một lần phổ biến trong đời sống hiện đại, nhưng lại tiềm tàng nhiều mối nguy hại đến môi trường.
Tiêu biểu là các loài Túi Ni-lông, Ống Hút, Bọc Nắp Chai, Áo Mưa Giấy, Chai Nhựa, Dây Gắn Tag, Màng Bọc Thực Phẩm, Túi Chữ T, Khăn Ướt, Dây Câu, v.v… Loài Cây Ráy Tai có mức độ nguy hiểm 2/5, với khả năng dễ dàng vượt qua các lớp xử lý nước thải để trôi dạt ra các bờ biển, vùng đất liền. Loài Tăm/ Chỉ Nha Khoa thường tồn tại theo “bầy” với số lượng lớn, chúng rất khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên vì tuổi thọ có thể dao động từ 50 đến tận 500 năm. Loài Hạt Vi Nhựa được "xếp hạng" nguy hiểm 5/5 do kích thước siêu nhỏ và khả năng gây hại đến sức khỏe con người và sinh vật sống…
Sách cũng cung cấp nhiều thông tin cập nhật về tình trạng báo động của rác thải nhựa trên toàn cầu, cũng như các biện pháp thay đổi điều này của một số quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, sách có phần hoạt động tương tác thú vị giúp bạn đọc có thể tham gia trắc nghiệm, trả lời câu hỏi nhằm đánh giá sự hiểu biết về “loài Nhựa” hay mức độ phụ thuộc của bản thân vào các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Tác giả của Sống xanh rồi mới sống nhanh là blogger 9X Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, quê ở Bà Rịa -Vũng Tàu. Yêu thích viết lách, Quỳnh Hương từng cộng tác với nhiều đơn vị báo chí, có các bài viết về chủ đề bảo vệ môi trường trên trang blog cá nhân Mình là Hũ, tích cực tham gia giảng dạy về lối sống xanh cho trẻ em.
Từ tháng 7-2017, sau khoảng thời gian chênh vênh của tuổi 20 và muốn đi tìm lẽ sống, Quỳnh Hương tình cờ tham dự Diễn đàn về Thanh niên và Phát triển bền vững, cơ duyên gặp gỡ những nhân vật truyền cảm hứng đã thúc đẩy cô gái trẻ theo đuổi con đường sống xanh và làm một điều gì đó có ý nghĩa cho Trái đất.
Sống xanh rồi mới sống nhanh được chia làm năm phần, sách đi từ việc khái quát những hiểu lầm phổ biến trong cách hiểu và thực hành less-waste, các vấn đề tổng quát về lối sống này, đến những cảm nhận, trải nghiệm chân thực, câu chuyện cá nhân của tác giả và những người xung quanh khi bắt tay vào việc sống giảm rác.
Đặc biệt là những kinh nghiệm giúp hành trình sống giảm rác thải trở nên dễ thực hiện hơn, “gieo” thói quen tốt từ những việc nhỏ mỗi ngày, học cách xử lý và tái chế rác một cách tối ưu... Có thể nói, cuốn sách vừa là cẩm nang thông tin, vừa là nhật ký trải nghiệm, gắn với bối cảnh xã hội, văn hóa của Việt Nam, sự quan tâm hay những băn khoăn cụ thể của người trẻ Việt về các vấn đề bảo vệ môi trường.
Là một blogger, cách viết của Quỳnh Hương vừa như chuyện trò, chia sẻ, lại vừa có tính "hùng biện", phân tích để đối thoại. Cô đưa ra những quan điểm riêng của mình về sự nhập nhèm trong cách sử dụng các khẩu hiệu "bảo vệ môi trường", "Mẹ thiên nhiên", những hành động “đội lốt” vì môi trường hay cách marketing "tẩy xanh", "giả thân thiện" với tự nhiên.
Không truyền tải một thông điệp cứng nhắc, từ tên gọi của mình, Sống xanh rồi mới sống nhanh cổ vũ sự "ưu tiên" dành cho việc xây dựng lối sống lành mạnh, thân thiện với môi trường của các bạn trẻ trong nhịp sống ngày càng hiện đại, hối hả. "Sống nhanh ở đây cụ thể đại diện cho đời sống nhanh - tiện - một lần của xã hội hiện tại. Việc sử dụng từ 'sống xanh' và 'sống nhanh' không lột tả hết lối sống và lựa chọn nhưng tôi dùng từ này bởi nó dễ hiểu với số đông." - Quỳnh Hương chia sẻ.
Nếu Loài Plastic - Khi nhựa trỗi dậy có cách tiếp cận độc đáo qua kênh hình ảnh, giúp việc tiếp nhận các thông tin, kiến thức về việc sử dụng nhựa trở nên dễ hiểu, sống động ngay cả với những người “ngại đọc” thì Sống xanh rồi mới sống nhanh lại mang đến góc nhìn tích cực, cổ vũ bạn đọc trẻ bước vào hành trình sống thân thiện với môi sinh ngay từ hôm nay.
Bộ đôi ấn phẩm hiện đã phát hành trên toàn quốc. Nhóm tác giả của hai cuốn sách trên cho biết, họ đều muốn dùng nhuận bút từ sách để đóng góp, ủng hộ cho các dự án vì môi trường.