

Hai năm trước đây, ý tưởng mời nông dân góp vốn bằng tiền bồi thường giá trị quyền sử dụng đất vào Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị cảng Hiệp Phước của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người bởi lẽ đây là một trong những giải pháp hay cho việc đảm bảo cuộc sống cho người dân sau giải tỏa. Chính vì thế, hình thức triển khai ý tưởng này là điều được trông đợi. Với những nghiên cứu bước đầu, ông PHAN HỒNG QUÂN (ảnh), Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận - chủ đầu tư xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước, cho biết:
Người dân thường để dành 15% tiền đền bù
Chúng tôi đã nhiều lần tiếp xúc trực tiếp với người dân cũng như không ít lần quan sát người dân nhận tiền đền bù thông qua các ngân hàng. Điều mà chúng tôi nhận thấy là hầu hết người dân thường chỉ dành lại khoảng 15% tiền đền bù để gửi tiết kiệm cho dù ngay sau khi chi trả tiền đền bù, các ngân hàng đều hướng dẫn người dân gửi tiền trở lại để dành.
Khi chưa có tiền, có thể người dân sẽ không nghĩ đến việc mua sắm nhưng có tiền rồi thì lại khác. Người muốn mua xe cho con, muốn mua tivi mới to hơn… cũng có người dùng phần lớn số tiền đền bù để mua một miếng đất mới, xa hơn để sinh sống. Chúng tôi đã trao đổi những thông tin này với Viện Kinh tế (đơn vị được UBND TP HCM giao nghiên cứu đề án: nông dân góp vốn bằng tiền bồi thường giá trị quyền sử dụng đất vào Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị cảng Hiệp Phước). Điều thú vị là Viện Kinh tế cũng có những nhận xét tương tự.
- Vậy các ông chọn 15% tiền đền bù là mức góp vốn mà người dân có thể tham gia?
- Vấn đề này sẽ phải được cân nhắc trên cơ sở cân đối vốn góp của các cổ đông sáng lập và các cổ đông khác nữa.
Nông dân được mua cổ phiếu với giá gốc

- Là một cổ đông đặc biệt, người nông dân có được ưu đãi đặc biệt nào khi tham gia vào Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị cảng Hiệp Phước?
- Đã có nhiều ý kiến bàn cãi xung quanh vấn đề này. Có người đã đề nghị nên trợ cấp cho người nông dân trong thời gian công ty cổ phần chưa sinh lãi. Tuy nhiên, việc ấy sẽ gây băn khoăn cho những cổ đông khác. Hơn nữa, nếu mức trợ cấp cao, e công ty cũng không chịu được. Chúng tôi đang suy nghĩ theo hướng, người nông dân có thể dùng 15% tiền đền bù mua cổ phiếu với giá gốc và được quyền bán cổ phiếu đó như những cổ đông bình thường khác.
- Hình như Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận đã thí điểm bán cổ phiếu cho nông dân ở ấp Long Hậu (Hiệp Phước) theo hướng trên nhưng không thành công?
- Còn rất nhiều nông dân chưa hiểu cổ phần, cổ phiếu là gì nên họ không mua. Điều chúng tôi đang lo là có không ít “cò” đã lợi dụng điều này để mua lại quyền mua cổ phần của nông dân với giá rất rẻ, chỉ khoảng 1.2; 1.3… Đã có ý kiến nên dùng biện pháp hành chính để ngăn cản việc này để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân. Chúng tôi đã báo cáo thực tế này lên lãnh đạo thành phố và đề nghị có giải pháp đột phá để giải quyết.
Thành viên sáng lập có uy tín, tiềm năng và kinh nghiệm
- Đó là giải pháp gì, thưa ông?
- Minh bạch hóa mọi vấn đề và tạo điều kiện cho người nông dân tham gia vào hoạt động quản trị đồng thời với công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân những kiến thức cơ bản về cổ phần, cổ phiếu…Đặc biệt, những thành viên sáng lập phải là những đơn vị có đủ điều kiện, uy tín để đảm bảo cho công ty cổ phần hoạt động hiệu quả, thực hiện được những chính sách đã cam kết với nông dân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đánh giá người nông dân sẽ là những cổ đông hết sức bất định. Có thể trong 3 tháng đầu sẽ có đến 50% nông dân bán cổ phần của mình đi.
- Ông có dự kiến những thành viên sáng lập cụ thể là những ai không?
- Đó phải là những cá nhân, đơn vị đã gắn bó với con người và mảnh đất Hiệp Phước. Ngoài các điều kiện nêu trên, các thành viên khác (không phải nông dân) sẽ phải là những nhà đầu tư lớn, có tiềm năng, có kinh nghiệm.
- Cám ơn ông.
Sắp công bố luồng Soài Rạp Theo Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển (Port Coast)-đơn vị nghiên cứu nạo vét sông Soài Rạp, công tác nạo vét dòng sông này (giai đoạn đầu) đã cơ bản hoàn tất; công tác rà, phá bom mìn cũng đã xong. Hiện chỉ còn chờ Bộ Giao thông Vận tải làm các thủ tục pháp lý để công bố luồng. Dòng Soài Rạp có chiều rộng rất lớn nhưng lại có vài điểm cạn. Do vậy, Soài Rạp không được xem như là một luồng tàu chính thức để cho tàu biển ra vào TPHCM như sông Lòng Tàu. Tuy nhiên, sau khi được nạo vét, Soài Rạp có thể tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn ra, vào. |