Góp ý Đề án chính quyền đô thị - Nhiều băn khoăn về đội ngũ

Ngày 25-8, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt các quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở và Đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy, lãnh đạo sở, ban, ngành TPHCM góp ý Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị. Tham dự còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy.
Góp ý Đề án chính quyền đô thị - Nhiều băn khoăn về đội ngũ

(SGGPO).- Ngày 25-8, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt các quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở và Đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy, lãnh đạo sở, ban, ngành TPHCM góp ý Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị. Tham dự còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy.

Với tư cách là những “người trong cuộc” đang vận hành bộ máy đồng thời trực tiếp triển khai nếu đề án được thông qua, các đại biểu đánh giá cao dự thảo đề án chính quyền đô thị TPHCM, nhưng cũng bày tỏ không ít băn khoăn liên quan lớn đến đội ngũ. 

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

 
Đánh giá tác động của việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, các đại biểu cho rằng cốt lõi của mô hình chính quyền đô thị nêu ra trong đề án là nâng cao quyền tự chủ, phát huy hơn nữa tính năng động, sáng tạo của thành phố. Để đạt những mục tiêu này, TPHCM sẽ thực hiện các biện pháp thiết kế tổ chức bộ máy, tái bố trí địa giới hành chính, thay đổi phương thức phân cấp nhằm củng cố các cơ sở cần thiết cho một chính quyền thật sự của dân, do dân và vì dân, đồng thời thay đổi tư duy, phương thức quản lý, điều hành. Bộ máy hành chính sau khi giảm đầu mối, tinh gọn sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn, phục vụ người dân tốt hơn… Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm, trong ngắn hạn, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị được dự báo sẽ có các xáo trộn do tổ chức lại bộ máy quản lý, sắp xếp nhân sự, điều chỉnh địa giới hành chính. Việc tinh gọn bộ máy dẫn đến tác động theo hai hướng: theo hướng tích cực, bộ máy thu gọn, quy rõ đầu mối trách nhiệm, trở nên năng động, có điều kiện tiếp nhận người mới để trẻ hóa đội ngũ cán bộ; mặt khác, không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực, việc giảm bớt số lượng cán bộ, công chức sẽ tác động đến tâm lý, một bộ phận có thể không ủng hộ những cải cách lớn…

Chủ tịch UBND quận 9 Nguyễn Hữu Việt góp ý kiến về đề án chính quyền đô thị. Ảnh: Việt Dũng
Chủ tịch UBND quận 9 Nguyễn Hữu Việt góp ý kiến về đề án chính quyền đô thị. Ảnh: Việt Dũng

Đồng tình với đề án nhưng Phó Bí thư thường trực Quận ủy quận 5 Trần Thị Anh Vũ cũng không khỏi băn khoăn cho biết hiện nay áp lực công việc từ trên dồn xuống các phường rất nhiều. Thống kê cho thấy cấp phường phải giải quyết hơn 200 đầu việc, nhưng đội ngũ công chức phường vẫn chưa chuẩn hóa, do yêu cầu công việc nên cứ chấp nhận vậy theo kiểu “có sao xài nấy” .

Theo bà Trần Thị Anh Vũ, dứt khoát khi triển khai chính quyền đô thị phải tính lại đội ngũ ở các cấp, bên cạnh việc phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, đầu mối xử lý công việc của từng cơ quan, cũng phải tính toán lại bộ máy cán bộ công chức cho tương xứng. Trong đó tiêu chuẩn về nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn, năng lực điều hành phải được coi trọng.

Phát biểu tiếp theo của Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Hoa cũng là tâm tư của nhiều lãnh đạo các quận, huyện khác. Ông Nguyễn Văn Hoa cho biết: Đại hội cấp huyện diễn ra năm 2015, nếu thuận lợi, đề án sẽ triển khai đầu năm 2016, huyện Hóc Môn sẽ nhập lại thành thành phố Bắc, vậy vấn đề nhân sự sẽ giải quyết như thế nào? Chỉ tính riêng đội ngũ cấp xã (chuyên trách và bán chuyên trách) là khoảng 44 người, tính toán lại sẽ dôi dư ra rất lớn. Ở dưới cán bộ đang bàn tán, xôn xao dữ lắm vì không biết tương lai họ đi về đâu? thành phố sẽ giải bài toán này ra sao?

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định bản chất của chính quyền địa phương là phục vụ người dân. Mô hình chính quyền đô thị lấy người dân làm trung tâm để đưa ra những thiết kế mới nhằm mục đích phục vụ người dân tốt hơn, trong đó có yếu tố bộ máy hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp hơn. Nhận thức được khó khăn này để các địa phương, đơn vị quán triệt nguyên tắc thận trọng, từng bước và tránh xáo trộn lớn trong đội ngũ cán bộ.

Đồng chí Lê Thanh Hải cho biết: Nếu các bước chuẩn bị đề án được suôn sẻ, tháng 10-2013 Quốc hội sẽ ra nghị quyết cho TPHCM thực hiện thí điểm đề án nói trên. Đến giữa 2014 có thể Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh một số địa giới hành chính theo đề nghị của TPHCM. Như vậy, từ cuối 2014 đến năm 2015 là giai đoạn chuẩn bị các mặt, kể cả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng chức năng, nhiệm vụ của chính quyền theo mô hình mới và tổ chức bộ máy mới.

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục